Đức Phật có dạy bốn trạng thái tâm hồn rộng mở, gọi là Tứ vô lượng tâm,
bao gồm các tâm Từ vô lượng, Bi vô lượng, Hỷ vô lượng và Xả vô lượng.
Một cách ngắn gọn hơn, chúng ta thường gọi chung các tâm vô lượng này là
từ bi hỷ xả.
Đã từ lâu, từ bi hỷ xả được hầu hết mọi người biết đến như là những nét
đặc trưng của giáo lý nhà Phật, và vì thế nên đây cũng là những biểu
hiện tất yếu phải có ở những người học hỏi và tu tập Phật pháp.
Nói một cách khái quát thì từ bi hỷ xả là bốn trạng thái tâm hồn có thể
rộng mở đến mức không thể đo lường (vô lượng), không có giới hạn.
Lòng từ là trạng thái luôn mong muốn mang lại niềm vui cho người khác,
trong khi lòng bi lại là trạng thái mong muốn chấm dứt mọi khổ đau mà
người khác đang gánh chịu.
[11] Vì thế, khi lòng từ
bi sinh khởi thì chúng ta sẽ luôn mong muốn làm bất cứ điều gì để mang
lại niềm vui cũng như để chia sẻ, giảm nhẹ mọi khổ đau. Và vì lòng từ bi
có thể rộng mở đến mức không thể đo lường (vô lượng tâm) nên đối tượng
của nó không bao giờ giới hạn. Khi thực hành lòng từ bi, chúng ta không
chỉ quan tâm đến người khác theo nghĩa hẹp của từ, mà còn là sự quan tâm
rộng mở đến hết thảy muôn loài, muôn vật.
Hỷ và xả là hai trạng thái tinh thần có thể giúp chúng ta đạt đến sự
thanh thản, an vui. Hỷ có nghĩa là vui, nhưng ở đây là một niềm vui nội
tại, tự sinh khởi trong lòng ta mà không phải do nơi sự thỏa mãn đối với
các đối tượng bên ngoài. Vì thế, người tu tập lòng hỷ có thể lúc nào
cũng đạt được niềm vui chân thật mà không chịu những ảnh hưởng tác động
từ ngoại cảnh. Xả có nghĩa là từ bỏ, buông bỏ. Người tu tập lòng xả sẽ
buông bỏ hết thảy những định kiến phân biệt và sự tham đắm, vướng mắc
nơi ngoại cảnh, và nhờ đó mà đạt đến sự bình đẳng sáng suốt trong nội
tâm.
Như đã nói, từ bi hỷ xả là những trạng thái tâm hồn có thể rộng mở đến
mức không thể đo lường. Tuy nhiên, đó không phải là một tiến trình tự
nhiên mà phải là kết quả của một sự nỗ lực tu tập, rèn luyện không
ngừng. Hơn thế nữa, việc tu tập các tâm từ bi hỷ xả còn là yêu cầu tất
yếu của tất cả những người học Phật. Cho dù chọn tu theo bất cứ pháp môn
nào, nếu không có sự thực hành và rèn luyện các tâm từ bi hỷ xả thì
người tu tập chắc chắn sẽ không thể đạt đến những kết quả tốt đẹp về mặt
tinh thần.
Sự thực hành và rèn luyện sẽ giúp cho các tâm từ bi hỷ xả ngày càng rộng
mở không giới hạn, do đó mà trở thành nguồn sức mạnh vô song giúp người
tu tập có thể vượt qua được mọi khó khăn, thử thách.
Mặt khác, cần biết rằng không thể có sự tu tập riêng rẽ một trong các
tâm từ bi hỷ xả. Sự tu tập và thực hành các tâm này bao giờ cũng có một
mối tương quan chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau. Vì thế, khi phát khởi một
trong bốn tâm vô lượng này thì các tâm khác cũng tự nhiên sinh khởi; khi
một trong các tâm này được phát triển lớn mạnh thì các tâm còn lại cũng
theo đó mà phát triển lớn mạnh.
