Bà Lê Thị Đấu sinh năm 1908, nguyên quán rạch Vạn Lịch, xã Trung An. Bà và em gái mồ côi cha lẫn mẹ từ thuở bé, được người dì ruột nuôi nấng cho đến lúc trưởng thành.
Khi tuổi hoa xuân, bà thành hôn với ông Trần Văn Cò, cư ngụ tại vàm Lấp Vò, ấp Thạnh Phước II, xã Trung An, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ. Bà có tám người con, bốn trai, bốn gái. Sinh sống bằng nghề làm thuê, nhất là cấy lúa mướn.
Tính tình bà thuần hậu, hiền lành chất phác, con cháu thảy đều thích mến, kính trọng. Bà rất bình dị, giản đơn từ miếng ăn cho đến tấm mặc.
Gia cảnh vốn dĩ thanh bần, bởi không được thừa hưởng di sản vật chất do tổ tiên để lại, mà phải tự lực mưu sinh bằng đôi tay đen với tâm hồn trắng ở giữa chốn bụi hồng, đầy gian nan, đầy khó nhọc!
Các con của bà cũng không hơn không kém, sau khi định vợ gả chồng, mỗi người đều phải tự lập bằng đủ mọi thứ nghề: làm thuê, cắt lúa mướn, đặt lọp lờ, giăng lưới thả câu…
Vào khoảng cuối năm 1986, do một hôm, cô cháu nội khuyên:
- “Bà già rồi, Nội ơi! Sống cũng không còn bao lâu. Trên cõi đời nầy, có cái gì thiệt đâu! Thôi, bà hãy ăn chay niệm Phật để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc!”
Bà hỏi lại:
- “Được hông?”
Cháu bà đáp:
- “Được, Nội ơi! Nội ráng cố gắng đi nghen, Nội! Bà ráng niệm Phật là được vãng sanh!”
Bà nói:
- “Vậy hả! Vậy tao cầu về Cực Lạc luôn!”
Thế là thiện căn nhiều đời khởi phát, bà hoan hỷ làm theo. Cũng từ dạo ấy, bà siêng năng lễ Phật, bà lễ Phật bằng tất cả trái tim thành kính của mình. Trên tay luôn có xâu chuỗi 18 hạt. Vì lưng đau nên bà ngồi niệm Phật chỉ khoảng 15 - 20 phút, sau mỗi thời cúng, chứ chẳng được lâu. Hầu hết thời gian trong ngày, đều hành trì ở tư thế nằm võng và đi đứng. Dường như, bà đã thực sự hạ quyết tâm rời khỏi vòng sanh tử luân hồi:
“Lênh đênh chìm nổi chốn trần hồng,
Sinh già bệnh chết mãi xoay vòng.
Khi sống tạo thành bao sự nghiệp,
Thác rồi cũng một nắm tay không.
Trăm, ngàn, muôn thứ đâu đem được,
Chỉ có nghiệp duyên chất chập chồng.
Cháu con thân thuộc nào tiếp giúp,
Nghe câu Phật hiệu hỡi còn trông.
Còn trông giải thoát kiếp vô thường,
Nguyện lớn Di Đà đấng Pháp Vương.
Cực Lạc quê xưa mau về gấp,
Đừng nên dong ruỗi chốn tha phương.
Cha lành tựa cửa trông con dại,
Lòng mãi quặn đau nỗi nhớ thương.
Mê muội bao ngày thôi khép lại,
Chuyên trì Lục Tự để lên đường.”
Bà ở thì ở nhà người con thứ Ba, tại vàm rạch Lấp Vò, đến giờ cơm thì đi vào nhà người con thứ Sáu, cách khoảng 200 mét vì gia đình này, trọn nhà, đều dùng chay trường.
Bà thích nghe đọc kệ giảng lắm nên đến giờ ăn, bà thường đến sớm nửa hoặc một tiếng đồng hồ, hay dùng cơm xong, nấn ná nằm lại trên võng để được nghe các cháu đọc 5 - 10 trang rồi mới ra về.
