Theo Freud, con người sinh ra với hai bản năng: bản năng sinh tồn gọi là
eros và bản năng hủy diệt gọi là thanatos. Bản năng sinh tồn là động lực
thúc đẩy con người hoạt động để sinh tồn như nhu cầu ăn uống, được ấm áp
và nhất là tình dục. Còn bản năng hủy diệt không chỉ hướng đến các đối
tượng bên ngoài mà còn ngay chính đời sống của mình nữa. Thói quen rượu
chè, nghiện ngập, lao vào những trò chơi nguy hiểm... là những biểu lộ
của bản năng hủy diệt.
Trong mỗi người đều có một “tên man rợ” muốn được ăn khi đói bụng hay
thỏa mãn mọi nhu cầu khi chúng xuất hiện, bất kể hậu quả ra sao. Phần đó
Freud gọi là id, hay cái đó, là một thành phần nhân cách của chúng ta,
có những hành động do bản năng sinh tồn thôi thúc để thỏa mãn các nhu
cầu căn bản.
Bản năng sinh tồn tác động theo nguyên tắc khoái lạc: Khi thực hành
những gì bản năng đòi hỏi thì người ta cảm thấy khoái lạc. Điều ấy ta
thường thấy nơi thái độ của các em bé khi chúng đòi hỏi phải cho chúng
những bình sữa hay kẹo bánh.v.v... Trẻ em bị bản năng sinh tồn thúc đẩy
rất mạnh và theo Freud thì khi được 6 tháng, các em bé bắt đầu biết cách
kiểm soát bản năng đó vì hoàn cảnh thực tế em đang sống. Em bé có thể
đòi hỏi nhiều thứ nhưng cha mẹ em chỉ đáp ứng một số cần thiết cho em.
Nếu em muốn nhiều hơn thì họ sẽ từ chối hay phạt em để cho em biết giới
hạn nào cha mẹ có thể chấp nhận được. Em bé được dạy cho những điều gì
phải làm và những điều gì không được làm. Nếu em làm theo ý người lớn
thì em được thưởng, nếu không làm thì em sẽ khổ vì bị la rầy, chê bai và
nhiều khi có cả đòn roi. Đó là hoàn cảnh thực tế.
Theo Freud, chính từ sự hiểu biết do hoàn cảnh thực tế đó mà cái tôi
(ego) dần dần thành hình để dung hòa những đòi hỏi của bản năng và những
cấm đoán của xã hội bên ngoài. Cái tôi này điều hành theo nguyên tắc
thực tế. Như một người đói bụng thấy ổ bánh mì trong tiệm bánh muốn lấy
ăn ngay, nhưng cái tôi suy nghĩ và biết rằng làm như thế sẽ bị phạt, nên
anh ta phải ra trước quầy, sắp hàng và đợi trả tiền xong rồi mới lấy
bánh ăn. Như thế, cái tôi giúp thỏa mãn những đòi hỏi, những nhu cầu của
bản năng một cách an toàn nhất.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có sự đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu như
thế cả, vì nhiều lúc bản năng sinh tồn đòi hỏi vượt quá khả năng thực
tế. Như một người thèm những thứ mà mình không có tiền mua, anh ta có
thể lấy bớt tiền tiêu dùng cho gia đình để mua các thứ mình ưa muốn. Tuy
nhiên, làm như thế thì cảm giác tội lỗi xuất hiện. Cảm giác tội lỗi này
khích động ý muốn trừng trị chính anh ta bằng cách gây tổn thương hay
hủy diệt đời sống anh ta. Điều này rất nguy hiểm cho mạng sống của mình
nên anh ta dùng một “cơ chế tự vệ” (defensive mechanism) để tự bảo vệ
đời sống tinh thần và thể chất của mình. Theo cơ chế này, anh ta sẽ tự
bào chữa rằng mình làm như thế là đúng, vì mình là chủ gia đình, có đủ
quyền hạn. Sự tự bào chữa như vậy giúp cho anh ta bớt đi những bất an
bên trong.
