_ Kính bạch chư đại đức tăng. Mười ba pháp tăng-già bà-thi-sa này, nửa
tháng phải tụng đọc một lần, được rút từ trong Giới kinh ra.
1. Như có tỳ-kheo nào, cố ý kích thích dương vật cho xuất tinh, phạm vào
tội tăng-già bà-thi-sa, trừ trường hợp trong giấc ngủ mê.
2. Như có tỳ-kheo nào, khởi tâm dâm dục, cùng xúc chạm thân thể với nữ
nhân, hoặc nắm tay, hoặc vuốt tóc, hoặc xúc chạm một phần thân thể, phạm
vào tội tăng-già bà-thi-sa.
3. Như có tỳ-kheo nào, khởi tâm dâm dục, dùng những lời thô tục, gợi dục
mà nói với nữ nhân, phạm vào tội tăng-già bà-thi-sa.
4. Như có tỳ-kheo nào, khởi tâm dâm dục, trước mặt nữ nhân tự khen ngợi
thân mình, xưng là người trì giới, trong sạch, tinh tấn tu các pháp
lành, nên dùng sự hành dâm mà cúng dường là cách cúng dường cao quý
nhất. Tỳ-kheo nói như vậy, phạm vào tội tăng-già bà-thi-sa.
5. Như có tỳ-kheo nào đi lại làm môi giới giữa đôi bên trai gái, chuyển
lời qua lại giữa đôi bên, hoặc sau thành chồng vợ, hoặc chỉ dan díu cùng
nhau, dù là thoáng chốc. Tỳ-kheo như vậy, phạm vào tội tăng-già
bà-thi-sa.
6. Như có tỳ-kheo nào muốn xây dựng tịnh thất riêng, không có thí chủ
làm cho, tự mình đứng ra làm, phải tuân theo kích cỡ vừa phải: bề rộng
không quá 4 mét, bề sâu không quá 7 mét. Lại phải nhờ các tỳ-kheo khác
đến xem xét chọn địa điểm. Các tỳ-kheo được thỉnh đến xem xét, nên chọn
nơi không có hiểm nạn và không trở ngại việc tu tập mà chỉ cho.
Nếu tỳ-kheo không có thí chủ giúp cho, tự mình xây dựng tịnh thất nơi
chỗ có hiểm nạn, trở ngại cho việc tu tập, cũng không nhờ các tỳ-kheo
khác đến xem xét địa điểm, lại rộng lớn hơn kích cỡ vừa phải. Tỳ-kheo
như vậy phạm vào tội tăng-già bà-thi-sa.
7. Như có tỳ-kheo nào muốn xây dựng chùa lớn, có người thí chủ vì mình
mà làm, phải nhờ các tỳ-kheo khác đến xem xét chọn địa điểm. Các tỳ-kheo
được thỉnh đến xem xét, nên chọn nơi không có hiểm nạn và không trở ngại
việc tu tập mà chỉ cho.
Nếu tỳ-kheo có người thí chủ vì mình mà làm, xây dựng chùa lớn nơi chỗ
có hiểm nạn, trở ngại cho việc tu tập, không nhờ các tỳ-kheo khác đến
xem xét địa điểm. Tỳ-kheo như vậy phạm vào tội tăng-già bà-thi-sa.
8. Như có tỳ-kheo nào, vì sự nóng nảy, tức giận che lấp mà vô cớ vu cáo
cho tỳ-kheo khác là phạm tội ba-la-di, vì muốn hủy hoại sự trong sạch
của vị ấy. Thời gian sau, hoặc có người hỏi hoặc không có người hỏi,
tỳ-kheo ấy biết mình đã vô cớ vu cáo nên nói ra rằng: “Điều ấy là do tôi
tức giận mà nói như vậy thôi.” Tỳ-kheo như vậy, phạm vào tội tăng-già
bà-thi-sa.
