Về việc biên dịch các sách về "Thiền Phật giáo”, vì đây là sách hướng dẫn thực hành nên người dịch muốn chia sẻ với quý độc giả một số điều như sau:
This content does not include in the original.
Sau nhiều năm nghiên cứu và biên dịch một số sách Phật học vì mục đích phát hành (ấn tống) miễn phí cho các Phật tử và tự viện gần xa, tôi nhận thấy tầm quan trọng của phần sách giảng dạy về thiền tập.
(a) Phần lớn các sách Phật giáo và sách dạy thiền ở Việt Nam đã được lưu hành từ lâu đời dưới dạng tiếng Hán và Hán Việt, bởi vì trong một thời gian khá lâu, có lẽ hơn 18-19 thế kỷ, Phật giáo Việt Nam có chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Đại thừa của Trung Hoa. Đó là một kho kinh sách đáng quý cho những Phật tử thực hành theo Phật giáo Đại thừa.
(b) Một số sách Phật giáo và sách dạy thiền của dòng Phật giáo Nguyên thủy cũng đã được các tự viện và các dịch giả dịch ra tiếng Việt trong vài thập niên mới đây. Đó cũng là một nguồn kiến thức quý báu cho các Phật tử đọc và thực hành.
(c) Mục đích của việc chọn và dịch một số sách thiền của người dịch ở đây cũng không ngoài mục đích góp một phần nhỏ bé vào sự tiên phong của các tự viện và các dịch giả đáng kính đó.
Đó là những sách hướng dẫn của các thiền sư lỗi lạc như: Mahasi, Henepola Gunarantana, Bikhu Bodhi, U Pandita, Nyanaponika, Bhikkhu Nanamoli, Ajahn Chah, Ajahn Brahm, Ajahn Sumedha, Ajahn Mun...
Những quyển sách này giảng giải về Thiền-định (samatha) và Thiền-tuệ minh sát (vipassana) dựa theo những lời Phật dạy theo Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) vốn đã được truyền thừa từ sau thời Đức Phật lịch sử cho đến tận hôm nay. Thiền Định được tu tập như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc tu tập Thiền Tuệ, còn được gọi là Thiền Chánh Niệm (hay Thiền quán, Thiền minh sát). Những phương pháp thiền tập thuộc Phật giáo Theravada đã và đang được thực hành ở các nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia, một phần Việt Nam, Singapore, Malaysia; và đặc biệt đang được phát triển mạnh ở các nước châu Âu, châu Bắc Mỹ và châu Úc.
Cũng như những sách về Giáo lý khác, những sách thiền này được người dịch dịch qua tiếng Việt hiện đại mà chúng ta dùng để nói và tư duy hàng ngày. Vì đây là một tiếp cận mới và trực tiếp với kiến thức Phật giáo Nguyên thủy, cho nên người dịch cố gắng dịch đúng theo tiếng thuần Việt hiện đại. Mục đích là giúp cho độc giả tránh khỏi sự “tư duy hai-lần”. Ví dụ, nếu dùng các chữ ‘triền cái’ hay ‘ngũ triền cái’ (HV), thì những độc giả mới và những độc giả không học Phật học bằng tiếng Hán- Việt sẽ phải tìm hiểu chúng và dịch lại một lần nữa. Thay vì vậy, chúng ta có thể dịch ngay là ‘chướng ngại’ hay ‘năm chướng ngại’ thì các độc giả Việt Nam có thể hiểu một cách dễ dàng. Tiếng Việt ngày nay gần như đủ giàu nghĩa để có giải thích hầu hết từ ngữ của các ngành học, kể cả Phật học.
Tuy nhiên, có những chỗ cần phải giữ lại một số danh từ tiếng Hán-Việt bởi vì (a) những thuật ngữ đó đã được dùng và đã rất quen thuộc đối với nhiều thế hệ Phật tử từ lâu đời, và họ đều hiểu được chúng; và (b) vì vẫn còn một số trường hợp tiếng thuần Việt vẫn chưa đủ sự chính xác và gọn gàng để thay một số thuật ngữ đó. Ví dụ như: pháp, Giáo Pháp, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, chánh định, chánh niệm, sân, si, hỷ, lạc, xả, luân hồi, thức và 'thiền'. Vai trò của một số thuật ngữ chính bằng tiếng Hán-Việt là rất quan trọng và hữu ích.
Thái độ biên dịch của người dịch là một thái độ khách quan và trung thành với ngữ nghĩa của tác giả. Tác giả viết như thế nào, người dịch cố gắng dịch nghĩa đúng như chúng là. Người dịch không đưa vào sự hiểu biết cá nhân, hay trải nghiệm, hay quan điểm của mình vào trong lời dịch. Mục đích là giữ càng được trọn vẹn cả nghĩa và ý của tác giả ở mức tốt nhất có thể.
