Làng quê tôi ngày xưa không có giếng khoan, càng không có những nhà máy
nước hiện đại như bây giờ. Nguồn nước ăn uống và sinh hoạt của cả làng
chỉ nhờ vào một cái giếng chung mà không ai biết đã có tự bao giờ.
Nước giếng bốn mùa trong vắt, dù người dùng nhiều đến đâu cũng chưa bao
giờ cạn. Mùa đông giá rét, nước múc lên từ giếng nóng ấm cả bàn tay. Mùa
hè nóng bức, nước giếng lại mát rười rượi; được tắm nước giếng mới lấy
về vào ban trưa thì sướng không gì bằng!
Năm ấy, chiến tranh thật khốc liệt. Đạn pháo nổ ì ầm suốt mấy ngày đêm,
rơi cả vào trong làng. Dân làng sợ hãi kéo nhau lên thị xã ngụ cư, trong
làng chẳng còn ai, cả đến gà vịt cũng chẳng dám để lại!
Rồi mấy tháng sau, cuộc chiến lắng dịu, mọi người lũ lượt kéo nhau về
làng. Việc đầu tiên tất nhiên là phải đến giếng làng lấy nước. Nhưng khi
đến nơi thì ai nấy đều thảng thốt: lòng giếng gần như khô cạn, chỉ còn
lại một vũng nước nhỏ ngầu ngầu đục, nổi lều bều bên trên là mấy chiếc
lá tre khô!
Trong khi chúng tôi đều hốt hoảng thì mấy cụ già có vẻ như vẫn thản
nhiên. Họ bình tĩnh bảo mọi người lấy gàu đến múc nước. Rồi từng gàu,
từng gàu nước ngầu đục được chúng tôi thay nhau múc lên khỏi giếng.
Nước dưới đáy giếng cạn dần, cạn dần. Nhưng thật bất ngờ và kỳ lạ thay,
đến lúc chúng tôi tưởng như sắp múc lên gàu nước cuối cùng thì từ giữa
giếng bỗng xuất hiện liên tục những sóng nước vòng tròn, trước chậm, sau
nhanh dần, rồi cuối cùng chuyển thành những cuộn sóng nhỏ nổi cả lên
trên mặt nước.
Rồi nước giếng dâng lên cao dần. Chúng tôi tiếp tục múc nhanh hơn. Nước
không còn ngầu đục nữa mà ngày càng trong hơn, nhiều hơn. Chỉ khoảng nửa
giờ sau thì những gàu nước múc lên đã hoàn toàn trong vắt như xưa, và
lòng giếng cũng dâng đầy nước không còn khô cạn nữa.
Ngày ấy, tôi vẫn cho đó là điều kỳ lạ nhất trong đời mà mình đã từng
được chứng kiến. Mãi về sau mới hiểu ra được vì sao có hiện tượng ấy. Đó
là vì trong mấy tháng dài không người múc nước, bùn đất trong lòng giếng
đã dần dần lắng xuống và bít đi mạch nước ngầm giữa giếng. Phần nước bên
trên một phần thấm vào chung quanh, một phần bốc hơi, nên lòng giếng gần
như khô cạn. Khi có người múc nước, bùn đất bị khuấy động và đồng thời
nước bị múc cạn đi, làm cho mạch nước có khả năng bắt đầu tuôn chảy. Khi
đã chảy được, nước đẩy dần lớp bùn đất lắng đọng bên dưới và khôi phục
lại tình trạng như trước. Do đó, nước ngầm mới nhanh chóng dâng lên
trong lòng giếng. Nếu hằng ngày đều có người múc nước, nước ngầm sẽ liên
tục chảy và hiện tượng lắng bít mạch nước như trên không thể xảy ra.
