Mỗi người chúng ta sinh ra giữa cuộc đời này với tấm thân trần trụi không
có gì, và rồi sẽ chết đi cũng trần trụi như thế, chẳng mang theo được
gì!
Dù vậy, khoảng giữa của hai thời điểm “không có gì” này lại là sự tiếp
nối của những ảo tưởng về biết bao nhiêu sự vật “của ta”, và hầu hết
những nỗ lực của mỗi chúng ta trong suốt cả một đời người đều là để có
thể tích lũy quanh ta được ngày càng nhiều hơn, từ tài sản, danh vọng,
quyền thế... cho đến vợ con, quyến thuộc, bằng hữu...
Rất hiếm khi ta có được cảm giác hài lòng với những gì đang có, mà phần
lớn cuộc đời chúng ta luôn là sự cố gắng vươn lên không ngừng để “sở
hữu” được nhiều hơn. Nhưng sự thật là chúng ta chưa từng sở hữu được bất
cứ sự vật nào! Tất cả những gì được gọi là “của ta” thật ra chỉ tồn tại
do những nhân duyên nhất định mà chưa bao giờ là hoàn toàn do nơi ý muốn
chủ quan của chúng ta. Vì thế, ta mệt mỏi, khổ đau, chịu đựng, tích cóp
suốt một đời chỉ để rồi cuối cùng dù muốn hay không cũng đều phải ra đi
với một thân thể trần trụi không mang theo được gì!
Những vật “sở hữu” đầu tiên của ta ngay khi mở mắt chào đời chính là
những nhu cầu thiết yếu nhất cho sự tồn tại trong cuộc sống. Bầu vú và
hơi ấm lòng mẹ là những thứ mà ta không thể tồn tại nếu không có được.
Chúng ta khóc thét lên mỗi khi bầu vú mẹ bị giật ra khỏi miệng vào lúc
ta chưa được bú no, mỗi khi ta bị giằng ra khỏi lòng mẹ ấm áp để đặt vào
trong nôi lúc ta chưa ngủ say, và tiếng khóc ấy chính là một trong những
phản ứng đầu tiên thể hiện ý niệm “sở hữu” của ta đối với những sự vật
không thuộc về thân thể chúng ta. Ta đòi hỏi, ta phản đối khi những sự
vật ấy bị lấy đi, bởi vì ta cho rằng đó là những vật “của ta”, không ai
được phép cướp đi “của ta” những sự vật ấy.
Rồi cùng với sự lớn lên trong cuộc sống, khi ta nhận biết ngày càng
nhiều những sự vật quanh ta thì cũng đồng thời phát triển ngày càng
nhiều hơn ý niệm sở hữu đối với những sự vật ấy. Quần áo của ta, thức ăn
của ta, đồ chơi của ta... Ta không bao giờ chấp nhận việc những thứ ấy
bị người khác lấy đi, bởi vì ta luôn cho rằng đó là “của ta”!
Cho đến lúc trưởng thành thì quanh ta đã có biết bao sự vật “của ta”,
nhiều đến nỗi chúng hầu như che khuất đi bản chất thật sự của con người
ta. Thật vậy, chúng ta thường được người khác nhận biết không phải qua
bản chất thực sự của chính mình, mà là qua những thứ bao quanh ta như
quần áo, đồ trang sức, tài sản... cho đến gia đình, địa vị, quyền lực...
cho dù những thứ ấy vốn chỉ hoàn toàn là sự góp nhặt, tích lũy từ bên
ngoài.
Kèm theo với những gì ta “có được” chính là những gì ta phải trả giá! Đó
là những nỗi lo âu, phiền muộn... những sự nhọc nhằn, vất vả... những
tính toán lo toan không có lúc dừng nghỉ... và những niềm vui nhỏ nhoi
ta có được thường chỉ là thoạt đến thoạt đi, chẳng bao giờ bền chắc,
trong khi những khổ đau mà ta phải gánh chịu thì hầu như bất tận!
