BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Lá thư bạn đạo
Nghệ sĩ Tiến sĩ Bạch Tuyết
Sài gòn, 2001


  

[22]

Tôi đi tìm tôi

-ooOoo-

Bạn T.Ð.T quý mến,

Bạn hỏi tôi nguyên nhân nào tôi đến với Ðạo? Nguyên nhân nào làm nên sức mạnh cho tôi vững vàng trong Ðạo?

Có nhiều nguyên nhân, nhưng cái chính có lẽ là cái chết bất ngờ vì tai nạn xe hơi của má tôi lúc tôi mới được 8 tuổi. Tôi không hỏi được ai, cũng không có lời giải thích nào về phía người lớn có thể thuyết phục tôi.

Tại sao con người sinh ra? Tại sao con người chết?

Tại sao mỗi ngày con người đi làm cực khổ mua thức ăn tươi, mới, thức uống đầy đủ cho vô cái thân mà nó vẫn già, vẫn bệnh, vẫn hoại và biến mất trên cuộc đời này? Mình ở đâu tới trong cái giọt nhỏ xíu trong thân của hai người mà sau đó khi ra đời mình gọi bằng Ba bằng Mẹ? Mình tình cờ tới hay vì nguyên nhân nào khác mà mình hoàn toàn mù mờ không biết? Vì sao cùng một ba mẹ sinh ra mà người này xấu người kia đẹp, người này ngu người kia khôn, người này yếu ớt người kia mạnh khỏe? Mình là ai mà không biết được chừng nào mình cảm, chừng nào đau gan, đau phổi, đau lưng, đau đầu, đau mắt... Sống bao lâu, chừng nào chết, chết vì cái gì?... Mình là ai mà người "đẻ" ra mình, cho mình có cái thân này, nhưng mình không tự tử chết vì hai người này, mà lại có thể tự tử chết vì một người lạ mới gặp với tình cảm tha thiết thâm sâu, đôi lúc với người nào đó chúng ta nghe câu nói "Tôi mà không lấy được anh đó, hoặc cô đó là tôi tự tử tôi chết" ..v.v.. Mình là ai? Có thật trước mắt, rõ dạng nhìn, thấy; vậy mà chỉ một lát sau nghe nói đã chết rồi? Hôm nay còn gặp, ngày mai cáo phó, điếu tang.

Còn không biết bao nhiêu câu hỏi, ví dụ: Chết là không còn nói, không còn nghe, không còn thở, "bất động" và sau đó thi thể ra mục làm thức ăn cho dòi bọ, chuột, gián, kiến... Những con vật mà trước đó chẳng bao lâu chưa bao giờ gợi cho ta có một sự e dè sợ hãi nào hết, nếu không muốn nói là khinh bỉ, ghê tởm không muốn lại gần vì sơï bẩn, sợ bệnh. Cái vòng lẩn quẩn này chẳng lẽ không làm cho con người đáng suy nghĩ hay sao! Rồi lại tiếp tục muốn biết hơn nữa: trước khi ở trong lòng ba mẹ, "ta" nầy ở đâu, và sau khi chết "ta" nầy ra sao, lẩn quẩn theo gió cuốn mây bay rong chìm đá nổi, hay phiêu bồng bụi bay ở chốn nào, nơi nào làm cuộc tái sinh như các tôn giáo giải thích. Hay theo 2200 km/giờ của trái đất mà quay mà đi vào miên viễn?... Tôi tự hỏi và tự đi tìm câu trả lời trong triết học Ðông Tây từ Locke (triết gia Anh nghiên cứu về tri thức luận); Hume, người chịu ảnh hưởng của Locke và Berkeley, một triết gia Anh nổi tiếng về siêu hình học. Ðọc Kank, Mohamed, Kiết-kơ-ga, Freud, Marx, Lenin, Engel, Khổng, Lão, Trang Tử. Ðọc thánh kinh, đọc kinh, luật, luận của đạo Phật ..v.v.. Ðọc cả những người chẳng có chút tên tuổi nào lưu lại trong lịch sử triết học hay văn học thế giới. Nói như Lâm Ngữ Ðường: "... Kiếm được một viên ngọc nhỏ trong một thùng rác thú hơn là ngắm một viên ngọc lớn bày ở cửa hàng bán đồ châu báu!"

