Các vị minh sư chỉ dạy đường về Tịnh độ số nhiều không kể
xiết, nay chỉ lược nói về các vị Tổ sư để làm chứng cứ.
Hòa thượng Thiên Như dạy rằng: “Thường thấy những kẻ tham
thiền đời nay, chẳng xét nghĩa tột cùng của Phật Như Lai,
chẳng biết cơ huyền diệu của Tổ Đạt-ma, bụng trống rỗng mà
tâm cao ngạo, quen theo thói cuồng điên hư vọng. Thấy người
tu Tịnh độ thì cười chê rằng: Ấy là người học theo chuyện
làm của kẻ ngu. Thật hèn kém lắm thay!
“Như vậy chẳng phải là khinh chê kẻ ngu, mà là khinh bỉ các
vị Văn-thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ. Những kẻ ấy chẳng
những tự mình mê tối đối với chánh đạo, tự mình dứt mất hạt
giống Phật, lại còn tạo cái nghiệp chê bai chánh pháp, chuốc
cái họa khinh bỉ bậc thánh. Há chẳng nên tránh đi sao?
“Các giáo pháp khác, sanh tử vẫn là khó tránh. Niệm Phật tu
trì, luân hồi thật dễ thoát khỏi. Cho nên đời mạt pháp chỉ
còn lưu lại danh hiệu Phật A-di-đà để cứu độ chúng sanh.
Những ai chẳng tin mà hủy báng sẽ bị đọa địa ngục, chịu đủ
mọi sự khổ.”
Pháp sư Linh Chi nói rằng: “Phàm phu khắp trần gian này bị
nghiệp sai lầm ràng buộc, lưu chuyển luân hồi, trải trăm
ngàn muôn kiếp chịu mọi khổ não. Bỗng nhiên được nghe pháp
môn Tịnh độ, chí nguyện cầu vãng sanh. Một ngày xưng danh
hiệu Phật, liền được sanh về cõi Phật. Quả thật là:
Muôn đời khó gặp,
Ngàn kiếp một lần.
“Người tin nhận và niệm Phật A-di-đà thì vượt hơn hết thảy
các điều lành. Ví như có người làm các hạnh bố thí, trì
giới, thiền định, tụng kinh, cũng chẳng bằng công đức niệm
Phật. Vì sao vậy? Dầu tu hết thảy phước nghiệp, nhưng nếu
không có lòng tin chân chánh cầu sanh Tịnh độ, cũng đều là
căn lành nhỏ. Còn như niệm Phật A-di-đà, phát nguyện cầu
sanh Tịnh độ, đó mới gọi là căn lành lớn.”
Pháp sư Cô Sơn dạy rằng: “Cầu sanh Tịnh độ, đó là nương nhờ
tha lực. Phật Di-đà có nguyện dắt dẫn, Phật Thích-ca khuyến
khích ngợi khen, hết thảy chư Phật cùng hộ niệm, ba điều ấy
đều sẵn đủ. Nếu có thêm đức tin, vãng sanh rất dễ. Như người
vượt biển, nhờ có thuyền lớn, được người hoa tiêu giỏi, lại
thêm thuận chiều gió, ắt có thể mau tới bờ bên kia. Còn như
kẻ chẳng chịu lên thuyền, chậm trễ ngừng nghỉ nơi đường
hiểm, hãy nghĩ xem đó là lỗi của ai?”
Quan Đề hình họ Dương nói rằng: “Có đức Phật Thích-ca là bậc
thầy dẫn dắt, chỉ rõ đường sang cõi thanh tịnh, tức là nước
An Lạc, Phật A-di-đà là bậc thầy nơi Tịnh độ. Này các vị!
Nếu sanh về Tịnh độ, ắt không còn các khổ não. Những kẻ
không nghe biết pháp môn này, thật đáng thương xót lắm thay!
“Cũng có những người hiền thiện, vì khởi lên ba cách nghĩ mà
chẳng cầu vãng sanh, càng đáng tiếc thay! Một là nghĩ rằng
mình sẽ hơn Phật, vượt Tổ, nên cõi Tịnh độ chẳng đáng sanh
về. Hai là nghĩ rằng nơi nơi đều là Tịnh độ, chẳng cần phải
sanh qua phương Tây. Ba là nghĩ rằng Cực Lạc là cõi thánh,
mình là phàm phu không thể sanh về đó.
“Đức Phổ Hiền tu hạnh vô biên như biển cả, mà còn nguyện
thấy Phật Di-đà, nước Phật tuy là trống không, ngài Duy-ma
vẫn thường tu Tịnh độ. Mười phương chư Phật đều hiện tướng
lưỡi rộng dài mà khen ngợi, chư Bồ Tát mười phương cũng phát
tâm muốn sanh về Tịnh độ. Hãy tự xét mình, có ai sánh bằng
các vị thánh? Nói rằng Tịnh độ chẳng đáng sanh về, lời ấy
thật là tự dối mình quá lắm thay!
