Các kinh dạy về Tịnh độ nhiều như số cát sông Hằng, nay chỉ
lược nói ra đây một số để phá bỏ lòng nghi.
Trong kinh Đại Vô Lượng Thọ, đức Phật bảo ngài Di-lặc rằng:
Ở thế giới Ta-bà có bảy trăm hai mươi ức Bồ Tát ở địa vị
không còn thối chuyển sanh về thế giới Cực Lạc. Số Bồ Tát ở
địa vị thấp hơn thì nhiều không kể xiết, cũng đều được vãng
sanh. Không riêng gì thế giới Ta-bà này, cho đến các thế
giới trong khắp mười phương cũng có vô số các vị Đại Bồ Tát
đều niệm Phật A-di-đà, phát nguyện vãng sanh về cõi Phật ấy.
Kinh A-di-đà dạy rằng, nếu những kẻ nam, người nữ có lòng
lành, nghe giảng nói về Phật A-di-đà, bèn chuyên tâm niệm
danh hiệu ngài. Nhờ niệm danh hiệu Phật nên các tội nghiệp
đều diệt hết. Người ấy khi lâm chung liền được sanh về cõi
Cực Lạc của đức Phật A-di-đà.
Cũng trong kinh A-di-đà, đức Phật Thích-ca dạy rằng: Hết
thảy các ông đều nên tin theo lời dạy của ta và chư Phật.
Những chúng sanh nào được nghe pháp này, nên phát nguyện
sanh về thế giới của đức Phật A-di-đà.
Kinh Thập lục quán dạy rằng: Nếu kẻ nam, người nữ có lòng
lành, chỉ cần nghe danh hiệu Phật và hai vị Bồ Tát đã có thể
trừ dứt được tội nghiệp trong vô số kiếp sanh tử, huống chi
là nhớ tưởng, thường niệm. Niệm một câu Nam mô A-di-đà Phật
có thể trừ được những tội nặng trong tám mươi ức kiếp sanh
tử. Nếu có người niệm Phật thì nên biết rằng người ấy là đóa
hoa phân-đà-lỵ trong cõi người, là bạn tốt của các vị Bồ Tát
Quán Thế Âm và Đại Thế Chí.
Kinh Diệu pháp Liên hoa, phẩm Dược vương Bồ Tát Bổn sự dạy
rằng: Người nào nghe được kinh này, theo như lời dạy mà tu
hành, đến khi mạng chung liền đến cõi thế giới An Lạc của
Phật A-di-đà, hóa sanh trong hoa sen, ngồi trên tòa báu, có
các vị Đại Bồ Tát vây quanh. Người ấy chẳng còn bị các tâm
tham lam, sân hận, ngu si làm cho khổ não, cũng không còn bị
những sự xấu xa của lòng tự cao, ngã mạn, ganh ghét, đố kỵ
làm cho khổ não, đạt được các phép thần thông của hàng Bồ
Tát và chứng đắc Vô sanh Pháp nhẫn.
Luận Đại trí độ dạy rằng: Đức Phật là bậc Pháp vương cao cả
nhất, chư Đại Bồ Tát là những bề tôi trong Chánh pháp của
ngài. Những bề tôi này chỉ tôn trọng duy nhất bậc Pháp vương
là đức Phật mà thôi. Có những vị Bồ Tát tự nhớ lại thuở xưa,
vì chê bai pháp Bát-nhã nên đọa vào các đường ác, chịu vô số
nỗi khổ. Lại trải qua vô số kiếp tu tập các hạnh khác nhưng
cũng không thể thoát khỏi biển khổ. Sau nhờ gặp bậc thiện
tri thức dạy cho pháp niệm Phật A-di-đà, liền được dứt trừ
tội chướng, sanh về Tịnh độ.
Nay ta nên lễ tạ đức Phật A-di-đà. Vì sao vậy? Vì tất cả cha
mẹ, thân quyến, bạn bè, cho đến các bậc vua chúa trong cõi
trời, người cũng không ai có thể cứu độ ta thoát khỏi biển
khổ. Chỉ có đức Phật A-di-đà dùng nguyện lực mà tiếp nhận,
nhờ đó ta mới được thoát khỏi biển khổ.
