_ Kính bạch chư đại tỷ tăng. Mười bảy pháp tăng-già bà-thi-sa này, nửa
tháng phải tụng đọc một lần, được rút từ trong Giới kinh ra.
1. Như có tỳ-kheo ni nào đi lại làm môi giới giữa đôi bên trai gái,
chuyển lời qua lại giữa đôi bên, hoặc sau thành chồng vợ, hoặc chỉ dan
díu cùng nhau, dù là thoáng chốc. Tỳ-kheo ni phạm lần đầu tiên như vậy
nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.
2. Như có tỳ-kheo ni nào, vì sự giận tức không vui, vô cớ vu cáo cho
người khác là phạm tội ba-la-di, vì muốn hủy hoại sự trong sạch của
người ấy. Thời gian sau, hoặc có người hỏi hoặc không có người hỏi,
tỳ-kheo ni ấy tự biết mình vô cớ vu cáo nên nói ra rằng: “Điều ấy là do
tôi tức giận mà nói như vậy thôi.” Tỳ-kheo ni phạm lần đầu tiên như vậy
nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.
3. Như có tỳ-kheo nào, vì sự giận tức không vui, dựa vào những căn cứ mà
tự mình biết là sai lệch, không đúng, để vu cáo cho người khác là phạm
tội ba-la-di, vì muốn hủy hoại sự trong sạch của người ấy. Thời gian
sau, hoặc có người hỏi hoặc không có người hỏi, tỳ-kheo ni ấy tự biết
mình đã dựa vào những chứng cứ sai lệch, không đúng, nên nói ra rằng:
“Điều ấy là do tôi tức giận mà nói như vậy thôi.” Tỳ-kheo ni phạm lần
đầu tiên như vậy nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.
4. Như có tỳ-kheo ni nào tự đến cửa quan mà thưa kiện, tranh chấp với
một người thế tục, hoặc con cái, người hầu... của người thế tục, dù là
vì chuyện gì, dù là vào lúc nào. Tỳ-kheo ni phạm lần đầu tiên như vậy
nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.
5. Như có tỳ-kheo ni nào biết người nữ phạm tội đáng chết, mọi người đều
rõ. Biết như vậy mà không đến hỏi trước nơi quan chức, không tra xét
trong dòng họ, lại độ cho người nữ ấy xuất gia thọ cụ túc giới. Tỳ-kheo
ni phạm lần đầu tiên như vậy nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội
tăng-già bà-thi-sa.
6. Như có tỳ-kheo ni nào biết tỳ-kheo ni khác phạm giới, chúng tăng đã
theo đúng pháp, đúng luật, đúng lời Phật dạy chỉ bảo cho mà không chịu
nghe theo, không chịu sám hối. Chúng tăng vì thế chưa cho phép người ấy
được cùng ở chung. Tỳ-kheo ni tuy biết như vậy, mà vì lòng ái luyến nên
không thưa hỏi chúng tăng, chúng tăng cũng không sai khiến, lại tự ý làm
phép yết-ma giải tội cho tỳ-kheo ni kia. Tỳ-kheo ni phạm lần đầu tiên
như vậy nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.
7. Như có tỳ-kheo ni nào, đi một mình vượt qua dòng nước, hoặc một mình
vào trong thôn xóm, hoặc ngủ đêm một mình, hoặc một mình đi sau tất cả
mọi người. Tỳ-kheo ni phạm lần đầu tiên như vậy nên cách ly khỏi chúng
tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.
8. Như có tỳ-kheo ni nào, khởi tâm ô nhiễm, biết một người nam cũng khởi
tâm ô nhiễm, nhận lãnh vật thực, đồ dùng từ người ấy. Tỳ-kheo ni phạm
lần đầu tiên như vậy nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già
bà-thi-sa.
9. Như có tỳ-kheo ni nào nói với tỳ-kheo ni khác rằng: “Đại tỷ, người
kia dù có tâm ô nhiễm, nếu mình không có tâm ô nhiễm thì đâu có hại gì.