9. Như có tỳ-kheo nào, vì sự nóng nảy, tức giận che lấp nên dựa vào
những căn cứ mà tự mình biết là sai lệch, không đúng, để vu cáo cho
tỳ-kheo khác là phạm tội ba-la-di, vì muốn hủy hoại sự trong sạch của vị
ấy. Thời gian sau, hoặc có người hỏi hoặc không có người hỏi, tỳ-kheo ấy
biết mình đã dựa vào những chứng cứ sai lệch, không đúng, nên nói ra
rằng: “Điều ấy là do tôi tức giận mà nói như vậy thôi.” Tỳ-kheo như vậy,
phạm vào tội tăng-già bà-thi-sa.
10. Như có tỳ-kheo nào muốn phá hoại sự hòa hiệp của chúng tăng, thực
hiện việc phá hoại sự hòa hiệp của chúng tăng, rồi cố giữ mãi không từ
bỏ. Những tỳ-kheo khác nên can ngăn rằng: “Đại đức, không nên muốn phá
sự hòa hiệp của chúng tăng, không nên thực hiện việc phá hoại sự hòa
hiệp của chúng tăng. Không nên theo những pháp phá hoại sự hòa hiệp của
chúng tăng rồi cố giữ mãi không từ bỏ. Đại đức nên cùng với chúng tăng
sống hòa hiệp, vui vẻ, không tranh cãi nhau. Cùng theo học một thầy, nên
hòa hợp nhau như sữa hòa trong nước, như vậy mới cùng được thêm phần lợi
ích, cùng sống yên vui trong pháp Phật.”
Nếu tỳ-kheo ấy nghe lời can ngăn mà vẫn không thay đổi, các tỳ-kheo khác
nên can ngăn như vậy đến ba lần. Cho đến lần thứ ba, nếu tỳ-kheo ấy chịu
nghe thì tốt, bằng không chịu nghe theo là phạm vào tội tăng-già
bà-thi-sa.
11. Như có tỳ-kheo có bè đảng, hoặc một người, hoặc hai, ba người cho
đến rất nhiều người. Các tỳ-kheo bè đảng nói với chúng tỳ-kheo rằng:
“Đại đức, xin đừng can ngăn vị ấy. Vị ấy nói ra đúng Chánh pháp, đúng
Giới luật. Những điều vị ấy nói ra làm cho chúng tôi vui thích, có thể
chấp nhận được.”
Chúng tỳ-kheo nên can ngăn tỳ-kheo ấy rằng: “Đại đức chớ nên nói như
thế. Chớ nên nói rằng tỳ-kheo ấy nói đúng Chánh pháp, nói đúng Giới
luật, nói điều vui thích, có thể chấp nhận được. Thật ra tỳ-kheo ấy nói
những điều trái Chánh pháp, trái Giới luật. Đại đức, xin đừng mong muốn
phá hoại sự hòa hiệp của chúng tăng. Chúng ta nên cùng với chúng tăng
sống hòa hiệp, vui vẻ, không tranh cãi nhau. Cùng theo học một thầy, nên
hòa hợp nhau như sữa hòa trong nước, như vậy mới cùng được thêm phần lợi
ích, cùng sống yên vui trong pháp Phật.”
Nếu tỳ-kheo sai lầm ấy nghe lời can ngăn mà vẫn không thay đổi, các
tỳ-kheo khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Cho đến lần thứ ba, nếu
tỳ-kheo ấy chịu nghe thì tốt, bằng không chịu nghe theo, là phạm vào tội
tăng-già bà-thi-sa.
12. Như có tỳ-kheo nào đến ở trong thôn xóm, làm hoen ố nhà người, cùng
làm những việc xấu ai ai cũng thấy biết. Các tỳ-kheo khác nên can ngăn
tỳ-kheo ấy rằng: “Đại đức làm hoen ố nhà người, cùng làm những việc xấu
ai ai cũng thấy biết. Nay ông nên rời bỏ chỗ thôn xóm này, không nên ở
đây nữa.”
