Cư sĩ Nguyễn Văn Trí, sinh năm 1926, quê quán tại Sài Gòn.
Năm 1964, ông quy y với Hòa Thượng Thích Viên Thông ở chùa Giác Ngạn tại đường Trương Minh Ký, được đặt pháp danh là Thiện Bửu. Sau ngày đó, ông ra sức công quả xây dựng chùa Giác Uyển và trở thành gia trưởng Gia Đình Phật Tử chùa Giác Uyển.
Về sau, Thiện Bửu được bầu làm Chánh Đại Diện Quân Nhân Phật Tử Không Quân. Chính vì chức chánh đại diện này mà ông bị “đì” làm thiếu tá mãi cho đến năm 1975, mới được lãnh tờ giấy thăng trung tá.
Năm 1981, Thiện Bửu và đứa con ra nước ngoài. Vì nghe nói đàn bà con gái vượt biển gặp hải tặc bất lợi, nên ông bắt con cắt tóc ngắn giả trai. Cư sĩ Thiện Bửu đi trên ghe máy đủ sức chở 11 người thôi. Khi ra khơi, ông ngồi trước đầu ghe, miệng không ngớt niệm: “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát”.
Thiện Bửu rất tin tưởng vào sự linh ứng của Quán Âm Đại Sĩ qua hạnh nguyện của Ngài.
Thay vì đi Mã Lai, ghe máy lại chạy lạc hướng qua Thái Lan, rồi gặp hải tặc, ông vẫn bình tĩnh và khẩn thiết kêu cứu thầm với Quán Thế Âm Đại Sĩ. Ông lột cái đồng hồ vàng, chiếc cà rá vàng và đôi mắt kiếng đưa cho cướp và tỏ vẻ cho chúng biết mình chẳng còn gì nữa. Bọn cướp lấy thêm đồ đạc của người khác rồi trở về tàu, lấy thức ăn cho Thiện Bửu.
Vào 3 giờ chiều hôm đó, Thiện Bửu ngước nhìn lên trời thấy Quán Thế Âm Bồ Tát mặc toàn đồ trắng, mà người đời thường gọi là Bạch Y Đại Sĩ, hiện ra trên mây đang mỉm cười… Ông mừng rỡ vừa chấp tay xá chào thì Ngài biến mất. Ngoài ông ra, trên ghe không ai thấy cả.
Thiện Bửu vội báo tin cho mọi người biết để họ an tâm. Từ đó, niềm tin của ông càng sâu chắc thêm vào sự cảm ứng của Bồ Tát Quan Thế Âm.
Mấy hôm sau, một bầy cá heo độ trên 30 con nổi lên, chúng lượn xung quanh ghe máy, rồi chuyển sang một hướng khác. Thiện Bửu nghĩ rằng đàn cá này muốn hướng dẫn ghe mình đi, anh liền kêu người lái cho ghe chạy theo hướng cá. Quả nhiên, không bao lâu, thấy đất liền Mã Lai.
Khi đến Mỹ, Thiện Bửu ở Chicago. Năm 1986, ông thọ Bồ Tát giới với Hòa Thượng Thích Đức Niệm tại chùa Quang Minh, và được bầu làm Tổng Thư Ký Hội Đồng Quản Trị chùa Quang Minh.
Từ ngày rời xa quê hương, do tin tưởng vào sự hiển linh của Quán Thế Âm Đại Sĩ, Thiện Bửu tu hành thật tinh tấn. Sau khi thọ giới Bồ Tát, ông càng tinh tấn hơn, giữ giới Bồ Tát tại gia càng nghiêm cẩn hơn; những mong giải thoát khổ đau triền miên bất tận của vòng sinh tử luân hồi.
Vì còn phải đi làm để sanh sống, mỗi ngày Thiện Bửu đều hành trì tụng kinh niệm Phật một thời, không bao giờ thiếu sót.
