Thượng Tọa Thích Thiện Tường, thế danh là Nguyễn Văn Tâm. Con trai Út trong gia đình gồm bốn trai, sáu gái của cụ ông Nguyễn Văn Hường, pháp danh Như Danh và cụ bà Đỗ Thị Tha, pháp danh Thị Lợi. Thầy sanh năm Bính Tuất 1946, tại xã Mỹ Khê, quận Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Trung phần Việt Nam.
Xuất thân từ gia đình thâm tín Phật pháp, nên Thầy được gần gũi ngôi Tam Bảo lúc còn rất nhỏ. Đến năm 16 tuổi (1962), Thầy được Hòa Thượng Tịch Tràng, tổ Đình Linh Sơn tại xã Hiền Lương, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa nhận làm đệ tử và cho xuất gia học đạo. Tư chất thông minh lại thêm hiếu học nên tất cả chương trình sơ học và tiểu học Phật Giáo, Thầy chỉ học với vị Bổn sư và các sư huynh trong chùa. Thầy được Bổn sư truyền thụ Sa Di giới với pháp danh Nguyên Cát tự Thiện Tường.
Năm 1966, lớp Trung Đẳng Phật Học, chuyên khoa Liễu Quán mở tại chùa Linh Quang, thuộc tỉnh Thừa-Thiên-Huế, Thầy đã vượt qua một kỳ thi tuyển khó khăn để được theo học tại đây cho đến ngày mãn khóa năm 1970. Cũng vào năm này tại chùa Phổ Thiên, Đà Nẵng, khai Đại Giới Đàn Vĩnh Gia, Thầy được tiến cử thọ Đại Giới tại Đại Giới Đàn này với pháp hiệu Thanh Dung.
Sau khi mãn khóa, một số các huynh đệ cùng lớp đã lên đường nhận Phật sự do giáo hội giao phó, Thầy và một số ít huynh đệ khác tìm đường tiến thân học đạo bằng cách vào Sài Gòn để theo học Cao Đẳng Phật Học. Năm 1971, đúng vào năm khai giảng khóa 4 năm đầu tiên, Thầy lại là một trong những sinh viên Tăng ưu tú tại đây. Trong khi còn là một sinh viên Tăng, Thầy đã được Giáo Hội bổ nhiệm vào Giảng Sư Đoàn Trung Ương.
Trong chức năng của một giảng sư cao cấp, Thầy đã đem ánh sáng Phật pháp chan hòa đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Thầy thâu nhận nhiều đệ tử xuất gia lẫn tại gia.
Giữa tháng 4 năm 1975, Thầy tốt nghiệp xong cử nhân Phật học, Thầy ra nước ngoài. Năm 1980, Thầy đến Hoa Kỳ, lưu trú tại chùa Từ Quang, Sanfrancisco, tiếp tục sứ mạng hành đạo và hoằng pháp tại vùng đất mới này. Vào khoảng năm 1985, Thầy được Hội Phật Giáo Việt Nam tại Connecticut mời làm lãnh đạo tinh thần tại đây cho đến bào huynh của Thầy là Hòa thượng Thích Thanh An, từ Việt Nam qua (1990) và hai người cùng kiến lập An Tường Tự Viện tại thành phố Oakland, California, Hoa Kỳ. Nơi đây, Thầy đã cùng bào huynh của mình giáo hóa, hướng dẫn biết bao người tìm đến giáo lý an lạc, giải thoát của Phật Đà.
Công phu hành trì hàng ngày của Thầy là chuyên niệm Phật cầu sanh Cực Lạc. Thầy niệm thầm lặng, lúc nào xâu chuỗi cũng chẳng rời tay.
Thầy thật ra đã mang bệnh nan y từ ba, bốn năm về trước. Nhưng sức lực cộng với tâm nguyện hăng say “phục vụ chúng sanh tức cúng dường Chư Phật” của Thầy, căn bệnh dường như không có cơ duyên để phát khởi, biểu hiện ra ngoài.
Năm 1999, Thầy đi viếng chùa tại Trung Quốc, sau đó về Việt Nam…, các Thầy ở chùa Huệ Nghiêm, Sài Gòn cũng như đệ tử của Thầy ở miền Tây đều khuyên Thầy nên về Việt Nam để có gì họ lo hậu sự. Thầy từ chối. Thầy hiểu tất cả chỉ là vô thường. Có lần, Thầy Thanh An hỏi Thầy đã lo hậu sự chưa? Thầy trả lời là đã lo xong cả rồi, đã nhờ Đại Đức Thích Từ Lực ở Trung Tâm Phật Giáo Hayward lo hậu sự. Nhưng thật ra, Thầy Thiện Tường chẳng lo gì cho mình cả. Với Thầy tất cả đều là giả tạm; Thầy đã phát nguyện vãng sanh Tịnh Độ thì khi lâm chung Thầy sẽ về cõi Phật, cần gì phải lo.
Mãi cho đến một ngày, sức lực hao mòn, Thầy không còn đủ sức chống chọi lại với sự hoành hành hung hãn của con ma bệnh, nên đành bó tay. Tây y từ chối, Thầy Thanh An đã thân hành đến tận Thái Lan, tìm cách vào tận Hoàng gia Thái để tìm cầu Hoàng-Dược, nhưng rồi cũng không kéo dài được mạng căn của Thầy. Có điều cần nhấn mạnh nơi đây là, thân Thầy tuy bệnh nhưng tâm Thầy rất vững mạnh, Thầy đã giữ được sự an tịnh cho đến hơi thở cuối cùng.
Thầy đã bỏ báo thân vào lúc 5 giờ 45 sáng, ngày 16 tháng 11 năm Canh Thìn, tức ngày 11 tháng 12 năm 2000, tại liêu phòng trong An Tường Viện giữa tiếng trợ niệm của chư Tăng và Phật tử. Sau khi Thầy tịch rồi, nét mặt của Thầy thật an nhiên rạng rỡ, trên môi như nở nụ cười.
Thầy thọ thế 55 năm và 30 hạ lạp.
Một tuần lễ trước ngày Thầy mất, nữ bác sĩ Nguyễn Ngọc Mỹ có đến thăm bệnh cho Thầy. Trong phòng Thầy có treo ảnh tượng Phật A Di Đà để lúc nào Thầy cũng nhìn thấy mà quán Phật trì danh. Lúc bác sĩ Ngọc bước vào phòng Thầy, bà thấy hào quang sáng chói từ nơi chân trái Phật A Di Đà phóng vòng qua đầu Thầy. Bà kinh ngạc tưởng mình hoa mắt, vội dụi mắt nhìn lại một lần nữa thì lần nầy thấy hào quang từ chân phải Phật A Di Đà phóng vòng trùm qua đầu Thầy.
Lễ nhập quan nhục thân Thầy được tứ chúng long trọng cử hành lúc 3 giờ ngày 17 tháng 11 năm 2000, lưu lại 8 khay Xá Lợi.
(Trích: Niệm Phật Vãng Sang Lưu Xá Lợi –Tịnh Hải sưu tập)