Lần đầu tiên khi tìm hiểu về sáu pháp ba-la-mật,
tôi đã không khỏi ngạc nhiên và thậm chí có phần nghi ngại khi trong sáu
pháp này không thấy nói đến lòng thương yêu. Phải qua một thời gian khá
lâu, nhờ vào những trải nghiệm thực sự trong đời sống tôi mới có thể
hiểu ra được phần nào vấn đề. Từ đó, sự nghi ngại này mới dần dần tan
biến đi và thay vào đó là một nhận thức toàn diện hơn về lòng thương
yêu.
Sự thật là, nếu không có lòng thương yêu thì chúng ta sẽ không thể hiểu
và thực hành một cách sâu sắc các pháp ba-la-mật. Ngược lại, việc thực
hành sáu pháp ba-la-mật lại có thể giúp chúng ta nuôi dưỡng và làm phát
triển lòng thương yêu vốn có của mình. Vì thế, tuy không nói đến lòng
thương yêu nhưng thực tế là các pháp ba-la-mật vốn dĩ đã đặt nền tảng
trên lòng thương yêu, và sự thực hành các pháp ấy chính là những điều
kiện tất yếu cho sự phát triển của lòng thương yêu.
Lấy ví dụ như pháp bố thí chẳng hạn. Cho dù chúng ta có thể thực hành bố
thí mà không có sự phát khởi lòng thương yêu, nhưng sự bố thí như thế
chắc chắn sẽ chỉ là những hành vi máy móc, khô cứng. Chỉ khi nào trong
lòng ta có được sự thương yêu tràn ngập thì việc bố thí của ta mới thực
sự sâu sắc, và do đó mới mang lại hiệu quả tốt đẹp nhất trong việc hoàn
thiện bản thân mình.
Ngay từ những đoạn mở đầu kinh Kim Cang, đức Phật đã dạy rằng: “Nếu Bồ
Tát bố thí với tâm không trụ tướng, phước đức ấy chẳng thể suy lường.”
“Tâm không trụ tướng” chính là trạng thái lìa bỏ mọi sự tham đắm nơi âm
thanh, hình sắc, cho đến mọi sự êm dịu thỏa mãn đối với tất cả các giác
quan. Mà những sự tham đắm như thế thật ra đều là bắt nguồn từ ý thức
chấp ngã, đều do nơi sự vun đắp cho một “cái ta” vốn không thực có. Vì
thế, chỉ có sự thực hành tinh thần vô ngã mới giúp ta đạt được “tâm
không trụ tướng”, và một khi “tâm không trụ tướng” thì hành vi bố thí sẽ
không còn được thực hiện với sự phân biệt giữa người cho và người nhận,
cũng không có cả sự phân biệt vật bố thí là lớn, nhỏ, nhiều, ít... Khi
ấy, trong lòng chúng ta chỉ có một sự thương yêu tràn ngập, và xuất phát
từ lòng thương yêu chân thật đó mà ta thực hành việc bố thí, cho nên mới
có thể nói là “phước đức ấy chẳng thể suy lường”.
Như đã nói, chính do sự ngăn ngại của ý thức chấp ngã mà chúng ta không
thể phát khởi lòng thương yêu. Vì thế, một khi đạt đến tâm vô ngã thì
lòng thương yêu sẽ tự nhiên sinh khởi và phát triển. Nhiều người không
hiểu được điều này, lầm tưởng rằng việc tu tập là nhằm đạt đến một “tâm
không” trống rỗng, như thế có khác gì gỗ đá vô tri? Tâm không của người
tu tập sở dĩ khác với gỗ đá vô tri chính là do có sự thương yêu tràn
ngập bình đẳng đối với muôn loài mà hoàn toàn không phải là “rỗng không”
vô nghĩa!
Vì thế, cách tốt nhất để thực hành hạnh bố thí một cách sâu sắc là nuôi
dưỡng và phát triển lòng thương yêu. Khi có lòng thương yêu chân thật
thì dù là bố thí cho ai, bố thí vật gì cũng đều có thể mang lại phước
đức không thể suy lường. Ngược lại, không có lòng thương yêu thì cho dù
có bỏ ra rất nhiều tài vật, bố thí cho rất nhiều người, sự bố thí ấy
cũng chỉ là một sự gieo nhân lành vật chất mà không thể mang lại nhiều
lợi lạc về mặt tinh thần.
