Người duy nhất mà bạn nên cố gắng vượt qua chính là bản thân bạn của ngày hôm qua.
(The only person you should try to be better than is the person you were yesterday.)Khuyết danh
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Hạnh phúc chân thật là sự yên vui, thanh thản mà mỗi chúng ta có thể đạt đến bất chấp những khó khăn hay nghịch cảnh. Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra.
(It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình.
(We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Ngay cả khi ta không tin có thế giới nào khác, không có sự tưởng thưởng hay trừng phạt trong tương lai đối với những hành động tốt hoặc xấu, ta vẫn có thể sống hạnh phúc bằng cách không để mình rơi vào sự thù hận, ác ý và lo lắng. (Even if (one believes) there is no other world, no future reward for
good actions or punishment for evil ones, still in this very life one
can live happily, by keeping oneself free from hatred, ill will, and
anxiety.)Lời Phật dạy (Kinh Kesamutti)
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi.
(I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Một bản ngã khi muốn có được cái gì từ người khác - kể cả những thứ nó không thật sự muốn - thường thích đóng vai một nhân vật nào đó để làm cho nhu cầu của nó được đáp ứng. Nhu cầu đó có thể là lợi lộc vật chất, cảm thấy có quyền hành, thấy mình cao trội, đặc biệt hơn người khác, hoặc một nhu cầu thỏa mãn nào đó về thể chất hay tâm lý. Thông thường người ta không ý thức được vai tuồng mà họ đang diễn bởi vì họ chính là vai diễn đó . Một số vai thì rất tế nhị và khó nhận biết, nhưng một số vai khác lại rất hiển nhiên đối với người khác, ngoại trừ người đang diễn. Một số vai diễn chỉ cốt gây được sự chú ý của người khác. Vì bản ngã sống được là nhờ sự chú ý của người khác, mà sự chú ý này chung quy là một dạng năng lượng của tâm mà bản ngã bạn cần để được nuôi sống. Bản ngã không biết rằng tất cả năng lượng mà bạn cần đều phát sinh từ bên trong bạn, nên nó thường chạy đi tìm kiếm ở bên ngoài. Bản ngã không cần loại chú ý không mang hình tướng tức là năng lực của sự Hiện diện, vì loại chú ý bản ngã cần là loại khiến nó cảm thấy đang được thừa nhận, được ngợi khen, khâm phục, hay để bản ngã bạn được thừa nhận là nó đang tồn tại.
Một người có tính nhút nhát, sợ hãi trước sự quan tâm của người khác không phải là người đã thoát ly khỏi sự khống chế của bản ngã; mà thực ra bản ngã của những người có cá tính nhút nhát như thế là thứ bản ngã có hai chiều: một mặt họ vừa muốn được chú ý, mà lại vừa sợ người khác quan tâm đến họ. Họ cảm thấy sợ vì sự quan tâm của người khác có thể là ở dạng chê bai hay bài bác, tức là hạ thấp cảm nhận của họ về chính bản thân họ hơn là điều giúp củng cố cho bản ngã ở trong họ. Cho nên đối với một người nhút nhát, cảm giác sợ hãi sự chú ý của người khác lớn hơn nhu cầu được người khác quan tâm. Tính nhút nhát thường đi kèm với một quan điểm về bản thân mà quan điểm này chủ yếu là tiêu cực, ví dụ người ấy tin rằng mình yếu kém, chưa đạt yêu cầu. Nhưng bất kỳ cảm giác nào về bản thân - tức là xem mình là người có cá tính này hay cá tính kia - đều chỉ là biểu hiện của bản ngã, dù cho cảm giác đó chủ yếu là tích cực (“Tôi là người giỏi nhất!”) hay tiêu cực (“Tôi là một kẻ chẳng ra gì!”). Đó là vì đằng sau mỗi khái niệm về bản thân có tính tích cực là một nỗi sợ hãi rằng mình chưa đạt so với yêu cầu, và đằng sau khái niệm về bản thân mang tính tiêu cực là niềm mong ước rằng mình giỏi nhất hoặc hơn người khác. Đằng sau cái bản ngã rất tự tin, luôn ham muốn không ngừng để vượt trội, ưu việt hơn người là một nỗi sợ hãi rằng mình chỉ là một kẻ thấp hèn, thua sút người khác. Ngược lại, đằng sau cái bản ngã rất nhút nhát và nhiều mặc cảm tự ti là một con người có ham muốn ngấm ngầm để vượt trội hơn người khác. Nhiều người thường dao động giữa hai thái cực này: cảm giác tự tôn và mặc cảm tự ti, điều này tùy thuộc vào tình huống hay mỗi người mà họ tiếp xúc. Điều mà bạn cần và quan sát ở trong chính mình là: Khi nào bạn cảm thấy siêu việt hay thua kém ai thì đó chỉ là sự biểu hiện của bản ngã ở trong bạn.
Đóng vai kẻ ác, nạn nhân, hay người ban phát tình yêu
Một số bản ngã nếu không nhận được những lời ngợi khen hay thán phục từ người khác thì nó sẽ tự đóng một vai nào đó để thu hút sự chú ý. Nếu chúng không nhận được những lưu tâm tích cực thì chúng sẽ hài lòng với những lưu tâm tiêu cực, ví dụ như gây chú ý với người khác bằng cách làm cho người khác phản ứng một cách tiêu cực. Một số trẻ con đã hiểu rõ và sử dụng lối cư xử tiêu cực này, nghĩa là chúng trở nên hư đốn cốt chỉ để có được sự chú tâm của người khác. Các vai diễn tiêu cực này trở thành rõ nét hơn khi bản ngã của “diễn viên” bị phóng đại lên bởi một khối khổ đau sâu nặng nào đó đang hoạt động , tức là nỗi đau khổ trong quá khứ bây giờ đang vươn mình sống dậy, vì nỗi khổ cũ ấy muốn tạo thêm những khổ đau mới để làm cho nó được mạnh thêm. Một số bản ngã gây nên tội ác chỉ vì muốn được người khác biết danh tiếng của mình. Chúng tìm kiếm sự chú ý của người khác bằng cách gây tai tiếng và chịu sự chỉ trích của người khác. Những bản ngã ấy như muốn nói rằng: "Hãy cho tôi biết rằng tôi vẫn còn đang hiện diện trong cuộc đời, rằng tôi không phải là một điều gì vô nghĩa". Các biểu hiện bệnh hoạn như thế của bản ngã chỉ là các phiên bản thái quá của những bản ngã bình thường.
Một vai diễn rất phổ biến là vai làm nạn nhân, và hình thức của sự lưu tâm mà vai nạn nhân tìm kiếm là sự đồng cảm, lòng thương hại, hay sự chú ý của người khác đến vấn đề "của Tôi", đến "Tôi và những câu chuyện thương tâm của tôi". Tự xem mình là nạn nhân là một trong nhiều mô thức hoạt động của bản ngã như than vãn, cảm thấy bị xúc phạm, bị làm nhục, v.v. Dĩ nhiên là khi bạn gán cho mình vai trò là nạn nhân, thì bạn không bao giờ muốn những vấn đề của mình được kết thúc, như các bác sĩ chuyên khoa tâm thần đều biết, và vì vậy mà bản ngã cũng không muốn có một kết thúc tốt đẹp cho những "vấn đề" của nó, vì những vấn đề này là một phần làm nên tư cách nạn nhân. Dù cho không ai muốn nghe câu chuyện thương tâm của bạn, bạn sẽ tự kể trong đầu với chính mình, kể đi kể lại, và cảm thấy tiếc thương cho chính mình và thế là bạn tạo nên một nhân cách, một con người bị cuộc đời và mọi người đối xử bất công. Nó giúp cho bản ngã có một định nghĩa cho cái hình ảnh tự thân mà bạn tự tạo cho mình, và đối với bản ngã thì đó là một điều quan trọng.
Ở vào giai đoạn đầu của những quan hệ lãng mạn, những vai tuồng là điều rất thông thường để thu hút và nắm giữ bất kỳ người nào mà bản ngã bạn cho rằng: “đây là người sẽ làm cho tôi hạnh phúc, sẽ làm làm tôi cảm thấy mình đặc biệt, thỏa mãn mọi nhu cầu của tôi". "Tôi sẽ đóng vai người mà anh muốn, và anh sẽ đóng vai người mà tôi muốn". Đó là một thỏa hiệp ngầm mà nhiều khi cả hai bên cũng không ý thức về điều này. Tuy vậy, đóng tuồng là công việc thật khó khăn và vì thế mà các vai tuồng đó không được duy trì được dài lâu, nhất là khi bạn bắt đầu sống chung với người kia. Vậy khi các vai diễn đó bị trượt đi, thì bạn sẽ nhìn thấy gì? Không may là trong hầu hết các trường hợp, bạn chưa hề nhận ra bản chất chân thực của người bạn đời của mình, điều mà bạn nhìn thấy chỉ là những gì che đậy cái bản chất chân thực ấy: Đó là cái bản ngã trần trụi khi bị tước bỏ khỏi những vai tuồng mà người đó đang trình diễn, cái bản ngã có đầy khối khổ đau sâu nặng từ quá khứ, cái bản ngã với những mưu cầu đang bị cản trở nên giờ đây đang trở thành những cơn giận dữ và rất có thể hướng cơn giận đó vào người tình hay người phối ngẫu của mình. Bạn giận vì người ấy đã thất bại, không tháo gỡ được cho bạn nỗi sợ hãi và cảm giác thiếu thốn sâu kín vốn là một phần căn bản bên trong của bản ngã.
Những gì thường được gọi là "tiếng sét ái tình" hầu hết đều là sự phóng đại của những đòi hỏi và nhu cầu cần có nhau của bản ngã. Bạn trở nên nghiện người kia hay đúng hơn là nghiện hình ảnh của người kia trong bạn. Điều này chẳng có liên quan gì đến tình yêu đích thực, vì tình yêu đích thực không hề có đòi hỏi dưới bất kỳ hình thức nào. Tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ phản ảnh trung thực nhất về tình yêu thông thường: "Te quiero" vừa có nghĩa là "anh yêu em" và đồng thời cũng có nghĩa là "anh muốn có em". Còn từ "Te amo" chỉ mang thuần nghĩa "anh yêu em" thì lại ít khi được dùng, có lẽ vì tình yêu chân chính cũng hiếm hoi như thế.
Buông bỏ những định nghĩa về mình
Khi văn hóa bộ lạc phát triển thành các nền văn minh cổ xưa thì con người bắt đầu phân hóa thành những chức năng nào đó: kẻ cai trị, giáo sĩ, binh lính, nông dân, nhà buôn, người lao động,... Hệ thống giai cấp bắt đầu hình thành. Chức năng của bạn hầu hết là do hoàn cảnh xuất thân của bạn quyết định. Nó quyết định tư cách nghề nghiệp của bạn, quyết định bạn là ai trong cách nhìn của người khác cũng như trong cách nhìn của chính bạn. Chức năng của bạn trở thành một vai trò nhưng lại không được nhìn nhận là một vai trò: Nó trở thành con người của bạn, hay ít ra là cách bạn nghĩ về chính bạn. Chỉ có những người hiếm hoi như Đức Phật hay Chúa Jesus là nhận ra sự thiếu phù hợp của chế độ đẳng cấp, giai cấp xã hội như thế, họ nhận thức rằng khi chúng ta làm như thế tức là chúng ta tự đồng nhất mình với những biểu hiện của hình tướng ở bên ngoài. Ngài nhận thức rằng tự đồng nhất với hình tướng, với những điều kiện sống tạm bợ ấy sẽ làm che mờ những gì trong sáng, vĩnh hằng vẫn luôn chiếu soi ở trong mỗi con người.
Ngày nay, cấu trúc xã hội của chúng ta đã bớt khắt khe hơn, bớt bị quy định hơn ngày xưa. Mặc dù hầu hết mọi người vẫn còn bị quy định bởi môi trường sống nhưng họ không còn tự động bị giao phó một chức năng và đi kèm theo đó là một tư cách. Thật ra, trong xã hội hiện đại càng ngày càng nhiều người bị bối rối, không rõ chức năng của họ là gì, mục tiêu của họ là gì, và thậm chí họ là ai.
Tôi thường chúc mừng khi nghe một người nào đấy thú thật với tôi rằng trong hành trình đi vào con đường tâm linh, họ không còn biết họ là ai nữa . Lúc đó trông họ rất bối rối và ngạc nhiên khi hỏi lại tôi: "Ông bảo rằng bối rối, và lẫn lộn là một điều tốt?". Tôi yêu cầu họ nhìn sâu hơn, xem sự bối rối ấy có nghĩa là gì Vì câu nói "Tôi thực không biết tôi là gì" không phải là biểu lộ của sự bối rối. Bối rối là khi bạn nghĩ "Tôi thực không biết tôi là gì, nhưng tôi nên biết câu trả lời đó là gì" hoặc "Tôi thực không biết tôi là gì, nhưng tôi rất cần biết". Bạn có thể buông bỏ ý nghĩ rằng bạn nên biết bản chất của mình không? Hay nói khác đi, bạn có thể buông bỏ sự tìm kiếm một khái niệm để giúp cho bạn có một cảm nhận về con người mình không? Bạn có thôi đi tìm chính mình qua suy tư? Khi bạn buông bỏ ý nghĩ rằng bạn nên hay cần biết bạn là gì thì bạn có còn cảm thấy bối rối không? Bất thần bối rối không còn nữa. Khi bạn hoàn toàn chấp nhận rằng bạn thực không biết bản chất chân thật của mình là gì, bạn đi vào một trạng thái yên bình và sáng tỏ, điều này rất gần với bản chất chân thật của bạn hơn là dùng suy nghĩ để cố hình dung ra. Dùng ý nghĩ để cố xác định về mình tức là bạn tự giới hạn chính mình.
Những vai diễn đã xác lập sẵn
Dĩ nhiên là trên thế giới này mỗi người có mỗi chức năng khác nhau. Đây là điều tất nhiên. Xét về năng lực thể chất hay tinh thần - kiến thức, kỹ năng, tài năng và sức lực - mỗi người đều rất khác nhau. Nhưng điều quan trọng ở đây không phải là bạn hoàn thành chức năng gì trên thế gian này mà là bạn có đồng nhất với chức năng đó đến độ nó chiếm hữu lấy bạn và bạn trở thành một vai diễn hay không? Khi đóng một vai nào đó, bạn trở nên vô thức. Khi bắt gặp mình đang đóng một vai gì, nhận thức này tạo ra một khoảng cách giữa bạn và vai diễn. Đây là phút khởi đầu để bạn có tự do, thoát ra khỏi vai diễn. Khi bạn hoàn toàn đồng nhất mình với vai diễn, bạn nhầm lẫn khuôn mẫu hành xử bó buộc của mình với bản chất chân thật của mình thì bạn sẽ trở nên thiếu uyển chuyển. Bạn cũng tự động gán vai diễn cho người khác, tương ứng với vai diễn của bạn. Ví dụ, khi bạn đến gặp một vị bác sĩ mà người này hoàn toàn đồng nhất với vai diễn của họ, thì đối với họ, bạn không còn là một con người mà chỉ là một bệnh nhân hay một trường hợp lâm sàng.