Chỉ cần một chút tĩnh tâm suy xét, chúng ta sẽ dễ dàng thấy ngay rằng
chỉ có hai thời điểm trong đời mà ta có thể không bị ràng buộc bởi bất
cứ điều gì. Đó là lúc ta sinh ra đời và lúc ta nhắm mắt xuôi tay.
Khi sinh ra, chúng ta còn quá bé bỏng để có thể lo toan, khao khát, và
do đó mà trong lòng ta chẳng có gì ràng buộc. Ta có thể nhận biết được
điều này qua việc quan sát những mối lo toan, những niềm khao khát đã đi
vào lòng ta như thế nào khi ta dần lớn lên, cũng như sự thật là chúng đã
trói buộc, điều khiển mọi hành vi, suy nghĩ của chúng ta như thế nào
trong cuộc sống. Nếu ta ý thức được điều này, ta sẽ nhận rõ được rằng
mọi sự ràng buộc, thôi thúc trong cuộc sống của chúng ta vốn dĩ không tự
có, mà chỉ là do chính ta tự ôm lấy vào lòng.
Khi ta chết đi, mọi lo toan, khao khát nhất thời trở nên vô nghĩa, bởi
sự thật là chúng ta chẳng thể mang theo được gì, cho dù đó là tài sản,
danh vọng, quyền lực, hay thân bằng quyến thuộc... Nếu ta sớm ý thức
được điều này, ta sẽ nhận ra rằng mọi sự ràng buộc, thôi thúc trong cuộc
sống thật ra không quá quan trọng như ta vẫn tưởng, bởi vì khi xét theo
ý nghĩa rốt ráo của một đời người thì chúng chẳng qua chỉ là những bọt
nước thoáng hiện trên mặt nước, không bao lâu rồi sẽ tan biến đi không
để lại gì!
Sự thật là tất cả chúng ta không ai có khả năng nhớ lại được mình đã
sinh ra như thế nào, cũng như tất cả chúng ta chưa ai đã từng trải qua
cái chết. Tuy nhiên, chúng ta có thể quan sát những em bé sinh ra và lớn
lên để hiểu được mình đã sinh ra và lớn lên như thế nào, cũng như quan
sát những người khác chết đi để biết rằng chắc chắn mình cũng sẽ chết đi
như thế. Bằng cách này, chúng ta mới có được một nhận thức toàn diện hơn
về đời sống và ý nghĩa của nó, thay vì là chỉ luôn bị cuốn hút vào những
sự kiện đang xảy ra quanh ta mỗi ngày.
Như đã nói, ý niệm sở hữu đầu tiên của mỗi chúng ta xuất phát từ những
nhu cầu thiết yếu cho sự tồn tại trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều không
may cho tất cả chúng ta là trong khi mọi nhu cầu đều có một giới hạn
nhất định thì sự khao khát thèm muốn lại không có bất cứ giới hạn nào.
Khi bạn đang đói và được ngồi vào bàn ăn, bạn không cần quan tâm đến
việc mình phải ăn bao nhiêu mới no. Khi nhu cầu đã được thỏa mãn, cơ thể
bạn tự biết điều đó và bạn không thể ăn thêm được gì nhiều hơn nữa.
Nhưng sự khao khát, thèm muốn của bạn lại không dễ dàng được thỏa mãn
theo cách như thế!
Khi bạn có được những điều mình mong muốn thì ngay lập tức những khao
khát ham muốn của bạn sẽ mở rộng phạm trù của chúng đến một mức độ cao
hơn nữa. Bằng cách này, mọi nỗ lực của bạn để thỏa mãn lòng ham muốn
luôn chỉ là một cuộc chạy đua với cái bóng phía trước của chính mình.
Bạn càng chạy nhanh thì mục tiêu của bạn càng được đẩy nhanh hơn về phía
trước, và vĩnh viễn không bao giờ bạn có được sự thỏa mãn thực sự! Lịch
sử đã từng ghi nhận có những tham vọng to lớn đến mức muốn thống trị cả
thế giới này, mà Adolf Hitler là một ví dụ cụ thể.