“Đến như Tổ sư Long Mãnh, trong kinh Lăng già có dự báo
trước, Tổ Thiên Thân là bậc giáo tông, soạn biết bao nhiêu
luận, thảy đều có kệ cầu vãng sanh. Tổ Từ Ân ai nấy đều
khen, cũng cúi đầu xưng mười cảnh thắng. Đại sư Trí Giả giỏi
việc phân tích nghĩa lý, còn biện rõ mười điều nghi. Các vị
ấy đều là những bậc thượng căn sáng suốt, còn tinh tấn trong
việc vãng sanh. Nói rằng chẳng cần phải sanh qua phương Tây,
lời ấy thật là tự mình sanh ra ngạo mạn lắm thay!
“Xe lửa mạnh có thể tắt, thuyền chở đá không thể chìm. Hiện
báo hoa sen, chẳng ai hơn Trương Cầu, mười niệm liền sang
cõi thánh. Đọa vào địa ngục, chẳng ai nhanh hơn Hùng Tuấn,
còn sống lại mà được nhân mầu nhiệm. Người đời nay lầm lỗi,
chưa chắc đã đến như hai người ấy. Nói rằng mình chẳng thể
vãng sanh cõi Phật, lời ấy thật là tự hạ mình quá lắm thay!
Tổ sư Trung Phong có kệ rằng:
Ta-bà khổ! Ta-bà khổ!
Nỗi khổ Ta-bà, ai kể số?
Người đời lại lấy khổ làm vui.
Đành lòng cam chịu nhiều mất mát.
Trong túi da hôi đầu ló ra,
Nuôi lớn vô minh thành mê hoặc.
Mịt mù ba tấc khí tiêu vong,
Tro nguội chôn vùi nơi đất lạnh.
Năm nẻo xuống lên chẳng tạm ngừng,
Trăm kiếp ngàn đời chịu cực khổ!
Này các vị!
Chi bằng sớm niệm Di-đà.
Lìa xa cảnh khổ Ta-bà siêu thăng.
Tây phương vui! Tây phương vui!
Cảnh vui Tây phương, ai rõ biết?
Nhân dân, cõi nước đều tuyệt vời.
Không cả nóng, lạnh cùng ba ác!
Từ trong hoa sen vừa sanh ra,
Thường nghe giảng pháp với nhạc trời.
Đất sáng lưu ly, không bụi trần,
Vàng bạc châu báu thành lầu các!
Ăn mặc tự đủ tùy ý muốn,
Thọ mạng kéo dài khôn tính kể!
Này các vị!
Chi bằng sớm niệm Di-đà.
Lạc bang Tịnh độ lên tòa hoa sen.
Ngài Luật sư Biện Tú dạy rằng: “Ta chuyên về luật mà vẫn
niệm Phật, ấy là dùng cõi Tịnh độ làm nơi về an dưỡng. Những
kẻ trong Thiền tông chưa đạt ngộ thường nói rằng: Niệm Phật
là pháp môn quyền tạm nhỏ hẹp. Hoặc nói rằng: Đó là tông Đại
thừa chấp tướng. Ấy là lời bàn của những kẻ bồng bột, thiển
cận, chẳng phải lý thấu triệt của bậc cao minh. Vì sao vậy?
Lời nói ra tức là tánh, ý niệm khởi lên đều như như, trong
chỗ sắc hương mà đâu đâu cũng là Trung đạo. Huống chi là
chánh niệm?”
Đại sư Tịch Thất chỉ ra chỗ thấy chân thật về Tịnh độ, dạy
rằng: “Những kẻ chẳng tu tịnh nghiệp nói bậy rằng: Tâm dạo
chơi thiền định, ngộ tánh Chân tông. Hoặc nghe giảng về Tịnh
độ, liền nói rằng: Tịnh độ chỉ ở nơi tâm. Tâm tịnh thì cõi
nước tịnh, cần gì cầu sanh cõi khác?
“Tịch Thất này nói rằng: Trong kinh Duy-ma có nói rằng: Khi
đức Như Lai dùng ngón chân nhấn xuống đất, đại chúng liền
thấy trọn cõi Ta-bà trở nên nghiêm tịnh. Nhưng trước đó cả
chúng hội chẳng ai thấy được sự nghiêm tịnh này, duy chỉ có
ngài Phạm vương Loa-kế thấy được mà thôi. Ngày nay, những kẻ
xưng rằng mình ngộ tánh, vậy có được như Phạm vương kia,
thường thấy cõi này là Tịnh độ hay chăng?
