Liên hữu Dương Thị Thu sinh năm 1948, cư ngụ ấp Bình Phú, xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Thân phụ là cụ ông Dương Văn Đốc, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Cảnh. Cô có cả thảy là mười một anh chị em và cô đứng thứ Chín trong gia đình.
Cô phát tâm ăn chay lúc 15 tuổi. Khi đó, trong nhà đã có vài người trường chay trước rồi. Nhằm lúc phong trào chấn hưng Phật Giáo tại Miền Nam rầm rộ, cô cũng có tham gia học lớp Giáo Lý do Bùi Văn Ưởng đảm nhiệm, đồng thời sau đó, cô làm công quả ban hậu cần cho các khóa học tiếp theo ở nhiều nơi.
Khi đến tuổi hoa xuân, cha mẹ cô định bề gia thất như bao nhiêu cô gái khác, cô ngỏ ý chối từ nhưng song thân vẫn nhất quyết vì đã lỡ hứa với đàng trai rồi. Vả lại, cha của cô vốn xuất thân từ nhà giáo, luôn giữ chữ tín làm đầu.
Sau ngày lễ hỏi, cô mang đồ nữ trang đến tận gia đình bên nam, nói rõ chí nguyện của mình là khao khát được chuyên tu. Bởi vì cõi đời là bể khổ, có gì bền chắc đâu mà phải nhận chịu trầm luân, khổ đau vĩnh viễn. Cơ hội gặp được Phật Pháp là ngàn năm muôn thuở. Do không muốn để cho dây oan ràng buộc, hầu rảnh rỗi tâm tư tiện bề tu tiến. Nên hôm nay, cô xin trả lại các món nữ trang để được tu hành.
Thấy thế, cha mẹ cô vừa mừng vừa lo lẫn lộn, bởi hai ông bà đã am tường Phật Pháp và cũng là Phật tử thuần thành. Vì biết:
“Tu là cội phúc tình là dây oan.
Sợ e chỉ được giữa đàng,
Nếu như gánh gãy họ hàng xót xa!”
Từ đó, cô thường nghiên cứu kinh sách nhất là quyển Khuyến Thiện và vài phẩm trong bộ Hiển Đạo. Những câu cô thường tâm đắc là:
“Rán tu đắc đạo cứu cửu huyền,
Thoát chốn mê đồ đến cảnh Tiên.”
Và:
“Mau thức tỉnh tu thân kẻo trễ,
Đến tội rồi mới hối muộn màng.
Chi cho bằng ta sớm lo toan,
Gìn giới luật nghe kinh trọng Phật.
Đến lâm chung quả lành đâu mất,
Cõi Tây Phương chư Phật đợi chờ.
Việc tu thân thiện tín hẫng hờ,
Chừng họa đến e cho khó tránh.
Môn Tịnh Độ là phương cứu cánh,
Rán phụng hành kẻo phụ Phật xưa.”
Hoặc là:
“Sâu duyên Phật khiến kiếp này tu được,
Rán tu đừng bỏ cuộc Nữ Nam ơi!
Tu một đời giải khổ cả muôn đời,
Đã chịu khổ nhiều rồi đừng chịu nữa.
Mau tìm chỗ an vui chư Phật ở,
Chớ chìm luôn trong biển khổ trần gian,
Nếu kiếp này bến Giác chẳng tìm sang,
Thì kiếp tới còn mang nhiều nghiệp báo.”
Bẩm tính của cô chất phác, vui vẻ, từ hòa. Nghề nghiệp chính của gia đình là ruộng rẫy.
Sau khi song thân mất, các anh chị lớn đều kết hôn và ra riêng, còn lại cô và người anh thứ Tám (Chú Tám Vuông) và mấy người em sống chung, cùng hai cô con gái của người anh thứ Ba (Ba Ngay) để lại. Kinh tế gia đình, dường như cô thủ vai chính yếu nhờ thể lực tốt và tinh thần trách nhiệm cao, lại hay nhẫn nại cần cù. Hằng ngày, chăm sóc năm công ruộng và năm công rẫy. Đôi lúc, phải đem sản phẩm ra tận chợ Long Xuyên hoặc Cần Thơ để bán, nên khả năng điều khiển các phương tiện giao thông như: xe honđa, ghe, tàu… đối với cô chẳng mấy khó khăn gì. Vóc dáng “liễu yếu, bồ đào” dường như biến mất, cô nghiễm nhiên trở thành một trang “trượng phu hảo hán” thì đúng hơn ! Thỉnh thoảng, cô cũng thường kết duyên với bà con lối xóm bằng cái nghề nấu món chay trong những dịp đám tiệc tại tư gia, thậm chí các con gái của anh chàng rể hụt năm xưa, đến nài nỉ cô nấu giùm nhân ngày lễ xuất giá, cô cũng vui vẻ hứa nhận.