Đó là cuộc chiến tranh giữa thiện và ác. Cuộc chiến này không ngừng xảy
ra bên trong ta cùng hậu quả tâm lý của nó với cơ chế tự vệ giúp chúng
ta sinh tồn. Nhiều lúc chúng ta thấy cuộc xung đột nội tâm của con người
được diễn tả trong văn chương, kịch nghệ, phim ảnh hay tôn giáo. Qua
những truyện xưa phổ biến trong dân gian hay qua nhiều câu chuyện tôn
giáo, chúng ta thấy có nhiều nền văn hóa thuộc nhiều dân tộc cùng nhiều
tôn giáo đã nhân cách hóa hay thiêng liêng hóa cuộc xung đột nội tâm
này: gọi lòng ham muốn, sự thúc giục của bản năng là ma quỷ và lương tâm
hay chân ngã là thiên thần. Ma quỷ quyến rũ người ta làm bậy và thiên
thần chống lại sự quyến rũ xấu xa đó.
Khi chuyển qua cho ma quỷ và thiên thần những dục vọng của chính ta cùng
những chống trả, ngăn cấm của lương tâm ta hay chân ngã, chúng ta đã tạo
nên một cuộc chiến tranh bất tận trong lòng mình. Sự tranh chấp bên
trong đó còn phản ảnh ra ngoài bằng những cuộc chiến tranh giữa thiện và
ác, giữa kẻ anh hùng và người tội lỗi.
Trên thực tế, đã có biết bao nhiêu cuộc chém giết tàn bạo xảy ra trong
lịch sử loài người nhân danh đạo đức, nhân danh công lý, nhân danh tôn
giáo, nhân danh chân lý hay nhân danh đủ điều tốt đẹp. Phe ta dĩ nhiên
là tốt và phe đối thủ dĩ nhiên là xấu. Đó là trò chơi của cái tôi mà đạo
Phật gọi là ngã chấp.
Thiền chỉ bày một cách trực tiếp và giản dị: Hãy biết rõ mọi ý tưởng
trong ta ngay khi chúng xuất hiện, không đè nén hay lẫn tránh, dù đó là
điều ta ưa thích hay ghét bỏ hoặc sợ hãi. Tâm ta như bầu trời trong
sáng, không gì có thể làm vẩn đục nó cả. Khi sống tỉnh thức thì các ý
tưởng ưa ghét, cùng những tâm tư buồn phiền, sợ hãi, tức tối, hận thù tự
chúng tan biến đi như bầu trời xanh cao không một gợn mây che mờ.
VIII. CƠ CHẾ TỰ VỆ
Ngành tâm lý học giải thích sâu hơn về những động lực bên trong. Họ cho
rằng những gì mà cha mẹ dạy dỗ về đúng và sai cùng những điều luân lý và
đạo đức trong xã hội kết hợp lại thành lương tâm của chúng ta hay là
siêu ngã (superego). Bản năng hay cái đó (id) thúc giục phải thỏa mãn
ngay những điều nó muốn, ngã (ego) tìm cách thỏa mãn những nhu cầu đó mà
không tạo ra sự rắc rối, còn siêu ngã hay lương tâm thì đặt vấn đề: cái
điều ta muốn ấy có đúng không, có hợp luân lý không?
Một người nghiện rượu thèm uống rượu, anh ta đi mua rượu ở tiệm về uống
và tránh uống dọc đường để khỏi bị người khác nhìn thấy. Dù anh ta làm
như vậy để có thể uống rượu một cách an toàn, nhưng nếu mẹ anh trước đây
thường dạy anh uống rượu là tội lỗi thì lòng anh vẫn không yên. Sự kết
án như thế không phải từ bên ngoài, mà do chính lương tâm hay siêu ngã
làm cho anh thấy áy náy không yên với mặc cảm tội lỗi. Sau đó anh ta có
thể thực hành sự trừng phạt chính mình do mặc cảm tội lỗi nói trên bằng
cách “vô tình” tạo ra những tai nạn cho mình.