(a) Có thể khác với những truyền thống khác, Phật giáo Nguyên thủy và thiền học của nó đã được giảng giải bởi Phật và các sư thầy sau này bằng những ngôn từ rõ ràng và trực chỉ. Người đọc cứ đọc sao hiểu vậy. Còn thực hành hay không hoặc thực hành đúng hay không là tùy vào mỗi người. Thiền Phật giáo theo dòng Nguyên thủy không dùng những từ ngữ khó hiểu, cao siêu, hay đánh đố. Nếu có ẩn dụ thì chỉ có những câu nói và câu chuyện ẩn dụ ý nghĩa, nhưng chúng cũng được nói và viết bằng những từ ngữ đơn giản và rõ ràng. Các trích dẫn trong các sách thiền đều là những lời của Đức Phật lịch sử. Và cách diễn đạt của Đức Phật thì luôn luôn là rõ ràng và dễ hiểu như vậy.
Thái độ dịch ở đây là nghiêng về học thuật, chứ không phải là thái độ của một sư thầy hay một thiền sư. Bởi vì người dịch cũng không cần phải ‘ngộ’ được ‘thâm ý’ gì gì đó... của tác giả thì mới có thể dịch được các câu chữ của họ (theo như kiểu nghĩ của một số người ở một số trường phái khác).
Những người có hiểu biết về các ngôn ngữ như tiếng Anh, Pháp, Đức...thì hoàn toàn có thể dịch đúng một toa thuốc mà không cần phải là một bác sĩ hay dược sĩ. Vì những toa thuốc đó được viết ra là để cho người đọc đọc hiểu và dùng đúng theo chỉ dẫn. Nhiều trăm năm qua, những khoa học đầy thuật ngữ và khái niệm như toán học, vật lý, y học, sinh học, vi sinh học...cho đến những ngành cao sâu như lượng tử, hạt nhân, tin học...cũng đã được dịch một cách tốt đẹp qua hàng trăm ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.
(b) Người dịch cũng dịch những quyển sách này một cách tốt nhất để cho mình tự học và thực hành. Đây là lý do ích kỷ duy nhất của công việc này.
(c) Dĩ nhiên, những sách dùng ngôn ngữ quá ‘cao siêu’ về tâm linh đòi hỏi người dịch phải ‘trải nghiệm’ và ‘chứng ngộ’ được hết những gì tác giả viết, thì một dịch giả bình thường như tôi không thể làm được. May mắn thay, những sách hướng dẫn của Thiền Phật giáo Nguyên thủy không thuộc những loại sách đó!. Sách của Phật giáo Nguyên thủy chỉ đơn thuần giống như cách những sách giáo khoa hướng dẫn về lý thuyết và thực hành. Những hướng dẫn được giảng giải và viết ra để người ta đọc và hiểu, để hiểu rõ và làm theo đúng; chứ không phải viết ra để người đọc phải hiểu khác, hiểu theo kiểu khác thường, hay để làm ‘tức não’ người đọc, hay làm cho người đọc phải tự phỏng đoán hay ôm riết trong đầu. Các sách này cũng không có những cách hướng dẫn khác thường như kiểu đánh, đập, hét, lật thuyền...đòi hỏi người dịch phải ‘ngộ’ thì mới chuyển ngữ truyền ý được. Những hướng dẫn từ lời của Đức Phật đều rất rõ nghĩa.
(d) Cũng như tất cả những sách về giáo lý, những quyển sách dạy về thiền này được đọc lại, kiểm tra và hiệu đính bởi các sư thầy (đầu tiên là thầy Thích Trúc Thông Tịnh của thiền viện Trúc Lâm), và được hiệu chỉnh lần cuối bởi ban biên tập chuyên trách về sách Phật học ở nhà xuất bản trước khi được ấn hành.
Quý độc giả góp ý về bản dịch, xin vui lòng gửi đến người dịch hoặc thầy Thông Tịnh. Chúng tôi xin tiếp thu và hiệu đính lại cho tốt hơn. ĐT: 0909503993, email: lekimkha@gmail.com, hoặc email: tthongtinh@yahoo.com.
Lời cảm ơn thành kính nhất xin được gửi đến Hòa thượng thiền sư người Tích Lan Bhante Gunatarana của Thiền Viện Bhavana Society, Hoa Kỳ. Thầy đã từ bi cho phép tôi dịch tất cả các quyển sách quý giá của thầy qua tiếng Việt để phát hành (phi lợi nhuận) cho các Phật tử Việt Nam.
Cảm ơn thầy Thích Trúc Thông Tịnh. Thầy đã bỏ nhiều thời gian và công sức để đọc và hiệu chỉnh những bản dịch của tôi.
Cảm ơn Phật tử Nguyễn Thị Thu Nga, Lê Kim Hân, Ngô Đức Lân, Lê Hoàng Phi và bên ấn hành đã góp phần giúp về hiệu đính và vi tính cho các bản thảo.
Lời nguyện hồi hướng công đức xin dành cho tất cả mọi chúng sinh!