Nếu xét kỹ, chúng ta có thể thấy rằng mối quan hệ giữa bốn tâm vô lượng
vừa là mối quan hệ nhân quả, lại vừa là mối quan hệ tương sinh. Vì thế,
trong trường hợp này thì nhân cũng chính là quả, và quả cũng chính là
nhân.
Như đã nói, khi lòng từ sinh khởi, chúng ta mong muốn mang lại niềm vui
cho người khác. Và muốn thực hiện điều đó, chúng ta không thể không chia
sẻ hoặc làm giảm nhẹ đi những khổ đau mà người ấy đang gánh chịu. Vì
thế, lòng bi cũng nhân đó mà sinh khởi. Điều này giải thích vì sao chúng
ta luôn nghe nói đến từ bi như một đức tính duy nhất chứ không phải là
hai tính chất riêng rẽ.
Khi chúng ta tu tập lòng hỷ, chúng ta sẽ không bao giờ đạt đến sự an vui
nếu không buông bỏ được những định kiến phân biệt cũng như sự tham đắm,
vướng mắc nơi ngoại cảnh. Vì thế, nếu thực hành lòng hỷ thì tất yếu cũng
phải thực hành lòng xả. Không thực hành được lòng xả thì không thể có
lòng hỷ. Ngược lại, khi thực hành tâm buông xả thì tất yếu trong lòng sẽ
đạt được sự nhẹ nhàng thanh thản, và do đó mà có thể sinh khởi tâm an
vui một cách tự nhiên. Điều này giải thích vì sao hỷ và xả luôn đi đôi
với nhau như hai yếu tố không thể tách rời.
Mặt khác, việc thực hành lòng từ bi cũng không thể tách rời với việc
thực hành hỷ xả. Nếu trong lòng ta chứa đầy những định kiến phân biệt và
vướng mắc, tham đắm, ta sẽ không có khả năng thực hành lòng từ bi. Ngược
lại, chính nhờ vào việc thực hành lòng từ bi mà chúng ta mới có thể dễ
dàng đạt được các tâm hỷ xả.
Vì thế, một mặt chúng ta có thể nói rằng nhờ có từ bi mà đạt được hỷ xả,
nên từ bi là nhân, hỷ xả là quả. Nhưng mặt khác chúng ta lại thấy rằng
hỷ xả là yếu tố cần thiết để phát triển lòng từ bi, nên không có hỷ xả
thì cũng không thể có từ bi, và do đó mà có thể nói rằng từ bi và hỷ xả
là những trạng thái tương sinh, khi cái này sinh thì tất yếu cái kia
cũng phải sinh.
Do mối quan hệ nhân quả và tương sinh như trên, nên việc tu tập bốn tâm
vô lượng có thể hình dung như người lăn một bánh xe có bốn nan hoa. Khi
một nan hoa chuyển động thì bánh xe chuyển động, và những nan hoa còn
lại tất yếu cũng phải chuyển động theo.
Vì thế, tuy nói là bốn tâm mà thật ra cũng chỉ là một. Nhưng đã là một,
vì sao vẫn phải phân ra làm bốn? Vì từ bi hỷ xả vẫn là những trạng thái
khác nhau, và vì mỗi người trong chúng ta đều có những khác biệt nhất
định. Có những người dễ sinh khởi lòng từ hoặc lòng bi, nhưng lại có
những người khác cảm thấy dễ dàng hơn khi khởi sự thực hành lòng hỷ hoặc
lòng xả. Nhưng cho dù sự khởi đầu tu tập có thể khác nhau mà kết quả vẫn
đạt đến như nhau, đó là vì tính chất tương sinh của bốn tâm này như đã
nói.
Thật ra thì lòng từ bi cũng chính là lòng thương yêu chân thật mà chúng
ta đang đề cập. Chỉ cần xét đến những tính chất “cứu khổ, ban vui” thì
chúng ta có thể thấy ngay sự đồng nhất giữa hai khái niệm này. Tuy vậy,
hầu hết kinh luận thường ít khi đề cập đến lòng thương yêu bằng chính
tên gọi này, mà rất thường gọi là lòng từ bi. Ngoài những ảnh hưởng
không thể phủ nhận từ kinh văn chữ Hán, sự phân biệt tên gọi như thế
thực ra còn là để loại trừ đi những nhầm lẫn đáng tiếc rất thường gặp.