Điểm đặc biệt là bà có tâm buông xả cao độ, chẳng hề bận lòng đến chuyện cháu con, nhất là dâu con hay đem những chuyện làm ăn lời lỗ, chuyện xấu dở đúng sai, vô số chuyện tạp nhạp để than thở nỉ non với bà. Bà thường nói:
- “Mồ tổ nó! Kệ nó! Tui lo chuyện của tui! Chớ hổng lo đến chuyện của ai nhiều làm chi cho mệt cái tâm của tui!”
Thật đúng với câu đối liễn của Cổ Đức:
“Một nắm hai níu suốt ngày lận đận: Ri thêm khổ!
Trăm buông ngàn xả quanh năm thong thả: Rứa mà vui!”
Liên hữu Tư Rô thường xuyên lui tới viếng thăm, an ủi khích lệ, giảng giải Phật Pháp, nhứt là kể chuyện vãng sanh cho bà nghe, khuyên bà chuyên tâm niệm Phật để sớm được trực đáo Tây Phương - gãy đúng chỗ ngứa - bà vui mừng thích thú ghê lắm. Cứ hơi lâu mà không thấy ghé, bà nói lẩm bẩm:
- “Thằng Rô cỡ này, sao nó đâu mất tiêu rồi bây! Tao nhớ nó quá!”
Công phu hành trì của bà tinh chuyên, cần mẫn suốt ba năm. Đến ngày 29 tháng 9 năm 1989 bà bỗng dưng ngã bệnh, nằm ngủ mê man li bì, suốt ngày, biếng ăn biếng uống. Rước thầy thuốc, sau khi chẩn đoán là “hạch đàm ác tính”, đề nghị gia đình đừng nên đi chữa trị làm chi cho tốn kém vô ích. Nên uống thuốc Nam và chích vài mũi thuốc khỏe cầm chừng, đồng thời lên chương trình hộ niệm. Thân quyến y theo, bắt đầu hộ niệm từ ngày 29 tháng 9 năm 1989 tại nhà người con thứ Sáu.
Kể từ giờ phút đó, bà ngưng ăn, chỉ dùng một ít sữa vì cổ họng đau dữ dội mỗi khi thực hiện động tác nuốt vào. Kế đó, bà dứt hẳn uống sữa, chỉ còn thuần là nước.
Mặc dù, tình trạng kinh tế gia đình quá ư khiêm tốn. Buổi điểm tâm khuya, cho Ban Hộ Niệm, chỉ vỏn vẹn “cháo cò” và củ cải muối. Nhiều lúc, thân quyến bà ước ao nấu đãi chư liên hữu bằng nồi cháo niêm nhưng đó chỉ là chuyện trong mơ, bởi lẽ… đã vượt quá tầm tay. Nhưng tinh thần của đồng đạo trợ niệm hết sức, chân thành và chí thành.
Chỗ ngủ cho khoảng 20 đồng đạo ở xa, hộ niệm ca đêm, lại vô cùng khó khăn. Hơn nữa, nhứt là những khi dông tố bão bùng. Vì chỗ nằm của bà còn phải căng cao su, hồ huống chi là… chỗ khác! Nên nhờ sự tương thân tương ái của những ngôi nhà bên cạnh.
Xuyên suốt hai tuần lễ trợ niệm, thể lực bà mỗi lúc một cạn kiệt dần dần. Dù vậy, bà vẫn nhép môi niệm Phật theo mọi người. Cho đến 9 giờ sáng ngày 14 tháng 10 năm 1989 bà vẫn còn niệm ra tiếng rành rẽ rõ ràng, hai tay chấp lại để trên ngực, kế đó rơi ra, 2 phút sau, an tường qua đời trước sự hiện diện của hơn 70 người đưa tiễn. Bà hưởng thọ 81 tuổi.
Bốn tiếng đồng hồ sau đó, khám nghiệm thi thể, tất cả các nơi đều lạnh, chỉ có đỉnh đầu nóng dữ dội, tay vừa sờ vào y như hơ tay trên miệng một lò than.
(Thuật theo lời Trần Thị Hà, cháu nội bà)