Có người hỏi: “Lương Võ đế trọn đời thờ Phật, sau phải mất
nước tán thân. Tại sao có việc như vậy?”
Vô Tận đáp: “Đáng thương thay cho những người không rõ định
nghiệp. Thuở xưa, Khuê Thiền sư ở núi Tung Nhạc nói rằng:
‘Có ba việc Phật làm được và ba việc không thể làm được.
“Phật có thể xem tất cả hình tướng đều là không, thành tựu
trí tuệ biết hết tất cả, nhưng không thể diệt trừ định
nghiệp.
“Phật có thể rõ biết tâm tánh chúng sanh cùng mọi sự việc
trong muôn ngàn kiếp, nhưng không thể giáo hóa những kẻ
không có duyên.
“Phật có thể cứu độ hết thảy hữu tình, nhưng không thể độ
hết các cõi chúng sanh.
“Đó là ba việc mà Phật làm được và không thể làm được.”
“Nay có những kẻ trong lòng hừng hực, miệng ấm ức, nghe đến
tiếng Phật dường như oán thù, nhìn thấy chư tăng dường như
rắn rết. Đối với hạng người ấy, tôi thật chẳng biết làm sao!
Cho đến Phật còn không giáo hóa được những kẻ vô duyên, thì
tôi biết làm gì giúp họ?
“Những kẻ nghị luận đều cho rằng vua Lương Võ đế thờ Phật mà
mất nước. Những người nói như vậy thảy đều là chưa học hiểu
lẽ Phật, chưa đủ sức để cùng nghị luận.
“Vận nước dài hay ngắn, việc đời được an ổn hay loạn lạc, ta
nào biết được là do đâu? Như vua Nghiêu, vua Thuấn là bậc
đại thánh, mà ở ngôi chỉ có một đời. Về sự truyền ngôi đó,
do nơi con của hai ngài không tốt nên mới truyền ngôi cho
người khác. Con cái không tốt, lẽ nào là lỗi của trời hay
sao? Từ thuở mở nước cho đến đời Hán Minh đế, đạo Phật chưa
đến Trung Hoa, thế mà đất nước vẫn gặp nhiều ách nạn, đó là
tại sao vậy?
“Theo ghi chép của Trương Yến Công đời Đường thì triều Lương
có bốn vị đại thần rõ biết hết mọi việc biến hóa của trời
đất, quỉ thần, như nhìn trong lòng bàn tay. Thái tử Chiêu
Minh cũng được tôn xưng là bậc thánh. Đối với các bậc thánh
nhân như thế thì việc trị nước, giữ thiên hạ chẳng qua chỉ
là chút kiến thức dư thừa, lẽ nào không đủ sáng suốt để thấy
biết trước mà thận trọng chọn lấy những việc nên làm để bảo
cho Võ đế biết hay sao? Chỉ vì định nghiệp không thể tránh
khỏi đó thôi.
“Than ôi! Với định nghiệp thì không thể làm gì được, cũng
như không thể nhảy vào chỗ nước lửa! Nghiệp báo đúng kỳ thì
đến, cũng như bốn mùa không hề sai chạy. Như ngài Sư Tử Tôn
giả ở Ấn Độ, ngài Nhị tổ Đại sư ở xứ này, đều không tránh
được quả báo. Lại nữa, chẳng những ngài Sư Tử và ngài Nhị
tổ, cho đến Phật Thích-ca cũng không tránh khỏi nghiệp báo
phải ăn lúa ngựa, huống chi những kẻ phàm phu sơ học!
“Cho nên, người tu tập là thay đổi lỗi lầm ngày trước, tu
sửa việc ngày sau. Nếu nghiệp xưa đã phải trả, thì điều lành
trong tương lai lẽ nào lại không đến với ta? Như người hiện
nay mang thân nữ, quả thật có nhiều điều kém hơn nam giới.
Dù có gắng sức theo Phật tu trì, lẽ nào có thể biến hình
thành nam giới được sao? Tất nhiên phải chịu trải qua cho
hết thân nữ trong hiện tại, nguyện lực dù có cũng phải đợi
đến đời sau vậy.
“Lương Võ đế thọ 86 tuổi, không phải yểu mạng. Ông chết vì
bệnh, không đến mức đại ác. Chỗ sai lầm đến nỗi bỏ mạng là
khi thấy trước có họa sắp đến, bói được quẻ Càn, nơi thượng
cửu có biến, lấy theo ý là “sang quý mà không có ngôi vị, ở
trên cao mà không có dân” nên vua tự cho mình kém cỏi, muốn
mưu việc ngăn họa cầu phước. Lương Võ đế tự mình hiểu sai
như vậy, nào có liên quan gì đến Phật pháp?
