Lời kinh Bát Nhã nói về sự thấy biết rõ ràng chân thật khi chúng ta
buông xả mọi thứ ràng buộc, mọi sự bám víu vào những ý tưởng so đo,
những cảm xúc vốn cứ cột chặt lòng mình. Khi lòng mình thoải mái, tâm
mình an bình, trí mình tươi mát, linh động, bén nhạy thì vạn vật hiện ra
một cách chân thật: Chúng hiện hữu, có mặt tràn đầy với những hình dáng
và màu sắc nhưng rỗng lặng, yên tĩnh và riêng biệt tuyệt đối.
Khi đi vào một khu vườn Tây phương chúng ta chỉ thấy cái có, cái hữu bao
quanh mình bốn phía. Khi đi vào khu vườn Đông phương, cái không hiển bày
làm ta tiếp xúc được với không gian không bờ mé và thời gian vĩnh cửu.
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Kìa xem bóng nguyệt dòng sông
Ai hay không có, có không làm gì.
Dĩ nhiên, khu vườn Đông phương không phải chỉ là cái trống rỗng không có
gì cả. Trong đó cũng có cây cỏ, hoa lá, những tảng đá, những ao hồ hay
những con suối, những mô đất cao cùng những bãi cát trắng hay vàng, có
những đường chạy song song như những đợt sóng biển nối tiếp chạy đến
những hoang đảo cô liêu.
Theo quyển Vườn Nhật Bản, người ta phân ra làm bốn loại vườn Đông phương
chúng ta thường thấy ở các chùa chiền, nơi thiền viện hay những tư gia:
Vườn có ao đồi, vườn đá cát, vườn có các bậc đá xếp thành lối đi và vườn
ngoạn cảnh.
Vườn ao đồi là những khu vườn rộng người ta đắp những đồi đất tượng
trưng cho núi và đào những chiếc ao hay hồ tượng trưng cho biển. Những
cây cối trồng nơi đây được tỉa cắt cẩn thận để chúng đừng lớn quá và
luôn luôn hòa hợp với khung cảnh xung quanh, tạo thành một cảnh đồi núi
hùng vĩ với những cây tùng, cây bách ghi dấu thời gian đang lặng lẽ trôi
qua. Khu vườn là một vũ trụ mênh mông trong một khu đất giới hạn về
không gian lẫn thời gian.
Vườn đá cát là những vườn khô, không cây cỏ, chỉ có cát và đá. Vườn mà
chẳng có cây cối, hoa lá, chỉ những tảng đá rêu phong và bãi cát trắng
cùng bức tường tạo thành một vũ trụ riêng biệt. Ở nhiều thiền viện,
những vườn đá cát được tạo nên để giúp chúng ta nhìn thấy cái trống vắng
của thế giới bên trong cũng như bên ngoài, cái bao la trên một vùng nhỏ
bé. Trên khu đất hình chữ nhật, người ta trải cát. Các hòn đá được sắp
xếp theo quy luật tương xứng và liên hệ hỗ tương để biểu lộ sự hòa hợp
tự nhiên. Các hòn đá này rải rác nhiều nơi trên thảm cát. Những tảng đá
lớn là chính, những hòn nhỏ hơn được thêm vào theo các con số 1, 3, 5,
7, 9, 11, 13, 15. Các hòn đá được sắp xếp gần nhau theo số lẻ để tạo nét
hòa hợp tự nhiên. Có lúc hai tảng đá nằm kề cận thì một lớn (chủ) và một
nhỏ (bạn) đối xứng và hỗ trợ cho nhau.
Những vườn đá cát thường do các vị tu sĩ Phật giáo thực hiện vào các thế
kỷ trước đây và những vườn này bày tỏ chất thiền một cách cụ thể nhất
qua hình thù và màu sắc. Những tảng đá tuy được sắp xếp theo một quy
luật nào đó, với những hình thù và khối lượng khác nhau để tạo ra sự hòa
hợp và cân đối, nhưng đó không phải là mục đích chính của tác giả.
Các ngôi chùa và các thiền viện đều tụng bài Bát Nhã Tâm Kinh nói về sự
rốt ráo của tâm giải thoát:
Sắc tức là không
Không tức là sắc...
Các hình thù, màu sắc, khối lượng là không. Không ở đây không phải là
cái trống vắng của một cái gì đã có trước rồi nay lại biến đi. Không
cũng không phải là ngược lại với có hay là sự trống rỗng. Không ở đây là
tính chân thật của vạn pháp, của mọi sự vật: Là cái rỗng lặng trong cái
tràn đầy, là cái tĩnh lặng của cái sống động, là cái bất động trong sự
chuyển động náo nhiệt, là cái thiên thu bất biến trong cái chuyển biến
liên tục, là cái thường hằng vĩnh cửu trong cái vô thường của dòng thời
gian lăn trôi.
Nếu chúng ta đứng yên nhìn vườn đá cát, chúng ta sẽ thấy đá cát tự chúng
biểu lộ tánh chân thật tự nhiên của mình, không liên quan gì đến những
điều ta gán thêm cho chúng về ý nghĩa của cách sắp xếp, về giá trị thẩm
mỹ, về những lời trầm trồ khen ngợi hay chê bai:
Thể các pháp đều không
Không sinh cũng không diệt
Không nhơ cũng không sạch
Không thêm cũng không bớt.
Cho nên trong tánh không
Không có sắc...