Nên có kệ rằng:
Nếu ai muốn thành Phật,
Hãy niệm A-di-đà,
Ngay đời này toại nguyện,
Nên cúi đầu kính lễ.
Lại cũng dạy rằng: “Thời Phật còn tại thế, có một ông già
xin xuất gia, ngài Xá-lỵ-phất không thuận cho. Đức Phật quán
xét thấy người ấy trong kiếp trước khi đi kiếm củi trên rừng
bị cọp đuổi, chạy leo lên cây, sợ quá nên niệm Nam-mô Phật
không thành tiếng. Nhờ việc lành nhỏ nhoi ấy mà sau được gặp
Phật, được cứu độ và đắc quả A-la-hán. Ôi! Chỉ một lần xưng
danh hiệu Phật mà còn được giải thoát, huống chi là trọn đời
niệm Phật?
Sách Liên tông bảo giám chép rằng: Trong vô số đức Như Lai
nhiều như cát sông Hằng, đức A-di-đà là bậc nhất; trong vô
số cõi Phật mười phương nhiều như số hạt bụi nhỏ, cõi Cực
Lạc là nơi hướng về. Vững tin vào cõi Cực Lạc là pháp môn
giải thoát chân chánh, nhiệm mầu; xét kỹ về đức A-di-đà thật
là bậc cha lành của tất cả chúng sanh. Vì thế, một niệm khởi
lên mà thần linh đều biết, lòng tin sanh ra mà chư Phật đều
hiện. Vừa xưng niệm danh hiệu Phật là đã gieo hạt giống vào
thai trong hoa sen; một khi phát tâm Bồ-đề là đã nêu tên nơi
cõi đất vàng.
Nhờ có duyên lành mới được gặp, tự mình hiểu ra, tự mình tu
tập. Những ai lòng tin cạn cợt không thể tin nhận pháp này,
thật rất ngu si, lầm lạc; chỉ biết than vãn rằng gặp thời
mạt pháp, quá nhiều những cách hiểu sai lầm, tà vạy, chê bỏ
pháp Tịnh nghiệp, cho đó là phép quyền biến tạm dùng, khinh
rẻ sự trì tụng, cho đó là việc làm thô thiển. Như vậy há
chẳng phải là chìm đắm trong căn nhà đang bốc cháy, tự mình
cam chịu mãi mãi trôi lăn; làm trái lời Phật dạy, phải chịu
khổ đau mà uổng phí mất một đời đó sao?
Hãy tin rằng: nếu không nương nhờ sức Phật, không thể dứt
trừ nghiệp lực; không gặp được pháp môn này, không có đường
nào vượt thoát khỏi sanh tử. Cho nên những kẻ khinh rẻ, chê
bỏ pháp môn này là tự khinh rẻ, chê bỏ chính bản thân mình.
Những việc sai lầm rất dễ huân tập, giáo pháp chân chánh rất
khó được nghe. Vì thế phải trôi lăn mãi mãi trong ba đường
ác, nhiều kiếp không thể thoát ra!
Sách Tịnh độ cảnh quán yếu môn dạy rằng: Pháp môn Tịnh độ
chính là con đường thoát ra khỏi sanh tử của chúng sanh thời
mạt pháp, là con thuyền vững vàng để vượt qua biển khổ. Một
khi được sanh về Cực Lạc thì mãi mãi không còn thối chuyển,
được thân màu vàng ròng, bay đi tự tại, việc ăn mặc tự nhiên
có đủ, được thấy Phật, nghe pháp, mau chóng chứng đắc Thánh
quả.
Ở đó không có bị quấy rối bởi cọp, sói, sư tử, muỗi, ruồi,
sâu bọ; không bị khổ vì sấm sét, gió mưa, lạnh, nóng, đói,
khát. Hóa sanh từ hoa sen, tuổi thọ vô lượng. Không có mọi
nỗi khổ sanh, già, bệnh, chết, nên gọi là thế giới Cực lạc.
Cho nên, đức Thích-ca Như Lai vì muốn chúng sanh mê muội ở
cõi này được thoát khổ mới chỉ bày pháp môn đối trị. Đức cha
lành A-di-đà lại chỉ cho con đường tiếp dẫn. Vì thế mới khổ
công mỏi miệng ngợi khen nghiêng về Tịnh độ, rộng khuyên mọi
người phát nguyện vãng sanh, nguyên do là như thế.
