_ Kính bạch chư đại đức tăng. Chín mươi pháp ba-dật-đề này, nửa tháng
phải tụng đọc lại một lần, được rút từ trong Giới kinh ra.
1. Như có tỳ-kheo nào biết là điều sai sự thật mà vẫn nói ra, phạm vào
tội ba-dật-đề.
2. Như có tỳ-kheo nào vì lý do chủng tộc, giai cấp mà dùng lời hủy nhục
người, phạm vào tội ba-dật-đề.
3. Như có tỳ-kheo nào dùng cách nói hai lưỡi, phạm vào tội ba-dật-đề.
4. Như có tỳ-kheo nào ngủ lại trong nhà có phụ nữ qua đêm, phạm vào tội
ba-dật-đề.
5. Như có tỳ-kheo nào cùng với người chưa thọ giới cụ túc mà ngủ chung
trong một nhà quá hai đêm, đến đêm thứ ba thì phạm vào tội ba-dật-đề.
6. Như có tỳ-kheo nào cùng với người chưa thọ cụ túc giới đọc tụng kinh
điển, phạm vào tội ba-dật-đề.
7. Như có tỳ-kheo nào đem việc phạm tội thô ác của tỳ-kheo khác nói với
người chưa thọ cụ túc giới, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp do
chúng tăng quyết định.
8. Như có tỳ-kheo nào đem việc mình chứng đắc hơn người nói với người
chưa thọ cụ túc giới, phạm vào tội ba-dật-đề.
9. Như có tỳ-kheo nào thuyết pháp quá năm, sáu câu với phụ nữ, phạm vào
tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp có người đàn ông sáng suốt cùng ở đó.
10. Như có tỳ-kheo nào tự tay đào xới đất, hoặc sai bảo người khác làm,
phạm vào tội ba-dật-đề.
11. Như có tỳ-kheo nào phá hại mầm giống cho đến cây cỏ đang còn sống,
phạm vào tội ba-dật-đề.
12. Như có tỳ-kheo nào cố ý nói quanh co gây phiền toái cho chúng tăng,
phạm vào tội ba-dật-đề.
13. Như có tỳ-kheo nào chê bai sau lưng hoặc mạ lỵ trước mặt đối với vị
tăng tri sự, phạm vào tội ba-dật-đề.
14. Như có tỳ-kheo nào tự mình lấy, hoặc nhờ người khác lấy các vật dụng
của chúng tăng như ghế, giường, ngọa cụ, tọa cụ mang ra chỗ trống để
dùng. Khi dùng xong, trước khi rời đi không dẹp cất lại chỗ cũ, cũng
không nhờ người khác dẹp cất lại, phạm vào tội ba-dật-đề.
15. Như có tỳ-kheo nào tự mình lấy, hoặc nhờ người khác lấy các vật dụng
của chúng tăng như ghế, giường, ngọa cụ, tọa cụ bày ra trong phòng của
tăng để dùng. Khi dùng xong, trước khi rời đi không dẹp cất lại chỗ cũ,
cũng không nhờ người khác dẹp cất, phạm vào tội ba-dật-đề.
16. Như có tỳ-kheo nào, biết chỗ nghỉ của tỳ-kheo khác, khi đến sau lại
mang ngọa cụ trải ra mà nằm, tự nghĩ rằng: “Nếu ông ấy có chê là chật
chội thì cứ việc tránh ta mà đi nơi khác.” Nhân duyên hành động như vậy
không hợp với oai nghi, phạm vào tội ba-dật-đề.
17. Như có tỳ-kheo nào do tức giận tỳ-kheo khác, trong lòng không vui,
liền xô đuổi hoặc sai khiến người khác xô đuổi tỳ-kheo ấy ra khỏi tăng
phòng, phạm vào tội ba-dật-đề.
18. Như có tỳ-kheo nào nằm hoặc ngồi trên giường bị lỏng chân, phạm vào
tội ba-dật-đề.