Mặc dù cấu trúc xã hội trong thế giới đương đại của chúng ta ít khắt khe hơn so với những nền văn hóa cổ xưa, vẫn còn khá nhiều chức năng hay vai diễn được xác lập sẵn mà người ta sẵn sàng đồng nhất với chúng và vì thế mà trở thành một bộ phận của bản ngã. Điều này làm cho quan hệ giữa người với người trở nên thiếu chân thực, xa lạ và phi nhân tính. Những vai diễn được xác lập sẵn đó có vẻ như cho bạn một cảm giác dễ chịu về chính mình, nhưng rốt cuộc bạn tự đánh mất mình ở trong đó. Những chức năng mà một người nào đó nắm giữ trong một hệ thống có thứ bậc như quân đội, giáo hội, hay các tập đoàn rất dễ bị biến thành những vai diễn. Quan hệ đích thực giữa người với người trở nên bất khả khi bạn tự đánh mất mình qua một vai diễn.
Đây là một số vai diễn đã định sẵn mà ta có thể gọi là điển hình: vai một người phụ nữ đảm đang của tầng lớp trung lưu (vẫn còn thịnh hành dù không nhiều bằng trước đây), vai một người đàn ông rắn rỏi đầy nam tính, vai một người phụ nữ đa tình, vai một người nghệ sĩ "lập dị", hoặc vai một nhà "văn hóa" (vai này khá phổ biến ở châu Âu), những người này thích phô diễn kiến thức về văn học, âm nhạc, nghệ thuật,… như người ta khoe một chiếc áo đẹp hay một chiếc xe đắt tiền. Kế đó là vai người lớn, rất phổ biến. Khi bạn diễn vai người lớn, bạn rất nghiêm nghị với chính mình và với cách bạn nhìn đời sống. Sự hồn nhiên, nhẹ nhàng và niềm vui sống trong con người bạn không còn được biểu lộ qua vai diễn này.
Phong trào hippi xuất phát đầu tiên từ những tiểu bang phía Tây nước Mỹ trong thập niên 1960 và sau đó lan ra khắp các nước phương Tây xuất phát từ sự bác bỏ của giới trẻ đối với những khuôn mẫu xã hội, những vai diễn, những khuôn mẫu ứng xử cũ kỹ, đã được đóng khung,… cũng như các cấu trúc kinh tế và xã hội dựa trên bản ngã. Giới trẻ thời ấy từ chối đóng những vai trò mà bố mẹ và xã hội muốn áp đặt cho họ. Đáng chú ý hơn là phong trào này lại trùng hợp với nỗi ám ảnh về sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam, trong đó hơn 57.000 thanh niên Hoa Kỳ đã thiệt mạng, khiến cho sự điên cuồng của hệ thống và tâm thức gây chiến được phơi bày rõ cho thế giới mục kích. Trong khi vào thập niên 50, hầu hết người Mỹ đều là những người tuân thủ phép tắc trong ý nghĩ và hành động, thì đến thập niên 60 hàng triệu người bắt đầu rút ra khỏi sự đồng nhất giữa họ với cách suy tư của tập thể người Mỹ vì tính chất điên rồ của tập thể đó đã được biểu lộ quá rõ ràng. Phong trào hippi tượng trưng cho sự nới lỏng các cơ cấu khắt khe của bản ngã trong tâm thức con người. Tuy phong trào này cuối cùng cũng thoái hóa và chấm dứt, nhưng nó đã để lại đằng sau một cánh cửa không riêng cho những người đã tham gia phong trào. Nó đã tạo khả năng cho các tư tưởng và tâm linh phương Đông thâm nhập vào phương Tây và đóng vai trò trọng yếu trong quá trình tỉnh thức của tâm thức toàn cầu.
Những vai diễn tạm thời
Nếu bạn có đủ tỉnh thức, có đủ nhận thức và có thể quan sát cách bạn giao tiếp với người khác thì bạn có thể nhận ra những thay đổi rất vi tế trong cách bạn nói chuyện, trong thái độ, và cách bạn cư cử,… tùy thuộc vào người mà bạn đang tiếp xúc. Lúc đầu thì bạn dễ nhận thấy điều này ở người khác hơn, sau đó thì bạn mới có thể nhận thấy ở trong chính bạn. Cách bạn nói chuyện với chủ tịch của một công ty có thể rất khác so với cách bạn nói chuyện với một người lao công. Cách bạn nói chuyện với một đứa trẻ rất khác với cách bạn nói chuyện với một người lớn. Tại sao? Là vì bạn đang diễn một vai tuồng. Bạn không còn là con người thực của bạn khi bạn đang tiếp xúc với ông chủ tịch hay với người lao công, hay với đứa bé. Khi bạn đi vào một cửa hàng, nhà hàng, ngân hàng, hoặc bưu điện, bạn có thể bắt gặp mình đang rơi vào những vai diễn đã được xã hội quy định. Khi là một khách hàng thì bạn phải ăn nói và xử sự như thế. Khi bạn là một khách hàng, thì cô bán hàng hay anh bồi bàn sẽ tiếp đãi bạn một cách tương ứng, vì họ là những người cũng đang diễn những vai tương ứng với vai mà bạn đang diễn. Một số các khuôn mẫu cư xử đã được quy định sẽ diễn ra giữa hai con người quyết định bản chất của sự giao tiếp này. Thay vì là sự giao tiếp giữa người với người thì ở đây các khuôn mẫu cư xử đã-được-khái-niệm-hóa đang giao tiếp với nhau5. Con người càng đồng nhất với những vai diễn đặc thù của mình thì quan hệ của họ càng trở nên thiếu chân thực.
Bạn lưu giữ trong đầu một hình ảnh, một cách hiểu của bạn về người kia, và ngay cả về chính con người của bạn, đặc biệt trong tương quan giữa bạn với người mà bạn đang giao tiếp. Vì thế "bạn" không đang thực sự giao tiếp với người kia mà chỉ là suy nghĩ của chính bạn về bạn đang giao tiếp với suy nghĩ của bạn về người kia và ngược lại. Ở phía bên kia cũng có một quá trình tương tự, vì thế mọi quan hệ bản ngã giữa hai người trong thực tế đã trở thành một quan hệ giữa những khái niệm hư cấu của ta về người khác. Vì thế chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ta thấy có rất nhiều xung đột trong các quan hệ vì trong đó không có một quan hệ đích thực.
Nhà sư với bàn tay ướt
Kasan, một Thiền sư đang làm lễ tại đám tang của một người rất cao quý. Khi ngài đứng đó đợi ông Chủ tịch tỉnh và các ông bà có chức sắc khác đến, ngài nhận thấy bàn tay của mình đang rươm rướm mồ hôi.
Ngày hôm sau ngài cho gọi đệ tử đến và thừa nhận là ngài chưa sẵn sàng để làm một vị thầy thực sự. Ngài giải thích với họ rằng ngài vẫn chưa đối xử bình đẳng đối với mọi người, dù đó là một kẻ ăn xin hay là một ông vua. Ngài vẫn chưa vượt lên trên những vai trò xã hội và những hình ảnh có tính chất khái niệm để thấy được sự bình đẳng giữa mọi người. Sau đó ngài rũ áo ra đi và tìm đến thọ giáo với một vị thầy khác. Tám năm sau, ngài trở về với những người học trò cũ, lúc bấy giờ ngài đã giác ngộ.
Hạnh phúc chân thực so với đóng tuồng hạnh phúc
"Cậu khỏe không?", "Ồ tớ thì nhất rồi, không thể nào tốt hơn nữa". Liệu câu trả lời này có chân thật không?
Trong nhiều trường hợp, hạnh phúc chỉ là một vai mà người ta diễn kịch thôi, vì đằng sau vẻ tươi cười bề ngoài ấy là vô số khổ đau nằm ở bên trong. Trầm cảm, suy sụp tinh thần và phản ứng thái quá là những điều thường xảy ra khi trạng thái sống không có hạnh phúc của bạn được che đậy dưới vẻ tươi cười bề ngoài - khi bạn tự dối mình dối người rằng bạn không phải là không hạnh phúc.
"Tớ được lắm!" là vai diễn của bản ngã rất phổ biến ở Mỹ(6) hơn là ở những nước khác (những nơi mà sự khốn khó và việc biểu lộ vẻ khốn khổ ấy ra hầu như là một chuẩn mực cư xử và vì thế mà dễ được chấp nhận hơn). Có thể điều này hơi phóng đại một chút, nhưng tôi nghe rằng tại thủ đô một nước Bắc Âu, bạn có nguy cơ bị bắt giữ như bạn đang phạm tội say rượu, nếu bạn vô ý mỉm cười với những người lạ mà bạn gặp ở trên phố.
Nếu thấy có sự bất hạnh ở trong bạn thì trước hết bạn hãy thừa nhận là bạn đang có cảm giác bất hạnh, khổ sở ở đó. Nhưng bạn không cần phải nói: "Tôi là một kẻ bất hạnh". Vì sự bất hạnh không có liên quan gì đến bản chất chân thật của bạn. Hãy nói rằng "Ở trong tôi, lúc này đang có một cảm giác khổ sở". Rồi suy gẫm xem tại sao bạn lại có cảm giác này. Có thể bạn đang gặp phải một tình huống nào đó gây nên cảm giác này. Có thể bạn cần phải hành động để thay đổi tình trạng đó hay bạn phải giúp cho mình thoát ra khỏi tình trạng đó. Nếu bạn không thể làm gì được thì hãy đối diện với những gì đang xảy ra và nói "À, bây giờ thì tình trạng nó đang như vậy. Hoặc tôi phải học chấp nhận rằng tình huống này đang như thế, hoặc chống đối thì chỉ tự chuốc khổ vào mình". Nguyên nhân chính của nỗi bất hạnh ở trong bạn không bao giờ là tình trạng nào đó mà bạn đang gặp phải mà chính là những suy nghĩ của bạn về tình trạng đó. Hãy ý thức những ý nghĩ gì đang xảy ra ở trong bạn. Tách bạn ra khỏi những ý nghĩ về tình huống đó. Nên biết là tình huống mà bạn đang gặp phải luôn trung hòa và không thể nào khác đi được, ít ra là trong lúc này. Bạn nhận rõ đâu là tình huống mà bạn đang gặp phải và đâu là những suy nghĩ của bạn về tình huống đó. Thay vì thêu dệt trong đầu những câu chuyện không có thật, bạn hãy tập chú tâm vào những dữ kiện có thật. Ví dụ nếu bạn có ý nghĩ "Chết, mình đã khánh kiệt" là bạn vừa tạo nên một câu chuyện lâm ly, nhưng không có thật. Nó sẽ giới hạn và ngăn cản bạn có những động thái có hiệu quả. Nhận thức “Tôi chỉ còn 50 xu trong túi" là một nhận thức khách quan về tình huống này. Đối diện với sự kiện một cách khách quan luôn tạo cho bạn có sức mạnh và khả năng giải quyết vấn đề. Hãy ý thức rằng những gì bạn đang suy nghĩ sẽ tạo nên những cảm xúc ở trong bạn(7). Hãy quan sát sự liên hệ giữa những suy nghĩ của bạn và những cảm xúc mà bạn đang có. Đừng trở thành những suy nghĩ hay cảm xúc tiêu cực, mà hãy là nhận thức sáng tỏ đứng đằng sau những biểu hiện đó(8).
Đừng cố gắng để đi tìm hạnh phúc. Nếu cố tìm thì bạn sẽ không thể tìm ra, vì tìm kiếm là một phản đề của hạnh phúc. Dù hạnh phúc là thứ bạn khó có thể nắm bắt, nhưng thoát ra khỏi cảm giác bất hạnh là điều bạn có thể làm được trong phút giây này bằng cách đối diện với những gì đang xảy ra trước mắt bạn, hơn là thêu dệt nên những câu chuyện lâm ly về tình huống đó. Ý nghĩ rằng bạn là “một kẻ bất hạnh” sẽ che phủ trạng thái an nhiên và thanh bình ở bên trong - nguồn gốc của hạnh phúc chân thực ở trong bạn.
Làm cha làm mẹ: vai diễn hay chức năng?
Nhiều người thích đóng vai người lớn khi họ nói chuyện với trẻ con. Họ dùng những từ, những tiếng khó nghe. Họ chỉ bảo đứa trẻ phải thế này, thế nọ. Họ không cư xử công bằng với đứa trẻ. Sự thật là trong giai đoạn này, bạn tạm thời biết nhiều hơn trẻ con, hay bạn lớn tuổi hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là đứa trẻ phải cảm thấy thấp kém hơn bạn. Đến lúc nào đó thì một người lớn cũng sẽ lập gia đình và làm cha mẹ - đây là vai diễn phổ biến nhất. Vấn đề quan trọng là bạn có thể hoàn thành và hoàn thành tốt chức năng làm bố, làm mẹ mà không cần phải tự đồng nhất mình với chức năng đó – tức là bạn làm cha mẹ, nhưng không biến nó thành một vai diễn – hay không? Một phần của chức năng cần thiết này là chăm sóc cho những nhu cầu của đứa trẻ, ngăn con chơi những trò chơi nguy hiểm, hay dạy chúng nên hoặc không nên làm một điều gì đó. Tuy nhiên, khi chức năng làm bố mẹ trở thành một tấm căn cước9, khi cảm nhận về bản thân bạn hoàn toàn là từ đó mà ra thì chức năng làm cha mẹ đã bị phóng đại và chiếm hữu lấy bạn. Lúc đó, bạn thỏa mãn những nhu cầu của trẻ một cách quá đáng đến độ có thể làm hư chúng, chuyện bạn muốn bảo vệ con khỏi những trò chơi nguy hiểm trở thành những điều cấm đoán, gây cản trở cho nhu cầu học hỏi và khám phá thế giới tự nhiên của trẻ. Đó là lúc mà việc dạy bảo con trở thành sự kiểm soát quá mức.