Nếu mình không có tâm ô nhiễm, như người khởi tâm ô nhiễm trao vật thực
cho mình, chỉ lấy tâm thanh tịnh mà thọ nhận là được.” Tỳ-kheo ni phạm
lần đầu tiên như vậy nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già
bà-thi-sa.
10. Như có tỳ-kheo ni nào muốn phá hoại sự hòa hiệp của chúng tăng, thực
hiện việc phá hoại sự hòa hiệp của chúng tăng, theo các pháp phá hoại sự
hòa hiệp của chúng tăng, rồi cố giữ mãi không từ bỏ. Những tỳ-kheo khác
nên can ngăn rằng: “Đại tỷ, không nên muốn phá sự hòa hiệp của chúng
tăng, không nên thực hiện việc phá hoại sự hòa hiệp của chúng tăng.
Không nên theo những pháp phá hoại sự hòa hiệp của chúng tăng rồi cố giữ
mãi không từ bỏ. Đại tỷ nên cùng với chúng tăng sống hòa hiệp, vui vẻ,
không tranh cãi nhau. Cùng theo học một thầy, nên hòa hợp nhau như sữa
hòa trong nước, như vậy mới cùng được thêm phần lợi ích, cùng sống yên
vui trong pháp Phật.”
Nếu tỳ-kheo ni ấy nghe lời can ngăn mà vẫn không thay đổi, các tỳ-kheo
ni khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Nếu tỳ-kheo ni ấy chịu nghe thì
tốt, bằng như can gián đến lần thứ ba mà không chịu nghe theo, nên cách
ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.
11. Như có tỳ-kheo ni có bè đảng, hoặc một người, hoặc hai, ba người cho
đến rất nhiều người. Các tỳ-kheo ni bè đảng nói với chúng tỳ-kheo ni
rằng: “Đại tỷ, xin đừng can ngăn vị ấy. Vị ấy nói ra đúng Chánh pháp,
đúng Giới luật. Những điều vị ấy nói ra làm cho chúng tôi vui thích, có
thể chấp nhận được.”
Các vị tỳ-kheo ni nên can ngăn tỳ-kheo ni tán trợ ấy rằng: “Đại tỷ chớ
nên nói như thế. Chớ nên nói rằng tỳ-kheo ni ấy nói đúng Chánh pháp, nói
đúng Giới luật, nói điều có thể vui thích, chấp nhận được. Thật ra
tỳ-kheo ni ấy nói những điều trái Chánh pháp, trái Giới luật. Đại tỷ,
xin đừng mong muốn phá hoại sự hòa hiệp của chúng tăng. Chúng ta nên
cùng với chúng tăng sống hòa hiệp, vui vẻ, không tranh cãi nhau. Cùng
theo học một thầy, nên hòa hợp nhau như sữa hòa trong nước, như vậy mới
cùng được thêm phần lợi ích, cùng sống yên vui trong pháp Phật.”
Nếu tỳ-kheo ni sai lầm ấy nghe lời can ngăn mà vẫn không thay đổi, các
tỳ-kheo ni khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Nếu tỳ-kheo ni ấy chịu
nghe thì tốt, bằng như can gián đến lần thứ ba mà không chịu nghe theo,
nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.
12. Như có tỳ-kheo ni nào đến ở trong thôn xóm, làm ô uế nhà thiện tín,
cùng làm những việc xấu ai ai cũng thấy biết. Các tỳ-kheo ni khác nên
can ngăn tỳ-kheo ni ấy rằng: “Đại tỷ làm ô uế nhà thiện tín, cùng làm
những việc xấu ai ai cũng thấy biết, nay nên rời bỏ chỗ thôn xóm này,
không nên ở đây nữa.”
Tỳ-kheo ni ấy đáp rằng: “Đại tỷ, nay các tỳ-kheo ni đều có yêu, có giận,
có sợ, có ngu si; cũng có những tỳ-kheo ni đồng tội như vậy, sao có
người lại bị đuổi, có người không bị đuổi.”