19. Như có tỳ-kheo nào biết là nước có trùng mà tự mình đổ lên bùn đất,
hoặc tưới trên cỏ, hoặc sai bảo người khác làm như vậy, phạm vào tội
ba-dật-đề.
20. Như có tỳ-kheo nào làm phòng lớn có cửa song, cửa sổ và các vật
trang hoàng, chỉ được lợp mái từ hai đến ba lớp. Nếu quá mức, phạm vào
tội ba-dật-đề.
21. Như có tỳ-kheo nào, chúng tăng không đề cử mà tự ý đến dạy giáo pháp
cho tỳ-kheo ni, phạm vào tội ba-dật-đề.
22. Như có tỳ-kheo nào, được chúng tăng đề cử đến dạy giáo pháp cho
tỳ-kheo ni, đến chiều tối mới về, phạm vào tội ba-dật-đề.
23. Như có tỳ-kheo nào nói rằng các tỳ-kheo khác vì chuyện ăn uống mà đi
dạy giáo pháp cho tỳ-kheo ni, phạm vào tội ba-dật-đề.
24. Như có tỳ-kheo nào đem y cho tỳ-kheo ni, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ
trường hợp trao đổi với nhau, hoặc tỳ-kheo ni đó là người bà con thân
thuộc.
25. Như có tỳ-kheo nào vì tỳ-kheo ni mà may y, phạm vào tội ba-dật-đề.
Trừ trường hợp tỳ-kheo ni đó là người bà con thân thuộc.
26. Như có tỳ-kheo nào cùng ngồi ở chỗ khuất vắng với tỳ-kheo ni, phạm
vào tội ba-dật-đề.
27. Như có tỳ-kheo nào cùng với tỳ-kheo ni hẹn trước với nhau để cùng đi
chung đường đến thôn khác, cho đến thậm chí chỉ trong phạm vi một thôn,
phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp cùng đi với đoàn khách buôn, hoặc
khi lo sợ có nguy hiểm trên đường.
28. Như có tỳ-kheo nào cùng với tỳ-kheo ni hẹn trước với nhau để cùng đi
thuyền xuôi dòng hoặc ngược dòng, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp
đi thuyền ngang qua sông.
29. Như tỳ-kheo nào biết có tỳ-kheo ni vì mình mà đến nói với thí chủ
nên người ấy mới cúng dường thức ăn cho mình, vẫn thọ nhận thức ăn ấy,
phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp người thí chủ ấy đã phát tâm cúng
dường từ trước.
30. Như có tỳ-kheo nào hẹn trước với người phái nữ để cùng đi chung
đường, dù chỉ trong phạm vi một thôn, phạm vào tội ba-dật-đề.
31. Như có tỳ-kheo nào đến chỗ thí chủ cúng dường một bữa ăn, không có
bệnh chỉ được thọ nhận một bữa. Nếu quá, phạm vào tội ba-dật-đề.
32. Như có tỳ-kheo nào thọ thỉnh ăn nhiều lần trong ngày, phạm vào tội
ba-dật-đề. Trừ các trường hợp có bệnh, hoặc khi thí chủ cúng y.
33. Như có tỳ-kheo nào thọ thỉnh ăn thành chúng riêng, phạm tội
ba-dật-đề. Trừ các trường hợp như khi có bệnh, khi may y, khi nhận cúng
y, khi đi đường xa, khi đi tàu thuyền, khi đại chúng tụ họp đông đảo,
khi các thầy tu ngoại đạo cúng dường.
34. Như tỳ-kheo thọ thỉnh cúng dường ở nhà cư sĩ, có bánh hoặc lương
khô, nếu muốn có thể nhận đến hai hoặc ba bát mang về chùa phân chia cho
các tỳ-kheo khác cùng ăn. Như tỳ-kheo không có bệnh mà thọ nhận nhiều
hơn hai hoặc ba bát, khi về chùa không phân chia cho các tỳ-kheo khác
cùng ăn, phạm tội ba-dật-đề.
35. Như có tỳ-kheo nào đã ăn đủ rồi, nếu có thọ thỉnh, không làm phép dư
thực mà ăn nữa, phạm tội ba-dật-đề.
