Thầy Bửu Hạnh thế danh là Võ Văn Hai, sinh năm 1927, nguyên quán xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.
Thuở 9 tuổi, thầy tham gia kháng chiến chống Pháp, mãi đến năm 1954, các bạn bè đều tập kết ra Bắc, thầy ở lại tiếp tục công tác chuyên nghành quân y.
Khi lên 27, thầy kết hôn với bà Nguyễn Thị Út, sinh được bảy người con, bốn trai, ba gái.
Năm 1966, vì chiến cuộc ác liệt, thầy dời nhà về Gò Vấp, Sài Gòn.
Ba năm sau lại về huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Đôi phen thay đổi chỗ ở, năm 1970, gia đình thầy mới thực sự định cư tại ấp Thuận Tiến, xã Thuận An, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Thầy sinh sống bằng nghề y tá, do tay nghề khá cao nên sự thu nhập thuận lợi, sinh hoạt gia đình tương đối phong phú.
Mặc dù, chưa thâm hiểu gì nhiều về Phật Pháp, nhưng thầy giàu lòng thương người, điểm đặc biệt là ưa thích thực chất chứ không chuộng hình thức, hư danh. Hằng năm, vào những ngày rằm lớn, thầy trị bệnh miễn phí, ngày đó, cho dù nửa đêm nửa hôm, có ai gõ cửa, thầy vẫn chích thuốc phát thuốc, không lộ vẻ bực bội khó chịu.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, thầy công tác tại Bệnh Viện Đa Khoa Bình Minh.
Năm 1978, thầy đến quy y với Thượng Tọa Thích Giác Thới ở Xóm Chày, được pháp danh là Bửu Hạnh và bắt đầu ăn chay, dần dần thầy dùng chay trường. Đồng thời nghiên cứu, đọc tụng các kinh điển đại thừa, nhất là kinh Kim Cang, kinh Duy Ma Cật và lần chuỗi niệm Phật.
Ít lâu sau, cô bạn đường phát tâm xuất gia, thuộc hệ phái Khất Sĩ, pháp danh là Chơn Liên, lần lượt đến hai cô con gái, một vị pháp danh là Liên Huệ, còn một vị là Diệu Thông.
Từ nhiều đời, trong thân tộc có lệ, cứ ba năm thì phải tổ chức lễ cúng một con heo, kể từ khi trường chay, thầy bỏ hẳn tập tục này, đổi lại cúng chay. Vì thế, có nhiều người trong gia quyến phản đối kịch liệt, nhưng thầy vẫn giữ vững lập trường của mình.
Bên cạnh đó, thầy còn mang hết gia sản: ba hộp vàng lá mà mình đã tích chứa từ lâu cùng với của hồi môn dành riêng cho từng người con, đều dùng vào công việc từ thiện. Có điều đáng kính phục là thầy không ỷ vào vị trí quyền lực làm cha của mình mà tự tiện hành động. Trước khi làm, thầy họp mặt toàn thể thành viên trong gia đình lại, rồi giải thích rõ về giá trị của sự giúp đỡ những kẻ đang lâm vào hoàn cảnh hoạn nạn, khốn cùng… san sẻ vật chất, thể hiện tình người, thể hiện tình tương thân tương ái với nhau, giữa cõi bụi hồng, vốn dĩ lắm nỗi thăng trầm đau thương, đầy tan tốc, để cho các con đều hoan hỉ hưởng ứng công việc phúc lợi này.
Hình thức cụ thể là thầy mua 10 bao gạo chỉ xanh, ai đến xin thì cho, chẳng kể lạ hay quen, xa hay gần, nhà mấy người thì cho mấy lít. Cứ hết 10 bao này thì mua 10 bao khác, chừng sạch tiền thì thôi. Khi có tiền thì làm tiếp.
Còn bệnh nhân nào quá nghèo thì thầy trị bệnh miễn phí. thầy còn che một cái nhà cho những bệnh nhân tạm trú. Có nhiều cô gái giang hồ khi bệnh không tiền lo thuốc, sau thời gian điều trị lành, cảm ân đức của thầy, đều gọi là cha nuôi, trước khi giã biệt. Vì vậy, mà thầy làm cha nuôi rất nhiều người. Đây thật sự tương ưng với lời khai thị:
“Tu không phải với Trời với Phật,
Mà phải tu với vật với nhân.
Muốn tu thành Phật thành Thần,
Phải nên bố đức thi ân cho người.
Làm một việc một lời ân đức,
Hơn ngàn ngày kinh Phật tụng suông.
Thấy người khổ động lòng thương,
Đức cao hơn kẻ niệm suông Di Đà.
