BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Lá thư
bạn đạo
Nghệ sĩ Tiến sĩ Bạch Tuyết
Sài gòn, 2001
[19] Trái tim, tình người -ooOoo- Thư gửi bạn Ngọc Sĩ (Ðà Nẵng). Bạn đã viết một lá thư thật dài, thật tình cảm nói về con đường tiến tu của bạn khiến tôi vui vẻ nhẹ nhàng khi đọc. Con đường của bạn đi đến sự giác ngộ giải thoát không suôn sẻ trơn tru. Con đường với bao chông gai, hầm hố, bụi bờ; nhưng điều quan trọng là bạn đã gồng gãnh, đã kiên trì vượt lên trên "Từng cây số". Vượt lên trên số phận mình để mỗi lúc quay lại nhìn đoạn đường đã qua bằng con mắt hiểu biết, cái nhìn cảm thông, tấm lòng rộng mở, tâm hồn thanh thoát, để vẫn trân trọng với mình yêu thương cuộc sống, yêu thương con người, nhìn sự tàn ác bất công như là một quá trình sàng lọc để đến cái đẹp, cái thiện lương của nhân loại bằng ánh sáng trí tuệ nhận được từ giáo lý của Ðức Phật. Ðiều này mọi Phật tử chúng ta đều muốn vươn tới, muốn đạt tới, nhưng không phải ai cũng có duyên may gặp được, thấy được và hành động đúng như vậy. Sự việc bạn kể quả đáng như bạn nhận định, là vừa do bất cẩn vừa do cách tổ chức non kém, đồng thời vừa do nghiệp báo của mỗi chúng sanh. Khi ta muốn đi đâu, làm việc gì, cho ai, ta cần sắp đặt mọi việc như nó cần phải có. Ta đi chùa, đi đến chỗ đông người, đi xem hát, đi mua sắm ..v.v.. Ta tự hỏi ta cần có bao nhiêu tiền cho việc này, ta ăn mặc ra sao cho vừa gọn, vừa tiện... Thấy nơi này đông quá, chen chúc quá thì ta đợi, ta đi chậm lại, đi trước một ngày, đi sau một ngày Phật vẫn ở đó, thậm chí ở ngay trong ta vậy. Tại sao ta phải giành giựt lấn chiếm để được đi trước, được ngồi trước, được nếm trước, được gọi tên trước..v.v.. Khi mê, mình muốn việc gì cũng phải nhất, phải giỏi nhất, phải hay nhất, phải đẹp nhất, phải uy quyền nhất, phải cao sang nhất, phải ăn trên ngồi trước thiên hạ. Nói mê là vì làm sao mà nhất hết được. Ở mỗi cái xã, ông chủ tịch xã là nhất, nhưng lên đến huyện thì ông huyện là nhất và khi lên đến tỉnh thì ông tỉnh là nhất... và cứ như vậy cho đến ông vua thì cũng lại còn có vua nước nhỏ, vua nước lớn và rồi cũng đâu phải ai cũng làm vua hoài. Lại cũng chưa từng có ai ở ngôi vua hoài mà không đau ốm bệnh hoạn, hay chết. Gần đây nhất chúng ta được xem phim vị vua cuối cùng của Trung Hoa, do một đạo diễn người Mỹ dàn dựng (The Last Emperor). Chúng ta thấy gì trong đó. Chúng ta nhớ lời Ðức Phật dạy: "Thương chúng sanh vui chơi trong ngôi nhà lửa. Nhìn quy luật sinh thành hoại diệt. Bị chìm đắm trong dâu biển, đổi dời từng phút từng giây mà tưởng chỉ xảy ra cho ai đó, chớ không phải mình". Câu chuyện phim diễn tiến xung quanh sự cáo chung của một triều đại phong kiến, khiến chúng ta sao khỏi ngậm ngùi cho kiếp nhân sinh, cho chính thân phận của mỗi chúng ta, và rồi nhân vật ông vua thuở nhỏ được chiều chuộng, được hầu hạ đủ điều, đủ cách, khi thời thế đổi thay, ông không biết làm sao để sống như một người dân thường. Chúng ta thương ông và tự hỏi trong tận cùng của nỗi đau mất mát chắc ông đã tìm ra ý nghĩa chân thật nhất của đời người... giúp ông tự mình tìm đường thoát khỏi cơn mê? Qua lá thư, cảm ơn bạn đã truyền cho tôi niềm tin, cảm hứng để cùng nhắc nhở nhau, bồi dưỡng cho nhau ý nghĩa thâm sâu diệu mầu của đạo pháp. Và còn nữa, ta gửi cho nhau nụ cười hồn nhiên từ trái tim nồng ấm tình người. Nụ cười nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng chánh niệm bằng hơi thở thiên thần, đếm mỗi ngọn gió ra vô theo xác thân hình thành từ cát bụi. Nhắc nhở nhau cái ngắn ngủi thật quý báu của mỗi kiếp người trong dòng sống miên viễn của đất trời, của vạn vật. -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, tháng 04-2001).
update: 14-04-2001