Sự trừng phạt ấy có thể làm nguy hại cho đời sống của anh ta nên cơ chế
tự vệ giúp anh giải trừ bớt những căng thẳng do sự xung đột giữa thiện
và ác, bản năng (id) và lương tâm hay siêu ngã (superego). Nghĩa là anh
ta có thể vẫn tiếp tục uống rượu nhưng không bị xao xuyến bất an nhiều
như trước đây, bằng cách tự bào chữa: “Nam vô tửu như kỳ vô phong” (Trai
mà không uống rượu thì như cờ không có gió), hay là: “uống rượu là một
cách làm cho thân thể khỏe mạnh”... Chúng ta thấy có nhiều người uống
“rượu thuốc”, cũng là một cách sử dụng cơ chế tự vệ tinh vi, dù họ có
biết hay không biết điều ấy.
Những cơ chế tự vệ chính gồm có:
PHÓNG CHIẾU
Nghĩa là thấy những cái xấu của mình nơi người khác, hay nói khác đi là
không nhận mình có những điều xấu mà chiếu chúng lên người khác và thấy
họ có những tật xấu của chính mình. Như người háo danh lại hay chỉ trích
bạn mình là háo danh, người hay nói lời chia rẽ thì phê bình người khác
không chịu đoàn kết, kẻ hèn nhát thì chê bai những người khác là hèn
nhát.v.v...
Khi có sự phóng chiếu như thế thì bản thân người ấy cảm thấy an ổn vì
không thấy lỗi mình, chỉ thấy người khác có lỗi. Và dù biết mình có lỗi
thì họ nghĩ “mình cũng như người khác thôi”. Tại sao họ làm như thế? Vì
họ muốn giữ sự quân bình bên trong. Nếu nhận mình làm bậy thì mặc cảm
tội lỗi sẽ làm cho họ bất an.
HỢP LÝ HÓA
Nghĩa là đưa ra lập luận cho hợp lý về hành vi của mình, như là: “xã hội
ngày nay ai cũng uống rượu, mình uống rượu có sao đâu”, hoặc là “uống
rượu có chừng mực thì rất tốt cho sức khỏe”...
DỒN NÉN HAY TRÁNH NÉ
Nghĩa là không muốn biết đến, hay ngăn chặn không cho mình nhận biết
những điều tạo ra lo âu, xao xuyến cho mình, như trường hợp nhiều người
hút thuốc lá không bao giờ đọc hay nhìn thấy dòng chữ “hút thuốc có hại
cho sức khỏe”, trong khi những người không hút thuốc đọc thấy dòng chữ
này rất rõ.
HOÁN VỊ
Nghĩa là chuyển những cảm xúc của mình đến một đối tượng khác. Như
trường hợp một người bị chủ la rầy ở sở nên bực tức ông chủ. Tuy nhiên,
anh không thể bày tỏ điều ấy vì sợ mất việc. Khi về nhà, anh ta hướng sự
bực tức đến vợ con, la rầy vợ con để xả bớt áp lực bên trong.
THĂNG HOA
Nghĩa là chuyển sự tiêu cực thành tích cực. Chẳng hạn, một người buồn
rầu vì có con bị một người lái xe say rượu đụng chết. Bà dồn hết nỗ lực
vào việc gầy dựng phong trào cứu trợ người nghèo. Thăng hoa tuy là tốt
nhưng cũng liệt vào cơ chế tự vệ vì không đối điện với cảm xúc và giải
quyết tận gốc cảm xúc ấy, mà chỉ là một cách tránh né để không phải đối
điện với cảm xúc.
PHẢN ỨNG NGƯỢC
Nghĩa là làm ngược lại với những gì mình muốn. Một người có khuynh hướng
đồng tình luyến ái lại cực lực lên án điều này. Một người thích uống
rượu có thể chống đối kịch liệt việc uống rượu. Họ làm như thế để che
đậy hay trấn áp những cảm xúc thật sự của họ, để tránh không phải đối
điện với điều họ muốn, vì những điều mong muốn ấy bị xem là ngược với
luân lý, đạo đức nên gây ra sự bất an trong lòng họ. Tuy nhiên, rất khó
nhận biết được hành vi nào là phản ứng ngược.
