Vua Trần Thái Tông đã oanh liệt lãnh đạo các cuộc kháng chiến chống quân
Mông Cổ. Tuy vậy, ngài chỉ chú trọng đến Phật học và thực hành quán
chiếu trong đời sống hằng ngày. Các tác phẩm của ngài phản ảnh đời sống
tâm linh trong sáng đó gồm có những quyển như Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ
Lục, Trúc Lâm Hậu Lục, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Đại Hương Hải Ấn Thi Tập và
Tăng-già Toái Sự. Những tác phẩm này gồm có những bài kệ tụng, những
thiền ngữ, những phần vấn đáp giữa ngài và môn đệ học thiền, cùng những
bài thơ tỏa ra tinh thần giải thoát. Có điểm đặc biệt là ngài không đả
động gì đến chuyện võ công hiển hách cũng như sự ứng dụng tinh thần
thiền vào việc chiến đấu, dù ngài đã lãnh đạo và chiến thắng những cuộc
ngoại xâm một cách rực rỡ. Điều ấy thật khác xa với một số các vị thiền
sư Nhật Bản khi hướng dẫn môn đồ là những chiến sĩ xông pha ngoài trận
mạc, trong đó có Bắc Điều Thời Tông (Hojo Tokimune), vị tướng quân đã
điều động cuộc kháng chiến chống quân xâm lăng Mông Cổ, oanh liệt chiến
thắng đạo quân hung dữ này khi họ đổ bộ lên bờ biển phía tây nước Nhật
vào thế kỷ 13. Do đó, khi nói đến thiền và võ thuật, chúng ta nên tìm
hiểu sự phát triển của thiền tại nước này.
Khi nói về Thiền tông, người Tây phương thường nghĩ ngay đến Nhật Bản,
vì khi Thiền tông bị tiêu mòn sinh khí ở Trung Hoa, Triều Tiên và Việt
Nam thì nó lại phát triển ở Nhật Bản và ảnh hưởng sâu rộng đến các sinh
hoạt võ thuật, văn chương, thi ca, hội họa, âm nhạc và kịch nghệ.
Có điều đáng lưu ý là, Thiền tông là một hệ phái của Phật giáo. Dù theo
tông phái nào, người tín đồ Phật giáo cũng luôn tránh xa sự tranh chấp
và chiến đấu. Vậy tại sao ở Nhật Bản cũng như Việt Nam vào thời nhà
Trần, thiền lại được giới chiến sĩ - mà ở Nhật gọi là võ sĩ đạo - ưa
chuộng?
Các chiến sĩ có nhu cầu học thiền vì hai lý do: Thứ nhất, thiền chủ
trương luôn luôn sống trong hiện tại. Cái hiện tại đó không phải là sự
trống rỗng lạnh lùng mà tràn đầy sự tỉnh thức chiếu diệu. Trong sự tỉnh
thức chiếu sáng ấy, lòng ta thấy an ổn, tự tại và thoải mái. Người sống
với hiện tại tràn đầy như thế thì không ngoái nhìn lại quá khứ để hối
tiếc, cũng không mơ tưởng tương lai để mong chờ. Thực tại tối thượng
luôn luôn là bây giờ và nơi đây, trong từng giây từng phút tràn đầy sự
trong sáng, tĩnh lặng. Tâm giác ngộ rỗng lặng và bất động nhưng uyển
chuyển và bén nhạy vô cùng.
Lý do thứ hai là, về phương diện lý thuyết và kinh nghiệm thực hành tâm
linh, thiền không phân biệt sống và chết thành hai trạng thái đối
nghịch: Khi tâm bất động, ở vào trạng thái định, thì mọi sự phân biệt
đều tự chúng tan biến, cho nên mọi sự sợ hãi đều tự chúng tiêu trừ.
Do đó, khi ứng dụng thiền vào đời sống hằng ngày, người chiến sĩ khi
tuốt gươm ra trận thì không ngoái cổ lại, không bị phân tâm khi đối diện
với sự sống chết, chỉ một đường tiến tới như vị thiền sư kiếm sĩ Cung
Bản Vũ Tàng (Miyamoto Musashi, 1584-1645) đã nói:
Dưới lưỡi kiếm đưa cao
Dù gặp địa ngục
Hãy tiến bước
Cực lạc là đây.
Cực lạc lúc nào cũng bây giờ và nơi đây. Đó là một điều cần thiết cho
người chiến sĩ khi họ cần có một chỗ nương tựa tinh thần, và thiền cho
họ điều ấy cũng như cung ứng cho họ một triết lý giản dị cho đời sống
vào sinh ra tử, luôn phải đối diện với những bất trắc, tận trung với cấp
trên, coi thường sự đau khổ cá nhân, bình thản trước mọi biến chuyển của
cuộc đời.
Thiền không những cống hiến cho họ một triết lý giản dị về ý nghĩa cuộc
sống, mà còn giúp cho họ một phương pháp huấn luyện tâm linh để thâm
nhập vào thể tánh của niềm an bình tịch lặng và sự bất động của tâm
trước mọi biến động trong thời buổi chiến tranh.