“Nay ở cõi này, những người ở nhà thấp nóc dột, ắt muốn tòa
rộng thềm cao; kẻ ăn gạo lức canh rau, ắt thèm món ngon vị
quý; người mặc áo rách tay cụt, ắt ham quần mát áo the! Nếu
bảo rằng tâm tịnh là Tịnh độ, thì chẳng cần phân biệt như
vậy. Huống chi đương lúc chịu những nỗi khổ về già, bệnh,
chết, thế gian trái ý, kẻ chứng ngộ cùng kẻ chưa ngộ thân
sắc đều như nhau; trong khi miệng nói “tâm tịnh là Tịnh độ”
thì thân này vẫn bị các mối khổ não ở cõi uế trược này trói
buộc, thì chẳng qua là tự dối mình mà thôi. Chẳng theo như
vậy thì nên tin vào giáo pháp, kính ngưỡng nghĩa lý, y theo
pháp môn Tịnh độ mà tu hành.”
Thiền sư Chân Yếu Liễu dạy rằng: “Pháp môn thẳng tắt nhanh
chóng, duy chỉ có niệm Phật; muốn tu hành được kết quả cao,
dễ tiến tới, phải lấy niệm Phật làm đầu. Những ai cầu giải
thoát mà không niệm Phật, rốt cuộc sẽ chẳng được gì. Khuyên
hết thảy những ai có lòng tin, hãy một lòng niệm Phật, phát
nguyện vãng sanh, chắc chắn không thể sai lầm.”
Thiền sư Cổ Âm dạy rằng:
Một câu niệm Phật Di-đà.
Tông môn đệ nhất công án.
Như người cưỡi ngựa nương gậy.
Vững vàng một cuộc sanh nhai.
Chẳng phân nam nữ tăng tục,
Niệm Phật liền thấy ứng nghiệm.
Hiện tại được phước, khỏi nạn.
Hậu thân dứt sạch tội khổ.
Nếu ai tin nhận thọ trì.
Mỗi mỗi được tùy tâm nguyện.
Được làm người, gặp pháp Phật.
Như lên núi báu một lần,
Lẽ nào đi không về không?
Việc ấy cần sớm lo liệu.
Diêm vương chẳng cầu ngọc quý.
Chỉ trọng một quyển Di-đà.
Giàu sang chỉ như mây nổi.
Trăm năm chỉ chớp mắt qua.
Xin đừng do dự chần chờ.
Gấp gấp sớm tu chuyển biến.
Phật kia là thuyền vượt khổ.
Khuyên người mau đến bờ kia.
Một là trai giới làm đầu.
Hai là đổi ác theo thiện.
Ba là thầy sáng bạn hiền,
Bốn là chánh nguyện giải thoát.
Năm là rõ biết nhân quả.
Sáu là đủ mọi phương tiện.
Bảy là tích chứa công đức.
Tám là phước duyên giúp sức.
Trong khi đi đứng ngồi nằm.
Một câu Di-đà thường niệm.
Phải tin nhân sâu quả dày.
Dạy người không niệm tự niệm.
Niệm niệm chẳng vào cảnh không,
Lâu ngày niệm thành một khối.
Đang niệm, nhận biết người niệm.
Người niệm với Phật đồng hiện.
Liền chứng niệm Phật Tam-muội.
Tự biết Cực Lạc trong ta.
Tòa sen ghi rõ họ tên.
Thành tựu tự mình thấy biết.
Tự mình được Phật thọ ký.
Cùng chư Bồ Tát kết bạn.
Thẳng lên quả vị Bồ-đề.
Mãi mãi tùy tâm sanh hóa.
Y theo chánh đạo quay về.
Chắc chắn thành Phật chẳng sai.
Ông Bạch Lạc Thiên có bài tụng rằng:
Nay đã ngoài bảy mươi,
Chẳng thích việc ngâm nga.
Xem kinh e mỏi mắt,
Làm phước sợ bôn ba.
Biết làm gì thoát khổ?
Chỉ một câu Di-đà.
Đi cũng niệm Di-đà.
Ngồi cũng niệm Di-đà.
Dầu khi gặp việc gấp,
Chẳng ngưng niệm Di-đà.
Kẻ biết nhiều cười ta:
Sao niệm mãi Di-đà!
Biết nhiều để làm chi?
Chẳng biết lại có gì?
Khuyên hết thảy mọi người,
Cùng nhau niệm Di-đà.
Muốn thoát khổ luân hồi,
Phải niệm Phật Di-đà.
Cư sĩ Vô Tận nói rằng: “Thân dù ở ngôi tướng, ý lại thích
cửa không. Nghĩ vì cõi này có năm thứ uế trược loạn tâm, các
việc ác lẫn lộn, không có sức xem xét chân chánh, không có
sức rõ biết nhân quả.