Năm 1988, Thiện Bửu dời về Cali, ngụ tại vùng San Jose, mỗi sáng niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật 10 chuỗi, chiều niệm Phật Dược Sư 1 chuỗi, Quán Thế Âm Bồ Tát 3 chuỗi. Ngoài ra suốt ngày, lúc nào cũng xưng niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật. Ra vườn trồng cây cuốc đất, hay đang lái xe cũng niệm Phật. Ông thích thanh tịnh yên lặng, nên vợ con không nói lớn tiếng khi có sự hiện diện của ông.
Mỗi khi có lễ lớn hay hội họp, Thiện Bửu đều về Phật Học Viện Quốc Tế sinh hoạt. Ông được bầu làm phó Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Phật Học Viện Quốc Tế. Và còn là một thành viên vận động thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại hải ngoại.
Những ngày về Phật Học Viện Quốc Tế, Thiện Bửu thường đến các chùa ở San Jose làm Phật sự.
Ông am tường sâu sắc Phật lý, tin tưởng vào pháp môn Tịnh Độ, luôn luôn phát nguyện vãng sanh Cực Lạc.
Năm 1994, Thiện Bửu đi chợ bị trợt té, nứt sọ 3 lằn bên trái. Bác sĩ bệnh viện cho rằng, người bị thương như thế nếu không chết, phải bị liệt toàn thân hay bán thân. Nhưng ông chỉ bị đau đớn chớ không bại liệt. Những ngày nằm nhà thương, ông thấy Tổ Bồ Đề Đạt Ma và chư tăng đứng ở đầu giường và nói rằng:
- “Tất cả sẽ qua!”
Sau đó, ông được cho xuất viện.
Trong những năm cuối cùng, ông đau gan nặng, ông càng nhất tâm niệm Phật, cầu vãng sanh Tây Phương nhiều hơn.
Có hôm, ông nói với Hòa Thượng Đức Niệm:
- “Con sẽ vãng sanh Cực Lạc!”
Một tháng trước khi mất, bất cứ ai đến thăm, ông đều khuyên ráng tu hành và nên thường xuyên niệm Phật để được vãng sanh Cực Lạc.
Vào thứ sáu ngày 20 tháng 10 năm 2000, được tin Thiện Bửu đau nặng ở nhà thương Stanford, Hòa Thượng Thích Đức Niệm hướng dẫn phái đoàn Phật tử Phật Học Viện Quốc Tế lên San Jose thăm.
Sau một hồi trò chuyện, Thiện Bửu yêu cầu mọi người ra ngoài, để ông được nói chuyện riêng với Hòa Thượng.
Khi mọi người ra ngoài hết, Thiện Bửu liền ngồi dậy đảnh lễ Hòa Thượng, và nói:
- “A Di Đà Phật! Con xin Hòa Thượng ba điều:
1. Con không thể sống thêm nữa. Gia đình con không có con trai, mọi việc nhờ sư phụ lo giùm sau khi con chết, xin đem tro cốt về Phật Học Viện Quốc Tế.
2. Xin Hòa thượng ráng giữ gìn sức khỏe để lo cho Phật Học Viện Quốc Tế và Giáo Hội.
3. Giáo Hội còn nhiều chông gai, còn bị chúng ma phá cho nên chưa yên ổn, khẩn cầu Hòa thượng cố gắng cùng chư Đại Tăng làm cho Phật sự viên thành. Con vãng sanh sẽ trở lại cõi này hộ trì Tam Bảo, giúp cho Phật và chúng sanh.”
Chiều hôm đó (20 tháng 10 năm 2000), ông xuất viện. Đến ngày 22 tháng 10 năm 2000, ông nói với vợ:
- “Em ơi! Anh thèm ăn một tô canh nấu với đọt lang”
Bà tốc hành y theo. Rồi ông ngồi ăn ngon lành.
Cũng ngày ấy Ni Sư Giác Hương từ Seattle đến thăm. Thiện Bửu nói với giọng vui vẻ, thỏa mãn:
- “Những người muốn gặp đã gặp hết rồi!”
Tối ngày 23 tháng 10 năm 2000, bệnh gan trở nặng, người nhà đưa ông vào nhà thương Regional Center.
Độ 8 giờ sáng, thứ ba ngày 24 tháng 10 năm 2000, biết mình sắp ra đi, ông liền kêu người con rể tên Thanh Viễn:
- “Con ơi! Hãy hộ niệm cho ba!”
