Đức Phật thấy rõ hoàn cảnh xã hội và tâm linh bế tắc đó. Ngài muốn tìm
lời giải đáp chân thật không dựa trên sự suy luận, cảm xúc hay niềm tin
không căn cứ. Do đó, sau sáu năm tu tập trong rừng và bốn mươi chín ngày
thiền định dưới cội bồ-đề, Ngài đã đại ngộ, nhìn thấu rõ mọi sự vật (vạn
pháp) trong vũ trụ như sau:
– Sự thấy biết mọi sự kiện trong vũ trụ và đời sống con người một cách
chân thật (như thực tri kiến) xuất hiện tự nhiên khi ta không còn dính
mắc với các ý tưởng đối nghịch, mâu thuẫn làm khơi dậy lòng ham muốn,
giận dữ, thù hận,v.v... đưa đến xáo trộn và khổ đau.
– Chủ trương tận hưởng dục lạc hay sống đời khổ hạnh, hành hạ thân xác
mình chỉ là hai cực đoan của sự trốn chạy cuộc sống. Sống phải là sống
hạnh phúc, vì hạnh phúc vốn là tánh tự nhiên, chân thật hay là Phật tánh
sẵn có nơi mỗi chúng ta. Khi ta sống tỉnh thức với sự chú tâm tự nhiên,
với sự thấy biết trực tiếp không lựa chọn (trực thức vô trạch) mọi sự
kiện, thì mọi sự vật đều hiện ra một cách chân thật, trong sáng, tràn
đầy. Những xáo trộn, mâu thuẫn, xung đột do sự thấy biết sai lầm đều tan
biến. Tâm ta quay về với sự trong sáng tự nhiên của nó, với niềm hạnh
phúc bao la tràn đầy.
Thực hành lối sống an lành và hạnh phúc đó là sống Trung đạo, là đi ở
giữa, tránh cả hai sự cực đoan sai lầm nói trên. Đó cũng chính là sống
đời giải thoát hay giác ngộ.
– Do đó, con người không cần phải hy sinh cho một ước mơ được sung sướng
trên thiên đàng mai sau mà quên đi cuộc sống hiện tại, nhưng cũng không
nên đắm mình vào khoái lạc vật chất để tìm kiếm sự thỏa mãn dục lạc mãi
mãi không ngừng. Sự khổ hạnh, ép xác để mong lên thiên đàng cùng sự
hưởng thụ vật chất theo chủ nghĩa khoái lạc đều làm cho tâm trí mê mờ và
thân xác mệt mỏi. Người thực hành đạo giác ngộ sống hạnh phúc nơi Trung
đạo. tức là ở giữa hai sự cực đoan sai lầm của các chủ trương khổ hạnh
hoặc hưởng lạc nói trên, và sống an vui thoải mái với sự hiểu biết chân
thật trong đời sống hằng ngày.
– Sự hiểu biết chân thật đó không dựa vào lý luận viễn vông mà do nơi
kinh nghiệm tâm linh: tánh tự nhiên của mỗi chúng ta là chân tánh hay
Phật tánh. Tánh ấy vốn không có bắt đầu và tận cùng (bất sinh bất diệt),
rộng lớn bao la, trong sáng, an vui, tràn đầy tình thương yêu (từ bi) và
sự hiểu biết chân thật (trí tuệ). Chân tâm hay Phật tánh nơi mỗi chúng
ta luôn luôn rỗng lặng, tinh sạch, trong sáng, linh động, tràn đầy, đồng
thời rộng lớn bao la nên không có một cái gì gọi là Tiểu ngã (Atman),
một cái tôi nhỏ bé cần phải thanh lọc dần dần để trở về với Đại ngã
(Brahm hay Thượng đế).