“Tánh mình vốn là Di-đà, chỉ riêng tâm này là Tịnh độ. Nhưng
nếu ai chưa ngộ được nghĩa lý ấy, hãy kính vâng lời Phật
dạy, chuyên tâm niệm Phật A-di-đà, ở cõi Cực Lạc phương Tây,
cầu đại nguyện đại lực của ngài giúp sức cho mình, bảo vệ
cho mình. Chờ khi xả bỏ thân này, sẽ được vãng sanh Cực Lạc.
Cũng như đi thuyền xuôi dòng nước, không nhọc sức mà được
đến nơi.”
Tổ Sư Viễn Công dạy rằng: “Có người tu thiền thấy những
người niệm Phật cầu vãng sanh liền nói rằng: Đó là hạng tu
hành chấp tướng, chẳng phải pháp nhiệm mầu. Không bằng tham
thiền thấy tánh, đốn ngộ chân thường.
“Những kẻ căn trí cạn cợt, tin theo điều lầm lạc ấy nên
chẳng tu niệm Phật, cũng chẳng học kinh điển. Sống giữa cõi
trần tục, miệng nói tham thiền mà tâm chẳng theo chánh đạo,
khinh chê hủy báng Tịnh độ, chẳng tin việc vãng sanh. Lỗi ấy
lớn thay!
“Chẳng biết rằng, một câu niệm A-di-đà Phật là phép thiền
sâu thẳm không gì qua được. Người nay chẳng rõ nghĩa sâu
rộng, sanh ra phân biệt sai lầm. Như muốn tham thiền thấy
tánh, cũng chẳng cần nêu lên thoại đầu nào khác, chỉ một câu
A-di-đà Phật là đủ. Tự mình tham, tự mình niệm, tự mình xét,
tự mình nghi, lâu ngày rồi tự nhiên có chỗ sở đắc. Dẫu cho
lúc này chưa ngộ, khi mạng chung cũng sẽ được Thượng phẩm
Thượng sanh. Khi ấy lo gì chẳng được ngộ?
“Hãy xem như thiền sư Bách Trượng Đại Trí Hải là đệ tử đích
truyền của Mã Tổ ở đất Giang Tây, người tu thiền khắp thiên
hạ đều y theo lời chỉ dạy của ngài, xưa nay chưa ai dám cho
là sai quấy. Thanh qui trong thiên hạ cũng y theo chỗ dựng
lập của ngài, hết thảy không một việc gì dám trái phép tắc.
Ngài đặt ra quy thức rằng, khi một vị tăng có bệnh, nên tụng
niệm như sau:
“Trước hết tập trung đại chúng, đọc lên một bài kệ xưng tán
đức Phật A-di-đà, rồi đồng thanh xưng niệm Nam mô A-di-đà
Phật đến trăm hoặc ngàn câu. Sau đó hồi hướng phục nguyện
rằng: Nếu các duyên chưa hết, nguyện sớm được khỏe mạnh như
xưa. Như mạng số đã đến, nguyện được thẳng lên An Dưỡng. Đó
chẳng phải là chỉ đường về Tịnh độ đó sao?
“Lại khi một vị tăng qua đời, đại chúng tụng niệm xong thì
hồi hướng phục nguyện rằng:
Thần thức siêu thăng Tịnh độ.
Nghiệp quả dứt hẳn trần lao.
Sen nở lên ngôi Thượng phẩm.
Phật thọ ký bậc Nhất sanh.
“Đó chẳng phải là chỉ đường về Tịnh độ đó sao?
“Đến khi an táng người chết, không có nghi lễ nào khác, chỉ
khiến vị Duy-na khởi xướng rằng: Nam mô Tây phương Cực lạc
thế giới Đại từ Đại bi A-di-đà Phật. Xướng như vậy mười lần,
đại chúng cũng hòa niệm theo đủ mười lần, gọi là Thập niệm.
Sau đó hồi hướng rằng: “Mười lần xưng hiệu Phật, nguyện giúp
được vãng sanh.” Đó chẳng phải là chỉ đường về Tịnh độ đó
sao?
“Kể từ ngài Bách Trượng trở về sau, khi tổ chức tang lễ cho
các vị tăng đều vâng theo nghi thức như vậy. Như vậy được
gọi là hợp với cả năm tông phái. Như vậy là hết thảy người
tu thiền, cũng không một người nào chẳng tin theo Tịnh độ.
“Cứ theo lời dạy của các bậc lão thành tôn túc, thảy đều cho
thấy là các ngài đều chỉ rõ đường về Tịnh độ.
“Những kẻ tham thiền đời nay, đã chẳng hiểu được ý tổ sư,
lại chẳng phát tâm tỉnh giác, xưng bậy rằng mình ngộ đạo,
chẳng cần nguyện vãng sanh. Sau này ăn năn cũng không trốn
khỏi được luân hồi.”