Tỳ-kheo ấy đáp rằng: “Đại đức, nay các tỳ-kheo đều có yêu, có giận, có
sợ, có ngu si; cũng có những tỳ-kheo đồng tội như vậy. Sao có người lại
bị đuổi, có người không bị đuổi?”
Các tỳ-kheo khác lại can ngăn rằng: “Đại đức không nên nói như vậy.
Không nên nói chư tăng có yêu, có giận, có sợ, có ngu si, có những người
đồng tội như vậy, có người bị đuổi, có người không bị đuổi. Quả thật chư
tỳ-kheo không có yêu, có giận, có sợ, có ngu si. Đại đức làm hoen ố nhà
người khác, làm những việc xấu ai ai cũng thấy biết.”
Nếu tỳ-kheo sai lầm ấy nghe lời can ngăn mà vẫn không thay đổi, các
tỳ-kheo khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Cho đến lần thứ ba, nếu
tỳ-kheo ấy chịu nghe thì tốt, bằng không chịu nghe theo, là phạm vào tội
tăng-già bà-thi-sa.
13. Như có tỳ-kheo nào tánh tình xấu ác, chẳng chịu nghe lời người khác.
Với những việc trong giới pháp, các tỳ-kheo khác đã theo đúng pháp mà
can ngăn, nhưng tỳ-kheo ấy tự thân không nghe, nói rằng: “Các vị đại
đức, xin đừng nói những chuyện tốt xấu của tôi. Tôi cũng không nói những
chuyện tốt xấu của các vị. Xin các vị hãy thôi đi, đừng nhiều lần can
ngăn tôi như thế.”
Các tỳ-kheo khác lại can ngăn rằng: “Đại đức, không nên tự mình chẳng
chịu nghe lời can ngăn của kẻ khác. Đại đức nên biết nghe lời can ngăn.
Chúng ta nên theo đúng pháp mà can ngăn lẫn nhau, mà dạy bảo cho nhau,
bảo nhau sám hối lỗi lầm, có như vậy thì hết thảy đệ tử của Phật đều
được tăng thêm phần lợi ích.”
Nếu tỳ-kheo sai lầm ấy nghe lời can ngăn mà vẫn không thay đổi, các
tỳ-kheo khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Cho đến lần thứ ba, nếu
tỳ-kheo ấy chịu nghe thì tốt, bằng không chịu nghe theo là phạm vào tội
tăng-già bà-thi-sa.
_ Kính bạch chư đại đức. Tôi đã thuyết xong mười ba pháp tăng-già
bà-thi-sa. Chín pháp đầu là phạm vào thành tội ngay, bốn pháp sau là qua
ba lần can ngăn mới thành tội. Như có tỳ-kheo nào phạm vào một trong các
pháp tăng-già bà-thi-sa này, biết là phạm vào mà cố tình che giấu, nên
buộc phải chịu phép biệt trú. Sau khi biệt trú xong, phạt thêm sáu ngày
đêm cấm phòng nữa. Chịu phép cấm phòng rồi, phải làm nghi thức xuất tội,
có sự tham dự của ít nhất là 20 vị tỳ-kheo thanh tịnh. Nếu không đủ số
20 vị tỳ-kheo mà làm nghi thức xuất tội, thì tội ấy chẳng những không
được tiêu trừ, mà các vị tỳ-kheo tham gia cũng đáng quở trách.
Với mười ba pháp tăng-già bà-thi-sa này, xin hỏi chư đại đức, trong
chúng tăng đây có được thanh tịnh hay chăng?
Người thuyết giới lập lại câu hỏi này ba lần. Nếu có ai nhớ ra mình đã
phạm vào các giới này thì phải tự nhận. Nếu không thì tất cả đều yên
lặng.
_ Kính bạch chư đại đức, vì các vị đều lặng yên, nên xem như trong chúng
tăng đây hết thảy đều thanh tịnh. Việc này xin được hiểu như vậy.