Vì thế, các bậc hiền thánh, kẻ tăng người tục, nhờ niệm Phật
mà được vãng sanh số nhiều không kể xiết. Chỉ vì kẻ phàm phu
hèn kém, đắm say vướng mắc nơi trần tục, chẳng cầu ra khỏi,
cam chịu trôi giạt trong sanh tử, thật đáng thương lắm thay!
Sách An Lạc tập dạy rằng: Nếu có thể niệm Phật A-di-đà thì
dứt hết nghiệp chướng, sanh về Tịnh độ. Vì sao vậy? Ví như
có người dùng gân con sư tử làm dây đàn, tiếng đàn ấy vừa
khảy lên thì âm thanh của những cây đàn khác đều phải dứt.
Nếu người phát tâm Bồ-đề, thường niệm Phật A-di-đà thì hết
thảy nghiệp chướng phiền não nặng nề đều phải dứt.
Lại cũng như có người dùng các loại sữa bò, sữa dê, sữa lừa,
sữa ngựa cho vào trong một cái chén. Nếu lại cho vào đó chỉ
một giọt sữa sư tử thì các loại sữa kia đều hóa thành nước
lã.
Nếu có ai phát tâm Bồ-đề, thường niệm Phật A-di-đà thì hết
thảy những ma chướng xấu ác đều tự nhiên tiêu diệt, được
sanh về Tịnh độ.
Trong luận Quyết nghi dạy rằng: Thân người khó được, Tịnh độ
dễ sanh về. Vì sao vậy? Nếu không giữ được năm giới thì
không thể sanh trong hai cõi trời, người. Năm giới có giữ
gìn trong sạch mới được sanh ra làm người. Nhưng năm giới
thật khó giữ trọn, lại không có nguyện lực dắt dẫn, cho nên
nói rằng thân người khó được.
Người tu pháp Tịnh độ, chưa nói đến việc giữ giới có được
trọn vẹn hay không, chỉ cần niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà
thì dù đang mang tội nghiệp cũng có thể sám hối. Đến khi lâm
chung, đức Phật A-di-đà cùng các vị Quán Âm, Thế Chí và vô
số thánh chúng đều có nguyện lực nên cùng hiện đến tiếp độ,
dẫn dắt, cho nên nói rằng Tịnh độ dễ sanh về.
Trong Tịnh hạnh Pháp môn dạy rằng: Sám hối cũng giống như
siêng lau chùi tấm gương cũ, dần dần làm sạch đi những bụi
bặm bám từ lâu ngày. Niệm Phật cũng giống như may mắn gặp
được bậc vua hiền, tức thời được ra tay cứu vớt. Suốt bốn
mùa xuân, hạ, thu, đông, trong những lúc đi, đứng, nằm,
ngồi, thường nghĩ về cảnh Tịnh độ trang nghiêm, thường nhớ
tưởng đức Phật A-di-đà. Niệm Phật được như vậy thì tức thời
được pháp Tam-muội, việc sanh về Tịnh độ chẳng cần phải nghi
ngờ gì nữa.
Kinh Đại Tập Nguyệt Tạng dạy rằng: Thời mạt pháp, vô số
chúng sanh thực hành tu tập, chưa chắc đã có được một người
thành tựu. Đó đều do nơi cõi đời xấu ác có đủ năm sự uế
trược, việc học hỏi lẫn lộn khó thành. Chỉ riêng một pháp
niệm Phật là có thể khai thông đường vào. Nên biết rằng,
việc tự mình làm thật khó trọn vẹn, nhờ sức hỗ trợ bên ngoài
thì dễ thành tựu. Ví như kẻ hèn kém nhưng nhờ sức của bậc
Luân vương mà có thể bay lên chơi ở bốn cõi trời, như kẻ
phàm tục nhờ có liều thuốc tiên mà đến được miền Tam đảo.
Như vậy thật là đạo dễ thực hành mà mau chóng được thành
tựu. Lời lành đã chỉ bày tỏ rõ, nên hết lòng khắc sâu trong
xương thịt.