– Sống an vui giác ngộ ngay trong cuộc đời này là sống với tâm hiểu biết
chân thật: thấy biết rõ ràng mọi thứ, mọi hiện tượng nhưng với tâm buông
xả, không dính mắc vào các ý tưởng phân biệt như hay dở, tốt xấu, làm
khơi dậy các tình cảm như vui buồn, thương ghét, thân thù... thì tâm
luôn luôn tĩnh lặng. Cái tôi (ngã) mà lâu nay ta luôn luôn bảo vệ, đề
cao chẳng qua là sự tiếp nối không ngừng của các ý tưởng và cảm xúc. Khi
các ý tưởng và cảm xúc lắng dịu đi thì cái tôi nhỏ bé (ngã) cũng tan
biến, nên ta trực nhận được cái tôi ấy (ngã) vốn là rỗng lặng (không)
hay vô ngã. Các ý tưởng và cảm xúc thường là các đám mây che mờ chân
tâm. Phật tánh luôn luôn tỏa sáng nơi ta. Mây tan đi thì mặt trời chiếu
sáng. Sự mê mờ (vô minh) tan đi thì chân tâm, Phật tánh, cũng chính là
niềm hạnh phúc trong sáng bao la sẽ tràn đầy nơi ta.
– Tính cách vô ngã hiện hữu nơi mọi sự vật. Mọi sự vật hiện hữu đều là
do nhiều yếu tố hợp thành. Chúng ta có thể lấy ví dụ như một chiếc xe
hơi là do sự kết hợp của khung xe, mui xe, động cơ, bình xăng, dây điện,
cảng xe... Rồi nhờ có người thợ lắp ráp, thiết kế của các kỹ sư, quyết
định sản xuất của công ty sản xuất, vật liệu do các công ty khác cung
cấp, v.v... Chiếc xe hiện hữu được là do nhiều yếu tố như trên hợp
thành. Nó không tự có mặt và không có cá tính riêng biệt. Nếu các yếu tố
hợp thành chiếc xe thay đổi thì nó cũng thay đổi theo. Như mỗi năm công
ty sản xuất có thể thay đổi hình dáng, máy móc, màu sơn... để hấp dẫn
khách hàng thì mỗi năm xe cũng đổi mới liên tục. Cùng một hiệu xe như
Mercedes, Ford hay Toyota Celica nhưng tùy theo các yếu tố hợp thành
chiếc xe theo năm sản xuất, chúng hoàn toàn khác nhau về màu sắc, hình
dáng, máy móc, độ bền... Cùng một tên gọi nhưng chúng hoàn toàn khác
nhau về phẩm chất cũng như hình dáng. Tuy nhiên, chúng ta thường có thói
quen cho rằng mỗi sự vật đều có tánh riêng biệt và không thay đổi, trong
khi sự thật là mọi sự vật đều liên tục thay đổi. Sự thay đổi không ngừng
đó gọi là vô thường.
– Sự thay đổi của sự vật xảy ra từng giây phút một. Lấy ví dụ như khi
nói đến “chiếc xe của ta” thì ta liền hình dung ra một hình ảnh cố định
về chiếc xe ấy. Nhưng thật ra thì kể từ khi mua xe cho đến nay ta đã
thay các bánh xe mới, bộ thắng mới, bình điện mới, bình lọc dầu mới...
nước sơn cũng không còn bóng như trước và khung xe đã bắt đầu có những
chỗ han gỉ.
Các bộ phận kết hợp thành chiếc xe (sinh), chiếc xe tồn tại trong một
thời gian (trụ), chiếc xe biến đổi, hư hao (dị), và cuối cùng nó bị tan
rã (diệt). Chiếc xe phế thải được kéo vào nghĩa trang xe. Người cần các
bộ phận còn tốt sẽ đến mua về ráp lại vào xe khác. Cuối cùng, người ta
ép dẹp những phần còn lại, chuyển đến các nhà nấu thép, đúc thành các bộ
phận xe mới và ráp thành chiếc xe khác.
– Tính cách sinh diệt, diệt sinh đó là tính cách vô thường của mọi sự
vật. Vô thường có nghĩa là các sự vật không tồn tại mãi mãi và luôn luôn
biến đổi. Chiếc xe đạp tồn tại khoảng 10 năm, xe hơi trên 20 năm, tuổi
thọ con người khoảng 100 năm, mặt trời tồn tại khoảng 10 tỷ năm... Từ
một vật thật nhỏ như tế bào trong cơ thể, đến một vật lớn như mặt trời,
cũng đều chuyển biến qua bốn giai đoạn: do nhiều yếu tố kết hợp thành
(sinh), tồn tại trong một thời gian (trụ), biến đổi và hư hao (dị), cuối
cùng là tan rã (diệt). Và những yếu tố sau khi tan rã lại kết hợp để
thành các sự vật khác, tiếp nối mãi mãi không ngừng. Tính cách vô thường
ấy diễn ra khắp mọi nơi, ở cả bên trong và bên ngoài chúng ta.