Đến đầu năm 1995 cô ngã bệnh. Ban sơ không nặng lắm nên điều trị thuốc Nam lây lất qua ngày. Vài tháng sau nhiều hơn nên chuyển ra Bệnh Viện Chợ Rẫy, nhưng không phát hiện được rõ rệt là bệnh gì. Thế là về nhà cô dùng thuốc Nam tiếp tục. Kế đó, vào nằm Bệnh Viện Đa Khoa An Giang một tháng rồi cô lại ra Chợ Rẫy. Lần thứ hai, nơi đây chụp hình và làm một số cận lâm sàng mới phát hiện khối u ở phổi, bác sĩ đành bó tay vì ở thời kỳ cuối nên cho cô xuất viện ra về.
Lúc này bệnh khá nặng, toàn thân cô sưng lớn lên, y phục cũ không còn thích hợp nữa, phải may y phục mới toàn bộ. Đồng thời, mời ông lương y tên là Sáu Câu ở Mỹ Luông đến xem mạch, hốt thuốc Bắc, cứ hai, ba ngày đi rước một lần. Nhờ vậy bệnh được cầm cự cho đến khi cô mãn phần là hơn một năm trời.
Về phần công phu hành trì thì từ trước đến giờ, cô chỉ dừng lại ở làm lành lánh dữ, tu nhân xử thế mà thôi. Thời khóa sớm tối cũng đều đặn nhưng ngắn, sau lễ Phật cầu nguyện thì cô ngồi niệm Phật nửa tiếng. Đọc kinh sách hay nghe băng giảng cũng ít vì thời gian lo làm kiếm tiền và xã giao nhiều hơn. Có lúc, cô làm thêm nghề buôn bán: đường, đậu… để tăng thêm thu nhập, được vài năm đến chừng phát bệnh mới ngừng lại.
Khi bệnh tiến triển nặng, mình mẩy sưng phù lên, hành hạ cô bằng những cơn đau nhức khó kham nhẫn, cô tự nghĩ: từ nào tới giờ, mình lo tu hiền, đâu có làm cái gì ác đâu mà mang chứng bệnh khổ như vầy!
Người anh thứ Tám của cô tức là chú Tám Vuông, biết được nỗi lòng của em gái mình, liền giảng giải về lý nhân quả thông suốt cả ba đời: quá khứ, hiện tại và vị lai cho cô nghe, còn dẫn chứng lời Cổ Đức:
“Hiền mà khốn đốn vì hiền mới đây.
Hung được sướng vì gây phước trước,
Phước hết rồi não nuột bá ban.
Chớ rằng hung được nhàn an,
Còn hiền khốn đốn trách than Luật Trời.
Thần minh khắp mọi nơi đều có,
Sự dữ lành lớn nhỏ thấy qua.
Không riêng những việc làm ra,
Trong lòng mới tính cũng là hiểu thông.”
Nhờ vậy mà cô tỉnh ra, chí thành sám hối, dứt hết nghi lự hoang mang.
Nhân đó, chú còn khai thị sâu thêm về pháp môn Tịnh Độ, khuyên cô nên buông bỏ muôn duyên, chuyên lo trì danh cầu sanh Cực Lạc. Bởi vì, xác thân này là tứ đại: đất, nước, gió, lửa giả hợp tạm có chứ không thật. Cuối cùng rồi ai cũng phải bỏ lại hết: cát bụi sẽ trở về cát bụi, chỉ có cách ráng niệm Phật để Phật rước linh hồn… Nghe xong cô vui vẻ làm theo. Mầm móng Bồ- đề khởi sắc từ đây!.
******
Nhờ cả đời chân thật tu hiền, luôn sống vị tha, tận hết bổn phận, hy sinh gánh vác gia đình, chẳng than phiền giận hờn hoặc so đo tính toán nên hoàn cảnh bệnh là tăng thượng duyên thù thắng, giúp cô buông xả mọi thứ dễ dàng, tín nguyện mỗi lúc một sâu chắc và khẩn thiết, công phu hành trì miên mật, tinh thuần rất nhanh chóng. Cô có ý định ngưng uống thuốc để chuyên niệm Phật cầu vãng sanh nhưng gia đình và bè bạn khuyên ngăn, do vì tốn kém không nhiều lắm, cô cũng hoan hỷ thuận theo nên gác lại dự định đó.
Mãi đến giữa tháng 7 năm 1996 cô yếu nhiều, mỗi tối thân quyến và đồng đạo đều đến trợ niệm cho cô. Trưa ngày 24 thấy cô mệt nhiều, mấy mươi người xúm lại hộ niệm cho cô, được một lúc bỗng nhiên, cô khỏe khoắn trở lại, cô cho biết là Đức Quán Thế Âm hiện thân bảo rằng: bốn ngày nữa cô sẽ xả bỏ báo thân.