PHỦ NHẬN
Nghĩa là không chấp nhận sự thật đang xảy ra. Một người có thân nhân bị
chết trận nhất quyết không chấp nhận tin trên là đúng. Họ cho rằng người
thân của họ vẫn còn sống ở đâu đó. Một người nghiện rượu phủ nhận rằng
mình không bị nghiện, chỉ uống cho vui mà thôi.
Những hành vi thuộc cơ chế tự vệ như trên xảy ra một cách vô ý thức.
Chúng ta không nhận biết (ý thức) về những hành động có tính cách “bao
che” đó. Những hành vi của cơ chế tự vệ giúp ta không nhìn thấy những
thiếu sót, những yếu kém, những điều mà mình không muốn chấp nhận là sự
thật. Vì nếu thừa nhận như thế thì chúng ta sẽ bị nhiều nỗi bất an như
lo lắng hay sợ hãi vì mình đã làm ngược với những gì mà lương tâm mình
chấp nhận. Cái ngã của ta thích ứng với những nỗi bất an bằng cách bóp
méo thực tại qua những phương cách nói trên.
Một cách tổng quát thì cơ chế tự vệ giúp cho chúng tránh chạm trán với
sự thật đưa đến những nỗi bất an như lo lắng, sợ hãi hay u uất. Tuy
nhiên, đó cũng là con dao hai lưỡi. Nếu sống lâu dài với cơ chế tự vệ
như thế thì tâm chúng ta sê luôn luôn là một bãi chiến trường giữa một
bên là sự chân thật, một bên là cố gắng che đậy không chịu nhìn vào sự
thật để giải quyết tận cội nguồn. Cái tôi khi ấy giống như đang ở trên
miệng một núi lửa im lặng nhưng đang gia tăng áp lực bên trong và dễ
dàng đi đến tình trạng phun trào. Sống như thế thật rất thiếu hạnh phúc
và có thể bị chứng tâm loạn (neuroses).
Ngành tâm lý trị liệu giúp cho bệnh nhân thích nghi với những biến
chuyển, những đổi thay của đời sống. Những đổi thay đó tạo ra những xáo
trộn tâm sinh lý nơi họ. Các nhà tâm lý trị liệu giúp cho bệnh nhân biết
được điều ấy và chữa trị cho họ được lành mạnh bằng cách nói chuyện cởi
mở hay dùng thuốc men.
Đạo Phật chọn cách nói rõ với “bệnh nhân” rằng thế giới luôn biến chuyển
(vô thường), nếu họ không chấp nhận, không thích nghi với tính cách đổi
thay đó, họ sẽ đau khổ.
Thiền là kỹ thuật hay phương pháp cụ thể giúp ta có được sự hiểu biết
trực tiếp bằng cách tiếp xúc thẳng với những ý tưởng đến đi, cảm giác
sướng khổ, tâm tư vui buồn, những hiện tượng nội tâm hay ngoại cảnh mà
không chút che đậy hay bóp méo thực tại. Đó là cách “phản văn văn tự
tánh”, (xoay cái nghe lại mà nghe tánh của mình) hay cũng là pháp thiền
Tứ niệm xứ, trực tiếp nhận biết về thân thể, về cảm giác, về tâm tư và
về những đối tượng của các giác quan cùng ý thức (thân, thọ, tâm, pháp).
Khi có cùng chủ trương phải thấy biết rõ ràng những dòng sinh hoạt tâm
lý bên trong thì chúng ta thấy là nơi đây ngành tâm lý trị liệu và thiền
gặp nhau: nhận biết rõ sự thật và giải quyết chúng. Nhưng một bên chữa
trị dựa vào bên ngoài: bác sĩ phân tâm, bác sĩ tâm thần hay nhà tâm lý
chuyên môn, còn một bên dựa vào chính nội kiến của mình, chính sự tự
tri, chính sự tiếp xúc trực tiếp với những ý tưởng, những tâm tư, nhưng
ước muốn đến đi không ngừng trong tâm. Những vị thầy dạy đạo dĩ nhiên là
rất cần thiết, nhưng cuối cùng thì người học trò vẫn phải đứng vững trên
đôi chân của chính mình.