Tệ hơn nữa là vai trò làm cha làm mẹ vẫn còn tiếp tục duy trì trong một thời gian khá lâu, dù thời điểm thể hiện chức năng chuyên biệt đó đã qua. Cha mẹ không thể thôi việc làm cha làm mẹ ngay cả khi những đứa con đã trưởng thành. Họ không thể buông bỏ nhu cầu được bọn trẻ cần đến họ. Có khi đứa con đã 40 tuổi mà cha mẹ vẫn chưa thể vượt qua suy nghĩ: "Bố biết điều gì là tốt cho con10". Vai trò làm cha mẹ vẫn còn tiếp diễn như một sự ám ảnh và vì thế mà giữa cha mẹ với con cái không thể có một quan hệ đích thực. Qua vai trò đó, những bậc cha mẹ tự xác định nhân cách và con người của chính họ, nên khi có nguy cơ sẽ thôi không còn được làm cha làm mẹ nữa thì một cách vô thức, họ sợ bị đánh mất nhân cách của mình. Nếu ý muốn kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng với việc làm của những đứa con đã trưởng thành của các bậc cha mẹ bị cản trở, và điều này rất thường hay xảy ra, thì họ bắt đầu lên tiếng chê trách hay bày tỏ thái độ bất bình, hoặc là tìm đủ mọi cách để làm con mình cảm thấy tội lỗi, tất cả chỉ là nỗ lực vô thức của các bậc cha mẹ để bám víu vai trò làm cha làm mẹ của mình, tức cũng là tư cách của mình. Bề ngoài thì có vẻ như họ có lòng quan tâm đến con, và họ cũng tin là như thế, nhưng thực ra họ chỉ quan tâm đến việc giữ gìn hình ảnh làm cha làm mẹ của mình. Tất cả những quan tâm của bản ngã đều mang tính củng cố cá nhân và lợi ích của bản thân, mặc dù có lúc nó được ngụy trạng rất khéo với những người chung quanh và ngay cả với chính mình.
Một người cha hay người mẹ khi tự đồng nhất mình với vai trò của mình có khi còn cố gắng để trở nên hoàn thiện hơn thông qua con cái của họ. Nhu cầu của bản ngã là muốn kiểm soát người khác để lấp đầy cảm giác thiếu thốn mà nó luôn cảm thấy, lúc đó lại hướng về con cái. Nếu kể ra động cơ và những niềm tin vô thức nằm đằng sau nỗi ám ảnh của những bậc cha mẹ hay kiểm soát con cái thì chúng có thể bao gồm một trong những điều sau: "Cha muốn con đạt được những gì cha chưa bao giờ đạt được, cha muốn con là một người thành đạt dưới con mắt người đời, để qua con mà cha cũng được coi là một người thành đạt. Đừng làm cha thất vọng nhé. Cha đã hy sinh quá nhiều vì con. Thái độ không chấp nhận của cha về con là vì cha muốn con cảm thấy con có lỗi và bất an đến mức con phải đáp ứng những yêu cầu của cha. Cha biết điều con cần là điều gì. Cha thương con và cha sẽ tiếp tục thương con, nếu con biết làm những gì cha biết là thích đáng cho con".
Khi những động cơ mê mờ đó được nhận biết, lập tức bạn thấy chúng thật ngớ ngẩn. Bản ngã nằm ở đằng sau cùng với những tha hóa của nó cũng trở nên dễ nhìn thấy. Một số cha mẹ khi nghe tôi nói đã chợt nhận ra "Trời ơi, đây là những gì tôi đang làm ư?"11. Khi bạn nhận ra mình đang làm gì và đã làm gì thì bạn cũng thấy được sự vô nghĩa của những nỗ lực đó, lúc này khuôn mẫu mê mờ12 ấy sẽ tự kết thúc. Nhận thức của bạn chính là tác nhân mạnh nhất có thể tạo ra sự thay đổi.
Nếu chẳng may cha mẹ của bạn đang tạo ra cho bạn những khó khăn này, bạn nhớ là không nên bảo rằng: “Bố mẹ đang mê mờ”, cũng đừng nên nói cho họ biết rằng họ đang bị bản ngã của họ chế ngự. Tất cả những điều này chỉ làm cho họ càng trở nên mê mờ hơn vì bản ngã của họ sẽ làm cho họ trở nên bảo thủ hơn. Chỉ cần bạn ý thức rằng đó chỉ là những biểu hiện của bản ngã ở trong họ mà không phải là con người chân thật của họ. Nên nhớ rằng những khuôn mẫu cư xử mang tính bản ngã trong các bậc cha mẹ, ngay cả những lối cư xử có vẻ không thể nào thay đổi được của họ, thỉnh thoảng cũng tan biến một cách diệu kỳ khi trong lòng bạn không còn sự chống đối. Thái độ chống đối của bạn chỉ làm cho bản ngã của họ có thêm sức mạnh. Ngay cả khi cha mẹ bạn không nhận thức được những gì họ đang làm, bạn vẫn có thể chấp nhận hành vi của cha mẹ với tấm lòng bao dung mà không cần phải phản ứng lại, tức là bạn không xem đó là một vấn đề của riêng bạn13.
Cũng nên ý thức về những ước ao, mong cầu vô thức nằm sau những phản ứng đã thành nếp ở trong bạn rằng: "Cha mẹ tôi phải hiểu và chấp nhận những gì tôi làm. Họ nên hiểu và chấp nhận con người thực của tôi". Thật thế sao? Tại sao cha mẹ của bạn phải hiểu và chấp nhận bạn? Sự thật là họ không chấp nhận được bạn vì họ đã không thể làm được điều này. Mức độ nhận thức, mà lúc này vẫn đang tiếp tục chuyển biến ở trong họ, trong lúc này không thể thực hiện một bước nhảy vọt để đi đến một mức độ tỉnh thức cao hơn. Vì họ chưa thể thoát ly khỏi những vai trò mà họ đang đóng. "Vâng, nhưng tôi vẫn không cảm thấy dễ chịu với con người chân thật của mình nếu cha mẹ tôi không chấp nhận và hiểu tôi". Thật thế ư? Có gì khác biệt cho bạn khi họ chấp nhận hay không chấp nhận con người chân thật của bạn? Tất cả những suy nghĩ không căn cứ này chỉ tạo ra nhiều cảm xúc tiêu cực và sự đau buồn không cần thiết ở trong bạn.
Hãy tỉnh táo để xem có phải những ý nghĩ đang chạy qua đầu bạn trong lúc này là tiếng nói của cha hay mẹ bạn, đại loại như thế này "Mày chỉ là một đứa vô tích sự. Mày sẽ không bao giờ làm nên trò trống gì cả"; hoặc là những phán xét nào đó? Nếu bạn có nhận thức sáng tỏ, bạn sẽ dễ dàng nhận ra cái giọng nói vang vang ở trong đầu bạn thực ra chỉ là: một nếp suy nghĩ cũ, bị bó buộc bởi những gì đã xảy ra trong quá khứ14. Nếu bạn có nhận thức sáng tỏ, bạn sẽ không còn tin vào bất kỳ ý nghĩ tiêu cực nào xảy đến trong đầu bạn. Vì đó chỉ là những thói quen suy tư đã thành những rãnh mòn ở trong bạn. Nhận thức tức là có mặt, và chỉ có sự có mặt của bạn mới có thể hóa giải được những quá khứ mê mờ ở trong bạn.
Ram Dass nói: "Khi nào bạn cảm thấy rằng mình đã giác ngộ, thì hãy dọn về sống thử với cha mẹ bạn một vài tuần". Đây quả là lời khuyên chí lý. Quan hệ với cha mẹ bạn không chỉ là một quan hệ đầu tiên quyết định tất cả những mối quan hệ sau này của bạn, mà nó còn là thước đo chính xác cho mức độ có mặt - sự Hiện diện - của bạn. Trong mối quan hệ gia đình hay với những người đã từng chia sẻ nhiều quá khứ với bạn, thì bạn lại càng phải có mặt nhiều hơn, nếu không thì bạn sẽ bị cuốn vào lối suy tư và những phản ứng cũ ở trong bạn, và làm cho quá khứ đau thương ấy sống lại nhiều lần.
Cam chịu khổ đau một cách có ý thức
Nếu bạn là bậc cha mẹ, hãy cứ hỗ trợ, hướng dẫn và bảo vệ cho con bạn tối đa, nhưng quan trọng hơn là bạn hãy cho chúng không gian để chúng được sống tự nhiên. Nhờ bạn mà chúng có mặt trong thế giới này nhưng chúng không phải là vật sở hữu của bạn. Quan niệm cho rằng "cha biết điều gì tốt nhất cho con" có thể đúng khi con bạn còn bé, nhưng khi trẻ dần lớn khôn thì điều đó ngày càng trở nên không đúng. Khi bạn càng trông mong chúng nên sống theo cách bạn mong muốn thì bạn càng rơi vào thói quen suy tư15 thay vì có mặt với chúng. Không sớm thì muộn, chúng sẽ mắc phải sai lầm và sẽ có kinh nghiệm về khổ đau như tất cả mọi người. Thực ra, khi nói chúng mắc phải sai lầm là ta nói từ góc nhìn của bạn thôi. Đối với bạn thì chuyện đó là một điều sai lầm, nhưng đối với chúng thì đó là một điều cần thiết mà chúng phải đi qua. Bạn hãy giúp cho con cái của bạn, càng nhiều càng tốt, nhưng cũng nên hiểu rằng có lúc bạn phải để cho chúng mắc phải những sai lầm trong đời sống, đặc biệt là khi chúng sắp đến độ tuổi trưởng thành. Cũng có lúc bạn phải để cho chúng có kinh nghiệm về khổ đau. Khổ đau có thể đến với chúng vì chúng đã làm một điều gì sai hoặc khổ đau có thể đến với chúng mà không hề báo trước.
Vậy, có phải là điều tốt khi bạn giúp con cái tránh được những khổ đau trong đời sống không? Không. Vì làm như vậy, chúng sẽ không bao giờ khôn lớn và trưởng thành; chúng sẽ dễ trở nên nông cạn, dễ tự đồng nhất mình với những biểu hiện của hình tướng bên ngoài của đời sống. Hơn nữa, khổ đau có tác dụng đưa chúng ta đi sâu hơn vào con đường tâm linh. Điều nghịch lý là đau khổ của chúng ta xảy ra khi chúng ta vô thức tự đồng nhất mình với hình tướng, nhưng cũng chính nhờ những khổ đau đó mà chúng ta giảm bớt sự đồng hóa mình với hình tướng. Tương tự như thế, bản ngã là nguyên nhân gây ra cho bạn nhiều khổ đau nhưng rốt cùng, chính khổ đau của bạn sẽ làm tiêu tan đi bản ngã ở trong bạn, khi bạn nhận diện được niềm khổ đau ấy ở trong mình.
Không sớm thì muộn, loài người tất yếu sẽ vượt thoát được khổ đau, nhưng không nhất thiết phải theo cách mà bản ngã của bạn nghĩ. Một trong những cách suy nghĩ sai lầm của bản ngã là "Tôi không nên chịu khổ như thế này nữa"16. Có lúc cách suy nghĩ này được chuyển sang cho một người thân của bạn: "Con tôi không nên chịu khổ như thế này". Ý tưởng đó, tự thân nó, đã làm cho bạn khổ đau hơn. Vì khổ đau không phải là một điều vô ích, nó có một mục đích cao cả là để tạo nên sự tiến hóa cần thiết trong nhận thức của con người và đưa bản ngã đến chỗ diệt vong. Người chịu đóng đinh ở trên cây thập tự giá(17) là một hình ảnh điển hình. Nó đại diện cho tất cả mọi người, dù là đàn ông hay đàn bà. Bạn càng cưỡng lại khổ đau thì quá trình hoại diệt của bản ngã ở trong bạn càng trở nên chậm lại. Trái lại, khi bạn chấp nhận khổ đau thì quá trình hoại diệt ấy được tăng tốc, vì lúc đó bạn cam chịu khổ đau một cách có ý thức. Bạn có thể chấp nhận khổ đau đến với mình hay đến với người khác - như với con cái hoặc bố mẹ bạn. Trong quá trình chịu khổ có ý thức, bạn sẽ có sự chuyển hóa. Ngọn lửa của khổ đau sẽ trở thành ánh sáng của nhận thức ở trong bạn.
Tuy bản ngã của bạn nói: "Tôi không nên chịu khổ", nhưng chính ý nghĩ này làm cho bạn đau khổ hơn. Chống đối là bơi ngược lại dòng chảy của đời sống. Chân lý chính là hãy chấp nhận niềm đau trước khi bạn có thể vượt thoát được nỗi đau đó.
Làm cha mẹ một cách có ý thức
Con cái có khi nuôi lòng oán hận đối với cha mẹ và thông thường đó là do sự thiếu thành thật trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Vì đứa trẻ thường khao khát được cha mẹ chơi với nó, có mặt với nó,… như là một con người, chứ không phải là một người đang đóng vai cha mẹ, dù vai trò ấy được bạn đóng khéo đến mức nào. Bạn có thể làm những điều đúng đắn và tốt lành nhất cho con cái của bạn, nhưng điều đó vẫn chưa đủ để làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc. Thực ra nếu bạn không hiểu gì về an nhiên tự tại thì chuyện làm hết sức mình là không bao giờ đủ cả. Vì bản ngã của bạn không hề biết gì về an nhiên tự tại, nó tin rằng chỉ qua những chuyện nó làm thì nó mới được bảo vệ. Nếu bạn bị bản ngã kiểm soát, thì bạn tin rằng bạn càng làm nhiều thì cuối cùng bạn sẽ tích lũy đủ "những việc mình làm" để khiến cho bạn cảm thấy đầy đủ hơn trong tương lai. Nhưng sự thật không như điều bạn muốn. Vì bạn sẽ tự đánh mất chính mình qua những công việc bạn làm(18). Toàn bộ nền văn minh hiện đại của chúng ta đang tự đánh mất mình qua sự bận rộn trong những việc chúng ta làm, bởi những việc làm không phát xuất từ an nhiên tự tại thì chẳng thể mang lại kết quả gì.
Như vậy thì làm thế nào để bạn đưa an nhiên tự tại vào trong đời sống bận rộn của một gia đình, vào mối quan hệ với con cái? Cái chính là ở chỗ bạn có lòng quan tâm đến con cái. Nhưng có hai loại quan tâm. Một loại có thể gọi là đặt cơ sở trên hình tướng. Còn loại kia là vô tướng. Lòng quan tâm về hình tướng thì luôn luôn có liên quan với một việc gì hay đánh giá một cái gì. Ví dụ: "Con ăn cơm chưa? Con làm bài tập chưa? Con dọn phòng, đánh răng chưa?... Con nên làm thế này, đừng làm thế kia. Nhanh lên con"...
Những quan tâm trên bề mặt này hầu như tóm tắt được lối sống đang diễn ra trong các gia đình. Chúng ta hiểu sự quan tâm dựa trên hình tướng dĩ nhiên là cần thiết và có vị trí của nó trong đời sống, nhưng nếu đó là tất cả những gì được biểu hiện trong quan hệ giữa bạn với con cái thì điều quan trọng nhất đã bị bỏ quên, và an nhiên tự tại đã hoàn toàn bị che mờ bởi công việc, bởi "những ưu phiền của thế gian" như Chúa Jesus đã từng nói. Trái lại, lòng quan tâm không mang hình tướng của bạn với con cái không thể tách rời với an nhiên tự tại. Vậy thì loại quan tâm không mang hình tướng này hoạt động như thế nào?