Các tỳ-kheo ni khác lại can ngăn rằng: “Đại tỷ không nên nói như vậy.
Không nên nói chư tỳ-kheo ni có yêu, có giận, có sợ, có ngu si, có những
người đồng tội như vậy, có người bị đuổi, có người không bị đuổi. Quả
thật chư tỳ-kheo ni không có yêu, có giận, có sợ, có ngu si. Đại tỷ làm
ô uế nhà thiện tín, làm những việc xấu ai ai cũng thấy biết.”
Nếu tỳ-kheo ni sai lầm ấy nghe lời can ngăn mà vẫn không thay đổi, các
tỳ-kheo ni khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Nếu tỳ-kheo ni ấy chịu
nghe thì tốt, bằng như can gián đến lần thứ ba mà không chịu nghe theo,
nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.
13. Như có tỳ-kheo ni nào tánh tình xấu ác, với những việc trong giới
pháp chẳng chịu nghe lời người khác. Các tỳ-kheo ni khác đã theo đúng
pháp mà can ngăn, nhưng tỳ-kheo ni ấy tự thân không nghe, còn nói rằng:
“Các vị đại tỷ, xin đừng nói những chuyện tốt xấu của tôi. Tôi cũng
không nói những chuyện tốt xấu của các vị. Xin các vị hãy thôi đi, đừng
nhiều lần can ngăn tôi như thế.”
Các tỳ-kheo ni khác lại can ngăn rằng: “Đại tỷ, không nên tự mình chẳng
chịu nghe lời can ngăn của kẻ khác. Đại tỷ nên biết nghe lời can ngăn.
Chúng ta nên theo đúng pháp mà can ngăn lẫn nhau, biết tự nhận lỗi mình
mà sám hối, có như vậy thì hết thảy đệ tử của Phật đều được tăng thêm
phần lợi ích.”
Nếu tỳ-kheo ni sai lầm ấy nghe lời can ngăn mà vẫn không thay đổi, các
tỳ-kheo ni khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Nếu tỳ-kheo ni ấy chịu
nghe thì tốt, bằng như can gián đến lần thứ ba mà không chịu nghe theo,
nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.
14. Như có hai tỳ-kheo ni cùng sống chung với nhau, cùng làm những việc
xấu ác, tiếng xấu lan rộng khắp nơi, lại tìm cách che giấu tội lỗi cho
nhau. Chư tỳ-kheo ni khác nên can ngăn rằng: “Các đại tỷ, xin đừng sống
chung với nhau, cùng làm những việc xấu ác, tiếng xấu lan rộng khắp nơi,
lại tìm cách che giấu tội lỗi cho nhau. Các vị nếu không sống chung nhau
như vậy mới cùng được thêm phần lợi ích, cùng sống yên vui trong pháp
Phật.”
Nếu hai tỳ-kheo ni sai lầm ấy nghe lời can ngăn, mà vẫn không thay đổi,
các tỳ-kheo ni khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Nếu tỳ-kheo ni ấy
chịu nghe thì tốt, bằng như can gián đến lần thứ ba mà không chịu nghe
theo, nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.
15. Như có tỳ-kheo ni nào, đối với hai tỳ-kheo ni phạm tội đã bị chúng
tăng phạt biệt trụ, nói lời như thế này: “Các vị không cần phải sống
cách biệt như thế, nên sống chung với nhau. Tôi thấy có những tỳ-kheo ni
khác không sống cách biệt, cũng sống chung thân cận nhau, cũng cùng làm
những việc xấu ác, tiếng xấu lan rộng khắp nơi, lại tìm cách che giấu
tội lỗi cho nhau. Chúng tăng vì giận ghét nên mới buộc các vị phải sống
cách biệt đó thôi.”