“Lương Võ đế vốn căn khí Tiểu thừa, chỉ tin nơi nhân quả hữu
vi, nên không nhận hiểu được đại pháp của ngài Đạt-ma. Vua
lại quá câu nệ theo lối cũ, làm theo không chút quyền biến,
cũng có thể là do định nghiệp xui khiến như vậy chăng? Hơn
nữa, bậc thánh nhân lập nên Chánh pháp là vì cả thiên hạ đời
sau, nào phải chỉ riêng vì một người?
“Khổng tử nói: ‘Người nhân được sống thọ.’ Ngài cũng hết lời
khen ngợi Nhan Hồi là người nhân. Thế mà Nhan Hồi lại chết
yểu! Lẽ nào cho rằng lời của Khổng tử không đúng sao? Chẳng
qua lời ấy không phải chỉ nói riêng cho một người. Việc
Lương Võ đế thờ Phật cũng giống như đức nhân của Nhan Hồi đó
thôi!
“Quân loạn Hầu Cảnh tới mà chỉ tập họp các vị sa-môn tụng
kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật, đó là quá tin vào tích xưa mà
không có sự quyền biến thích hợp. Thật giống như Hướng Hủ
đời Hậu Hán, khi Trương Giác làm loạn lại dâng tờ biểu tiện
nghi, phần nhiều chê trách các quan tả hữu. Ông cho rằng
không cần hưng binh chống cự, chỉ dẫn binh tướng đến Hà
Thượng, quay mặt về hướng bắc mà đọc Hiếu Kinh, giặc sẽ tự
nhiên lui mất.
“Lại như truyện Cái Huân đời Hậu Hán kể rằng, niên hiệu
Trung Bình thứ nhất, người Khương ở phía bắc và bọn Biên
Chương nổi loạn ở Lũng Hữu, Phù Phong. Quan thái thú là Tống
Kiêu lo sợ vì có nhiều kẻ phản loạn liền bảo Cái Huân: ‘Dân
Lương Châu ít học nên người phản loạn rất nhiều. Nay phải
cho chép thật nhiều Hiếu kinh, buộc mỗi nhà đều phải học
tập, may ra sẽ làm cho họ biết việc nghĩa.’ Đó cũng là người
dùng không đúng cách, lẽ nào lại đổ lỗi cho Hiếu kinh hay
sao?
“Lại biết đâu rằng nghiệp trước của Lương Võ đế lẽ ra phải
chịu tai họa không chỉ chừng ấy, nhưng nhờ ngài làm việc
lành nên đã giảm bớt đi mới sống thọ được như thế.
“Vua thường hỏi thiền sư Chí Công về vận nước dài hay ngắn.
Thiền sư chỉ đưa tay chỉ vào nơi cổ họng. Đó là lời đoán
trước cái nạn Hầu Cảnh. Khi ngài Chí Công sắp viên tịch,
Lương Võ đế lại gạn hỏi việc sắp tới. Chí Công nói: ‘Khi nào
ngôi tháp của bần tăng hư hoại, xã tắc của bệ hạ cũng mất
theo.’
“Sau khi ngài Chí Công viên tịch, người vâng lệnh vua làm
tháp vừa xong, Võ đế bỗng nghĩ rằng: ‘Tháp bằng cây gỗ làm
sao được lâu bền?’ Liền ra lệnh phá bỏ để xây tháp bằng đá,
có ý muốn cho không bị hư hoại, mong được ứng với lời của
Chí Công. Ngờ đâu việc phá tháp vừa xong thì quân loạn Hầu
Cảnh cũng vừa vào thành! Bậc chí nhân há chẳng biết trước đó
sao? Lại như các vị An Thế Cao, Bạch Pháp Tổ, cố ý trả
nghiệp đời trước nên không chịu tránh né, tự đi vào chỗ
chết, vì biết rằng định nghiệp không thể trốn tránh. Hoặc
như Quách Phác đời Tấn (265-420) cũng biết mình chẳng khỏi
định nghiệp. Huống chi người biết rõ lẽ hư huyễn, xem cái
chết như chỗ đi về! Lẽ nào biết rõ có nợ đời trước mà đời
này lại muốn tránh né hay chống cự để khỏi trả hay sao?”