36. Như có tỳ-kheo nào, biết tỳ-kheo khác đã ăn đủ trong ngày rồi, khi
thọ thỉnh không làm phép dư thực, lại cố ân cần mời thỉnh vị ấy ăn nữa,
không vì mục đích gì khác hơn là muốn cho vị kia phạm giới mà thôi.
Tỳ-kheo như vậy phạm vào tội ba-dật-đề.
37. Như có tỳ-kheo nào thọ nhận thức ăn và ăn phi thời, phạm vào tội
ba-dật-đề.
38. Như có tỳ-kheo nào ăn thức ăn được chứa trữ từ hôm trước, phạm vào
tội ba-dật-đề.
39. Như có tỳ-kheo nào, không phải thức ăn hoặc thuốc cúng dường cho
mình mà để vào trong miệng, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ ra nước và nhành
dương.
40. Như có tỳ-kheo nào, nếu thấy có những thức ăn ngon, tự mình đòi hỏi
được ăn, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp do có bệnh.
41. Như có tỳ-kheo nào tự tay trao thức ăn để thí cho người ngoại đạo,
phạm vào tội ba-dật-đề.
42. Như có tỳ-kheo nào trước đã thọ thỉnh cúng dường, sau đó trước hoặc
sau giờ thọ thực lại đến nhà khác mà không báo cho tỳ-kheo khác biết,
phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ các trường hợp như có bệnh, hoặc khi nhận
cúng y, khi may y.
43. Như có tỳ-kheo nào khất thực trong nhà có đồ quý giá, cố ngồi nán
lại, phạm vào tội ba-dật-đề.
44. Như có tỳ-kheo nào khất thực trong nhà có đồ quý giá mà ngồi nơi chỗ
khuất kín, phạm vào tội ba-dật-đề.
45. Như có tỳ-kheo nào một mình ngồi với phụ nữ ở chỗ trống trải, phạm
vào tội ba-dật-đề.
46. Như có tỳ-kheo nào bảo tỳ-kheo khác cùng đi với mình đến chỗ thôn
xóm kia, nói rằng có thể nhận được thức ăn. Đến nơi không có thức ăn,
lại nói rằng: “Ông nên đi đi. Tôi ngồi với ông, nói chuyện với ông không
được vui; tôi ngồi một mình sẽ được vui vẻ.” Nói thế không ngoài mục
đích là tìm cách xô đuổi vị kia đi nơi khác. Tỳ-kheo như vậy phạm vào
tội ba-dật-đề.
47. Như có tỳ-kheo nào muốn nhận sự cúng dường thuốc men của thí chủ để
dùng trong vòng 4 tháng, dù không bệnh cũng được nhận. Nếu nhận quá mức
trên, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ các trường hợp có người phát tâm cúng
dường thường xuyên, hoặc hết hạn bốn tháng rồi nhận cúng dường lần khác,
hoặc thí chủ mang đến chùa phân chia cúng dường cho tăng chúng, hoặc thí
chủ phát tâm cúng dường suốt đời.
48. Như có tỳ-kheo nào đến xem những chỗ quân trận, phạm vào tội
ba-dật-đề. Trừ trường hợp có nhân duyên thích hợp.
49. Như có tỳ-kheo nào có nhân duyên phải đến chỗ quân trận, có thể ở
lại hai hoặc ba đêm. Nếu lâu hơn, phạm vào tội ba-dật-đề.
50. Như có tỳ-kheo nào, có nhân duyên đến chỗ quân trận, ở lại đó từ hai
đến ba đêm, lại đi xem quân lính tập dượt, dàn trận, đánh nhau, phạm vào
tội ba-dật-đề.
51. Như có tỳ-kheo nào uống rượu, phạm vào tội ba-dật-đề.
52. Như có tỳ-kheo nào bơi lội đùa nghịch trong nước, phạm tội
ba-dật-đề.
53. Như tỳ-kheo dùng ngón tay mà chọc lẫn vào người nhau, phạm vào tội
ba-dật-đề.