Các tỳ-kheo ni khác nên can ngăn rằng: “Đại tỷ, xin đừng nói như vậy với
các tỳ-kheo ni ấy. Thật chỉ có hai tỳ-kheo ni ấy sống chung nhau, cùng
làm những việc xấu ác, tiếng xấu lan rộng khắp nơi, lại tìm cách che
giấu tội lỗi cho nhau, ngoài ra chẳng còn ai khác phạm tội như vậy. Nếu
hai tỳ-kheo ni ấy sống cách biệt, mới cùng được thêm phần lợi ích, cùng
sống yên vui trong pháp Phật.”
Nếu tỳ-kheo ni sai lầm ấy nghe lời can ngăn mà vẫn không thay đổi, các
tỳ-kheo ni khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Nếu tỳ-kheo ni ấy chịu
nghe thì tốt, bằng như can gián đến lần thứ ba mà không chịu nghe theo,
nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.
16. Như có tỳ-kheo ni nào, vì một nguyên nhân nhỏ, sanh lòng giận tức
không vui, nói rằng: “Tôi nay bỏ chẳng theo Phật, chẳng theo Pháp, chẳng
theo Tăng. Chẳng phải chỉ riêng có một đạo Phật, còn có những đạo khác
cũng tu hành giữ hạnh trong sạch. Tôi nay có thể theo các đạo ấy.”
Các vị tỳ-kheo ni nên can ngăn rằng: “Đại tỷ, không nên vì một chuyện
nhỏ, sanh lòng giận tức không vui mà nói ra lời như vậy.”
Nếu tỳ-kheo ni sai lầm ấy nghe lời can ngăn mà vẫn không thay đổi, các
tỳ-kheo ni khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Nếu tỳ-kheo ni ấy chịu
nghe thì tốt, bằng như can gián đến lần thứ ba mà không chịu nghe theo,
nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.
17. Như có tỳ-kheo ni nào tánh tình ưa gây gổ tranh chấp không tốt, sau
ghi nhớ lấy sự tranh chấp ấy, sanh lòng sân hận, nói ra lời này: “Chúng
tăng có yêu, có giận, có sợ, có ngu si.”
Các vị tỳ-kheo ni nên can ngăn rằng: “Đại tỷ tánh tình ưa gây gổ tranh
chấp không tốt, sau ghi nhớ lấy sự tranh chấp ấy, lại nói rằng chúng
tăng có yêu, có giận, có sợ, có ngu si. Thật ra chúng tăng không có yêu,
có giận, có sợ, có ngu si.”
Nếu tỳ-kheo ni sai lầm ấy nghe lời can ngăn mà vẫn không thay đổi, các
tỳ-kheo ni khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Nếu tỳ-kheo ni ấy chịu
nghe thì tốt, bằng như can gián đến lần thứ ba mà không chịu nghe theo,
nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.
_ Kính bạch chư đại tỷ. Tôi đã thuyết xong mười bảy pháp tăng-già
bà-thi-sa. Chín pháp đầu là phạm vào thành tội ngay, tám pháp sau là qua
ba lần can ngăn mới thành tội. Như có tỳ-kheo ni nào phạm vào một trong
các pháp tăng-già bà-thi-sa này, phải đối trước hai bộ chúng tăng và ni
mà thực hành phép cấm phòng trong nửa tháng. Sau đó, phải làm nghi thức
xuất tội, có sự tham dự của ít nhất là 40 vị tỳ-kheo và tỳ-kheo ni thanh
tịnh. Nếu không đủ số 40 vị tỳ-kheo và tỳ-kheo ni thanh tịnh mà làm nghi
thức xuất tội, thì tội ấy chẳng những không được tiêu trừ, mà các vị
tham gia cũng đáng quở trách.
Với mười bảy pháp tăng-già bà-thi-sa này, xin hỏi chư đại tỷ, trong
chúng đây có được thanh tịnh hay chăng?
Người thuyết giới lập lại câu hỏi này ba lần. Nếu có ai nhớ ra mình đã
phạm vào các giới này thì phải tự nhận. Nếu không thì tất cả đều yên
lặng.
_ Kính bạch chư đại tỷ, vì các vị đều lặng yên, nên xem như trong chúng
đây hết thảy đều thanh tịnh. Việc này xin được hiểu như vậy.