– Khi đã hiểu rõ tính cách vô thường, vô ngã của các sự vật, chúng ta
không còn sợ hãi trước sự thay đổi, chuyển biến, và lòng ta trở nên
thoải mái, tâm ta trở nên tỉnh thức hơn trong mối tương quan với người
và vật. Ta không nhìn sự vật hay con người theo thói quen máy móc dựa
vào những định kiến sẵn có về người hay vật đó. Thói quen ấy ngăn cản ta
tiếp xúc với thực tại, những gì đang thực sự có mặt trong đời sống.
Trong mỗi giây phút, mỗi cành lá, đám mây, bông hoa, cánh bướm, dòng
sông, điệu nhạc, người đàn ông, đàn bà, trẻ em, hòn sỏi, chiếc xe... đều
hiện hữu hoàn toàn, như thế ấy. Tất cả đều không dính dáng gì đến các ý
tưởng khen chê, phê phán, cùng các cảm xúc dấy lên từ sự phê phán ấy làm
ta vui, buồn, thương, ghét. Nếu có dịp nhìn sâu vào lòng mình (quán
chiếu nội tâm) thì chúng ta sẽ thấy các ý tưởng và cảm xúc thường lặp đi
lặp lại mãi theo khuynh hướng như sau: Điều gì ta nghĩ là hay, tốt thì
ta ưa thích, ca ngợi; điều gì ta cho là dở, xấu thì ta ghét bỏ, thù hận
hay phỉ báng.
Nhưng cái mà ta cho là tốt hay xấu ấy lại thay đổi không ngừng. Hôm nay
ta nghĩ nó là tốt thì ngày mai ta có thể chê là xấu; hôm nay ta cho là
đúng nhưng ngày mai lại thành ra sai. Do đó mà các cảm xúc vui, buồn,
thương, ghét, thân, thù... luôn luôn trỗi dậy như những luồng sóng mãi
mãi nối tiếp trên mặt biển, làm ta chịu nhiều áp lực do sự xung đột bên
trong và sự đụng chạm bên ngoài.
– Nếu ta thực hành sự tỉnh thức, sự thấy biết chân thật thì tâm tự buông
xả, không để mình dính mắc vào các ý tưởng đối nghịch, những sự phê
phán, phân biệt thường xuyên kéo đến. Khi ấy, tâm ta tự nhiên lắng dịu
dần, như khi mặt biển không còn gió thổi thì trở nên yên tĩnh. Đó là sự
tỉnh thức đã có mặt nơi ta. Với tâm tỉnh thức ấy ta nhìn mọi sự vật thì
chúng đều hiện rõ tánh chân thật: trong sáng, rỗng lặng, tươi mát, tràn
đầy. Đó là tánh chân thật tự nhiên, tánh rỗng lặng hay là tánh không của
vạn pháp. Thấy biết như thế gọi là sự thấy biết chân thật hay trí tuệ.
Như thế, khi tâm ta thanh tịnh thì mọi sự vật (vạn pháp) trở nên thanh
tịnh. Khi ta khởi lên sự phân biệt ưa ghét thì lập tức ta phân chia mọi
thứ thành hai phía đối đãi: thân thù, cao thấp, sang hèn, thân sơ... từ
đó nổi lên các cảm xúc thương yêu - thù hận, thích thú - sợ hãi, thân
tình - xa lạ, sung sướng - khổ đau, ưa muốn - ghét bỏ...
– Sự phân biệt ấy là một thói quen do sự điều kiện hóa từ lúc chúng ta
sinh ra cho đến nay, làm chúng ta phản ứng như một người máy, như một
máy điện toán đã được lập trình cách giải quyết các vấn đề theo những
công thức nhất định. Sự lặp đi lặp lại những cảm xúc thương ghét, vui
buồn... ấy dần dần trở thành một thói quen mà ta nhầm tưởng đó là con
người thật sự của mình. Sự tỉnh thức, sự chú tâm thoải mái tự nhiên đưa
tâm ta trở về với sự tươi mát linh động, rỗng lặng, tinh sạch, rộng lớn
tự nhiên của nó. Từ đó ta nhìn thấy rõ ràng mọi sự vật, thoát ra khỏi
mọi sự lôi kéo, ràng buộc, mê hoặc của các ý tưởng, cảm xúc nơi ta hay
những người quanh ta. Chúng ta thoát ra được thói quen phản ứng theo
điều kiện quy định sẵn như kiểu máy điện toán nói trên.
