Ông Cao Ngọc Thâm sinh năm 1923, cư trú tại ấp Tân Mỹ, xã Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ. Cha tên Cao Ngọc Hân, mẹ là Nguyễn Thị Tốt, ông là người con duy nhứt của hai ông bà.
Khi tuổi trưởng thành, ông kết hôn với bà Bùi Thị Bông, sinh được mười người con, bốn trai, sáu gái. Hai ông bà chuyên canh tác vườn, ruộng và rẫy làm phương kế sinh nhai.
Từ năm 1959 đến năm 1975, ông giữ chức Xã Trưởng tại bản xứ.
Tính tình ông nhân từ mà cương trực, có uy lực, ai tiếp xúc cũng đều kính sợ. Khi còn làm việc, ông xử lý mọi chuyện rất công bằng, không cao ngạo phô trương, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người, luôn đậm đà tình làng nghĩa xóm nên được lòng đại đa số quần chúng.
Ông đến với Đạo rất sớm nhưng chỉ dừng lại ở “Chay Bốn Bữa” và “làm lành lánh dữ”, không mấy gì đoái hoài đến chuyện giải thoát sanh tử luân hồi.
Ông rất quan tâm đến việc giáo dục con cái. Mỗi tháng, ông đều họp mặt gia đình lại để nhắc nhở và dạy dỗ chúng, nhất là tu dưỡng nhân cách, đức hạnh và phương thức đối nhân xử thế.
Năm 1981, lúc này ông 58 tuổi, vào ngày 25 tháng 2, ông đang chuẩn bị thùng thau để đi bắt cá về ăn, tình cờ có cô Bảy Nguyên là em nuôi của ông, cô này sống hạnh xuất gia, thường đi đây đó để nhập thất chuyên tu, thấy thế cô khuyên ngăn ông.
Vốn là người có học vấn sâu rộng, lại ưa chuộng chân lý nên sau một hồi lý luận qua lại với cô em, ông giật mình tỉnh ngộ, mọi kiến giải thiên chấp sai lầm của ông nhất loạt rơi rụng. Ông nhận ra rằng, lẽ Đạo rất sâu xa mầu nhiệm, cần phải luôn học hỏi thêm. Từ đó, ông phát nguyện trường chay, giới sát, phóng sanh, chuyên nghiên cứu pháp môn Tịnh Độ, quyết lòng niệm Phật cầu về Tây Phương.
Khi bắt đầu khởi sự dùng chay, đến ngày thứ sáu ông đột nhiên ngã bệnh rất nặng. Đưa đến Bệnh Viện Đa Khoa Cần Thơ, bác sĩ khám xong, chẩn đoán là “Hội chứng dạ dày tá tràng” và đề nghị:
- “Bệnh của ông phải dùng mặn mới điều trị được! Còn ăn chay thì không trị được!”
Ông khẳng khái đáp:
- “Thôi! Tui thà chết thì chết! Nếu chết, thì tui về nhà niệm Phật vãng sanh! Chớ còn hơn ăn mặn sa địa ngục!”
Sau đó, ông đòi xuất viện về nhà dùng thuốc Nam lây lất qua ngày. Trải qua suốt một năm, vóc dáng tiều tụy héo gầy, thân quyến nhìn thấy đều động lòng thương cảm ai bi, lên tiếng khuyên can:
- “Bác sĩ nói vậy, thôi Ba ăn mặn đi! Để thủng thẳng trị cho hết bệnh rồi hả ăn chay trở lại!”
Ông đáp:
- “Thôi! Ba thà chết thì chết, chớ hông ăn mặn!”
Rồi ông đến trước bàn Phật, quỳ xuống phát nguyện một lần nữa, thề bỏ xác chớ không trở đũa. Đây, quả thật tín tâm của ông đối với luật nhân quả đã kiên định:
“Tu như khát nước thèm cơm,
Đường xa muôn dặm cũng hờm đến nơi.
Kiên tâm mới thấu cơ Trời,
Đừng gieo nửa buổi, thời chiều muốn ăn.