Thanh Viễn đứng bên đầu giường nói:
- “Con lúc nào cũng niệm Phật cho Ba. Ba hãy nhứt tâm niệm Phật!”
Ông nói:
- “Lẽ dĩ nhiên rồi!”
Cả nhà Thiện Bửu cùng ông xưng Phật hiệu.
Đến 2 giờ trưa, ông ngưng niệm Phật, ngước mắt nhìn sửng lên trần nhà, như thấy điều gì, lộ sắc vui mừng, liền nắm dây vô nước biển giựt ra và bảo với con gái:
- “Về gấp! Về gấp!”
Con ông đáp:
- “Dạ! Để con bảo cho y tá hay, rồi về liền.”
Thanh Viễn liền đi rước các Thầy ở chùa Duyên Giác gần đó.
Một lát sau, Thanh Viễn trở lại cùng với Thượng Tọa Thiện Tâm, trụ trì chùa Duyên Giác và Thượng Tọa Chơn Lễ từ Nhật qua dự Đại Hội Phật Giáo ở Seattle, còn ở lại San Jose.
Thấy hai Thượng Tọa, ông liền bảo con:
- “Con à! Lấy ghế mời hai Thầy ngồi!”
Hai Thầy khuyên đừng nên nói chuyện, hãy nhứt tâm niệm Phật.
Thiện Bửu gật đầu, nắm tay Thầy Chơn Lễ đặt lên trán. Đồng thời, bạn đạo trong vùng kéo đến hộ niệm. Ông nói:
- “Quý hóa! Quý hóa!”
Cuộc hộ niệm diễn ra được khoảng 20 phút thì y tá đến gỡ dây vô nước biển. Xe ambulance chở Thiện Bửu về nhà.
Ra xe, ông bắt đầu rơi vào cơn mê. Con gái ông kề miệng sát vào lỗ tai ông xưng niệm danh hiệu A Di Đà Phật thật lớn mãi cho tới khi về đến nhà.
Một giờ đồng hồ sau, bà Tâm Minh ở chùa Duyên Giác cùng với chừng 20 Phật tử đến hộ niệm. Bà kề sát tai Thiện Bửu nói lớn:
- “Anh Thiện Bửu! Anh hãy bỏ thân tứ đại này, đừng nhớ tưởng gì hết để về Cực Lạc. Anh Thiện Bửu! Tâm Minh đây! Anh đừng quyến luyến gì hết để ra đi mau lẹ. Nếu anh còn nghe thì ra dấu tay cho biết!”
Thiện Bửu liền chuyển động tay.
Bà Tâm Minh nói tiếp:
- “Anh hãy cùng mọi người niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật!”
Vợ ông quỳ trên giường nói:
- “Ông ơi! Ông hãy cố gắng nghen! Nhớ niệm Phật để theo Phật, biết bao bè bạn đứng chung quanh ông, đang hộ niệm cho ông đó!”
Lúc đó, ông thở hơi cuối cùng, miệng hả ra rồi để nguyên.
Sư cô Kiến Minh và Thầy Chơn Lễ vừa tới, Thầy bước đến cầm tay ông nói lời khai thị. Thiện Bửu liền tự khép kín miệng lại, mắt nhắm như người nằm ngủ, gương mặt có chút biến đổi vừa sáng nhuận vừa dịu hiền, trông rất an nhiên tự tại. Khi ấy là 3 giờ rưỡi ngày 24 tháng 10 năm 2000. Ông hưởng thọ 74 tuổi.
Sau lễ thiêu hóa, Hòa Thượng Thích Đức Niệm làm lễ đặt Xá Lợi của Thiện Bửu vào hai tháp nhỏ tôn trí tại Phật Học Viện Quốc Tế.
Xá Lợi của ông rất đẹp với màu xanh biếc sáng chói. Đặc biệt, chiếc răng Xá Lợi sáng trong như ngọc.
(Thuật theo lời vợ của ông)
(Trích trong Niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá lợi –Tịnh Hải sưu tập)