Việc thực hành trì giới cũng vậy. Khi không có lòng thương yêu thì giới
luật chỉ là những khuôn khổ cứng nhắc mà người tu tập buộc phải tuân
theo. Nhưng một khi đã sinh khởi được lòng thương yêu thì mỗi một điều
trong giới luật đều sẽ trở thành biểu hiện cụ thể của lòng thương yêu.
Lấy ví dụ như giới sát sinh chẳng hạn. Người giữ giới này mà không có
lòng thương yêu sẽ luôn có cảm giác gò bó, trói buộc, cho dù không sát
sinh nhưng trong lòng vẫn không thể trừ hết những ý niệm xấu ác. Ngược
lại, nếu như nuôi dưỡng được lòng thương yêu chân thật thì việc không
sát sinh sẽ chẳng còn là sự bắt buộc theo giới luật nữa, mà trở thành
một biểu hiện cụ thể của lòng thương yêu đối với muôn loài. Vì thế mà
những ý niệm xấu ác không thể tồn tại trong lòng ta được nữa.
Cho đến các pháp nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, tất cả cũng
đều đặt nền tảng trên lòng thương yêu chân thật. Khi ta xuất phát từ
lòng thương yêu chân thật để thực hành pháp nhẫn nhục, ta mới có được sự
cảm thông thực sự đối với những người đã xúc phạm hoặc gây tổn hại cho
ta, và do đó mới có thể thật lòng tha thứ, bỏ qua mọi lỗi lầm của họ.
Ngược lại, nếu không có lòng thương yêu chân thật thì cho dù ta cố gắng
thực hành nhẫn nhục cũng rất khó có thể thật lòng tha thứ.
Mặt khác, việc thực hành các pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục... lại là
những điều kiện tất yếu giúp ta nuôi dưỡng và phát triển lòng thương
yêu.
Như đã nói, lòng thương yêu tuy là một bản năng vốn có của mỗi con
người, nhưng bản năng tự nhiên ấy luôn cần có một môi trường học tập và
rèn luyện thích hợp mới có thể phát triển thành lòng thương yêu chân
thật. Xét trong ý nghĩa này, việc học hỏi và thực hành sáu pháp
ba-la-mật chính là những điều kiện lý tưởng để chúng ta rèn luyện và
phát triển lòng thương yêu.
Điều này có thể dễ dàng cảm nhận được khi chúng ta thực sự bắt tay vào
việc thực hành sáu pháp ba-la-mật. Khi rộng lòng chia sẻ tài vật của
mình cho những người kém may mắn hơn, bạn sẽ có được niềm vui nhẹ nhàng
thanh thản khi cảm nhận được niềm vui mà chính mình đã mang đến cho
người khác. Niềm vui thanh thản ấy có khả năng xua tan đi những ý niệm
hẹp hòi, xấu ác, và càng giúp nuôi lớn thêm lòng thương yêu của bạn.
Điều này giải thích vì sao việc khởi sự làm một việc thiện bao giờ cũng
khó khăn hơn nhiều so với việc tiếp tục thực hiện những việc thiện sau
đó.
Cũng tương tự như vậy, nếu bạn chưa từng bắt tay vào thực hành các pháp
trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn... bạn không thể cảm nhận được nguồn lực
tích cực mà việc thực hành các pháp này mang lại. Vì thế, bạn sẽ có cảm
giác rằng việc vượt qua ngưỡng cửa của sự khởi đầu thật rất khó khăn.
Tuy nhiên, một khi đã có thể bắt tay vào việc, bạn sẽ nhận ra là việc
thực hành các pháp này thật ra cũng không quá khó khăn như những cảm
nhận ban đầu. Một khi lòng thương yêu đã có đủ điều kiện nuôi dưỡng để
phát triển thì chính nó sẽ mang lại nguồn sức mạnh vô song để giúp bạn
tiếp tục thực hành các điều thiện khác.
Thật ra, không chỉ riêng sáu pháp ba-la-mật mà có thể nói là hết thảy
mọi điều lành đều đặt nền tảng trên lòng thương yêu. Bởi vì nếu xét cho
cùng thì không một ý niệm hiền thiện nào lại không xuất phát từ lòng
thương yêu chân thật!