Làm giàu còn phải khó khăn,
Huống chi làm Phật làm Thần dễ đâu.
Dục tu thì phải thật cầu,
Trước sau như một mới hầu thành công.”
Hôm nọ, duyên may đưa đẩy, có một người bạn ghé thăm, nói với ông rằng:
- “Anh Hai à! Đâu anh bảo mấy đứa cháu chặt mười trái dừa tươi lấy nước. Rồi sắc chung với một ký gừng già, thắng kẹo lại. Anh ăn cái đó, hổng chừng ấm cái bao tử, hết bệnh à!”
Ông y theo, quả là thần phương diệu dược, ma bệnh tiêu tan nhanh chóng phi thường, sức khỏe được hồi phục hoàn toàn.
Từ đó trở đi, đường tu của ông tương đối xuôi chèo mát máy.
Ngoài thời khóa lễ niệm sớm tối ra, ông thường xuyên đọc kinh sách, nhất là những kinh sách về pháp môn Tịnh Độ. Ông cũng thường luận bàn Phật lý với các bạn đồng tu và tích cực tham gia những công tác phúc lợi xã hội như: bắt cầu, làm lộ, cất nhà tình thương, trồng bạch đàn từ thiện…
Đã hai mươi năm trường trôi qua, sự hành trì của ông đại để là như thế!
Đầu năm 2001, ông bị sốt nặng, thuốc men chữa trị mãi mà không thuyên giảm. Đến ngày 26 tháng 1 năm 2001, ông nhập viện. Bác sĩ ở Bệnh Viện Đa Khoa Cần Thơ, cho biết ở phổi có khối u. Xử lý bằng phẫu thuật thì không an toàn vì tuổi ông đã cao.
Do sợ ông bị ảnh hưởng về mặt tâm lý nên mọi người trong gia đình đều giấu giếm, không dám cho ông biết.
Nằm viện được vài ngày, thấy thái độ của các con hơi lạ, ông sinh nghi, liền hỏi:
- “Sao mà… Tụi bây thấy Ba đau như vầy là bịnh gì? Mà mỗi lần Ba đau là Ba cố gắng niệm Phật để trông cho nó hết. Giả sử, nó đi đến tuyệt vọng cũng được nữa! Chứ tụi bây để Ba ở đây hoài hổng được! Bây giấu Ba cái gì...? Cứ việc nói ra đi con! Ba không có sợ chết đâu con!”
Năm Châu thưa:
- “Nói thiệt với Ba! Cái bệnh của Ba là bệnh phổi, thuộc loại nan y. Trị hoài, trị hoài thôi, chớ hông hết rồi!”
Ông liền bảo:
- “Thôi vậy thì đem Ba về! Có gì thì hộ niệm cho Ba!”
Khi về nhà, con cháu đắp thuốc, dặt thuốc và sắc thuốc Bắc cho ông uống liên tục mà bệnh tình vẫn ngày một nặng dần. Thời gian này, công phu niệm Phật của ông vô cùng mãnh liệt và khẩn thiết hơn trước. Thân thích và chư đồng đạo đến thăm, hỏi han về thuốc men, về sức khỏe, hoặc là hỏi những chuyện bông lông không dính dáng gì tới chuyện niệm Phật vãng sanh, ông đều gạt ngang hết thảy:
- “Lại đây thăm tui! ...Thuốc men gì thì có mấy đứa nhỏ nó lo! …Lại đây khuyên tui ráng niệm Phật là tui chịu!”
Và ông cũng thường nói:
- “Chí thành niệm một niệm Nam Mô A Di Đà Phật, tiêu diệt được 80 ngàn ức kiếp trọng tội sinh tử! Dại gì mà không niệm!”
Đúng như lời khai thị của Cổ Đức:
“ Nếu mình cố gắng lo tu dưỡng,
Tất Phật không hẹp lượng với mình.
Phật từ bi cứu độ chúng sanh,
Chẳng phụ kẻ hữu tình với Phật.