–Sống tỉnh thức như thế thì sự hiểu biết chân thật (trí tuệ) tự hiển
bày, tự biểu lộ. Tâm ta tự nó quay về với sự an ổn, thoải mái, trong
sáng, rộng lớn và rỗng lặng của chính nó. Từ chốn ấy, tình thương yêu
bao la, nồng ấm (từ bi) bừng dậy. Mọi sự vật trở thành linh động, tươi
sáng, yên ổn, tươi mát, khi ta nhìn chúng với con mắt thương yêu: hoa lá
rực rỡ, cảnh vật vui tươi, mây trời trong sáng, người vật nhộn nhịp...
Khi tình thương yêu bừng dậy thì nguồn hạnh phúc chảy tụ lại thành biển
lớn, đưa ta đến chốn an lạc vô cùng. Từ đó ta kinh nghiệm được, hiểu
biết được một cách cụ thể và trực tiếp rằng: sự hiểu biết chân thật (trí
tuệ), tình thương yêu rộng lớn (từ bi) và nguồn hạnh phúc trong sáng,
bao la là ba khía cạnh của chân tâm, Phật tánh. Khi một trong ba yếu tố
này xuất hiện thì hai yếu tố kia cũng xuất hiện, như một bó đuốc lớn
cháy rực rỡ không thể tách lìa thành ba ngọn lửa khác nhau.
Như mặt trời tỏa ra ánh sáng cùng khắp, ánh sáng ấy cũng là năng lượng
có sự ấm áp. Ta không thể tách rời ánh sáng và sự ấm áp được. Cũng thế,
tình thương yêu bao la, sự hiểu biết chân thật và nguồn hạnh phúc trong
sáng vốn là một, không thể tách lìa. Một thứ có mặt thì hai thứ kia cũng
có mặt.
– Khi tâm quay về với tánh tự nhiên rộng lớn, an lạc của nó thì ta trực
nhận, thấy biết một cách rõ ràng, cụ thể và chân thật: khổ đau không có
thật. Khổ đau là một yếu tố không cần thiết cho đời sống. Nó chẳng khác
gì những sự cay đắng ta tự thêm vào đời sống, mà vì mê mờ (vô minh) nên
ta thấy là quá buồn chán và tẻ nhạt.
– Tình thương yêu trong sáng, bao la (từ bi) luôn luôn tỏa sáng rực rỡ
nơi ta. Do đó, ta làm các điều tốt đẹp cho đời: giúp đỡ người bị nạn,
đói khổ; chăm sóc những kẻ không may. Đó cũng là sự hiểu biết chân thật
(trí tuệ), nhận biết rõ rằng mọi sự vật vốn vô thường, vô ngã, nên thấy
rõ mỗi sự vật đều hiện hữu một cách chân thật, tràn đầy, trong sáng và
rỗng lặng. Từ bi và trí tuệ cũng chính là suối nguồn hạnh phúc trong
sáng bao la (chân lạc) luôn luôn tỏa đầy, chiếu sáng và có mặt nơi ta.
– Tình thương yêu rộng lớn, sự thấy biết chân thật và nguồn hạnh phúc
trong sáng tràn đầy là tánh tự nhiên sẵn có nơi chúng ta. Đó là tánh
chân thật tự nó hiện hữu, đó là chân tâm, là Phật tánh, mãi mãi có mặt
(chân thường), không chút đổi thay từ giây phút này qua giây phút khác
(chân ngã), không có gì làm cho nó trở thành nhơ bẩn, sứt mẻ hay mê mờ
(chân tánh). Tánh chân thật tự nhiên đó là nguồn an vui kỳ diệu, thâm
sâu, tươi mát, linh động, tràn đầy, bất tận (chân lạc). Vì ta vô tình
lãng quên nên không nhận biết, không sống với niềm an lạc kỳ diệu có sẵn
nơi ta mà thôi.