Đó là khi bạn nhìn, nghe, tiếp xúc hay giúp con cái bạn làm một chuyện gì đấy, hãy làm với sự tỉnh giác, và im lặng; bạn hoàn toàn có mặt với chúng mà không bận tâm hay mưu cầu một cái gì khác hơn là những gì đang diễn ra. Khi làm được như thế, bạn sẽ tạo ra không gian cho trạng thái an nhiên tự tại được hiện hữu ở trong bạn. Vì trong giây phút ấy, bạn không chỉ đơn thuần là một người cha hoặc là một người mẹ. Mà bạn chính là sự tĩnh lặng, là sự sáng suốt, là Hiện Hữu đang nghe, đang nhìn, đang nói, đang tiếp xúc. Bạn là chính là Sự Có Mặt đang thẩm thấu vào trong tất cả những việc bạn làm.
Nhận ra sự có mặt của con cái mình
Khi nói rằng bạn là một con người thì điều đó có nghĩa là gì? Làm chủ cuộc sống không phải là vấn đề kiểm soát mà là tìm ra sự quân bình giữa những gì thuộc con người và an nhiên tự tại. Làm cha, làm mẹ, làm vợ, làm chồng, làm người già, người trẻ,… những vai trò mà bạn phải đóng, những chức năng, nhiệm vụ mà bạn phải hoàn thành, hay bất kỳ vai trò gì mà một con người phải làm. Những thứ đó có vị trí của nó và cần phải được tôn trọng, nhưng tự nó thì vẫn chưa đầy đủ cho một quan hệ hay một cuộc sống mỹ mãn, một cuộc sống thực sự có ý nghĩa. Những gì thuộc về con người thôi thì vẫn chưa đủ, dù bạn có cố gắng đến mấy hoặc đạt được những thành tựu như thế nào chăng nữa. Phải có an nhiên tự tại. An nhiên tự tại ấy nằm trong sự có mặt tĩnh lặng của Tâm, của cái Biết sáng suốt mà bạn đang thể hiện. Con người là một biểu hiện của hình tướng. Còn an nhiên tự tại là vô tướng. Con người và an nhiên tự tại không hề tách biệt, mà đan quyện vào nhau.
Trong khía cạnh con người, chắc chắn rằng bạn giỏi hơn con cái của bạn. Vì bạn lớn khôn hơn, có nhiều kiến thức hơn, cao lớn hơn, mạnh mẽ hơn, bạn làm được nhiều việc hơn. Nếu đó là tất cả những gì bạn biết thì bạn sẽ cảm thấy vượt trội hơn so với con cái của bạn, dù bạn không ý thức được điều đó. Và bạn sẽ làm cho con cái bạn cảm thấy chúng non kém hơn bạn. Vì không có sự quân bình giữa bạn và con cái của bạn, vì đây chỉ là một quan hệ hình tướng và dĩ nhiên là về mặt hình tướng thì bạn và con bạn không bình đẳng với nhau. Có thể bạn thương con của bạn, nhưng tình yêu đó chỉ ở khía cạnh con người, tức là mang tính điều kiện, có tính chất sở hữu và dễ đổi thay. Chỉ khi nào bạn vượt lên trên hình tướng, đi vào trong Hiện hữu, tức là an nhiên tự tại, thì bạn mới có sự bình đẳng và chỉ khi nào bạn tìm ra chiều kích của Vô tướng ở trong bạn thì bạn mới có được tình yêu chân thực trong quan hệ với con cái. Sự Hiện hữu mà bạn đang thể hiện, cái Chân Ngã vượt thoát thời gian, đã nhận ra được chính nó ở trong người khác. Và người khác, tức là đứa trẻ, cảm thấy được yêu thương, tức là được nhận ra.
Yêu tức là nhận ra chính mình trong người khác. Sự khác biệt chỉ là một ảo tưởng chỉ có trong lĩnh vực hình tướng. Niềm mong ước được cha mẹ yêu thương ở một đứa trẻ là niềm mong muốn được nhận ra, không phải trên bình diện hình tướng mà là trên bình diện của Hiện hữu. Nếu bố mẹ chỉ biết tôn trọng khía cạnh con người của đứa trẻ mà lãng quên Hiện hữu, thì đứa trẻ sẽ cảm nhận là mối quan hệ đó chưa được thỏa đáng, rằng có một cái gì đó rất thiết yếu chưa được tìm ra, và tình trạng này sẽ làm tích lũy nỗi thống khổ ở trong đứa bé và thỉnh thoảng chúng cảm thấy oán hận bố mẹ mà có khi chúng không hay hề biết. "Tại sao bố mẹ không nhận ra con?" là câu hỏi đau thương mà đứa trẻ muốn thốt lên.
Khi người khác nhận ra bạn, sự nhận biết đó thông qua bạn và người ấy mà đưa Hiện hữu đi vào thế giới này. Đó là thứ tình yêu có thể cứu rỗi thế giới này. Ở đây tôi đang nói về quan hệ với con cái nhưng tất nhiên, điều này cũng có thể áp dụng đối với những quan hệ khác.
Người ta thường nói: "Thượng Đế là tình yêu", nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Thượng Đế là Đời Sống Duy Nhất vượt ra ngoài vô vàn những biểu hiện hình tướng của đời sống. Tình yêu bao hàm cả những phạm trù đối lập: người yêu và người được yêu, chủ thể và khách thể. Vì thế, tình yêu là sự nhận ra tính nhất thể trong thế giới nhị nguyên. Đây là sự khai sinh ra Thượng Đế trong thế giới của hình tướng. Vậy nên, tình yêu làm cho thế giới ít trần tục hơn và giúp nó đến gần hơn với cõi thiêng liêng, với ánh sáng của nhận thức.
Từ bỏ việc đóng vai
Một bài học cơ bản về nghệ thuật sống mà mỗi chúng ta phải học là bạn có thể làm bất kỳ việc gì bạn cần phải làm, nhưng đừng để công việc ấy biến bạn thành một vai diễn mà bạn tự đồng nhất mình vào đó. Bạn trở nên vững vàng nhất trong bất cứ công việc nào nếu hành động của bạn được thực hiện vì chính lợi ích của công việc đó, hơn là sử dụng nó như một phương tiện để bạn bảo vệ, để củng cố hay thích ứng với một vai trò nào. Mỗi vai trò chỉ là một cảm nhận đầy tính chất hư cấu về bản thân, qua đó mọi thứ đều bị cá thể hóa, trở nên hư hỏng và méo mó bởi "Cái Tôi nhỏ bé" do trí năng của bạn thêu dệt nên và bởi bất cứ vai diễn nào mà bản ngã bạn đang đóng. Hầu hết những người có chức phận trên thế giới này như các chính trị gia, các nhân vật của ngành truyền thông, các doanh nhân cũng như các lãnh tụ tôn giáo đều vô thức tự đồng nhất họ một cách hoàn toàn với vai diễn của họ, chỉ trừ một vài ngoại lệ. Có thể họ là một nhân vật quan trọng nhưng họ chẳng khác gì hơn những diễn viên thiếu nhận thức trong trò chơi của bản ngã, thứ trò chơi trông rất quan trọng nhưng rốt cuộc lại không có một mục đích chân thực nào. Đại văn hào Shakespeare nói: "Đó là một câu chuyện cổ tích của một gã khờ kể, chúng đầy những âm thanh và cuồng nộ, nhưng quả thực chẳng nói lên được điều gì". Kỳ lạ thay, Shakespeare đã đi đến kết luận này khi ông sống trong thời đại chưa có máy truyền hình. Nếu tuồng kịch của bản ngã trên thế giới có một mục đích nào đó, thì đó là một mục đích gián tiếp: Tạo ra ngày càng nhiều khổ đau trên địa cầu, và những đau khổ này, dù phần lớn là do bản ngã tạo ra, cuối cùng sẽ đưa đến sự cáo chung của bản ngã(19). Đó là ngọn lửa mà bản ngã tự thiêu đốt chính mình.
Trong một thế giới tràn ngập các vai diễn, may thay lại có những người không hề khoa trương tư cách bề ngoài - ngay cả trong giới truyền thông và doanh nghiệp – trái lại, họ kết nối với cội rễ rất sâu xa của Hiện hữu. Họ là những người không hề cố gắng thể hiện nhiều hơn những gì con người họ thực có. Họ là những người sống rất đơn giản nhưng nổi bật và là những con người duy nhất có khả năng tạo ra những thay đổi thực sự trong đời sống. Họ là sứ giả của nhận thức mới. Những gì họ làm trở nên đầy sức mạnh vì những việc đó hòa điệu với mục đích chung của vũ trụ. Ảnh hưởng của họ vượt xa những gì họ làm, vượt xa chức năng của họ. Chỉ sự có mặt đơn giản, hồn nhiên và không phô trương của họ đã có tác dụng biến cải với bất cứ ai mà họ tiếp xúc.
Khi không đóng vai, tức là không có cái Tôi (bản ngã) trong những gì bạn làm; không toan tính, không có kế hoạch gì để bảo vệ và củng cố “cái Tôi” của bạn thì hành động của bạn sẽ có sức mạnh và mang lại kết quả cao hơn rất nhiều. Bạn hoàn toàn chú tâm vào tình huống, hòa nhập làm một với nó. Bạn không cố gắng để trở thành một “con người đặc biệt”. Bạn mạnh mẽ nhất, có hiệu quả nhất khi bạn hoàn toàn tự nhiên được là con người chân thật của mình. Nhưng đừng gắng để trở thành con người tự nhiên, chân thật ấy. Vì đó chỉ là một vai tuồng khác. Vì con người chân thật của bạn là một con người bẩm sinh, tự nhiên, không hề cố gắng. Nếu bạn phải cố gắng để trở thành một con người thế này thế nọ, tức là bạn đang vô thức tự đóng một vai diễn. Lời khuyên chỉ cần là chính mình là một lời khuyên tốt, nhưng dễ gây nên hiểu lầm. Vì trí năng của bạn sẽ chen vào và nói "Sao tôi có thể trở thành con người chân thật của mình được?". Lúc đó, trí năng bạn sẽ tạo ra một đối sách khác. Đó là đóng vai "trở thành chính mình". Thực ra, câu hỏi “làm thế nào để trở thành chính mình?” là một mệnh đề sai. Vì câu nói đó hàm ý rằng bạn phải làm cái gì đó để có thể trở thành con người chân thật của mình. Nhưng thực ra bạn đã luôn là chính bạn rồi nên ở đây không có vấn đề là làm thế nào để trở thành chính bạn. Bạn chỉ cần rũ bỏ những thứ không phải là bạn. Có thể bạn sẽ nói: "Nhưng tôi không biết bản chất chân thật của tôi là gì?". Nếu bạn cảm thấy hoàn toàn an ổn khi không thật sự biết bản chất chân thực của mình là gì thì những gì còn lại tức là bản chất chân thực của bạn - là Hiện hữu đằng sau tấm mặt nạ “một con người”; có thể nói rằng bạn là một trường năng lượng vô hình tướng, thuần khiết hơn là những gì ngôn từ có thể định nghĩa được.
Hãy thôi tự cố gắng định nghĩa về mình, đối với người khác hay đối với chính bạn. Bạn sẽ không chết đâu. Ngược lại, bạn sẽ đi sâu vào đời sống. Cũng đừng quan tâm đến việc người khác sẽ muốn định nghĩa bạn thế này hay thế kia. Vì khi họ cố định nghĩa về bạn, tức là họ đang tự giới hạn chính họ và đó là vấn đề của họ. Trong mối quan hệ với người khác, bạn đừng đóng một vai diễn nào đó, mà ngược lại, bạn hãy có ý thức sáng tỏ, hãy có mặt với mọi thứ đang xảy ra.
Tại sao bản ngã của bạn thích đóng vai trò? Vì có một ý nghĩ xảy ra mà bạn không hề ý thức được ý tưởng đó. Ý tưởng đó có thể là: “Tôi chưa đầy đủ, chưa toàn vẹn”. Ý nghĩ tiếp theo có thể là: "Do đó tôi phải đóng vai trò này để tôi có thể có được những gì mình mong muốn, để tôi được hoàn thiện con người của mình. Tôi luôn cần có thêm để tôi được là chính tôi nhiều hơn". Nhưng bạn không thể có nhiều hơn những tính chất mà bạn đang có, vì bên trong bạn chính là Đời Sống, là Hiện hữu trong muôn vàn những biểu hiện của nó ở khắp vũ trụ. Về mặt hình tướng, bạn có thể kém cỏi hơn người này nhưng lại vượt trội hơn những người khác ở một khía cạnh nào đó. Nhưng về mặt bản chất, bạn không cao hơn, cũng không thấp hơn bất kỳ một ai. Từ nhận thức này mà bạn có thể thấy đươc giá trị cao quý của bản thân cũng như có được tính khiêm nhường đích thực. Dưới con mắt của bản ngã, đây là hai điều trái ngược nhau. Nhưng sự thật hai điều này chỉ là một.
Bản ngã bệnh hoạn
Xét theo nghĩa rộng, tự thân của bản ngã là bệnh hoạn, dù nó tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào. Từ pathological (bệnh hoạn) có nguồn gốc từ chữ pathos (khổ đau) trong cổ ngữ Hy Lạp, rất thích hợp để dùng cho bản ngã, dù từ này thông thường được dùng để mô tả tình trạng của một căn bệnh. Dĩ nhiên khổ đau là điều mà Đức Phật đã khám phá ra, cách đây hơn 2.600 năm, như là một đặc tính của con người.
Một người vẫn còn nằm trong sự khống chế của bản ngã thì tất nhiên sẽ không nhận ra rằng họ đang tạo ra khổ đau, mà ngược lại, còn cho rằng «Đó là một cách cư xử rất thích đáng cho trường hợp này ». Bản ngã của họ, trong sự mù lòa của nó, sẽ không có khả năng nhận ra khổ đau mà nó đang gây ra cho người khác và cho chính họ. Bất hạnh là một tâm bệnh của bản ngã liên quan đến cảm xúc và cách bạn nhìn cuộc đời. Ngày nay, nó đã đạt đến quy mô của một cơn bệnh dịch. Đây là sự ô nhiễm ở bên trong, tương ứng với sự ô nhiễm ở bên ngoài: môi trường sống trên hành tinh này. Những trạng thái tiêu cực như giận dữ, lo âu, thù oán, trách móc, bất mãn, ganh tị,... không được bạn nhìn nhận là những tiêu cực có sẵn trong bạn. Bạn cho đây không phải là những gì bạn đã tự tạo ra cho chính mình, trái lại bạn tin chắc rằng nỗi bất hạnh của bạn là do người khác hay một nhân tố nào đó ở bên ngoài tạo ra. Do đó, điều mà bản ngã của bạn luôn kết luận là "Anh là kẻ chịu trách nhiệm tất cả những khổ đau và bất hạnh ở trong tôi".