Tâm Kinh Bát-nhã
Tánh không hay tánh chân thật, còn được gọi là Phật tánh, đều có ở mọi
thứ. Khi tâm trong sáng và tỉnh thức thì ta thấy rõ điều kỳ diệu ấy. Cái
biết về tánh không đó không nằm nơi chữ nghĩa mà phát xuất từ trực giác;
không do lời giảng giải hay so sánh mà do sự hay biết trực tiếp khi nhìn
thấy sự vật trước mật. Và đó là sức hấp dẫn của loại vườn đá cát.
Tuy thế, xin đừng bận tâm về cái sắc sắc không không (có có không không)
nói trên, vì chúng ta đến đây để mà ngắm nhìn một khu vườn tức là một sự
vật hiện rõ ràng trước mắt. Chúng ta hãy thưởng ngoạn những nét đặc thù
của các viên đá lớn nhỏ rải rác trên thảm cát trắng. Thật ra, đó không
phải là cát mà là những hạt sỏi nhỏ màu vàng nhạt dưới ánh mặt trời
chuyển thành màu trắng mà ở xa ta thấy như là thảm cát. “Thảm cát” là
biển lớn trên đó thiền sinh thường dùng cào tre để kéo những đường cong
hay thẳng tượng trưng cho sóng biển chạy mãi đến vô biên. Có nhiều loại
sóng biển khác nhau tùy theo biển bình lặng hay bão tố. Các nét vạch lên
cát có đường nét khác nhau để diễn tả thời tiết khác nhau trên vùng biển
lớn.
Chúng ta không đi vào những vườn đá cát mà chỉ đứng hay ngồi ở bên ngoài
mà ngắm nhìn từ những góc độ khác nhau. Và cũng giống như nhìn vào vũ
trụ, mỗi lần nhìn vườn đá cát là mỗi lần chúng ta thấy điều mới mẻ xuất
hiện. Tại sao thế? À, đó là sự kỳ diệu của chân tâm, Phật tánh nơi mỗi
chúng ta, và cũng là tài hoa của nhà nghệ sĩ tạo dựng khung cảnh này.
Chúng ta hãy nghe vị Tam Tổ Tăng Xán của Thiền tông Trung Hoa giải thích
về điều ấy:
Cảnh do năng cảnh,
Năng do cảnh năng.
Dục tri lưỡng đoạn,
Nguyên thị nhất không.
Nhất không đồng lưỡng,
Tề hàm vạn tượng.
Bất kiến tinh thô,
Ninh hữu thiên đảng?
Trúc Thiên dịch như sau:
Tâm là tâm của cảnh,
Cảnh là cảnh của tâm.
Ví biết hai chẳng dứt,
Rồi cũng chỉ một không.
Một không, hai mà một,
Bao gồm hết muôn sai,
Chẳng thấy trong thấy đục,
Lấy gì mà lệch sai?
Loại vườn thứ ba là khu vườn với những bậc đá đưa đến trà thất. Trà
thất là một căn lều nhỏ bé chỉ đủ chỗ cho hai hoặc ba người ngồi uống
trà trong tỉnh thức, cách uống trà mà chúng ta thường gọi là Trà đạo.
Đến trà thất như vượt qua những ngọn đồi để đến vùng yên tĩnh. Con đường
lên đồi thường có những bậc cấp quanh co. Những phiến đá bằng, không đều
cạnh, thường được sắp xếp để tạo nên ấn tượng của cuộc hành trình đặc
biệt ấy. Khi chúng ta bước qua cổng, chân đặt lên những phiến đá trên
vùng rêu xanh mà cây cỏ đều tỏa nét u tịch, an bình và hòa hợp tự nhiên,
lòng ta bỗng dịu lại trong niềm an bình trống trải, như một chiếc lá
vàng đang êm đềm yên nghỉ trên phiến rêu xanh.
Loại vườn thứ tư là vườn mà chúng ta đi vào để ngoạn cảnh. Các loại vườn
trước đây chú trọng đến nét tĩnh, loại vườn này lại chú trọng đến tính
cách động. Chúng ta dạo quanh vườn, khi ở cạnh hồ, lúc ở dốc núi, khi
dưới tàng cây, lúc trên chiếc cầu. Mỗi nơi ta nhìn đều bày tỏ, biểu lộ
cái riêng biệt trong cái toàn thể, cũng như biểu lộ cái toàn thể trong
cái riêng biệt. Điều kỳ diệu nhất là chúng ta không tách lìa, không ở
ngoài những thứ ấy. Chúng ta là cái riêng biệt chuyển động trong cái
toàn thể bao la bất động.
Đạo là cái rộng lớn bao la, yên tĩnh tuyệt vời, an vui kỳ diệu. Sống đạo
là trở thành, là biết rõ, là an trú trong niềm hạnh phúc bao la sâu thẳm
của kiếp nhân sinh, tuy ngắn ngủi trong thời gian và nhỏ bé trong không
gian nhưng vốn rộng lớn vô biên và mãi mãi không cùng. Đó chính là niềm
bí mật luôn luôn mời gọi, luôn luôn thì thầm, luôn luôn thúc bách chúng
ta hãy khám phá những gì mình đang có mà chưa biết đến.
Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, chúng ta đang có niềm an vui rộng
lớn vô cùng để an hưởng. Xin hãy tặng cho mình điều quý báu ấy. Xin hãy
khoan thai bước đến vườn thiền. Hãy để lòng an bình và trí buông xả,
bước những bước đi trong tỉnh thức để cảm nhận được gió mát đang trỗi
dậy, để nhận ra những đóa hoa sen đang nở trong chốn bình thản và rộng
lớn vô biên.
Ý về muôn vạn nẻo
Thiền lộ tâm an nhiên
Từng bước gió mát dậy
Từng bước hoa sen nở.