Bởi vì danh từ “thương yêu” từ lâu đã bị lạm dụng quá nhiều nên có một
sự tục hóa về ngữ nghĩa, và do đó mà rất ít người trong chúng ta còn có
thể hiểu được một cách chính xác và đầy đủ ý nghĩa của nó.
Như chúng ta đều biết, từ bi là một danh từ Hán Việt, ban đầu vốn chỉ
được dùng như một thuật ngữ trong Phật giáo, nhưng dần dần đã được hầu
hết mọi người biết đến. Mặc dù vậy, do nguồn gốc thuật ngữ Hán Việt của
nó nên người ta vẫn luôn có một ấn tượng trang trọng và xa cách hơn so
với cụm từ tương đương trong tiếng Việt là lòng thương yêu. Mặt khác, do
những nhận thức sai lầm và nhầm lẫn đối với ý nghĩa của lòng thương yêu
nên người ta ít khi nhận ra được rằng thương yêu hay từ bi vốn dĩ cũng
chỉ là cùng một khái niệm.
Một trong những nhầm lẫn thường gặp nhất là sự thiếu phân biệt giữa
thương yêu và ái dục hay luyến ái. Như đã nói, lòng thương yêu thường bị
chi phối bởi sự ích kỷ tiềm tàng trong mỗi con người, với từng mức độ
khác nhau. Chính sự ích kỷ này thúc đẩy những ham muốn – trong đó có cả
ái dục – tạo ra một sự khao khát chiếm hữu đối tượng. Tuy nhiên, do
thiếu một nhận thức đúng đắn nên chúng ta thường nhầm lẫn giữa sự khao
khát chiếm hữu này với những động lực chân chính của lòng thương yêu.
Hệ quả tất yếu là một sự nhầm lẫn giữa lòng thương yêu chân thật với
những khao khát được tạo ra bởi lòng ham muốn. Mặt khác, ranh giới phân
biệt như vừa nói thường rất khó nhận ra do có sự pha trộn lẫn nhau của
các yếu tố. Vì thế, nếu chúng ta không có một sự phân tích khách quan và
những hiểu biết sâu sắc về căn nguyên của từng vấn đề thì cũng rất khó
để có thể nhận rõ được.
Lấy ví dụ như lòng thương yêu của một người mẹ dành cho đứa con. Lòng
thương yêu chân thật ấy sẽ thôi thúc người mẹ sẵn sàng nhận chịu mọi sự
khổ đau thay cho con mình, cũng như luôn sẵn lòng làm bất cứ điều gì để
cho đứa con được vui.
Khi đứa con dần lớn lên và ngày càng vươn xa ra cuộc sống bên ngoài xã
hội, người mẹ có thể cảm thấy một sự mất mát và chợt bắt đầu nảy ra ý
nghĩ phải giữ đứa con đó lại bên mình. Nếu ý tưởng này trở nên lớn mạnh
đủ để chi phối lời nói và việc làm, bà ta sẽ rất có khả năng gây thương
tổn cho đứa con. Sự thật là đã có rất nhiều bậc cha mẹ không ngần ngại
can thiệp vào sự lựa chọn nghề nghiệp, hôn nhân, đời sống... của con cái
– và vì thế mà gây ra những khổ đau, thương tổn cho chúng – cũng chính
là xuất phát từ ý tưởng sai lầm này.
Nhưng do đâu mà có ý tưởng sai lầm này? Chính là do ý thức chiếm hữu đã
âm thầm phát triển và chi phối, làm cho lòng thương yêu của người mẹ
không còn là một sự thương yêu hoàn toàn chân thật nữa. Khi chúng ta so
sánh với những bậc cha mẹ thật lòng thương yêu con cái mà không chịu sự
chi phối của ý thức chiếm hữu, chúng ta sẽ thấy được những tấm gương hy
sinh chói sáng và không bao giờ họ gây ra những sự thương tổn để con cái
phải gánh chịu.