Bản ngã không phân biệt được sự khác biệt giữa tình huống và những phản ứng và suy diễn của bạn từ tình huống đó. Bạn có thể nói "Thời tiết hôm nay thật là tồi!" mà không thấy rằng trời lạnh, hay gió, hay mưa,…mà bạn đang phản ứng thực ra không đến nỗi tồi tệ như bạn nghĩ. Chúng chỉ thể hiện ra như một điều đương nhiên, nằm ngoài sự kiểm soát của bạn. Những gì thực sự tồi tệ chính là phản ứng của bạn, sự chống đối ở bên trong và những cảm xúc do sự chống đối ấy gây nên. Đại văn hào Shakespeare từng nói: "Thực ra chẳng có điều gì là tốt hoặc xấu, tốt xấu chỉ có do suy nghĩ/phán xét của bạn mà thôi". Hơn nữa, khổ đau hay tiêu cực thường bị bản ngã của bạn hiểu sai, và nương vào sự vô thức đó của bạn mà bản ngã tự củng cố sức mạnh của chính nó.
Ví dụ cảm giác giận dữ hay oán ghét người khác làm cho bản ngã của bạn trở nên mạnh hơn vì thái độ này làm gia tăng cảm giác cách ly, nhấn mạnh sự khác biệt giữa bạn với người kia và tạo ra một pháo đài: “Tôi đúng, anh sai!” không thể nào công phá được. Nếu bạn quan sát những thay đổi tâm lý xảy ra trong cơ thể khi bạn có những cảm giác tiêu cực như thế, chúng tác hại đến tim bạn như thế nào, tác hại đến hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của bạn cũng như vô số những cơ quan khác trong cơ thể,… thì rõ ràng những trạng thái tiêu cực đó là nguyên nhân gây nên bệnh tật cho bạn. Đó là những khuôn mặt khác nhau của khổ đau chứ không phải là điều dễ chịu.
Khi bạn ở trạng thái tâm lý tiêu cực, thì trong bạn có cái gì đó muốn hướng về phía tiêu cực, có một cái gì đó ở trong bạn tin rằng “tiêu cực là một điều dễ chịu”, hay tin là nó sẽ mang lại những thứ mà bạn muốn. Nếu không thì ai lại muốn đeo bám vào tiêu cực, làm cho chính mình cùng những người chung quanh đau khổ và tạo ra bệnh tật trong người? Vì thế, khi có tiêu cực ở trong mình, nếu bạn có thể nhận thức được vào lúc ấy trong bạn có một cái gì đó cảm thấy hài lòng từ những tiêu cực đang phát sinh, hay tin rằng « tiêu cực phục vụ cho một mục tiêu hữu ích » thì đó là lúc bạn đang trực tiếp nhận diện sự hoạt động của bản ngã ở trong mình. Khi điều này xảy ra, tư cách của bạn chuyển từ trạng thái mê mờ của bản ngã sang trạng thái có ý thức sáng tỏ. Điều này có nghĩa là bản ngã của bạn sẽ bị co rút lại, suy yếu đi, còn nhận thức thì trở nên mạnh mẽ hơn.
Nếu khi đang có trạng huống tiêu cực mà bạn có thể nhận ra rằng: "Ồ, tôi đang tạo ra khổ đau cho chính mình trong phút giây này" thì nhận thức này cũng đủ để đưa bạn vượt ra khỏi giới hạn của trạng thái tiêu cực và những phản ứng bó buộc của bản ngã. Nó sẽ mở ra những khả năng vô hạn, những khả năng này sẽ đến với bạn khi bạn có nhận thức, tức là bạn sẽ có những cách xử lý tình huống thông minh hơn nhiều. Bạn sẽ có tự do để buông bỏ những bất hạnh ngay lúc bạn vừa nhận ra « đó là một thái độ thiếu sáng suốt ». Tiêu cực tức là thiếu khôn ngoan, là cách phản ứng quen thuộc của bản ngã ở trong bạn. Bản ngã có thể rất lém lỉnh, nhưng nó thiếu khôn ngoan. Sự lém lỉnh ấy chỉ để theo đuổi những mục tiêu nhỏ bé của bản ngã; trong khi sự thông thái thì nhìn thấy bức tranh toàn thể, rộng lớn hơn trong đó mọi thứ đều liên hệ mật thiết với nhau. Sự lém lỉnh có động cơ vụ lợi cho riêng mình và rất thiển cận. Đa số các chính khách và các doanh nhân đều rất lém lỉnh nhưng ít người là khôn ngoan. Những gì bạn có được do sự lém lỉnh đều chóng phôi pha và rốt cuộc bạn luôn tự làm cho mình thất bại. Sự lém lỉnh tạo nên chia rẽ, trong khi sự thông thái thì có khả năng đoàn kết.
Nỗi bất hạnh ở bên dưới
Bản ngã tạo ra sự cách ly, và sự cách ly tạo ra khổ đau cho bạn và cho người khác. Do đó bản ngã rõ ràng là có tính chất bệnh hoạn. Ngoài những biểu hiện tiêu cực rất hiển nhiên như sự giận dữ, thù oán, v.v. còn có những biểu hiện tiêu cực tinh vi, rất phổ biến nhưng thường không được công nhận như: sự nôn nóng, cáu kỉnh, hồi hộp và chán ngán. Chúng tạo nên cảm giác bất hạnh ở hậu trường của tâm thức bạn; và đó là trạng thái nội tâm chủ yếu của rất nhiều người. Bạn cần phải cực kỳ tỉnh táo và có mặt để phát hiện ra chúng. Bất cứ khi nào bạn làm được điều này thì đó là một giây phút tỉnh thức, giây phút bạn tách mình ra khỏi sự đồng nhất chính mình với suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực đó.
Đây là một trong những trạng thái tiêu cực phổ biến và thường bị chúng ta bỏ qua, chính xác hơn là vì nó quá phổ biến, quá bình thường nên ta dễ bỏ qua. Có thể bạn từng có kinh nghiệm về trạng thái tâm thức này. Đó là cảm giác không hài lòng mà ta có thể diễn tả nó như là một cảm giác bất bình nằm ở hậu trường của tâm thức bạn. Có thể đó là một cảm giác bất bình cụ thể hay không cụ thể. Nhiều người trải qua phần lớn cuộc sống của mình trong trạng thái này. Họ tự đồng nhất với cảm giác bất bình đó đến độ không thể bước lui ra để nhìn lại. Đằng sau cảm giác bất bình đó là những niềm tin sai lạc, những suy nghĩ tiêu cực nhưng vô thức. Những ý nghĩ này đi qua đầu bạn một cách vô thức cũng như khi ngủ, bạn mơ những không biết rằng mình đang mơ.
Sau đây là một số ý nghĩ không được bạn nhận biết, những ý nghĩ này nuôi dưỡng cảm giác không hài lòng hay bất bình ở sâu trong hậu trường tâm thức bạn. Tôi đã lược bỏ phần nội dung của các ý nghĩ đó để cấu trúc căn bản của chúng hiện ra rõ ràng, giúp bạn dễ nhận thấy hơn. Bất cứ khi nào bạn có điều không vui ở đằng sau hậu trường tâm thức (hoặc thậm chí ở tiền cảnh) bạn có thể thử xem chúng thuộc loại nào trong các ý nghĩ sau đây và bạn cứ bổ sung phần nội dung cho hợp với tình huống của riêng bạn.
- “Phải có một cái gì xảy ra trong đời tôi trước khi tôi có thể cảm thấy bình yên (hạnh phúc, thỏa mãn, v.v.) . Và tôi rất bất mãn vì điều này chưa xảy ra. Có lẽ thái độ bất bình này của tôi cuối cùng sẽ làm cho điều này xảy ra.”
- "Có một chuyện đã xảy ra trong quá khứ mà lẽ ra nó không nên xảy ra và tôi rất bất bình về chuyện đó. Nếu điều đó không xảy ra thì bây giờ tôi sẽ được yên ổn rồi."
- "Bây giờ đang có điều gì đó xảy ra, trong khi điều ấy lẽ ra không nên xảy ra như vậy. Nó làm cho tôi không được bình yên trong giờ phút này."
Thông thường, những niềm tin vô thức đó lại hướng về một người nào đó, nên "những gì đang xảy ra" bị biến thành một việc gì đó mà người kia “phải” làm.
- "Anh nên làm điều này, điều nọ để em cảm thấy được yên tâm. Em cảm thấy bực mình vì anh chưa làm điều này. Nếu em cố giữ lấy sự bất mãn của em thì biết đâu thái độ ấy sẽ làm cho anh muốn thực hiện việc đó”.
- "Có một điều gì đó mà anh (hay em) đã làm (hay không làm), đã nói (hay không nói) trong quá khứ đang làm cho em không có được sự yên tâm trong lúc này.
-"Những gì anh không làm (hay đang làm) vào lúc này khiến cho em cảm thấy không yên lòng”.
Bí quyết để có được hạnh phúc
Tất cả những điều tôi vừa nêu trên đều là những giả định của riêng bạn, những suy nghĩ không có cơ sở vững chắc, và thường bị nhầm lẫn với những gì đã hoặc đang xảy ra. Chúng là những câu chuyện do bản ngã bạn tạo ra để thuyết phục bạn rằng “ngay bây giờ” bạn “không thể” có sự yên lắng hay “không thể” được là mình một cách toàn vẹn. Được bình yên và được là chính mình, hai điều ấy chỉ là một. Bản ngã của bạn cứ muốn nói: “Có lẽ ở một thời điểm nào đó trong tương lai thì tôi sẽ có sự an bình khi điều này hay điều nọ xảy ra; hay khi tôi đạt được cái này hay cái kia”, hoặc: “Tôi không bao giờ được an bình vì có một chuyện gì đó đã xảy ra trong quá khứ”. Hãy lắng nghe những câu chuyện như thế của mọi người và bạn sẽ nhận thấy rằng, nếu cần phải đặt tựa đề cho những câu chuyện đó, thì chúng sẽ là: "Tại sao tôi không thể yên lắng được trong lúc này". Bản ngã của bạn không muốn biết rằng cơ hội duy nhất để bạn có được sự yên lắng là ngay trong phút giây này. Cũng có thể bản ngã của bạn đã biết và nó rất sợ là bạn sẽ tìm ra được chân lý này: Sự yên lắng của bạn chỉ có thể xảy ra trong phút giây này. Và cuối cùng thì chính sự im lắng sẽ chấm dứt bản ngã(20).
Vậy thì làm thế nào để ta có thể đi vào trạng thái im lắng ngay trong phút giây này? Bằng cách làm hòa với phút giây hiện tại. Vì phút giây hiện tại là nơi chốn duy nhất đời sống có thể xảy ra. Vì đời sống không bao giờ có thể xảy ra ở một thời điểm nào khác ngoài phút giây hiện tại. Hãy nhìn xem những gì sẽ xảy ra, những gì bạn có thể làm được, hay có thể chọn để làm, hay nói đúng hơn là qua bạn mà đời sống có thể biểu hiện ra, một khi bạn đã làm hòa với phút giây hiện tại. Có câu nói có thể chuyển tải được bí quyết của nghệ thuật sống, chuyển tải được bí quyết của tất cả thành công cũng như hạnh phúc, đó là: Hợp Nhất Với Đời Sống. Hợp nhất với Đời sống tức cũng là hợp nhất với phút giây hiện tại. Lúc ấy ta nhận ra rằng “bạn không đang sống” mà thực ra là đời sống đang sống qua con người của bạn. Đời sống là vũ công và bạn chỉ là vũ điệu.
Bản ngã thích sự bất bình của nó đối với thực tại. Vậy thì thực tại là gì? Là bất kỳ cái gì đang xảy ra, bất kỳ cái gì đang có mặt. Đức Phật gọi đó là tatata - tức là tính hiển nhiên, là chân như của đời sống, đó cũng là tính hiển nhiên của giây phút này. Chống đối lại tính hiển nhiên đó là một trong những đặc điểm chính của bản ngã. Nó tạo ra trạng huống tiêu cực làm cho bản ngã mạnh hơn, tạo ra nỗi bất hạnh mà bản ngã rất yêu thích. Cứ như thế, bạn làm khổ chính mình và làm khổ những người chung quanh mà bạn không hề hay biết; bạn không biết rằng mình đang tạo ra địa ngục trong thế giới này. Đây chính là bản chất của lối sống mê muội, hoàn toàn bị bản ngã kiềm chế. Bạn sẽ không thể tin được sự bất lực của bản ngã để có thể nhìn ra được chính nó và xem xét lại những gì nó đang làm. Bản ngã lên án người khác thế nào thì nó lại làm y như vậy mà không hề hay biết. Khi sự việc được nêu lên thì bản ngã của bạn sẽ giận dữ phủ nhận, hùng hồn tranh luận hay tự biện minh cho mình để bóp méo sự việc. Có nhiều người đang làm như thế, các tập đoàn kinh doanh và nhiều quốc gia cũng đang làm như thế. Khi tất cả những biện luận không thuyết phục được người khác thì bản ngã sẽ xoay sang chiến thuật la hét, lớn tiếng để trấn áp người khác hay thậm chí đi đến chỗ bạo hành. Giờ đây ta có thể hiểu được triết lý sâu sắc trong câu nói của Chúa Jesus khi đang bị gia hình trên cây thập tự giá: "Xin Cha hãy tha thứ cho họ, vì họ không biết họ đang làm gì"(21).
Để chấm dứt những khổ đau của thân phận con người trong hàng ngàn năm qua, bạn cần phải bắt đầu với chính mình và phải chịu trách nhiệm cho trạng thái tâm thức bên trong của mình ở bất kỳ giây phút nào. Hãy thường tự hỏi mình: "Ngay giây phút này, có cảm xúc tiêu cực nào ở trong tôi không?". Sau đó bạn hãy tỉnh táo và chú ý đến những suy nghĩ và cảm xúc của mình. Chớ coi thường những cảm giác bất an ở cấp độ thấp, dù dưới bất kỳ hình thức nào mà tôi đã được đề cập trước đây, như cảm thấy không hài lòng, hồi hộp hay ngán ngẩm. Cũng nên để ý đến những ý nghĩ có vẻ như để biện minh hay giải thích cho cảm giác bất an này nhưng thật ra chính là nguyên nhân gây ra những cảm giác này. Phút giây bạn nhận diện được một trạng thái tiêu cực ở trong mình là phút giây bạn đã thành công. Nếu không ý thức thì bạn sẽ luôn tự đồng nhất mình với những tâm trạng tiêu cực ở bên trong, và sự đồng nhất một cách vô thức đó chính là bản ngã. Khi bạn có nhận thức thì tự nhiên sẽ có sự phân ly bạn ra khỏi những ý nghĩ, cảm xúc và phản ứng tiêu cực. Ý nghĩ, cảm xúc và phản ứng vừa được nhận ra thì ngay trong phút giây đó bạn sẽ tự động chấm dứt sự đồng hóa mình với những suy tư, tình cảm đó. Bạn cảm nhận được bản chất chân thật của chính mình và tâm thức của bạn trải qua một sự chuyển đổi: Trước đây bạn là những suy nghĩ, cảm xúc và phản ứng tiêu cực, bây giờ bạn là ánh sáng của nhận thức, là Sự Có Mặt đầy ý thức đang chứng kiến những trạng huống tình cảm kia.