Lòng thương yêu của chúng ta cũng là một mạch nước ngầm. Nếu chúng ta
biết mở rộng lòng thương yêu, nguồn mạch thương yêu của chúng ta sẽ tuôn
chảy mãi mãi không bao giờ cạn kiệt. Nhưng nếu chúng ta không có cơ hội
– hoặc không tạo ra cơ hội – sử dụng đến khả năng thương yêu của mình,
thì không bao lâu nguồn mạch ấy sẽ khô kiệt đi, không còn khả năng tuôn
chảy nữa!
Điều này giải thích vì sao khi bắt đầu mở rộng lòng thương yêu chúng ta
sẽ càng dễ có khả năng cảm thông và thương yêu người khác nhiều hơn nữa,
thậm chí cho đến cả các loài sinh vật khác. Ngược lại, những ai chưa
từng thực hành lòng thương yêu sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn để có thể
thực sự cảm thông và yêu thương người khác, nhất là khi đó không phải là
một người thân ruột thịt của họ.
Nhiều hiện tượng tâm lý rất thường gặp có thể giúp chúng ta thấy rõ hơn
nhận xét này. Nếu bạn có dịp tiếp xúc với những người có hoàn cảnh sống
cô độc và ít khi có dịp chăm sóc người khác – chẳng hạn như những người
góa vợ, góa chồng và không con cái, hoặc những người chưa từng lập gia
đình... – bạn sẽ dễ dàng cảm nhận ngay được một sự khô khan và khó tính
rất thường gặp ở họ. Điều này thường được biểu hiện qua thói quen lầm lì
ít nói, thiếu cảm thông và đôi khi lạnh lùng trong giao tiếp. Thật ra,
hầu hết những người này trước đây không hẳn đã như thế, nhưng qua một
thời gian sống cô độc và không có dịp để thương yêu, chăm sóc người
khác, nên “nguồn mạch” thương yêu của họ đã dần dần khô kiệt, không còn
tuôn chảy được nữa. Nếu trong số họ có những người biết chọn cho mình
một lối sống thích hợp, dành thời gian thỏa đáng cho các hoạt động từ
thiện xã hội hoặc tiếp xúc, chăm sóc cho người khác, chắc chắn họ sẽ có
thể duy trì và phát triển được khả năng thương yêu vốn có của mình.
Một ví dụ khác là điều mà chúng ta hay gọi là “bản chất nghề nghiệp”.
Những người phải thường xuyên làm công việc cách ly hoặc hạn chế tiếp
xúc với người khác cũng thường dễ trở nên lầm lì ít nói, và lâu dần sẽ
trở thành khô khan, thiếu cảm thông và rất khó mở lòng thương yêu người
khác. Trừ khi họ tự ý thức được điều này và có những sự điều chỉnh tâm
lý thích hợp để có thể duy trì và phát triển được nguồn mạch yêu thương
của mình.
Một người bạn tôi đã từng là bác sĩ trưởng khoa cấp cứu ở một bệnh viện
lớn. Có lần anh ta tâm sự với tôi: “Môi trường làm việc của chúng tôi
không cho phép có sự cởi mở trong giao tiếp. Những câu hỏi của bệnh nhân
hoặc thân nhân người bệnh thường không dễ trả lời, thậm chí đôi khi
không thể trả lời. Vì thế, chúng tôi chỉ có cách duy nhất là im lặng
hoặc ậm ừ cho qua chuyện. Lâu dần thành thói quen.”
Mà quả đúng là lâu dần thành thói quen. Làm bạn với nhau khá lâu mà tôi
rất ít khi thấy anh nói cười thoải mái như những người bạn khác. Đã có
lần tôi đến nhà dùng cơm chung với vợ chồng anh – vợ anh cũng là bác sĩ
– và tôi cảm nhận một bầu không khí im lặng nặng nề trong suốt bữa ăn.
Có lẽ chẳng ai trong chúng ta mong muốn một cuộc sống thường xuyên như
thế, nhưng chính ảnh hưởng của nghề nghiệp đã tạo nên như vậy.