Nhưng cho dù mục tiêu của bạn không bao giờ đạt đến thì bạn vẫn phải trả
giá cho những cuộc chạy đua với lòng ham muốn. Bạn sẽ không còn là chính
bản thân mình, xét trong ý nghĩa là mọi hành vi, ý nghĩ của bạn luôn bị
khống chế, ràng buộc và thôi thúc bởi lòng ham muốn, bởi sự khao khát
chiếm hữu một đối tượng nào đó làm “của riêng” cho mình.
Do sự trói buộc này, chúng ta dễ dàng đánh mất đi những bản chất tốt đẹp
của chính mình. Và một khi đã đánh mất đi những bản chất tốt đẹp, chúng
ta cũng sẽ đồng thời đánh mất đi sự an vui thanh thản và hạnh phúc trong
đời sống. Vì thế, điều vô cùng dễ hiểu là những người càng nhiều tham
vọng thì cuộc sống càng trở nên nhọc nhằn, tình cảm dễ khô cằn và niềm
vui càng hiếm hoi.
Đối với hầu hết chúng ta thì những khao khát ham muốn và sự nỗ lực để
thỏa mãn chúng có vẻ như là điều rất thật, thậm chí có khi còn được xem
là động lực thúc đẩy cần thiết cho sự tồn tại và vươn lên của mỗi người
trong cuộc sống. Trong thực tế, không ít người đã rơi vào tâm trạng chán
nản hụt hẫng khi bất ngờ bị mất đi một mục tiêu theo đuổi nào đó trong
cuộc sống.
Tuy nhiên, khi chúng ta mở rộng nhận thức để nhìn nhận cuộc sống một
cách toàn diện và sâu sắc hơn, ta sẽ nhận thấy rằng những khát vọng của
chúng ta theo cách này thật ra chỉ là những ảo tưởng không hơn không
kém, bởi vì mọi mục tiêu mà chúng ta theo đuổi thực chất chỉ là những ảo
ảnh không thường tồn. Thi sĩ Tản Đà trong một phút xuất thần đã viết nên
hai câu thơ thể hiện sâu sắc ý nghĩa này:
Vèo trông lá rụng ngoài sân,
Công danh phù thế có ngần ấy thôi!
Quả thật, một đời rồi cũng qua nhanh như chiếc lá vàng vèo bay trong
gió. Thật không may cho những ai chưa từng nghĩ đến điều này nên đã đốt
cháy thời gian quý giá bằng những việc làm vô nghĩa lý. Trong thực tế,
một nhận thức đúng về tính chất ngắn ngủi vô thường của đời sống không
phải là sự bi quan yếm thế, mà chính là tiền đề thiết thực nhất để chúng
ta biết trân quý từng giây phút đang trôi qua của cuộc đời mình.
Vì thế, động lực chân chính cho sự tồn tại và vươn lên của mỗi chúng ta
trong cuộc sống thực ra không phải là lòng ham muốn mà chính là sự nhận
thức được tính chất ngắn ngủi và quý giá của đời sống trong từng phút
giây hiện tại. Sự khác biệt sâu sắc ở đây là, khi bị thôi thúc bởi lòng
ham muốn, chúng ta luôn bị trói buộc và thường mất đi lý trí, không giữ
được sự phán đoán khách quan và sáng suốt; ngược lại, khi được thôi thúc
vì nhận ra được tính chất ngắn ngủi, cấp thiết và quý giá của thời gian
qua nhanh, chúng ta sẽ nỗ lực thực hiện những việc làm có ý nghĩa hơn
bằng vào ý chí của chính mình, hay nói khác đi là ta luôn có được sự tự
do chọn lựa trong cuộc sống.
