BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Lá thư bạn đạo
Nghệ sĩ Tiến sĩ Bạch Tuyết
Sài gòn, 2001


  

[02]

Nghệ nhân Kim Cúc

-ooOoo-

Chúng tôi quen gọi Cô là Cô Hai, hoặc nhõng nhẽo một chút là Má Hai Kim Cúc. Cho dù gọi thế nào, trong ký ức tôi, hình ảnh Cô mãi mãi đẹp bởi nhân cách, bởi nét tài hoa của người nghệ sĩ, hy sinh trọn lòng vì nghiệp tổ, thương yêu dạy dỗ, trân trọng chăm chút từng diễn viên trẻ là thế hệ sau mình. Cô dành trọn cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật, chịu thương chịu khó nuôi dạy các con nên người bên cạnh người bạn đời là NSND Nguyễn Thành Châu tức Năm Châu, người Thầy cao quý của bao thế hệ nghệ sĩ.

Ðiều may mắn và hạnh phúc lớn lao trong đời làm nghệ thuật của tôi là được học nghề với các bậc nghệ nhân tiền bối vừa có tài vừa có công lớn gầy dựng và phát triển nghệ thuật cải lương. Ở NSND Năm Châu tôi được bồi dưỡng tri thức để hiểu và trân trọng lịch sử, quá trình hình thành trên dưới năm trăm loại hình sân khấu trẻ của dân tộc trong hoàn cảnh đất nước thăng trầm. Ông thường vỗ đầu tôi: "Con còn nhỏ mà sao thích tìm hiểu những vấn đề lớn lao như vậy? Nói thì nói vậy, chớ Ba Năm quý mấy đứa như con, làm người phải nhớ cội nguồn, làm nghệ sĩ phải học để biết nói lời hay, qua vai diễn giúp cho người nhận ra điều phải, biết yêu đất nước, yêu dân tộc, lấy đó làm lẽ sống". Ông dạy tôi chuẩn bị như thế nào cho những phút nhân vật im lặng mà sàn diễn rung động như sắp nổ tung. Ông dạy cách làm sao cho câu thoại của bạn diễn nổi bật mà khán giả vẫn thấy tính hợp lý, sức nặng, sự hiện diện cần thiết của nhân vật mình thủ diễn.

Với Cô Hai Kim Cúc, sự xuất hiện của mỗi vai diễn trên sân khấu dường như có giá trị ngang bằng của một luận văn đại học. Tôi đọc qua cho Cô nghe lời thoại của tất cả các nhân vật, Cô bắt ngừng lại từng đoạn do Cô chọn, Cô sắp xếp lại theo trình tự của riêng Cô trong khi đi, đứng, cúi xuống, ngước lên, đọc thật to một đoạn hoặc nói thật nhỏ chỉ mình Cô nghe rõ. Vậy là Cô đã thiết kế xong cho nhân vật những đường dây đan vào nhau, từ mẫu thoại ngắn cho đến những đoạn độc thoại vài ba trang với đầy đủ động tác, cảm xúc. Ðiều quan trọng là Cô không cho phép tôi sao chép lại những sáng tạo thật quý báu mà Cô khổ công sáng tạo. Cô nói: "Ðây là cách Cô học từ Ba Năm Châu của con, khi đứa trẻ chưa có khái niệm về cái đẹp đã được trau chuốt, nó cần có cái bánh mẫu để quan sát, nhìn ngắm, tưởng tượng và yêu mến. Sáng tạo mới dựa trên cái có thật đầy ấn tượng giúp con bay bổng trong nghệ thuật, nó sẽ được hình thành độc đáo rất riêng con mà không đi chệch con đường nghệ thuật chân chính". Và rồi Cô ngồi im lặng, có khi hàng giờ nghe học trò của Cô nói lên những cảm nghĩ, những sáng tạo cho dù non nớt về vai diễn, cách thể hiện, cách xử lý giọng ca, lối nói... tự sự hoặc đối thoại. Sau khi Cô hoàn toàn đồng ý cách nhận thức, trình bày của người diễn viên đối với nhân vật Cô mới quyết định lên sàn tập.

Có những động tác tưởng như bình thường chẳng có gì khó khăn nhưng tôi tập đi tập lại đến hai hoặc ba mươi lần cho đến khi Cô nói: "Ðược rồi đó con!". Cô lược những gì sơ lược thô thiển đời thường, trao lại cho các học trò của mình những chi tiết trung thực chân chất nhưng đầy tính thuyết phục của hình thức nghệ thuật bác học mà không xa rời chất tự tình dân tộc.

Lần đó Cô tập cho tôi vai một cô gái giang hồ, Cô nói đứa con gái nghèo vì hoàn cảnh nó sẽ biết xấu hổ không muốn cho người ta biết chuyện nó làm, còn lại thứ hai nó bằng lòng với nghề, thích làm dáng ra vẻ ta đây sành sỏi dạn dày khó thương ... Khi nắm được cốt lõi của các tính cách nhiều chiều của nhân vật thì người diễn sẽ chẳng khó khăn gì trong quá trình xây dựng nội dung cũng như hình thức làm cho nhân vật của mình có một sức sống tự thân vô cùng chân thật.

Theo Cô nghệ thuật ca – kịch cải lương đòi hỏi người diễn viên tiếp cận với nhiều cách nhiều phương pháp nghệ thuật khác nhau từ hình thức vũ đạo của sân khấu cổ truyền đến kịch hát Tây và rồi các hình thức múa của nhiều phong cách múa trên thế giới, cách thể hiện tinh tế của những nhân vật trong phim ảnh... Bởi cải lương là loại hình nghệ thuật mở, cải tiến không ngừng, tiếp nhận và chuyển đổi liên tục. Những nhân vật của cải lương vô cùng phong phú đó là người nông dân, là người trí thức, là quan chức, là thương buôn, là người vũ công múa ba lê, là nhà bác học, là người ăn xin là vị anh hùng... Thế giới càng văn minh khoa học kỹ thuật càng tiến bộ đời sống với những tiện nghi ngày càng cao đáp ứng sự đòi hỏi của con người... Bản thân những người làm nghệ thuật càng cần phải cố gắng nâng mình lên mới có thể phục vụ cho khán giả một cách tự tin và có ý nghĩa.

Cô Hai Kim Cúc đã ra đi nhưng những gì Cô đóng góp, những gì Cô để lại thông qua các vai diễn của Cô cho nhiều thế hệ công chúng khán giả, các học trò của Cô đang vẫn chịu thương chịu khó với nghệ thuật sân khấu cải lương ... tất là là vô giá.

Chúng tôi nhớ đến Cô, trả ơn Cô bằng cách mỗi vai diễn, tìm và thể hiện cho ra nội dung sâu sắc với hình thức vừa đẹp vừa chân thật cống hiến cho công chúng khán giả yêu mến loại hình sân khấu cải lương, một trong những nhân tố văn hóa khẳng định nhận dạng Quốc Gia khi sánh vai cùng các nền văn hóa khác trên hành tinh, như ước nguyện của Cô Hai và của NSND Năm Châu thuở sinh thời./.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | Trang kế


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, tháng 04-2001).


[Trở về trang Thư Mục]

update: 14-04-2001