Có khi trong bạn bỗng dưng có một ý nghĩ: "Một ngày nào, tôi sẽ thoát khỏi sự kiềm chế của bản ngã". Ai đang nói vậy? Đó là tiếng nói của bản ngã của bạn đấy. Nhưng thoát ly khỏi sự khống chế của bản ngã không phải là việc lớn lao. Bạn chỉ cần ý thức được những ý nghĩ và cảm xúc khi chúng xảy ra ở trong bạn. Điều này có nghĩa là bạn chẳng cần phải "làm" gì mà chỉ cần tỉnh táo để “nhìn” ra. Như thế rõ ràng bạn chỉ cần có ý thức mà chẳng cần phải “làm” gì cả để thoát ra khỏi sự kiềm chế của bản ngã. Khi sự chuyển dịch này xảy ra, tức là sự chuyển dịch từ suy tư sang nhận thức thì cuộc đời của bạn sẽ được điều hành bởi một sự thông thái sáng suốt hơn là sự lém lỉnh của bản ngã ở trong bạn. Qua nhận thức, cảm xúc và ý nghĩ ở trong bạn cũng mất đi tính cá thể, do đó bản chất phi cá thể của ý nghĩ và cảm xúc được nhận ra. Không còn tư cách của một người nào ở trong đó nữa mà chỉ thuần là những cảm xúc, ý nghĩ nói chung. Toàn bộ lịch sử của đời bạn rốt cuộc chẳng có gì khác hơn là một câu chuyện hư cấu, một mớ những suy nghĩ và cảm xúc chỉ có tầm quan trọng thứ yếu và không còn chiếm hữu ở tuyến đầu của tâm thức bạn. Chúng không còn là nền móng cho cảm nhận của bạn về chính mình. Vì bạn là ánh sáng của sự Có Mặt, là sự nhận biết có trước và sâu sắc hơn bất kỳ một ý tưởng hay cảm xúc nào.
Những biểu hiện bệnh hoạn của bản ngã
Như chúng ta đã biết, bản chất cơ bản của bản ngã là bệnh hoạn nếu ta dùng từ này theo nghĩa rộng hơn để nói đến sự băng hoại và khổ đau. Một người bình thường có thể mắc phải nhiều chứng bệnh về tinh thần. Những chứng bệnh này mang đậm nét bản ngã mà ai cũng thấy được bản chất bệnh hoạn của nó, ngoại trừ người mắc bệnh.
Ví dụ, nhiều người mắc tật nói dối vì muốn chứng tỏ mình quan trọng hơn, đặc biệt hơn hoặc để trau chuốt hình ảnh của họ đối với người khác. Họ kín đáo khoe khoang rằng họ quen biết với nhân vật quan trọng này, với một người thành đạt kia, rằng họ có rất nhiều thành tích, năng lực và tài sản, hoặc bất kỳ điều gì mà bản ngã của họ thích đồng nhất vào. Ở một số người thì tật nói dối đã trở thành một thói quen không thể cưỡng lại được, vì họ bị thúc đẩy bởi cái cảm giác bất toàn của bản ngã và mong muốn được sở hữu "nhiều hơn". Nhưng hầu hết những gì họ kể với bạn về cuộc đời của họ chỉ toàn là những câu chuyện tưởng tượng, là một kiến trúc mà bản ngã của họ vẽ vời ra để cảm thấy lớn hơn, đặc biệt hơn. Cái hình ảnh lớn lao và phóng đại đó của bản ngã thông thường có thể lừa được một số người, nhưng không chóng thì chầy mọi người sẽ nhận ra đó chỉ là một câu chuyện hư cấu.
Chứng hoang tưởng đó về cơ bản là một dạng phóng đại của bản ngã. Nó thường là một câu chuyện mà đầu óc của bạn thêu dệt nên nhằm giải thích cho sự hiện diện của cảm giác sợ hãi thường trực ở trong bạn. Yếu tố chính của câu chuyện thường là một người nào đó (có lúc là rất nhiều người hay tất cả mọi người) đang có một âm mưu nào đó chống lại mình, muốn kiểm soát hay ám hại mình. Câu chuyện hoang tưởng ấy thường có vẻ nhất quán và lô-gic đến độ thuyết phục được những người cả tin. Tương tự như thế, một số những tổ chức lớn hoặc những quốc gia cũng có thể có những hệ thống, quan điểm và niềm tin mà căn bản chứa đầy tính hoang tưởng, không có cơ sở trong thực tế. Vì bản ngã rất sợ và không tin người khác nên nó thường có xu hướng nhấn mạnh sự "khác biệt" ở người khác bằng cách tập trung vào những khiếm khuyết mà nó tưởng tượng ra ở người kia và cho rằng những khiếm khuyết ấy là bản chất của họ. Nhiều khi khuynh hướng hoang tưởng này được phóng đại đến mức xa hơn và hiển nhiên biến người khác thành những quái vật thiếu nhân tính. Bản ngã của bạn rất cần đến người khác, nhưng vấn đề là từ đáy sâu của bản ngã, nó rất thù ghét và sợ hãi người khác. Câu nói "Địa ngục là người khác" của Jean-Paul Sartre là câu nói của bản ngã, nó xem việc giao tiếp với người khác là một cực hình. Những người mắc chứng hoang tưởng thường cảm nhận cực hình đó một cách thường trực. Còn ở những người mà bản ngã vẫn còn sai sử họ thì họ sẽ cảm nhận ở mức độ nhẹ hơn. Khi bản ngã ở trong bạn càng lớn thì bạn càng dễ cảm thấy rằng những vấn đề lớn trong đời sống của bạn là do người khác gây ra, và bạn sẽ làm cho đời sống người khác khó khăn hơn. Dĩ nhiên bạn không nhận ra được chuyện này. Bạn tin chắc rằng người khác luôn gây khó khăn cho bạn.
Chứng hoang tưởng cũng được biểu hiện dưới một triệu chứng khác, mang tính cực đoan hơn. Đó là khi người bệnh càng cảm thấy mình bị dò xét, ngược đãi, hay đe dọa thì họ càng có cảm giác rằng mình là trung tâm của vũ trụ và mọi thứ đều quy tụ chung quanh mình, lúc đó họ càng cảm thấy quan trọng và đặc biệt hơn, vì họ là tiêu điểm tưởng tượng của mọi người. Cảm giác tôi là một nạn nhân, là một kẻ bị người đời ngược đãi lại thường làm cho họ cảm thấy mình rất đặc biệt. Vì trong câu chuyện hoang tưởng này, họ thường gán cho họ vai trò vừa là nạn nhân vừa có khả năng trở thành người hùng; là người sẽ ra tay cứu vớt thế giới này hay sẽ đánh bại những thế lực đen tối kia.
Bản ngã tập thể ở nhiều dân tộc, nhiều quốc gia và các tổ chức tôn giáo lớn thường mang một yếu tố hoang tưởng mạnh mẽ: Chúng ta chống lại những kẻ thù địch xấu xa. Đó là nguyên nhân gây ra biết bao khổ đau cho con người. Ví dụ Tòa Án Xử Những Người Khác Tôn Giáo ở Tây Ban Nha, việc truy tố và hành quyết những kẻ dị giáo và các "phù thủy", quan hệ giữa các nước trong Thế chiến thứ nhất và thứ hai, chiến tranh lạnh giữa các siêu cường, chủ nghĩa McCarthy trong thập niên 1950 ở Mỹ, hay những xung đột kéo dài ở Trung Đông, tất cả đều là những chương đầy khổ đau trong lịch sử loài người đang bị khống chế bởi cơn hoang tưởng tập thể cực độ.
Nhiều người, nhiều tập thể hay các nước càng thiếu nhận thức bao nhiêu thì căn bệnh của bản ngã càng dễ mang tính chất bạo hành bấy nhiêu. Bạo hành là một hình thức rất man khai nhưng nó vẫn còn rất phổ biến để qua đó bản ngã cố khẳng định chính nó, chứng minh rằng nó luôn luôn đúng và người khác là sai. Đối với những người mất nhận thức sâu sắc, một cuộc tranh cãi dễ dàng dẫn đến tình trạng bạo hành. Tranh cãi là gì? Là khi hai hay nhiều người bày tỏ ý kiến của mình và những ý kiến đó khác nhau. Mỗi người đều tự đồng nhất với suy nghĩ của mình, nên những ý kiến và suy nghĩ của họ kết tụ thành một quan điểm nào đó mang đầy cảm nhận về bản thân mình. Nói khác đi: Tư cách và suy nghĩ của người đó được trộn lẫn vào nhau. Khi điều này xảy ra thì bạn sẽ bảo vệ cho ý kiến (suy nghĩ) của mình như thể bạn đang bảo vệ chính bản thân mình. Và trong vô thức, bạn cảm nhận và hành động như thể bạn đang đấu tranh để sống còn, do đó những cảm xúc của bạn sẽ phản ánh niềm tin mê mờ này. Những xúc cảm đó trở thành những cơn lốc: Bạn cảm thấy trong người bạn đang có cảm giác bực bội, nóng nảy hay hung hăng. Bạn cảm thấy mình phải chiến thắng bằng mọi giá, vì nếu không bạn e rằng bạn sẽ bị tiêu diệt. Nhưng đó chỉ là một ảo tưởng của riêng bạn. Bản ngã của bạn không biết rằng suy tư và những quan điểm trong cách tư duy đó của bạn không liên quan gì đến bản chất chân thật của bạn, vì bản ngã tự nó là loại suy nghĩ không được kiểm soát.
Thiền sư Hoằng Nhẫn(22) có câu: "Chân Lý Tối Thượng là cái không thể tìm kiếm được”(23). Chỉ cần bạn buông bỏ hết những định kiến sai lầm ở trong tâm mình". Điều đó có nghĩa gì? Hãy thôi tự đồng nhất bạn với những suy nghĩ miên man và lo sợ vẩn vơ ở trong lòng. Lúc đó Chân Lý Tối Thượng, bản chất chân thật của bạn, vượt thoát khỏi suy tư, sẽ tự trỗi dậy.
Làm việc mà không bị bản ngã khống chế
Hầu hết mọi người thỉnh thoảng đều có những phút giây không bị bản ngã khống chế. Ở những mức độ khác nhau, những người xuất sắc trong công việc phần lớn đều thoát ra khỏi sự khống chế của bản ngã trong khi họ làm việc. Có thể chính họ cũng không ý thức được điều này, nhưng công việc đã trở thành một thực tập tâm linh cho họ. Hầu hết những người đó đều có mặt trong khi họ làm việc nhưng thường lại rơi trở lại vào trạng thái mê mờ khi họ trở về với đời sống cá nhân. Điều này có nghĩa là trạng thái Hiện diện của họ chỉ giới hạn trong một lĩnh vực nào đó của đời sống. Tôi đã từng gặp các thầy giáo, nghệ sĩ, y tá, bác sĩ, các nhà khoa học, những người làm công tác xã hội, những người bồi bàn, anh thợ cắt tóc, một nhà doanh nghiệp, một chị bán hàng; những người này thực hiện công việc của họ một cách đáng khâm phục mà không hề muốn tìm kiếm một cái gì cho bản thân họ, họ hoàn toàn đáp ứng với bất cứ điều gì mà giây phút đó đòi hỏi. Những người làm việc trong tỉnh thức ấy hợp nhất với những gì họ làm, hợp nhất với phút giây hiện tại, với những người họ đang phục vụ hay công việc mà họ đang làm. Ảnh hưởng của những người đó vượt xa chức năng và trách nhiệm của những gì họ phải làm. Những người làm việc trong tỉnh thức ấy giảm bớt khuynh hướng ích kỷ ở những người mà họ tiếp xúc. Ngay cả những người đầy tính bản ngã nặng nề cũng có lúc cảm thấy thư giãn, buông bỏ sự phòng bị và thôi đóng những vai trò không thật khi tiếp xúc với những người làm việc trong tỉnh thức này. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi trong công việc, những người làm việc trong tỉnh thức này thường rất thành công. Hơn nữa, bất kỳ một ai, khi hợp nhất với những gì mình đang làm đều trở thành những người sẽ xây dựng nên một thế giới mới trên địa cầu này.
Tôi đã gặp những người có kỹ năng, có tay nghề cao, nhưng họ thường bị bản ngã của họ làm hỏng những gì họ muốn thực hiện. Đó là vì họ chỉ dành một nửa sự chú tâm của họ vào công việc mà họ đang làm, còn nửa kia của sự chú tâm là dành cho chính họ. Bản ngã của họ luôn đòi hỏi người khác phải công nhận họ; và khi chưa được công nhận đúng mức thì họ thường mất năng lượng do thái độ bực mình vì cảm thấy họ chưa được công nhận đầy đủ. Trong khi đó thì sự thật là dù người khác có công nhận bao nhiêu thì bản ngã của ta vẫn không bao giờ cảm thấy đủ. "Có ai đang được khen thưởng nhiều hơn tôi?" là mối bận tâm mà những người mang nặng bản ngã thường tự hỏi. Có khi họ làm việc chỉ cốt để có tiền bạc hoặc một chức vụ nào đó nên việc làm của họ thường chỉ là một phương tiện cho họ đạt mục đích. Và một khi công việc chỉ là một phương tiện để đạt được mục đích thì công việc ấy không thể nào có chất lượng cao. Khi đó, nếu có khó khăn hay chướng ngại nảy sinh, nếu mọi việc không được như mong đợi, nếu hoàn cảnh hay người khác không được như ý muốn, thì thay vì chấp nhận tình huống mới và tìm cách đáp ứng những đòi hỏi của phút giây hiện tại, họ sẽ phản ứng lại và tự tách mình ra khỏi tình huống đó. Họ cảm thấy cái "Tôi" của họ đang bị xúc phạm và họ hao tổn rất nhiều năng lượng cho việc giận dữ hay phản ứng thay vì dùng năng lượng ấy để giải quyết tình huống trong trường hợp họ không bị bản ngã chiếm hữu. Tệ hại hơn, loại năng lượng "phản kháng" tiêu cực này lại thường tạo ra những khó khăn mới, chướng ngại mới. Do đó, nhiều người quả thực là kẻ thù tệ hại nhất của chính họ.
Vì e rằng người khác sẽ thành công hơn hoặc được tín nhiệm nhiều hơn, nhiều người đã vô tình phá hoại chính công việc của mình khi từ chối sự giúp đỡ hay từ chối những thông tin từ người khác, hoặc cố tình tìm cách xuyên tạc người khác. Đó là vì đối với bản ngã thì sự hợp tác là một cái gì đó rất xa lạ, ngoại trừ khi nó đang toan tính một chuyện gì đấy. Vì bản ngã không biết rằng, ta càng hợp tác với người khác thì công việc của ta càng trôi chảy và ta càng dễ dàng nhận được nhiều sự hợp tác của người khác hơn. Khi bạn không muốn hỗ trợ, hoặc tệ hơn nữa là còn cố gây trở ngại cho người khác thì vũ trụ, biểu hiện qua con người và hoàn cảnh, cũng sẽ không hỗ trợ cho bạn vì bạn đang tự tách mình ra khỏi tổng thể của vũ trụ.