Luận Bảo vương dạy rằng: Người tắm trong biển cả là đã dùng
nước của trăm sông; người trì niệm danh hiệu Phật ắt phải
thành tựu Tam-muội. Ví như hạt châu quý có thể làm nước lắng
trong, khi thả vào trong nước đục, nước ấy không thể không
lắng trong. Cũng vậy, tiếng niệm Phật gieo vào tâm tán loạn,
tâm ấy không thể không có Phật.
Kinh Đại phẩm dạy rằng: Nếu người niệm Phật mà tâm tán loạn
cũng được thoát khổ, được phước không cùng. Huống chi là
những người niệm Phật với tâm an định, trên đạt mức nhất tâm
bất loạn, dưới cũng được thập niệm thành công.
Kinh Pháp hoa dạy rằng:
Dù cho tâm tán loạn.
Bước vào nơi tháp miếu.
Xưng niệm một hiệu Phật.
Đều đã thành Phật đạo.
Lại cũng dạy rằng:
Phật hiệu vang mười phương.
Lợi ích khắp chúng sanh.
Trọn đủ mọi căn lành.
Tâm bồ-đề thêm lớn.
Kinh Hoa nghiêm dạy rằng:
Trong tất cả oai nghi,
Thường niệm công đức Phật.
Ngày đêm không tạm dứt.
Việc như thế nên làm.
Lại cũng dạy rằng:
Thà chịu khổ địa ngục.
Được nghe danh hiệu Phật;
Còn hơn muôn cảnh vui.
Không nghe danh hiệu Phật.
Kinh Bảo Tích dạy rằng: Chúng sanh ở các phương khác được
nghe danh hiệu đức Phật A-di-đà, chỉ cần có thể sanh khởi
một niềm tin trong sạch, vui vẻ, ưa muốn, có bao nhiêu việc
lành đã làm đều hồi hướng phát nguyện sanh về cõi Phật
A-di-đà, liền được theo đúng ý nguyện mà vãng sanh, đạt địa
vị không còn thối chuyển, thẳng dần lên quả vị Phật.
Trong kinh Đại A-di-đà, phần Văn pháp nhân duyên, Phật dạy
rằng: Người thế gian được nghe danh hiệu đức Phật A-di-đà,
nếu khởi lòng từ mà vui mừng, cho đến tâm ý được thanh tịnh,
xúc động rơi lệ, đều là những người đã trải nhiều kiếp tu
hành đạo Phật, hoặc đã từng tu hành đạo Bồ Tát ở các cõi
Phật nơi phương khác, nên chẳng phải hạng người phàm.
Nếu có người không tin lời Phật, không tin việc niệm Phật,
không tin vào việc vãng sanh, đó đều là những kẻ từ nơi các
đường ác sanh về, nghiệp ác cũ vẫn chưa dứt sạch, vì ngu si
không hiểu nên chưa thể được giải thoát.
Có nhiều vị Bồ Tát muốn nghe kinh này mà chẳng được nghe.
Nếu được nghe rồi thì đối với đạo Vô thượng mãi mãi không
còn thối chuyển. Cho nên phải tin nhận mà trì niệm, theo như
lời dạy mà tu hành.
Nay ta vì các ông mà thuyết giảng pháp này, khiến các ông
được thấy đức Phật A-di-đà và cõi nước của ngài. Ta vì
thương xót chúng sanh nên mới đặc biệt truyền lại pháp này.
Phần Chánh pháp nan văn có kệ rằng:
Nếu chẳng nhiều đời tu phước huệ,
Không thể được nghe chánh pháp này.
Đã từng cúng dường các đức Phật,
Nên đủ nhân duyên hiểu nghĩa sâu.
Cõi Phật Di-đà vui vô hạn,
Chỉ riêng chư Phật mới rõ biết.
Thanh văn, Duyên giác khắp thế gian,
Dù cố hết sức không thể hiểu.
Pháp mầu của bậc Đại Pháp vương,
Cứu độ muôn loài thoát bể khổ.
Nếu ai thường xưng tán, thọ trì,
Ấy thật bạn tốt trên đường đạo.
Phật thuyết kinh này rồi, các vị Bồ Tát, Thanh văn, và tám
bộ chúng thảy đều vui mừng, tin nhận vâng làm theo.