BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Lá thư bạn đạo
Nghệ sĩ Tiến sĩ Bạch Tuyết
Sài gòn, 2001


  

[03]

Thư gởi người nữ tu sĩ trẻ

-ooOoo-

Cám ơn biết bao những ý tứ hồn nhiên trong lá thư của Cô. Ở đó là sự tin cậy thương yêu, những trao đổi chân tình làm ngời sáng lẽ đời, lẽ đạo.

Có hôm tôi ngồi vẽ một bức tranh, để rồi sau đó, sự "biết" đã bất chợt đến một cách diệu kỳ, tôi không dùng từ "ngộ" mà chỉ dám gọi đó là tánh "biết". Bức tranh được chia làm hai phần: Một là quá khứ, hai là tương lai. Cái chấm tròn ở giữa là hiện tại. Chấm tròn có thể ví là một con người đang tồn tại. Muốn có một người phải có cha mẹ, muốn có cha phải có ông nội bà nội, muốn có mẹ phải có ông ngoại bà ngoại, muốn có ông nội phải có ông bà cố nội, muốn có bà nội phải có ba và má của bà nội, và bên ngoại... Cứ như vậy đến lúc bức tranh gần như bít bùng như những rễ cây chằng chịt của một khu rừng cấm, không tìm ra được lối đi (đây cũng chỉ giới hạn từ cửu huyền thất tổ), chứ xa hơn nữa, ngay cả những dấu chấm cũng không biết đặt vào đâu. Ðó chỉ mới là mình, là quá khứ của mình, những nơi mà mình từ đó để đến trần gian này. Một người lập gia đình có nghĩa là bức tranh đã hoàn chỉnh. Hôm qua của mình cộng với hôm qua của người hôn phối, đó là tương lai, là nhìn, nghe, thấy, cảm cái quy luật vẫn vận hành. Vậy là con người ở giữa vòng trầm luân chìm nổi, khó định được bến, bờ, họa, phúc mà mình sẽ được nhận hoặc trả. Cứ như thế mà đi giữa nắng mưa giông tố, giữa bình yên cuộc đời, bất chợt. Bởi vì đâu ai có thể trả lời được, trong nhiều hệ tộc những người trên trước, trưởng thượng đã làm được bao nhiêu điều thiện, đã gây bao nhiêu điều ác. Và chúng ta, cái con người đang có mặt trong hiện tại với bao nhiêu chằng chịt níu kéo của bóng đêm quá khứ, làm sao không liên hệ với những ân oán đó? Ví như một trái xoài, sau khi ăn, người ta quăng hạt xuống đất, đủ nước đủ phân, mấy năm sau ở đó mọc lên cây xoài. Ai trong chúng ta sẽ đếm được bao nhiêu trái xoài trên cây đã được phân phối đi, trái nào ngon, trái nào sâu, trái nào sẽ mọc lên những cây xoài cằn cỗi hoặc xanh tốt khác? Ðức Phật nói: "Từ vô thỉ vô chung" -"Vòng sanh diệt" và đó là sự thật. Ðức Phật nói: "Nhờ có trí tuệ, chúng sanh sẽ nhận biết được Phật tánh để đi đến giác ngộ và thoát khỏi vòng sanh tử". Ðức Phật đã chứng minh điều đó từ bản thân Người trên đường đi tìm Ðạo.

Người tu sĩ là người đã làm nên chuyện vĩ đại cho đời mình, ngay khi quyết định đặt bước chân vào thế giới của sự an lạc; người đó đã nhận được phước duyên từ nhiều kiếp, ly gia cắt ái cắt nghiệp trong quá khứ của mình, bởi hành động thiết thực của Giới - Ðịnh - Huệ, từ chối nhận cái quá khứ của người khác. Trước mặt thênh thang đất rộng trời cao, chứ không bị che mờ, bị luẩn quẩn trong sáu nẻo vừa của mình, vừa của người.

Các bạn đạo thân mến,

Sự hiểu biết của tôi về mọi việc rất hạn hẹp, nhưng trong mỗi sát na, mỗi hơi thở ra vào, tôi theo lời chỉ dạy của Ðức Phật quyết tìm ra mình, tìm thấy mình trong bản thể của mọi vật. Hành trình này không khó nhưng cũng không dễ. Sự kiên trì tinh tấn bao giờ cũng cần thiết cộng với sự hỗ trợ của thầy, của bạn. Chúng ta nhất quyết rời bến mê, nhờ thuyền Bát nhã ngày càng mau đến gần bờ giác. Khi tôi chắp tay cúi mình lễ lạy các vị Thanh Văn, tôi tự nói với mình, đó là vì tôi ngưỡng mộ, kính trọng sự sáng suốt, sự quyết tâm, dứt bỏ mê lầm bước sang nẻo giác, trước hết của những con người có được đầy đủ phước duyên từ nhiều tiền kiếp. Tôi đang đi theo con đường các vị đi, và nguyện phước báu đến với mỗi người trong chúng ta mỗi giây mỗi phút.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | Trang kế


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, tháng 04-2001).


[Trở về trang Thư Mục]

update: 14-04-2001