Bản ngã của bạn không biết rằng, trong chiều sâu của nó, có một cảm giác "chưa đầy đủ, chưa toàn vẹn" và cảm giác này làm cho bản ngã của bạn phản ứng với thành công của người khác như thể thành công đó lấy đi của bạn một cái gì. Bạn không biết rằng lòng ganh tị đối với thành công của người khác làm cho bạn giảm đi cơ hội được thành công. Muốn có thành công, bạn cần phải hoan nghênh bất cứ thành công nào của người khác(24).
Bản ngã trong khi ốm đau
Một cơn bệnh có thể làm cho bản ngã ở trong bạn lớn mạnh hơn hoặc suy yếu đi. Nếu bạn thường than vãn, cảm thấy tự thương xót mình hay chán ghét bệnh tật thì bản ngã của bạn sẽ lớn mạnh hơn. Bản ngã của bạn cũng lớn mạnh hơn nếu bạn cho rằng căn bệnh là một phần tư cách của bản thân mình qua thái độ: "Tôi là người phải gánh chịu căn bệnh này". Qua ốm đau chúng ta biết rõ con người thực của chúng ta hơn. Ở một số người, lúc bình thường thì bản ngã của họ rất lớn, nhưng khi bị ốm đau thì họ lại trở nên rất hiền lành và tử tế hơn. Có thể họ vừa nhận ra được một điều gì mới về chính họ mà trong cuộc sống bình thường họ đã không có cơ hội để nhìn ra. Có thể họ đã tiếp xúc được với sự thông thái ở bên trong nên mới có thể nói ra những lời rất hiểu biết. Nhưng một khi họ đã hồi phục thì năng lượng của những thói quen cũ sẽ trở lại và bản ngã của họ cũng trở lại.
Khi bạn ốm đau, mức năng lượng ở trong người bạn xuống thấp và sự thông thái trong cơ thể bạn có thể đứng ra để tiếp quản và sử dụng phần năng lượng còn lại để chữa lành cơ thể của bạn, vì thế mà trí năng tức là lối suy nghĩ của bản ngã không có đủ năng lượng để hoạt động. Bản ngã của bạn thực sự đã hoang phí rất nhiều năng lượng của bạn. Tuy vậy, trong vài trường hợp bản ngã cố giữ lại số năng lượng ít ỏi còn lại và sử dụng cho mục đích của riêng mình. Chẳng cần phải nói ra, những người mà bản ngã rất lớn thì khi ốm đau, họ thường phải mất một thời gian khá lâu mới có thể hồi phục trở lại. Một số khác khi mang bệnh thì không bao giờ có thể hồi phục: căn bệnh trở nên mãn tính và trở thành một phần cảm nhận sai lầm của họ về tư cách bản thân.
Bản ngã tập thể
Sống với chính mình quả thật đã là một điều khó vô chừng! Vì vậy, một trong những phương cách mà bản ngã toan tính để thoát khỏi những khó khăn của thứ bản ngã cá nhân là làm mạnh hơn và mở rộng cảm giác về cá thể bằng cách tự đồng nhất mình với một tập thể lớn hơn như một quốc gia, một chính đảng, một tập đoàn, một tổ chức, một câu lạc bộ, một băng nhóm, một đội bóng,...
Đôi khi bản ngã cá nhân dường như biến mất hoàn toàn khi một cá nhân cống hiến mình cho sự nghiệp của tập thể mà chẳng đòi hỏi gì đến phần thưởng, công lao hay địa vị cho riêng mình. Quả là nhẹ nhàng biết bao khi một người thoát khỏi gánh nặng đáng sợ của bản ngã. Các thành viên trong tập thể những con người ấy cảm thấy rất hạnh phúc và mãn nguyện, dù họ phải làm việc vất vả đến mấy hay hy sinh nhiều bao nhiêu. Có vẻ như họ đã vượt qua được sự khống chế của bản ngã. Câu hỏi cần đặt ra là họ đã thực sự có tự do chưa hay đơn giản là bản ngã của họ đã chuyển từ tính chất cá nhân sang tính chất tập thể?
Bản ngã tập thể cũng có những tính chất giống như bản ngã ở cá nhân, đó là nhu cầu có xung đột và kẻ thù, nhu cầu có được nhiều hơn, nhu cầu được cho mình là đúng và người khác là sai,... Và không sớm thì muộn, tập thể này sẽ xung đột với tập thể khác vì nó không ý thức được rằng nó luôn cần có sự mâu thuẫn và đối nghịch với nhóm khác để xác định ranh giới tức là có được một cá tính, tư cách riêng của nó. Do đó mà các thành viên không thể nào tránh được khổ đau vì những hậu quả của những hành động mang tính bản ngã mà họ đã làm. Đến lúc đó, họ có thể tỉnh ngộ và nhận ra rằng cái tập thể mà họ tự đồng hóa đó có yếu tố của sự điên rồ mạnh mẽ.
Thật đớn đau cho họ khi lần đầu tiên sực tỉnh và nhận ra rằng cái tập thể mà bấy lâu nay họ đã tự đồng nhất và phục vụ là một tập thể điên rồ. Có người trở nên hoài nghi, cay đắng và vì thế phủ nhận tất cả những giá trị mà họ đang có. Họ không muốn chứng kiến cái chết của bản ngã của cá nhân họ nên chạy trốn và tái sinh vào một bản ngã mới.
Bản ngã của tập thể thường có tính mê mờ hơn là sự mê mờ của bản ngã trong từng cá nhân. Chẳng hạn như những đám đông (là những bản ngã tập thể có tính tạm thời) có thể trở nên rất tàn ác mà một cá nhân tách rời khỏi tập thể đó sẽ không thể làm được. Nhiều quốc gia có những hành vi mà ta có thể nhận ra ngay rằng đây là những hành vi của người bệnh tâm thần.
Khi nhận thức mới trỗi dậy, một số người cảm thấy có cảm hứng lập nên những nhóm sinh hoạt phản ảnh một loại tâm thức giác ngộ. Do đó, đây không phải là những bản ngã tập thể. Vì những cá nhân trong những tập thể này không cần đến tập thể để định nghĩa nhân cách hay con người của mình. Họ không cần hình thức để xác định họ là ai. Ngay cả khi những cá nhân của tập thể ấy là một người chưa hoàn toàn thoát ra khỏi sự khống chế của bản ngã thì tự thân họ cũng có đủ nhận thức để nhận ra những biểu hiện của bản ngã ở trong họ và ở người khác, khi những lối cư xử này xuất hiện. Tuy vậy, ta phải tỉnh táo thường xuyên vì bản ngã ở trong bạn "sẽ" luôn tìm nhiều cách để chế ngự và lung lạc bạn bằng nhiều cách rất kín đáo và tinh xảo. Do đó, hóa giải bản ngã ở con người bằng cách mang nó ra dưới ánh sáng của nhận thức là một trong những mục đích chính của những nhóm này, cho dù họ là các cơ quan, trường học, các cộng đồng, hay các tổ chức từ thiện... Các tập thể đã giác ngộ sẽ hoàn thành một chức năng quan trọng trong sự trỗi dậy của nhận thức mới. Trong khi các tập thể mang tính bản ngã có khuynh hướng lôi kéo bạn rơi trở lại vào trạng thái mê mờ và khổ đau, các tập thể đã giác ngộ có thể là một trung tâm có sức thu hút cái nhận thức mới ấy và làm tăng tốc sự chuyển dịch ở tầm mức hành tinh.
Bằng chứng không chối cãi được của sự bất tử
Bản ngã xuất hiện khi có sự tách biệt trong tâm thức của con người, trong đó cá tính của con người bị tách ra thành hai phần riêng biệt mà ta có thể gọi là "Tôi", "chính tôi", (hoặc "Tôi" và "của Tôi"). Vì thế mỗi bản ngã đều mang đậm tính phân liệt (schizophrenic), với nghĩa phổ thông là một tư cách đã bị phân chia ra làm hai. Trong đó bạn sống với một hình ảnh trong óc về chính mình, một tư cách mà bạn chỉ quan hệ qua những suy tư ở trong đầu mình. Tự thân đời sống chỉ còn là một khái niệm và bạn bị tách rời khỏi bản chất chân thật của mình khi bạn nói: "Đời tôi". Phút giây bạn nói: “Đời tôi" và tin vào những gì mình nói (thay vì cách nói ấy chỉ là một quy ước của ngôn ngữ) thì đó cũng chính là lúc bạn bị rơi vào thế giới mê mờ. Nếu quả thực có cái gọi là "Đời tôi" thì điều này ám chỉ rằng tôi và đời sống là hai thứ tách biệt, và như thế Tôi có thể đánh mất đời sống của mình, đánh mất thứ báu vật tưởng tượng của mình. Khi đó, cái chết đã trở thành một thực tại và đầy tính đe dọa. Ngôn từ và khái niệm đã tách Đời sống ra thành nhiều phần mà trong đó mỗi phần đều không có gì là xác thực. Ta cũng có thể nói rằng ý niệm "đời tôi" là mê mờ căn bản của sự cách biệt, đó là nguồn gốc của bản ngã. Vì quả thực nếu tôi và đời sống là hai, nếu tôi tách rời khỏi đời sống thì tôi tách biệt với con người, với tất cả. Nhưng làm thế nào mà tôi có thể tách rời khỏi đời sống được? "Tôi" có thể tồn tại hay không nếu tôi bị phân ly với đời sống, với Hiện hữu? Đó là một điều không thể có. Vì thế mà không thể nào có những thứ như "đời tôi" và tôi không thể có một đời sống riêng rẽ. Vì tôi chính là Đời sống đó. Tôi và đời sống là một, không thể nào khác được. Vậy thì làm sao tôi có thể đánh mất đời sống? Làm sao tôi có thể đánh mất thứ mà tôi chưa bao giờ có được? Làm sao tôi có thể đánh mất Hiện hữu? Đó là điều không thể.
CHÚ THÍCH
1. Người ta không ý thức được vai tuồng mà họ đang diễn bởi vì họ chính là vai diễn đó: Khi ta đóng một vai diễn đến độ xuất thần, thì biên giới giữa kịch và đời sống trở nên mờ ảo. Khi bạn tự đồng hóa mình với một vai diễn, bạn không còn phân biệt được bạn và vai tuồng mà bạn đang diễn. Đời sống là một vở bi hài kịch mà bạn chỉ là một nhân vật ở trong vở bi hài kịch ấy. Đừng quá nghiêm trọng với đời sống, vì đấy chỉ là một vở kịch, tất cả chỉ để bạn, một cái gì Không Hình Tướng, Bất Diệt, Bao La, Vô Giới Hạn, kinh nghiệm được thế nào là giới hạn, là mang hình tướng, thế nào là sống, thế nào là chết của một con người, thế nào là khổ, là vui, là ngục tù, là giải thoát. Dù bạn là một người thánh thiện hay một kẻ tội đồ, không có gì trong đời sống này có thể thay đổi bản chất chân thật Bất Diệt, Bao La, Vô Giới Hạn ấy của bạn.
2. Khối khổ đau sâu nặng: Một phương pháp giúp bạn hóa giải nhanh chóng khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn là phương pháp buông bỏ chúng mỗi khi ở trong bạn đang có sự biểu hiện của khối khổ đau sâu nặng này. Khi bạn đang có tranh cãi hay bất hòa trong một quan hệ, bạn có thể cảm thấy bối rối, không biết mình nên làm gì, hơi thở của bạn bỗng trở nên khó khăn hơn. Có cảm giác đau đớn, khổ sở và nóng bức ở trong người bạn. Đó là một dấu hiệu rất tốt cho bạn biết là khối khổ đau sâu nặng ở trong mình đang hoạt động. Điều bạn cần làm lúc này là giữ im lặng, cố ý thở những hơi thở thật dài và thật sâu, ngưng lại tất cả mọi tranh luận với người kia. Nếu cần, bạn nên nhẹ nhàng nói cho người kia biết là bạn đang căng thẳng quá, cần ra ngoài để đi dạo, hay bạn phải rời xa nơi ấy để có thì giờ riêng phục hồi lại sự quân bình ở trong mình. Nói qua nói lại, hoặc tranh hơn thua, phải trái với nhau trong lúc này là một điều không cần thiết. Bạn giữ ý thức rằng những khổ đau này là cái đã có sẵn ở trong mình từ quá khứ, mà không phải người kia đã gây ra, nhưng bây giờ nỗi khổ ấy đang được biểu hiện ra để cho bạn có cơ hội để nhìn thấy và chuyển hóa khối khổ đau xưa cũ ấy.
3. Trong hành trình đi vào con đường tâm linh, họ không còn biết họ là ai nữa: Tác giả ngụ ý rằng đây là trạng thái bối rối rất tự nhiên khi ta không còn đồng hóa mình với những biểu hiện của bản ngã, những nhân cách, vai trò quen thuộc mà mình thường đóng trước đây.
4. Khuôn mẫu hành xử bó buộc của mình: Ví dụ như trong lĩnh vực nghề nghiệp, bạn có thái độ giữ kẽ, thủ thế, hoặc giấu nghề, không muốn chia sẻ với những người làm việc chung với bạn những kiến thức, những dữ kiện, thông tin cần được loan báo, hoặc những điều quan trọng không nằm trong sách vở mà chỉ một mình bạn biết. Bạn sợ rằng nếu người khác học được những điều này thì họ sẽ giỏi như bạn, hoặc vượt trội hơn bạn. Lúc đó bạn cảm thấy rằng bạn không còn ưu thế nào đó trong nghề của bạn, hoặc người ta sẽ không cần đến bạn nữa. Lúc đó bạn sợ rằng mình sẽ mất việc,... Bạn lý luận rằng: “Tôi đã bỏ mất nhiều công sức, và tiền bạc... mới học được những kiến thức quý báu này, bạn đâu thể tự nhiên ở đâu đến hỏi ngang xương vậy. Đâu có dễ vậy! Còn khuya tôi mới cho bạn biết!”. Nhưng đây chỉ là một lối hành xử bó buộc, và bị chi phối bởi bản ngã ở trong bạn, vì ở đây có ý niệm “kiến thức của Tôi”, “nghề nghiệp của Tôi”, và nhu yếu tranh đấu để sống còn “của Tôi” cần được bảo vệ.
5.
6. Các khuôn mẫu cư xử đã-được-khái-niệm-hóa đang giao tiếp với nhau: Nghĩa là bạn và người kia đang không thực sự giao tiếp với nhau như hai con người có tự chủ mà chỉ là những thói quen cư xử đã thành nếp của mỗi bên đang giao tiếp với nhau.
7. "Tớ được lắm!" là vai diễn của bản ngã rất phổ biến ở Mỹ: Là câu trả lời cho câu hỏi: “Sao, dạo này cậu vẫn thường chứ?”. Cả hai bên, người hỏi và người trả lời, đều hiểu ngầm rằng câu hỏi thăm kia chỉ là một câu nói xã giao, vì không ai thực sự quan tâm về tình trạng sức khỏe hay cuộc sống của người kia cả.