Tôi hỏi và đi tìm cho tôi câu trả lời, đọc sách nghiền ngẫm nhưng không tin hoàn toàn vào những gì mình đọc. Muốn sống một cách hữu ích cần luôn luôn quan tâm đến cuộc sống đương thời, quan sát, sửa đổi bổ sung, so sánh cái hôm qua, hôm nay để tự mình biết cần phải hành động như thế nào để ngày mai của mình là thành quả chứ không phải là hậu quả.

Có thể xuất phát từ bản chất nghệ sĩ nên tôi nhớ nhiều những tác phẩm đẹp của Bạch Cư Dị, Tô Ðông Pa, một ở thế kỷ thứ 8, một ở thế kỷ 11. Rồi Viên Trung Long, Kim Thánh Thán... Tây có Maiakovski, Lamartine, Hemingway, ta có Nam Cao v.v...

Tôi đọc và tôi đi tìm mình. Sau bao năm miệt mài cho đến một hôm nào đó, tôi nhận ra tôi đã có thể tự trả lời cho mình những câu hỏi rắc rối qua giáo lý của Ðức Phật. Người cách đây hơn 2541 năm cũng đi tìm và đã thành công, để lại cho chúng ta cả một gia tài quý báu.

Tôi đã, đang và vẫn đọc, vẫn học, tìm hiểu, tin tưởng và sống trong đời. Hàng ngày vẫn đi vẫn té ngã, vẫn cùng mình cùng người băng bó vết thương, và đi và lại ngã v..v.. Nhưng cái đi, cái ngã đã không còn làm tôi hốt hoảng, bàng hoàng, sợ hãi, bấn loạn... như những tháng ngày chưa gặp giáo lý. Có lẽ nhờ tôi đã có chút nào thông hiểu quy luật của trời đất, hiểu bản chất của cuộc sống. Như lời chư Phật, chư Tổ, chư Thiện trí thức xưa cũng như nay: Sống là sẽ chết, phúc xong thì họa tới và ngược lại; tối sáng, thương ghét, vinh nhục, mạnh yếu, được thua là thật trong một giai đoạn; nhưng là huyễn với cả dòng sống của nhân loại, của vũ trụ, của đời người. Vì lẽ đó tôi không còn bận tâm quá đáng với cái "thật" không lâu bền. Tôi xây dựng cái sự thật cho tôi trú ngụ, đó là cái mà Ðức Phật và chư Tổ sư, các bậc thiện tri thức vẫn hàng ngày nhắc nhở chúng ta: "Bình thường tâm thị đạo". Trời nắng đem quần áo ra phơi, trời mưa lấy đem vô; trời bão kiếm chỗ trú ẩn, hết bão, cùng với mọi người dẹp cây ngã đổ, giúp mọi người dựng lại lều và tiếp tục sống. Giữ sao cho ý nghĩ bên trong và hành động bên ngoài cũng giống nhau, ăn khớp với nhau. Thả con trâu trên đồng, buông sợi dây, nằm trên cỏ, ngửa mặt hôn gió trời. Khát hứng sương, đói nhai lá cỏ... Hi! Hi!

Tôi xin phép ghi lại bài kệ của Hòa thượng Thanh Từ thay lời kết:

Chiếc thân tứ đại, khói
Sinh hoạt thế gian, mây
Thành công khối nước đá,
Thất bại chùm bọt tan.
Nhục vinh bong bóng nước
Thương ghét hạt sương mai
Khổ vui trong giấc mộng
Lành dữ cánh chim bay.
Tháng ngày cái chớp mắt
Còn, mất nước trăng lay
Chung cuộc cơn gió thoảng
Viên mãn bầu trời trong.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, tháng 04-2001).


[Trở về trang Thư Mục]

update: 14-04-2001