54. Như có tỳ-kheo nào không nghe lời can ngăn của người khác, phạm vào
tội ba-dật-đề.
55. Như có tỳ-kheo nào làm cho tỳ-kheo khác lo lắng, sợ sệt, phạm vào
tội ba-dật-đề.
56. Như có tỳ-kheo nào trong nửa tháng tắm quá một lần, phạm tội
ba-dật-đề. Trừ các trường hợp như khi trời nóng nực, khi thân thể có
bệnh, khi phải làm việc nhiều, khi mưa gió, khi đi đường xa.
57. Như có tỳ-kheo nào không có bệnh nhưng vì muốn hơ ấm, ở chỗ đất
trống đốt lửa, hoặc sai khiến người khác đốt, phạm vào tội ba-dật-đề.
Trừ trường hợp có nhân duyên thích hợp.
58. Như có tỳ-kheo nào mang giấu y bát, tọa cụ, ống đựng kim của tỳ-kheo
khác, dù chỉ để đùa chơi, phạm vào tội ba-dật-đề.
59. Như có tỳ-kheo nào đã đem y thí cho người khác, về sau không nói với
người ấy mà tự ý lấy dùng, phạm vào tội ba-dật-đề.
60. Như có tỳ-kheo nào được y mới, phải đem nhuộm cho xấu đi rồi mới
dùng. Nếu không nhuộm xấu đi mà mặc vào, phạm tội ba-dật-đề.
61. Như có tỳ-kheo nào cố ý giết chết các loài động vật, phạm vào tội
ba-dật-đề.
62. Như có tỳ-kheo nào biết là trong nước có trùng mà vẫn uống hoặc lấy
dùng, phạm vào tội ba-dật-đề.
63. Như có tỳ-kheo nào cố ý tìm cách gây sự nghi ngờ hoang mang cho
tỳ-kheo khác, khiến chẳng lúc nào được vui vẻ, phạm vào tội ba-dật-đề.
64. Như có tỳ-kheo nào biết tỳ-kheo khác phạm tội thô mà che giấu, phạm
vào tội ba-dật-đề.
65. Như có tỳ-kheo nào biết người chưa đủ 20 tuổi mà nhận cho thọ giới
cụ túc, người đó không được giới, chư tỳ-kheo có thể quở trách tỳ-kheo
ấy vì ngu si, phạm vào tội ba-dật-đề.
66. Như có tỳ-kheo nào, biết những chuyện tranh chấp đã theo đúng pháp
sám hối trừ diệt đi rồi, sau lại phát khởi lên, phạm vào tội ba-dật-đề.
67. Như có tỳ-kheo nào đã biết là kẻ gian mà cùng đi chung đường, dù chỉ
là trong phạm vi một thôn, phạm vào tội ba-dật-đề.
68. Như có tỳ-kheo nào nói rằng: “Phật có nói là việc dâm dục không ngăn
ngại gì cho đạo pháp.” Có tỳ-kheo khác can ngăn rằng: “Đại đức, chớ nói
như thế. Chớ nên hủy báng đức Thế Tôn, như vậy là không tốt. Thế Tôn
không hề nói ra lời như vậy. Ngài đã dùng vô số phương tiện để chỉ ra
rằng việc dâm dục là ngăn ngại cho đạo pháp.”
Dù can ngăn như thế, tỳ-kheo kia vẫn nhất mực không bỏ. Nên khuyên can
cho đến ba lần. Nếu đến lần thứ ba mà chịu nghe thì tốt, bằng như vẫn
không nghe, phạm vào tội ba-dật-đề.
69. Như có tỳ-kheo nào, tuy biết tỳ-kheo khác đã nói lời như trên, chưa
sám hối theo như pháp, chỗ tà kiến ấy cũng chưa bỏ, mà vẫn cung cấp cho
những thứ cần dùng, lại cùng với kẻ ấy làm phép yết-ma, ngủ nghỉ chung
nhau, nói chuyện qua lại, phạm vào tội ba-dật-đề.