Những vị thiền sư lớn tuổi, trưởng thành trong đời sống tâm linh và đạo
hạnh, xa lánh chuyện công danh, lại là chốn nương tựa tâm linh của những
chiến sĩ trẻ trung gan dạ, đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống hào hùng nhưng
cũng mong manh như những cánh hoa anh đào rực rỡ mùa xuân.
Phương pháp thực hành thiền thật giản dị, trực tiếp, không nương tựa vào
ngôn ngữ, chỉ dựa vào nỗ lực của chính mình để nguồn tâm tự nó yên tĩnh
và chiếu sáng, cái ngã nhỏ bé với các bệnh hoạn của nó tự tan biến đi.
Lúc đó, ta nắm được thực tại trong đôi tay trần: nắm bắt cái không thể
nắm bắt được qua sự buông xả tuyệt đối. Thiền sinh chỉ nghe lời hướng
dẫn của vị thầy, không cần nghiên cứu sách vở, tầm chương trích cú, sao
lục kinh điển.
Những lời hướng dẫn của bậc thầy cho môn đệ thì rất linh động, tùy theo
tâm trạng, nỗ lực, mức độ tỉnh thức của mỗi người mà chỉ dẫn một cách
trực tiếp và giản dị. Những cuộc hỏi đáp giữa thầy trò là lưu đàm, nghĩa
là nói năng trôi chảy tự nhiên như một dòng sông, trong sáng thảnh thơi,
để giúp họ đạt được trạng thái chiếu sáng trong tĩnh lặng, hay mặc
chiếu. Thiền sinh không còn chỗ nào để bám víu vào vì tất cả các khái
niệm đều bị đập tan, và chỉ còn cách là trông cậy vào nỗ lực không ngừng
nghỉ của chính bản thân mình.
Khi thâm nhập vào thể tánh uyên nguyên, khi uống được ngụm nước đầu
nguồn của dòng suối tâm linh, thì thiền sinh trực tiếp kinh nghiệm, sống
với sự rỗng lặng, chói sáng linh động, uyển chuyển mà trước đây chỉ được
nghe bằng danh từ. Thật đúng như lời Bồ-đề-đạt-ma, vị Sơ tổ Thiền tông
Trung Hoa đã nói về Thiền:
Giáo ngoại biệt truyền
Bất lập văn tự
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật.
Tạm dịch:
Truyền riêng ngoài giáo
Không dùng chữ nghĩa
Chỉ thẳng tâm người
Thấy tánh thành Phật.
“Truyền riêng ngoài giáo” là một nét đặc biệt của thiền: Không sử dụng
kinh điển để giúp người thấy được chỗ tâm yếu. Người chiến sĩ vốn không
thích nhiều về lý thuyết mà chú trọng việc rèn luyện võ công. Khi lâm
trận, tâm thức của họ chẳng khác gì một thiền sư: chỉ có sự chú tâm
tuyệt đối vào hiện tại, không ngoái cổ nhìn lại phía sau. Nếu có chút
phân tâm hay mối nghi ngại nào thì tinh thần sẽ bị dao động ngay. Những
chiến sĩ tài ba thường là những người có ý chí sắt đá, coi thường chuyện
sống chết, lòng không vướng bận chuyện danh lợi, tâm luôn bình thản...
Họ sống cuộc đời nhiều lúc như kẻ khắc kỷ: tự tại trong sự dũng mãnh,
đơn giản và thanh tịnh. Do đó, ở Nhật Bản thường có câu truyền tụng:
“Hoàng gia theo Thiên Thai tông, giới quý tộc theo Chân ngôn tông, chiến
sĩ thực hành Thiền, còn đa số quần chúng theo Tịnh Độ tông.” Lý do là
Thiên Thai tông và Chân ngôn tông chú trọng rất nhiều đến các nghi lễ.
Tịnh Độ tông thì rất giản dị về phương diện lý thuyết lẫn thực hành để
được cứu rỗi, còn Thiền tông thì thích hợp với giới chiến sĩ can trường,
những kẻ vào sinh ra tử.
Vị tướng quân Nhật Bản đầu tiên của dòng họ Bắc Điều (Hojo) học thiền là
Bắc Điều Thời Lại (Hojo Tokijon, 1227-1263). Ông ta đã cung thỉnh các vị
thiền sư Trung Hoa đời Tống sang dạy đạo và tự mình tham cứu chuyên cần.