Người niệm Phật được lòng thành thật,
Đương nhiên là có Phật vãng lai;
Phật không hề bỏ sót một ai,
Nếu người ấy tâm hoài đến Phật.”
Trong suốt quá trình nằm bệnh, ông cự tuyệt không cho con gái và dâu trực tiếp chăm sóc, chỉ cho con trai thân cận, chăm sóc mà thôi.
Bệnh chứng lần hồi chuyển nặng, 4 tháng sau ông yếu nhiều, gia quyến đến bèn mời đồng đạo đến cầu an. Ông hỏi:
- “Các con cứ việc nói đi! Ba bị bệnh gì, để Ba biết mà Ba chuẩn bị! Chứ mấy đứa giấu Ba hoài là hổng được! …Ba cứ ngỡ…Ba hy vọng Ba hết… Mà nó hổng hết… Ba hổng có chuẩn bị được thì làm sao đây! Uổng cuộc đời của Ba lắm!”
Năm Châu cũng gan miệng đáp:
- “Thưa Ba! Con nói cho Ba biết! Anh em hông ai dám nói. Ba có khối u ở phổi, kêu là ung thư đó!”
Nghe xong, ông liền nói:
- “Ờ! Vậy thì đặt bàn cầu an và hộ niệm cho Ba!”
Chương trình hộ niệm bắt đầu từ ngày mùng 5 tháng 4. Đến tờ mờ sáng ngày mùng 7 thấy ông khỏe chư liên hữu ra về, chỉ còn con cháu trong nhà luân phiên nhau trợ niệm. Khi đồng đạo ra về chưa được 10 phút, ông đột nhiên mệt trở lại. Ông bảo gia quyến đỡ dậy. Khi đỡ dậy, đau quá ông bèn niệm:
- “A Di Đà Phật! A Di Đà Phật! A Di Đà Phật...! Phật ơi rước con...! Khổ quá khổ...! Về Cực Lạc mới là hết khổ!”
Kế đó, ông đi cầu. Lát sau, ông gọi Sáu Nghiệp:
- “Nghiệp à!”
Sáu Nghiệp đáp:
- “Dạ!”
Ông bảo:
- “Con làm sạch sẽ cho Ba đi! Ba để lại cho con cái đó đó! Con ráng nhớ nghen!”
Sau khi Sáu Nghiệp dọn dẹp vệ sinh, thay y phục cho ông xong, ông nói:
- “Bây giờ Ba mệt quá! Các con hộ niệm cho Ba đi!”
Con cháu gom hết lại, đồng thời, chạy đi mời chư liên hữu trở lại hộ niệm cho ông. Ông niệm Phật theo mọi người. Tiếng của ông nhỏ và yếu dần. Niệm mãi từ 7 giờ sáng cho đến 11 giờ 25 phút trưa, ông an tường, nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng, nhằm ngày mùng 7 tháng 4 nhuần năm 2001. Ông hưởng thọ 78 tuổi.
Ngay lúc ấy, có luồng ánh sáng lớn bên cửa phía Tây xẹt lên, một số bạn đạo phát hiện ngỡ là có điện, vì ngày hôm ấy điện đã cúp.
Đồng thời, trưa hè oi bức, bốn bề lặng chan, bỗng có một luồng gió lớn lùa vào nhà, làm chiếc mùng rơi xuống. Sáu Nghiệp thấy vậy, nhẹ nhàng giắt lên. Khi vừa giắt lên xong, thì một luồng gió lớn mát lạnh khác lại lùa vào, làm cho mọi người ai cũng đều sanh tâm hoan hỷ.
Cuộc trợ niệm vẫn được tiếp tục duy trì, đến 8 giờ đồng hồ sau, chư liên hữu khám nghiệm tử thi, thấy các nơi đều lạnh, duy chỉ có đảnh đầu còn ấm nóng.
(Thuật theo lời Sáu Nghiệp và Út Hằng, các con của ông)