Vì thế, điều tốt nhất mà mỗi chúng ta có thể tự làm cho bản thân mình là
đừng bao giờ để cho nguồn mạch yêu thương của mình phải khô kiệt. Và để
làm được điều đó, chúng ta không có cách nào khác hơn là phải thường
xuyên khơi mở nguồn mạch ấy, bằng cách mở lòng thương yêu những người
quanh ta. Cũng giống như mạch nước ngầm trong đáy giếng kia, suối nguồn
yêu thương một khi được khơi mở sẽ có thể mãi mãi tuôn chảy không bao
giờ khô cạn.
Nếu có một tài sản quý giá nào đó của chúng ta mà có thể dùng mãi không
bao giờ hết, lại ngày càng trở nên nhiều hơn, thì đó chỉ có thể là lòng
thương yêu! Vì quả thật là khi chúng ta càng thương yêu người khác thì
lòng thương yêu của chúng ta càng có điều kiện để phát triển hơn lên chứ
không bao giờ cạn kiệt.
Cách đây hơn 2500 năm, Lão tử đã từng nhận ra thứ tài sản quý giá này và
tính chất của nó. Trong Đạo Đức Kinh, ông viết: “Ta có ba vật quý để ôm
ấp gìn giữ. Một là lòng thương yêu, hai là tính kiệm ước, ba là sự khiêm
hạ.”
[8]
Như vậy, ngay từ thời đại của mình, khi con người còn đang sống trong
những cuộc chiến tranh giết chóc triền miên giữa các thế lực chính trị
tranh giành quyền lực, Lão tử đã nhận ra được rằng lòng thương yêu chính
là một trong các tài sản quý giá nhất mà mỗi con người đều sẵn có. Hơn
thế nữa, ông cũng biết được rằng thứ tài sản này có thể dùng hoài không
hết mà còn có thể ngày càng phát triển nhiều hơn. Ông viết: “Càng giúp
người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng
được nhiều hơn.”
[9]
Chúng ta ngày nay tự hào được sống trong một nền văn minh đỉnh cao của
nhân loại với hàng ngàn phát minh khoa học mới lạ giúp cho cuộc sống con
người trở nên cực kỳ tiện nghi, thoải mái, khác xa thời Lão tử, nhưng
rất nhiều người trong chúng ta lại chưa từng hiểu và cảm nhận được hết
những gì mà Lão tử đã từng nói ra cách đây hơn 25 thế kỷ. Quả thật là
một sự thiếu sót vô cùng đáng tiếc. Bởi vì, sự thật là chỉ cần nhận ra
được vốn quý thương yêu sẵn có của mình, chúng ta sẽ không phải phí
nhiều thời gian chạy theo biết bao điều vô nghĩa, trong khi lại bỏ quên
đi thứ tài sản quý giá vốn dĩ có thể giúp chúng ta tạo nên một cuộc sống
an vui, hạnh phúc.
Hơn thế nữa, lòng thương yêu không chỉ là vốn quý của mỗi chúng ta, mà
còn là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần. Chính vì vậy mà
những ai thiếu thốn tình thương trong cuộc sống thường không thể có được
một cuộc sống phát triển tinh thần bình thường. Mặt khác, khi được sống
trong tình thương của người khác, chúng ta mới có thể dễ dàng phát triển
lòng thương yêu. Ngược lại, khi phải sống trong một môi trường khô khan
tình cảm, chúng ta thường rất khó phát triển khả năng thương yêu của
chính mình; và một khi chúng ta không thể mở rộng lòng thương yêu, chúng
ta cũng sẽ rất hiếm khi nhận lại được sự thương yêu từ người khác.
Chính cái vòng luẩn quẩn như thế đã nhấn chìm biết bao cuộc đời trong
đau khổ, chỉ bởi suối nguồn yêu thương của họ đã cạn kiệt không một lần
khơi mở. Vì thế, để thoát ra khỏi tình trạng này chúng ta phải nhận biết
và chủ động thực hành thương yêu như một phương cách duy nhất để khơi mở
nguồn mạch yêu thương sẵn có của mình.