Ngày 26 cô bị mệt trở lại, cuộc hộ niệm tiếp tục diễn ra từ chiều cho đến 10 giờ tối, bỗng dưng cô khỏe hẳn lại như người bình thường. Chú Tám hỏi trong lúc mệt nằm li bì đó em có nhớ niệm Phật không, cô đáp là cô niệm Phật tha thiết, thì thấy Đức Phật hiện ra, và tường thuật lại rằng:
- “Đức Phật rầy tôi, thời gian qua công phu tu của tôi hơi giải đãi. Ngài còn cho biết, thời gian bệnh của tôi đó là lúc phải trả nghiệp nhiều đời. Đức Phật cũng khiển trách chung tất cả chúng sanh ở đời này tuy phát tâm tu thì đông nhưng thật tâm giác ngộ, quyết rứt danh - lợi - tình để trở lại nội tâm thì quá ít. Đức Phật dạy nên về nói lại cho mọi người được biết: Hãy cố gắng tu hành theo chánh pháp mà Phật Tổ đã dạy để được giải thoát an vui!...”.
Cô còn cho biết:
“Hai ngày nữa tôi sẽ được Phật rước!”
Có một người thân là cô Tý hỏi:
- “Chị Chín! Bây giờ, người ta múc kênh rạch, làm cầu đường, kéo điện dẫn nước, đời sống văn minh tiến bộ quá sung sướng. Sao chị không xin Đức Phật để được sống thêm?”
Cô đáp:
- “Thôi! Phật rước giờ nào đi giờ nấy, sống thêm có biết mình giữ được lập trường tinh tấn mãi không. Vả lại, cõi đời là giả tạm thì có cái vui nào được vĩnh viễn trường tồn, chỉ có cõi Cực Lạc mới là nơi An Dưỡng. Nay được Ngài thọ ký, lẽ nào lại xin ở lại cõi khổ này làm chi!”
Thời gian cô nói chuyện kéo dài hơn 30 phút, chú Tám vô cùng kinh ngạc. Xưa nay, sống chung trong nhà mà… em gái mình đâu có khả năng diễn thuyết hay ho quá mức… như thế này!!!. Có thể nói là trí tuệ của cô hiện giờ là hơn gấp mười lần so với lúc bình thường. Cho nên chú liền chạy lấy máy casset ghi âm, đến chừng mở lại, thì không có tiếng gì cả. Chú ngỡ là máy bị hư, cấp tốc chạy mượn máy thứ hai, nhờ cô lặp lại y như lần trước. Xong xuôi, mở nghe thì không có tiếng của cô, những câu hỏi của chú và cô Sáu Tý thì có. Chú cũng ngỡ là máy trục trặc bèn chạy mượn cái máy thứ ba về thì cô cho biết rằng, Phật không cho nói, rồi cô nằm im lặng.
Sáng ngày 27, triệu chứng sưng phù biến mất, những bộ bà ba cũ mặc vào rất vừa vặn. Từ đó, lúc nào cô cũng vui tươi niệm Phật.
Đến chiều ngày 28, khoảng 4 giờ, cô bắt đầu lên cơn mệt. Chú Tám bèn thỉnh nước cúng trên bàn Phật xuống đưa cho cô, cô đón lấy và nguyện lớn:
- “Nam Mô A Di Đà Phật.
Nhờ ân trên Đức Phật, từ bi gia hộ cho con uống ly nước này được tĩnh tâm trong giờ phút lâm chung!”.
Sau đó cô nhờ người nhà dìu mình lên giường. Vì bệnh phổi khó thở nên bấy lâu cô thường xuyên nằm trên võng có phủ trùm mùng lớn bên ngoài.
Do có thông báo trước nên chư liên hữu đến hộ niệm khá đông. Hộ niệm tới 5 giờ 55 phút tối thì cô nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng, tay vẫn còn chấp nơi ngực, gương mặt tươi sáng vui đẹp lạ thường. Nhằm ngày 28 tháng 7 năm 1996, cô hưởng dương 48 tuổi.
Trước đó cô có gởi cho ông Sáu Câu (lương y trị bệnh cho cô) một lá thư và dặn ông sau khi cô bỏ xác thì mở ra xem.
Thấy cô đã mất, ông Sáu liền giở thư ra đọc thì thấy cô cho biết ngày giờ cô vãng sanh và còn chúc ông vui khỏe.
(Thuật theo lời chú Tám Vuông anh của cô,
và cô Bé Hai cháu của cô)