70. Như tỳ-kheo được biết sa-di nói ra lời này: “Phật có nói việc dâm
dục không ngăn ngại gì cho đạo pháp.” Tỳ-kheo ấy liền can ngăn rằng:
“Ngươi chớ nên hủy báng đức Thế Tôn, như vậy không tốt. Này sa-di, đức
Thế Tôn không hề nói ra lời như vậy. Ngài đã dùng vô số phương tiện để
chỉ ra rằng việc dâm dục là ngăn ngại cho đạo pháp.”
Dù can ngăn như thế, sa-di kia vẫn nhất mực không bỏ. Tỳ-kheo ấy nên
khuyên can, quở trách cho đến ba lần, buộc phải từ bỏ lời sai trái ấy.
Nếu đến lần thứ ba mà chịu nghe thì tốt, bằng như vẫn không nghe,
tỳ-kheo ấy nên nói như thế này: “Ngươi từ nay về sau không được gọi Phật
là đức Thế Tôn của ngươi nữa, không được đi theo các tỳ-kheo, cũng không
được cùng các thầy tỳ-kheo ngủ chung một nơi hai đến ba đêm như các
sa-di khác. Ngươi phải đi khỏi đây, không được ở lại nữa.”
Như có tỳ-kheo nào biết sa-di đã bị đuổi đi như vậy mà còn mang về nuôi
dưỡng, cùng sa-di ấy ngủ nghỉ chung nhau, nói chuyện qua lại, phạm vào
tội ba-dật-đề.
71. Như tỳ-kheo nào làm điều sai trái, có tỳ-kheo khác theo đúng pháp
can ngăn, liền đáp rằng: “Nay tôi không học giới này. Phải đợi chất vấn
các vị tỳ-kheo khác có trí tuệ, giữ theo luật.” Tỳ-kheo ấy phạm vào tội
ba-dật-đề. Như nếu thật sự vì muốn hiểu, muốn học, thì có thể chất vấn.
72. Như có tỳ-kheo nào, vào lúc thuyết giới nói rằng: “Đại đức, cần chi
phải nói những giới vụn vặt ấy, chỉ làm cho người ta phải buồn phiền, hổ
thẹn mà thôi.” Như vậy là nghi ngờ, khinh chê giới luật, phạm vào tội
ba-dật-đề.
73. Như có tỳ-kheo nào, vào lúc thuyết giới nói rằng: “Tôi đến hôm nay
mới biết trong giới pháp có điều này, từ trong Giới kinh rút ra, nửa
tháng tụng đọc một lần.” Nhưng các tỳ-kheo khác thật biết rằng tỳ-kheo
ấy ít nhất cũng hai hoặc ba lần ngồi nghe thuyết giới, huống là rất
nhiều lần.
Tỳ-kheo ấy không phải là không biết giới. Như đã phạm tội gì thì cứ theo
đúng pháp mà trị. Ngoài ra, phải ghép thêm tội không biết nữa, bảo cho
biết rằng: “Trưởng lão, ông thật không được sự ích lợi, không có chỗ
khéo được. Khi thuyết giới ông đã không chú tâm vào, không một lòng lắng
tai nghe pháp.” Vì không biết như thế, phạm vào tội ba-dật-đề.
74. Như có tỳ-kheo nào cùng chúng tăng dự phép yết-ma rồi, sau lại nói
rằng: “Các tỳ-kheo vì chỗ thân thiết mà lấy vật của chúng tăng đem cho
người kia.” Như vậy phạm vào tội ba-dật-đề.
75. Như có tỳ-kheo nào, khi chúng tăng bàn việc chưa xong, tự ý bỏ đi
không nói là mình thuận theo ý chung, phạm vào tội ba-dật-đề.
76. Như có tỳ-kheo nào, đã nói là mình thuận theo ý chung, nhưng về sau
lại có ý hối tiếc, phạm vào tội ba-dật-đề.