Phước do bố thí ra mà có,
Đức do lòng cứu độ mà sanh.
Ngôi Tiên quả Phật muốn thành,
Do điều bố thí do tình độ dân.”
Năm 1980, thầy xin chuyển công tác về trạm y tế xã, để có rộng thời gian công phu trì niệm hơn, vì trực ở tuyến xã, một tuần chỉ có vài buổi.
Có dạo, thầy ăn gạo lứt muối mè gần ba năm. Một hôm đang ngồi tu, có con rít lớn đến kẹp, mà thầy chẳng có cảm giác đau đớn gì cả, rồi lấy cây khều ra, chỉ cho các con của thầy xem.
Mãi đến năm 1988, thầy bị tai biến mạch máu não liệt nửa người. thầy không chịu đi bệnh viện, nhưng các con nóng lòng chuyển đến Bệnh Viện Đa Khoa Cần Thơ. Ở đây, thầy châm cứu vài ngày thì xuất viện.
Về nhà, sức khỏe dần dần hồi phục, có thể đi tới lui gần gần. Thời gian này, thầy chuyên tu nhiều hơn, đọc kinh sách nhiều hơn, tay lần chuỗi niệm Phật cũng nhiều hơn.
Kế đó, thầy cung thỉnh Thượng Tọa Thích Giác Thới về tại nhà rồi làm lễ thế phát xuất gia. Kể từ đó, nơi gác lầu tư gia, thầy chuyên cần hành trì tu niệm, tay lúc nào cũng không rời xâu chuỗi.
Vào cuối tháng giêng năm 1990, thầy bảo con đi mời thợ nhiếp ảnh đến để chụp hình cho mình, vì mình sắp sửa ra đi. Khi thợ đến, thấy dáng mạo quốc thước của thầy, người nhiếp ảnh liền hỏi:
- “Thấy Thầy còn khỏe quá mà chết cái gì?”
Ông an nhiên đáp:
- “Thì cứ chụp đi! Ba tháng nữa là tôi chết!”
Đến cuối tháng tư vào giữa đêm, thức giấc, thầy hỏi người con trai thứ Tư ngủ gần.
- “Mấy giờ rồi?”
Con thầy đáp:
- “Dạ thưa Ba! Một giờ rưỡi rồi!”
Ông liền lấy phấn ghi vào vách hai hàng chữ. Hàng trên viết:
“1 giờ 30”. Hàng dưới, gạch đầu dòng viết: “3 giờ 30, Ba theo Phật”.
Ghi xong, thầy nằm ngửa trên giường, tay cầm xâu chuỗi, im lặng niệm Phật.
Người con trai thứ Hai ngủ ở nhà trước nghe động, lồm cồm ngồi dậy, bưng nguyên bộ đồ nghề y tá vô. Thấy thế, anh bèn cấp tốc chạy đi cho mẹ là Ni Sư Chơn Liên đang ở Tịnh Thất An Lạc hay (Tịnh thất cách nhà một đỗi). Ni Sư liền dẫn toàn bộ Ni chúng về, đồng thời cung thỉnh vài vị Sư đến hộ niệm.
Trợ niệm tiến hành mãi cho đến 3 giờ 30 phút, hơi thở thầy yếu dần, mọi người cố gắng hô to Phật hiệu.
Trong gia quyến đã tụ hội đầy đủ, chỉ còn cô con gái Út là Diệu Thông, đang tu ở chùa Quan Âm tại Hội Bài, Bà Rịa Vũng Tàu, không liên lạc được vì cô đang trên xe về Hà Tiên để bán nhang cho chùa. Khi cô đến Bắc Bình Minh thì cảm thấy trong người nóng bức lạ thường, linh cảm có điều gì không hay xảy ra, cô bèn gởi hết số hàng định bán, nhanh chóng lên xe quay về thăm nhà, vì nhà ở gần đó. Khi cô vừa bước vào cửa, nhìn mặt thầy, thì cũng giây phút ấy, thầy trút hơi thở cuối cùng trong âm thanh trầm hùng của câu Hồng Danh Vạn Đức.
Lúc ấy, vừa đúng 7 giờ 30 sáng, ngày mùng 1 tháng 5 năm 1990. Cụ hưởng thọ 63 tuổi.
Cuộc hộ niệm vẫn được duy trì. Đến 5 giờ sau, chư Sư khám nghiệm thì thấy đảnh đầu của thầy hãy còn nóng ấm.
` (Thuật theo lời Võ Văn Đáng, Pháp Danh ĐỊNH TUỆ, con của ông)