Những bậc vĩ nhân của nhân loại đều giống nhau ở sự nỗ lực vươn lên
không ngừng. Họ có thể làm việc quên mình chỉ vì nghĩ đến lợi ích cho
người khác, nhưng lại không bao giờ xuất phát từ sự thôi thúc của lòng
ham muốn. Nếu họ hành động bởi lòng ham muốn, họ sẽ chẳng bao giờ có thể
trở thành vĩ nhân! Hay nói một cách khác, sự chế phục lòng ham muốn
chính là một trong những yếu tố cần thiết để có thể trở thành một bậc vĩ
nhân.
Ý thức chiếm hữu và lòng ham muốn có một mối quan hệ tất yếu cùng tồn
tại. Trước hết, ý thức chiếm hữu được hình thành từ những nhu cầu thực
sự thiết yếu cho đời sống và nó cũng đồng thời khơi dậy lòng ham muốn.
Nhưng khi những nhu cầu thực sự được thỏa mãn thì ý thức chiếm hữu và
lòng ham muốn không mất đi mà chúng lại tiếp tục phát triển theo khuynh
hướng của một quả bóng bay bị đứt dây, nghĩa là ngày càng lên cao hơn mà
không bao giờ có một giới hạn cuối cùng. Điều không may cho tất cả chúng
ta là trước khi quả bóng ấy nổ tung giữa trời cao, nó đã kịp đẩy chúng
ta vào vô vàn những bất hạnh trong cuộc sống!
Bạn có thể cảm thấy hơi mơ hồ, khó hiểu đối với những gì vừa nói? Vậy
thì đây sẽ là một ví dụ cụ thể để giúp bạn hình dung được vấn đề một
cách dễ dàng hơn. Nếu bạn phải mua một chiếc xe gắn máy để đi đến sở làm
mỗi ngày, đó là nhu cầu thực sự thiết yếu cho đời sống. Nếu bạn muốn
thay thế nó bằng một chiếc xe đời mới đẹp hơn, hợp thời trang hơn, đó là
sự phát triển bắt đầu vượt mức của lòng ham muốn, vì đã không còn là một
nhu cầu thiết yếu nữa. Và vì các nhà sản xuất mỗi năm đều cho ra đời
những chiếc xe đời mới tốt hơn, đẹp hơn – tất nhiên là cũng đắt tiền hơn
– nên đến một lúc nào đó bạn sẽ hoàn toàn tuyệt vọng vì không còn khả
năng chạy đua theo lòng ham muốn của mình, và đó chính là khi quả bóng
bay nổ tung giữa trời cao. Nhưng đợi đến lúc ấy thì bạn đã phải trải qua
biết bao lo toan vất vả, bao nỗ lực nhọc nhằn mới có thể nhận ra được
mình luôn là người thất bại trong cuộc chạy đua này.
Thế nhưng, phần lớn những nỗ lực trong cuộc đời chúng ta thường được
dành cho những cuộc chạy đua vô vọng như thế. Và những gì được chúng ta
xem là thành tựu lại chẳng có ý nghĩa gì khác hơn là những khối vật chất
vô tri mà ta buộc lòng phải buông bỏ lúc cuối đời. Bởi vì ngay chính đời
sống của bản thân ta vốn đã là một yếu tố không bền chắc, thì những gì
mà chúng ta thu góp được trong cuộc sống làm sao có thể có ý nghĩa
thường tồn?
Trong kinh Pháp cú, kệ số 62, đức Phật dạy rằng:
Thử ngã tử, ngã tài,
Ngu nhân thường vi ưu.
Ngã thả vô hữu ngã,
Hà hữu tử dữ tài?
Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu thường lo nghĩ.
Ta đã là không có,
Con đâu? Tài sản đâu?
Vì thế, một khi ý thức được tính chất vô ngã, vô thường của đời sống,
chúng ta cũng đồng thời thấy được tính chất vô nghĩa của những mục tiêu
vật chất mà ta đang ngày đêm nỗ lực theo đuổi, và điều này sẽ ngay lập
tức giải phóng tâm thức ta khỏi sợi dây ràng buộc của lòng ham muốn!