77. Như có tỳ-kheo nào, biết các tỳ-kheo khác đang bất hòa nhau, nghe
chuyện bên này đến nói với bên kia, phạm vào tội ba-dật-đề.
78. Như có tỳ-kheo nào, do nóng giận không vui mà đánh tỳ-kheo khác,
phạm vào tội ba-dật-đề.
79. Như có tỳ-kheo nào, do nóng giận không vui mà dùng tay vả, tát
tỳ-kheo khác, phạm vào tội ba-dật-đề.
80. Như có tỳ-kheo nào, do nóng giận mà vô cớ vu cáo tỳ-kheo khác phạm
tội tăng-già bà-thi-sa, phạm vào tội ba-dật-đề.
81. Như có tỳ-kheo nào đi vào chốn cung môn lúc vua chưa ra triều, chưa
kịp cất giấu của báu, bước qua ngạch cửa phạm vào tội ba-dật-đề.
82. Như có tỳ-kheo nào tự tay cầm nắm các món đồ quý hoặc trang sức giá
trị, hoặc chỉ bảo, sai khiến người khác cầm giữ, phạm vào tội ba-dật-đề.
Trừ trường hợp trong khuôn viên chùa hoặc nơi mình đang tạm nghỉ.
Nếu trong khuôn viên chùa hoặc nơi đang tạm nghỉ, tỳ-kheo có tự tay cầm
nắm các món đồ quý hoặc chỉ bảo, sai khiến người khác cầm giữ, nên suy
nghĩ như thế này: “Nếu chủ nhân biết mà đến sẽ giao cho.” Thật chỉ vậy
chứ không có ý gì khác.
83. Như có tỳ-kheo nào đi vào thôn xóm trái giờ mà không báo cho các
tỳ-kheo khác biết, phạm vào tội ba-dật-đề.
84. Như có tỳ-kheo nào làm giường nằm cao quá tám lóng tay của Phật,
không tính từ chỗ vào mộng trở lên, làm xong phạm vào tội ba-dật-đề.
85. Như có tỳ-kheo nào dùng loại bông mềm nhuyễn để dồn trải lên giường,
chỗ nằm, chỗ ngồi, phạm vào tội ba-dật-đề.
86. Như có tỳ-kheo nào dùng các loại xương, răng, sừng thú để khoét ra,
chạm trổ làm ống đựng kim. Làm xong, phạm vào tội ba-dật-đề.
87. Như có tỳ-kheo nào may tọa cụ, nên may vừa đúng cỡ, bề dài hai gang
tay Phật, bề rộng một gang rưỡi. Như cần nới rộng hơn, có thể tăng mỗi
bề nửa gang. Nếu may xong rộng quá cỡ phạm vào tội ba-dật-đề.
88. Như có tỳ-kheo nào may áo để che ghẻ, nên may vừa đúng cỡ, bề dài
bốn gang tay Phật, bề rộng hai gang. Nếu may xong rộng quá cỡ phạm vào
tội ba-dật-đề.
89. Như có tỳ-kheo nào may áo tắm mưa, nên may vừa đúng cỡ, bề dài sáu
gang tay Phật, bề rộng hai gang rưỡi. Nếu may xong rộng quá cỡ phạm vào
tội ba-dật-đề.
90. Như có tỳ-kheo nào may y đồng cỡ với Như Lai hoặc lớn hơn, phạm vào
tội ba-dật-đề. Cỡ y của Như Lai là bề dài chín gang tay Phật, bề rộng
sáu gang.
_ Kính bạch chư đại đức. Tôi đã thuyết xong chín mươi pháp ba-dật-đề,
xin hỏi chư đại đức, trong chúng tăng đây có được thanh tịnh hay chăng?
Người thuyết giới lập lại câu hỏi này ba lần. Nếu có ai nhớ ra mình đã
phạm vào các giới này thì phải tự nhận. Nếu không thì tất cả đều yên
lặng.
_ Kính bạch chư đại đức, vì các vị đều lặng yên, nên xem như trong chúng
tăng đây hết thảy đều thanh tịnh. Việc này xin được hiểu như vậy.