Khi Thời Lại qua đời thì người con là Bắc Điều Thời Tông (Hojo Tokimune,
1251 - 1284) kế nhiệm chức tướng quân. Vị tướng quân này đã lập đại
chiến công với quốc gia khi ông điều động quân sĩ đánh bại cuộc xâm lăng
của đại quân Mông Cổ. Nếu không có cuộc chiến thắng này, lịch sử Nhật
Bản hẳn đã xoay chuyển theo đường lối khác. Bắc Điều Thời Tông tượng
trưng cho tinh thần can đảm, bất khuất của người chiến sĩ Nhật Bản xuyên
qua lịch sử của dân tộc này. Quân đội của ông đã lặng lẽ dàn quân trên
bờ biển phía tây nước Nhật, chờ đợi đại quân Mông Cổ đổ bộ từ các chiến
thuyền to lớn. Sự chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ Nhật Bản, cộng
thêm cơn bão Thần Phong (Kamikaze) làm tan rã các chiến thuyền xâm lăng,
đã làm cho ý đồ của quân Mông Cổ tiêu tan thành mây khói. Sau chiến
thắng đó, tướng quân Thời Tông lại chỉnh đốn binh bị, tổ chức lại guồng
máy hành chánh cho hữu hiệu hơn. Điều đặc biệt nơi Thời Tông là tuy bận
việc quân quốc rất nhiều, nhưng ông ta lại rất chuyên cần học đạo với
các vị thiền sư từ Trung Hoa sang.
Trong một buổi tham vấn với ngài Phật Quang Quốc Sư, vị thầy của mình,
Thời Tông đã tìm đến tận đầu nguồn.
Thời Tông hỏi: “Kẻ thù xấu xa nhất của ta là sự hèn nhát. Làm sao con
thoát được nó?”
Quốc Sư trả lời: “Hãy cắt cội nguồn sự hèn nhát đó.”
Thời Tông: “Nó đến từ nơi nào?”
Quốc Sư: “Nó đến từ Thời Tông.”
Thời Tông: “Con ghét sự hèn nhát nhất, làm thế nào nó lại đến từ con
được?”
Quốc Sư: “Hãy quan sát cảm giác của chính mình khi nắm được cái tôi tên
là Thời Tông. Chúng ta sẽ gặp nhau khi con thực hiện được điều ấy.”
Thời Tông: “Làm sao thực hiện được điều ấy?”
Quốc Sư: “Hãy chặn đứng mọi ý tưởng.”
Thời Tông: “Làm sao gạt được ý tưởng ra khỏi tâm?”
Quốc sư: “Hãy tĩnh tọa, nhìn vào chốn phát xuất ra các ý tưởng gọi là
Thời Tông.”
Thiền đã làm cho nhân cách Thời Tông chiếu sáng; hay nói ngược lại, nhân
cách Thời Tông đã chiếu sáng nguồn thiền.
Dĩ nhiên, ngoài sự can trường, Thời Tông còn là một binh gia xuất sắc,
đã chuẩn bị kỹ lưỡng vấn đề chiến thuật, chiến lược như điều quân, tiếp
vận, vận động tinh thần chiến đấu quân sĩ, nghiên cứu cách hành binh của
đối phương.v.v... Ông cũng là một nhà hành chánh tài ba và hữu hiệu.
Cuộc đời của hai vị Tướng quân dòng Bắc Điều đã ảnh hưởng rất nhiều đến
các nhà quý tộc, chiến sĩ cũng như người dân Nhật Bản. Thiền tông từ đó
lan tràn đến Tây kinh (Kyoto) là nơi ngự trị của Thiên Hoàng Nhật Bản.
Vua và các nhà quý tộc cũng thành tâm học thiền.
Khi Thời Tông qua đời, Phật Quang Quốc Sư đã đọc một bài ai điếu:
“Trong lúc sinh tiền, Tướng quân Thời Tông đã thực hành mười điều tốt
đẹp như mười hạnh nguyện của vị Bồ Tát: là một người con chí hiếu đối
với cha mẹ, một bề tôi trung thành của Hoàng đế, một vị Tướng quân lo
lắng chăm sóc cho hạnh phúc người dân, một người đã nỗ lực học thiền và
đã đạt được chân lý tối thượng, đã thay vua vỗ an trăm họ, đã đánh tan
đạo quân xâm lăng Mông Cổ mà lòng chẳng chút tự kiêu, đã xây dựng ngôi
đại tự để tế tự vong linh của những chiến sĩ (đã bỏ mình trong cuộc
chiến, không phân biệt Nhật hay Mông), đã tỏ sự tôn kính thầy tổ, rồi
trước khi qua đời đã bình thản khoác chiếc áo của hành giả tu thiền và
viết một bài kệ từ biệt với tinh thần sáng suốt vô cùng...” (Zen and
Japanese Culture)
Thiền đã thay đổi sâu xa đời sống của người chiến sĩ, khi dòng suối tâm
linh của họ khai mở, họ khoác lên người chiếc áo mới tinh của sự vô chấp
và nhân cách họ hoàn toàn thay đổi, vì họ thấy rõ ý nghĩa thật sự của
đời sống. Từ đó tinh thần võ sĩ đạo của người chiến sĩ khác hẳn với tính
hiếu sát cuồng nộ hay hung bạo mà vô trách nhiệm. Người chiến sĩ học
thiền luôn luôn có những đức tính quý báu: trung thành, hy sinh, trang
trọng, hòa ái, không cố chấp hay cuồng tín, dũng mãnh mà nghiêm túc.