Như đã nói, khi lòng thương yêu bị chi phối bởi sự ích kỷ thì đó sẽ
không còn là lòng thương yêu chân thật nữa. Và vì thế mà nó cũng mất đi
khả năng mang lại cho chúng ta sự an vui thanh thản trong tâm hồn. Tuy
vậy, nhiều người không nhận ra được sự chi phối của tính vị kỷ, vì thế
họ lầm tưởng rằng chính sự thương yêu đã mang lại cho họ những khổ đau
và thương tổn!
Trong thực tế, lòng thương yêu chân thật luôn là động lực thôi thúc
chúng ta chia sẻ mọi khổ đau và mang lại niềm vui cho người mình thương
yêu. Và đây cũng chính là định nghĩa được dùng để mô tả lòng từ bi:
“Lòng từ có thể mang lại niềm vui, lòng bi có thể xua tan đau khổ.”
[12]
Một khi lòng thương yêu không thể mang lại niềm vui và xua tan đau khổ,
đó không còn là lòng thương yêu chân thật nữa.
Như vậy, qua sự phân tích này chúng ta có thể thấy được là rất nhiều
người đã hiểu sai về lòng thương yêu. Và thay vì điều chỉnh lại những
sai lầm về mặt nhận thức, người ta lại thường chọn cách dùng danh từ “từ
bi” để chỉ cho lòng thương yêu chân thật, và do đó mà bỏ qua đi sự ngộ
nhận về ý nghĩa thực sự của lòng thương yêu.
Tuy nhiên, nhận thức sai lầm này nếu không được nhận rõ sẽ lại tiếp tục
dẫn đến những sai lầm khác. Bởi vì thật ra thì nhiều người trong chúng
ta có thể cảm thấy gần gũi và dễ dàng tiếp nhận ý nghĩa chân thật của
lòng thương yêu, nhưng thường thấy xa lạ khi nghe nói đến lòng từ bi vì
có cảm giác rằng đó là một phẩm chất siêu việt chỉ có ở các vị Phật và
Bồ Tát. Do đó, hiểu đúng về lòng thương yêu chính là phương cách giúp
chúng ta có thể lấy lại sự tự tin nơi chính mình, bởi vì nuôi dưỡng và
phát triển lòng thương yêu là điều chắc chắn mỗi chúng ta đều có thể làm
được, trong khi nói đến việc tu tập lòng từ bi thì sẽ có rất nhiều người
thường cảm thấy e ngại vì sợ là vượt quá sức mình!
Một khi hiểu được rằng lòng thương yêu chân thật cũng chính là lòng từ
bi với đặc điểm “cứu khổ, ban vui”, chúng ta sẽ thấy không cần thiết
phải quan tâm đến vấn đề tên gọi nữa. Bởi cho dù có sử dụng tên gọi nào
thì bản chất thực sự của vấn đề cũng đều không thay đổi!
Vì thế, thực hành lòng thương yêu chân thật cũng chính là tu tập lòng từ
bi, cho dù cách nói sau nghe có vẻ trang trọng hơn nhiều. Hiểu được điều
này, chúng ta sẽ thấy rằng những phương thức tu tập lòng từ bi – chẳng
hạn như phép quán từ bi – thật ra cũng không phải là quá xa vời như
nhiều người lầm tưởng. Việc thực hành phép quán từ bi có thể được thực
hiện bởi bất cứ ai, và chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích lớn lao về
mặt tinh thần.
Cho dù chúng ta chưa thể đạt đến những tâm lượng rộng lớn vô biên như
chư Phật, Bồ Tát, nhưng điều chắc chắn là sự thực hành lòng thương yêu
sẽ giúp tâm hồn chúng ta rộng mở hơn, xóa bỏ dần đi những giới hạn chật
hẹp đã tạo ra do sự tham lam, ích kỷ và vô số những định kiến phân biệt
trong cuộc sống.