Sau khi thực hiện xong nghi thức xin thọ giới trước chúng tỳ-kheo ni và
đã được chấp thuận, người xin thọ giới được đưa đến trước chúng tỳ-kheo
tăng ở nơi đó để chính thức thọ giới cụ túc.
Các nghi thức cũng được tiến hành giống như đối với một vị tỳ-kheo. Nếu
đại chúng không có ai phản đối, người xin thọ giới sẽ được truyền giới.
Sau đó, sư Yết-ma thuyết dạy cho người xin thọ giới về tám điều trọng
luật, nếu phạm vào sẽ bị trục xuất khỏi giáo hội Tăng-già:
1. Không được phạm vào sự dâm dục, làm chuyện không trong sạch. Nếu
tỳ-kheo ni không giữ hạnh trong sạch, làm chuyện dâm dục, thậm chí với
loài súc sanh, không còn là tỳ-kheo ni, là đệ tử Phật nữa. Trọn đời
không được phạm vào giới này, cô có thể giữ được hay không?
Người thọ giới đáp: “Thưa, được.”
2. Không được trộm cắp, cho dù là những món cỏ lá nhỏ nhặt. Nếu tỳ-kheo
ni trộm lấy của người khác, hoặc chỉ bảo, sai khiến người khác trộm lấy,
tự mình chặt phá, hoặc sai bảo người khác chặt phá, hoặc chôn giấu, hoặc
làm thay đổi màu sắc để cho đồ vật ấy trở thành của mình, không còn là
tỳ-kheo ni, là đệ tử Phật nữa. Trọn đời không được phạm vào giới này, cô
có thể giữ được hay không?
Người thọ giới đáp: “Thưa, được.”
3. Không được cố ý đoạn dứt sanh mạng của bất cứ chúng sanh nào, cho đến
loài nhỏ nhoi như sâu kiến cũng vậy. Nếu tỳ-kheo ni tự tay đoạn dứt sanh
mạng của người, hoặc cầm dao bén đưa cho người khác, bảo người khác là
nên chết, khen ngợi, khuyến khích sự chết, dùng thuốc độc, hoặc phá
thai, hoặc thư ếm, nguyền rủa người ta cho chết, dù tự mình làm hoặc chỉ
bảo sai khiến người khác làm đều không còn là tỳ-kheo ni, là đệ tử Phật
nữa. Trọn đời không được phạm vào giới này, cô có thể giữ được hay
không?
Người thọ giới đáp: “Thưa, được.”
4. Không được nói lời gian dối, sai sự thật, cho đến dù là lời nói chơi
để đùa vui cũng không được. Nếu tỳ-kheo ni không chân thật, tự mình
không có mà xưng là đã chứng đắc pháp cao thượng, được định, được Bốn
không định, đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm hoặc A-la-hán, lại
nói có trời, rồng... đến cúng dường cho mình, như vậy không còn là
tỳ-kheo ni, là đệ tử Phật nữa. Trọn đời không được phạm vào giới này, cô
có thể giữ được hay không?
5. Không được đụng chạm với thân hình người khác phái. Tỳ-kheo ni trọn
đời không được khởi tâm nhiễm ô, để thân thể đụng chạm, tiếp xúc với
người phái nam, cô có thể giữ được không?
Người thọ giới đáp: “Thưa, được.”
6. Không được nắm tay áo hoặc giao tiếp không minh bạch với người khác
phái. Tỳ-kheo ni trọn đời không được khởi tâm nhiễm ô, cầm tay hoặc nắm
áo một người phái nam, đưa nhau đến chỗ khuất vắng rồi cùng nhau đi
đứng, nói năng giao tiếp, cô có thể giữ được không?
Người thọ giới đáp: “Thưa, được.”
7. Không được che giấu việc phạm trọng tội của người khác. Tỳ-kheo ni
trọn đời không được che giấu việc phạm trọng tội của người khác, nếu
mình rõ biết phải lập tức trình ra với đại chúng, cô có thể giữ được
không?
Người thọ giới đáp: “Thưa, được.”
8. Không được thuận theo tỳ-kheo đã bị chúng tăng y theo giới luật chỉ
trích, trách phạt. Tỳ-kheo ni trọn đời không được thuận theo người đã bị
giáo hội Tăng-già y theo giới luật mà chỉ trích, trách phạt. Nếu phạm
điều này, có người can gián phải lập tức nghe theo. Bằng như can gián
đến ba lần mà vẫn không nghe, vẫn thuận theo kẻ có tội, tức là phạm
trọng luật. Cô có thể giữ được không?
Người thọ giới đáp: “Thưa, được.”
Sau đó, sư Yết-ma dạy cho bốn điều để tỳ-kheo ni suốt đời nương theo,
gọi là Tứ y pháp:
1. Người xuất gia trọn đời chỉ mặc y phục may từ những vải vụn đã bỏ đi
mà chắp lại. Con có thể giữ được không?
Người thọ giới đáp: “Thưa, được.”
Tuy nhiên, nếu có ai cúng dường y phục mang nhuộm cho xấu đi thì có thể
dùng được.
2. Người xuất gia trọn đời chỉ đi khất thực mà ăn. Con có thể giữ được
không?
Tuy nhiên, nếu có ai những dịp đặc biệt như chúng tăng cử đi thọ thực,
thí chủ mang đến cúng dường, các ngày mùng 8, rằm, mùng một, hoặc thức
ăn thường dùng của chúng tăng, hoặc thí chủ thỉnh đến cúng dường, có thể
thọ nhận.
3. Người xuất gia trọn đời chỉ ngủ dưới gốc cây. Con có thể giữ được
không?
Người thọ giới đáp: “Thưa, được.”
Tuy nhiên, nếu có ai cúng dường phòng riêng, phòng nhỏ, nhà đá, nhà hai
phòng... thì có thể thọ nhận.
4. Người xuất gia trọn đời chỉ dùng những món đắng hôi mà làm thuốc khi
có bệnh. Con có thể giữ được không?
Người thọ giới đáp: “Thưa, được.”
Tuy nhiên, nếu có ai cúng dường sữa, dầu, sữa tươi, mật ong... thì có
thể thọ nhận.
Cuối cùng, vị Yết-ma tuyên bố trước đại chúng rằng:
“Như vậy, con đã được nhận vào hàng tỳ-kheo ni và được truyền Đại giới
rồi. Hãy tinh tấn giữ giới luật đừng cho hủy phạm. Hãy hết lòng phụng sự
hòa thượng ni đỡ đầu và hòa thượng ni giáo thọ. Hãy nghe theo những lời
khuyên bảo của chư tăng ni. Hãy noi theo pháp Phật, học hỏi và tham
thiền. Như có điều chi chưa hiểu, hãy thưa hỏi hòa thượng ni và vị giáo
thọ.”
Nghi thức thọ Đại giới của tỳ-kheo ni đến đây là hoàn tất.