8. Những gì bạn đang suy nghĩ sẽ tạo nên những cảm xúc ở trong bạn: Đây là ảnh hưởng trực tiếp và rõ ràng nhất giữa những gì bạn nghĩ và những cảm xúc tương ứng trong cơ thể bạn. Một ý nghĩ lo lắng hay tiêu cực vừa phát sinh ở trong đầu bạn (như “Ồ, ngày mai mình sẽ mệt đuối người vì phải đi một quãng đường rất xa!”), và bạn cả tin vào ý nghĩ đó như là một điều gì xác thực, thì mặc dù bạn vẫn đang còn nằm ở nhà êm ấm, nhưng cơ thể của bạn thì bỗng dưng có cảm giác ê ẩm, mệt mỏi và căng thẳng xuất hiện, như thể bạn đang ngồi lắc lư trên một chuyến xe đò nhọc nhằn vì phải chạy qua một chặng đường dài. Mặt khác, nếu bạn nghĩ đến sự tươi mát, êm ả của một hồ nước trong trẻo, hay những bãi biển xanh ngắt với những rặng dừa ở một nơi nào đó thì bạn sẽ cảm thấy mình có cảm giác thư giãn, dễ chịu.
9. Đừng trở thành những suy nghĩ hay cảm xúc tiêu cực, mà hãy là nhận thức sáng tỏ đứng đằng sau những biểu hiện đó: Tức là không để cho mình tự đồng hóa với suy nghĩ hay cảm xúc, mà hãy có mặt để chứng kiến những biểu hiện nhất thời của suy nghĩ hoặc cảm xúc, chúng sẽ tan đi như sương buổi sớm. Điều bạn cần làm là có ý thức và thái độ chịu trách nhiệm cho những khó khăn, thống khổ ở trong mình. Bạn thực tập thở, vỗ về và chăm sóc cho nỗi khổ ấy. Bạn có thể tự nhủ: “Ồ, đang có một cảm giác khổ sở, ray rứt ở trong tôi. Nhưng tôi không phải là nỗi thống khổ này”. Do đó bạn có thể sẵn sàng để hiểu và buông bỏ hết những thống khổ này. Bạn buông bỏ những cảm giác khổ sở này như người ta quăng một cục than hồng đang cháy bỏng ở trên tay, hay buông một cánh diều để nó bay đi trong gió.
10. Khi chức năng làm bố mẹ trở thành một tấm căn cước: Tức là bạn nhầm lẫn vai trò mình đang làm như thể đó là tư cách bất di bất dịch; bạn tưởng lầm đó là con người của bạn.
11. “Bố/mẹ biết điều gì là tốt cho con": Bạn tin như vậy khi có ý nghĩ này về con mình. Nhưng bạn có hiểu rõ tâm tư, tình cảm và con người đặc thù riêng của con bạn để biết liệu điều bạn muốn chúng có được sẽ làm cho chúng hạnh phúc? Không khéo bạn đang ép buộc con bạn vâng theo những sở thích, quan điểm và ý kiến của riêng mình mà điều này có thể sẽ không phù hợp với cá tính của chúng.
12. "Trời hỡi, đây là những gì tôi đang làm ư?": Bạn có đang dùng uy quyền, mua chuộc, hoặc hăm dọa con bạn để chúng vâng lời bạn? Bạn có nhìn ra và tôn trọng sự khác biệt giữa bạn với con cái và cho phép chúng được tự do trong suy tư, nhận thức và hành động?
13. Khuôn mẫu mê mờ: Bạn thường than phiền với người khác rằng: “Con tôi là những đứa thật hư hỏng, chúng không có óc tự lập chút nào. Chúng luôn phụ thuộc vào tôi”. Nhưng bạn có can đảm để cho chúng ra đời tự kiếm sống không? Bạn có phụ thuộc vào chúng không, có e ngại rằng bạn sẽ đối diện với nỗi cô đơn khi tuổi già kéo đến, khi con cái của bạn đã dọn ra ở riêng? Bạn không biết rằng “cô đơn trong tuổi già” chỉ là một ý nghĩ mà bạn có thể buông bỏ và vượt thoát; ý nghĩ ấy chỉ có sức mạnh và trói buộc bạn khi bạn cả tin vào chúng.
14. Bạn không xem đó là một vấn đề của riêng bạn: Thực tập để chấp nhận vợ, chồng, bố mẹ, anh, chị, em hoặc những người đồng sự ở công ty bạn khi họ biểu lộ thái độ thiếu nhận thức trong những gì họ đang nói, đang nghĩ, đang làm liên hệ đến bạn; bạn thực tập lòng bao dung và không phản ứng lại với họ. Đây là những thực tập tâm linh rất thiết thực để giúp bạn nhận diện và vượt qua được bản ngã ở trong mình, vì bản ngã luôn phản ứng để bảo vệ mình khi nó cảm thấy tư cách của nó bị đe dọa. Thực tập lòng bao dung và không phản ứng lại với người khác là một thực tập sâu sắc, vì thực tập ấy sẽ cho bạn tiếp xúc được với sự tự do và niềm vui chân thật ở bên trong.
15. Một nếp suy nghĩ cũ, bị bó buộc bởi những gì đã xảy ra trong quá khứ: Tức là những suy nghĩ sai lầm, khắc khe của cha, mẹ bạn về bạn trong quá khứ bây giờ đã bị điều kiện hóa và trở thành là những suy nghĩ của chính bạn. Ví dụ một phán xét khắc khe, thiếu hiểu biết của cha mẹ bạn trong quá khứ, hoặc ngay cả trong lúc này: “Mày chỉ là đồ vô tích sự, ăn không ngồi rồi, chẳng làm nên trò trống gì!”. Vấn đề không phải là những gì cha mẹ bạn, hay ai đó đã nói với bạn và nói lúc nào, mà vấn đề ở chỗ bạn cả tin vào câu nói đó như là một điều gì xác thực. Bây giờ bạn đã sẵn sàng để vứt đi những rác rưởi này chưa?
16. Thói quen suy tư: Lo lắng là một thói quen cả tin vào những ý nghĩ tiêu cực thường xảy ra ở trong đầu bạn. Khi bạn đã tin vào một ý nghĩ như “Tôi sẽ mất việc” thì cơ thể bạn đang thư giãn bỗng trở nên rất căng thẳng, hơi thở bạn ngắn đi và gấp rút hơn. Nếu bạn không nhận ra trạng thái lo lắng và căng thẳng không có căn cứ này và để chúng kéo dài thì bạn sẽ bị mất sức và mệt rũ, vì bạn ăn không còn thấy ngon miệng, bạn ngủ không yên giấc... Điều cần làm là nhận ra mình đang lo lắng vì cả tin vào một ý nghĩ không xác thực. Cái mà bạn có thể làm là có sự chú tâm vào công việc mình đang làm, làm những gì mình được yêu cầu với thái độ không phản đối hoặc không tránh né công việc, học thêm những kỹ thuật có thể giúp nâng cao tay nghề của mình. Làm tất cả những gì bạn cần làm và sống vô tư, không lo sợ gì ở ngày mai. Vì thực ra bạn, hay bất kỳ một ai, không thể kiểm soát những gì sẽ xảy trong đời sống. Chuyện gì đến thì lúc đấy bạn sẽ giải quyết, chuyện gì chưa đến thì bạn chưa cần phải lo lắng. Dùng một cuốn sổ tay để ghi lại một việc gì bạn vừa nhớ ra rằng cần làm trong ngày mai thì sau đó bạn không cần phải bận tâm hoặc nhớ nghĩ đến chuyện ấy nữa. Lo lắng không thể giải quyết được vấn đề, vì lo lắng chỉ là lo lắng mà thôi; hành động của bạn, trái lại, là điều bạn có thể làm để giải quyết vấn đề cho bạn.
17. "Tôi không nên chịu khổ như thế này nữa": Đây chỉ là một ý nghĩ mà bạn cả tin, và bạn không ý thức rằng bên cạnh nỗi khổ vì tình huống mà bạn đang gặp phải, bạn còn khổ hơn nữa vì đã cả tin vào ý nghĩ này. Thực ra, khi bạn đang khổ thì nên hay không thì bạn cũng đang gánh chịu nỗi thống khổ đó. Nhưng bạn càng khổ sở hơn khi trong bạn có thái độ chống đối, không chấp nhận tình trạng và những gì mà bạn đang trải qua. Điều bạn có thể làm là buông bỏ thái độ chống đối và hoá giải những cảm giác khổ sở đang có mặt ở trong mình bằng cách tưởng tượng rằng bạn đang đứng tắm dưới một dòng suối mát mẽ, có một làn nước mát dịu đang chảy xuống mặt, xuống đầu, xuống cổ, xuống khắp người của bạn dội gột đi tất cả những nặng nề, khổ sở, nóng rát ở trong mình. Tiếp tục thở và để cho nước dòng suối mát dịu ấy làm lắng dịu lại tất cả những nỗi niềm ở trong mình, và bạn tỏ lòng biết ơn với trời đất trước khi chấm dứt thực tập quán tưởng này. Khi mọi chuyện im lắng lại thì bạn sẽ nhìn sâu vào vấn đề và chia sẻ những khúc mắc ở trong lòng. Thường thì hai bên có sự bất hòa là do hiểu lầm và thiếu sự thông hiểu với nhau.
18. Người chịu đóng đinh ở trên cây thập tự giá: Ý nói hình ảnh Chúa Jesus chịu đóng đinh trên cây thập tự giá là một biểu tượng cho trạng thái chấp nhận vô điều kiện, không phản kháng với tất cả những khổ đau mà ngài phải gánh chịu.
19. Bạn sẽ tự đánh mất chính mình qua những công việc bạn làm: Khi bạn không ý thức rằng mình chỉ đang đóng một vai trò nào đó trong đời sống (anh thợ máy, bác sĩ, kỹ sư, …) thì bạn sẽ bị cuốn vào nhịp độ của công việc, tự đồng nhất mình với công việc tức là cho mình chính là vai trò đó và tự đánh mất chính mình.
20. Sự cáo chung của bản ngã: Khổ đau là điều không dễ chịu gì, nhưng bạn có thể chịu được. Điều mà bạn không thể chịu nỗi là ý nghĩ “Có một bản ngã, một con người tách biệt trong tôi đang gánh chịu khổ đau”. Do đó bản ngã quả thực là một gánh nặng trong đời sống của bạn. Do đó, khi bạn quá khổ đau thì bản ngã của bạn là thứ sẽ bị thiêu đốt trước tiên, đó là lúc cáo chung của bản ngã.
21. Chính sự im lắng sẽ chấm dứt bản ngã: Khi bạn không còn thói quen cả tin vào những ý nghĩ, những thói quen phê phán người khác hoặc phê phán chính mình nữa,... thì lúc đó bạn không còn vấn đề gì nữa. Do đó mọi chuyện ở trong bạn sẽ im lắng lại và đó cũng là lúc cáo chung của bản ngã.
22. "Xin Cha hãy tha thứ cho họ, vì họ không biết họ đang làm gì”: Chúa Jesus cầu xin Thượng đế hãy tha thứ cho những người đã vu khống, đặt điều ngài, vì Chúa hiểu những người ấy không ý thức được những điều họ đang làm. Chúa không thấy rằng có một cá thể, một nạn nhân đang bị những người khác hành hạ, đánh đập. Trong lịch sử nước ta, Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông tha thứ cho những lỗi lầm của một số triều thần phản trắc đã từng viết những lá thư cầu cứu với nhà Nguyên, nên vào tháng 5 năm 1289, sau khi đánh thắng quân Nguyên lần thứ ba, Trần Thánh Tông đã sai người đốt hết đi tất cả những tờ biểu xin đầu hàng của một số triều thần nhà Trần để yên lòng những kẻ phản trắc, giữ tình đoàn kết của các quan trong triều đình.
23. Thiền sư Hoằng Nhẫn (602-675): Vị Tổ thứ 5 của Thiền Tông Trung Hoa, người chỉ ra phương pháp chứng ngộ nhanh chóng và rốt ráo theo phương pháp của Đức Phật dạy trong kinh Kim Cương. Trong kinh này có câu: “Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm”. “Ưng vô sở trụ” nghĩa là “Không để tâm chạy theo một ý nghĩ nào cả”, tức hành giả giữ tâm ý của mình trong im lặng, trong sáng, quan sát sự xuất hiện của mỗi ý nghĩ phát sinh ở trong tâm mình, nhưng nhất quyết không chạy theo và tự đồng hóa mình với những ý nghĩ đó. Nếu làm được như thế liên tục trong một thời gian thì tâm bạn sẽ đi vào trạng thái im lắng, có định lực và thoát nhiên chứng được tự tánh ở trong mình.
24. "Chân Lý Tối Thượng là cái không thể tìm kiếm được”: Chân Lý Tối Thượng không phải là một đối tượng, một vật gì ở bên ngoài mà ta có thể tìm ra được. Vì cái không hình tướng đang phát ra trong đôi mắt mà bạn đang nhìn để dõi tìm Chân Lý Tối Thượng, cái đó chính là Chân Lý Tối Thượng, cũng chính là bạn. Do đó Chân Lý Tối Thượng sẽ không bao giờ có thể được tìm ra ở bên ngoài. Chân Lý Tối Thượng chỉ hiển lộ khi bạn đã buông bỏ tất cả mọi ý niệm và ước muốn tìm cầu. Nhưng rốt cùng, Chân Lý Tối Thượng cũng không phải là một vật gì thuộc về thế giới hiện tượng này, vì Chân Lý Tối Thượng vượt thoát mọi ý niệm, vượt thoát không và thời gian.
25. Muốn có thành công, bạn cần phải hoan nghênh bất cứ thành công nào của người khác: Ám chỉ bạn phải trở thành cái mà bạn muốn có. Nguyên tắc “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” có nghĩa là bạn sẽ thu hút những năng lượng tương ứng mà bạn phát ra. Bạn muốn người khác cư xử chân thành với bạn thì bạn hãy cư xử chân thành với người khác, tự khắc người khác sẽ cư xử tương ứng với bạn.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 52.15.170.196 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đang online: Viên Hiếu Thành Huệ Lộc 1959 Bữu Phước Chúc Huy Minh Pháp Tự minh hung thich Diệu Âm Phúc Thành Phan Huy Triều Phạm Thiên Trương Quang Quý Johny Dinhvinh1964 Pascal Bui Vạn Phúc Giác Quý Trần Thị Huyền Chanhniem Forever NGUYỄN TRỌNG TÀI KỲ Dương Ngọc Cường Mr. Device Tri Huynh Thích Nguyên Mạnh Thích Quảng Ba T TH Tam Thien Tam Nguyễn Sĩ Long caokiem hoangquycong Lãn Tử Ton That Nguyen ngtieudao Lê Quốc Việt Du Miên Quang-Tu Vu phamthanh210 An Khang 63 zeus7777 Trương Ngọc Trân Diệu Tiến ... ...
Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.