Đời nhà Tùy, khoảng niên hiệu Khai Hoàng (589-604), có ông
Triệu Văn Xương giúp việc cho chùa Thái Phủ, chết rồi sống
lại kể rằng: “Có người dẫn tôi đến chỗ vua Diêm-la, vua hỏi:
‘Trọn một đời qua có làm được phước nghiệp gì không?’ Tôi
đáp: ‘Nhà nghèo không thể làm được công đức gì, chỉ biết trì
tụng kinh Kim cang Bát-nhã mà thôi.’ Vua nghe xong chắp tay
khen rằng: ‘Lành thay! Công đức rất lớn!’ Liền tha cho sống
lại. Vua lại sai người dẫn đến trước cửa phía nam, nhìn thấy
Chu Võ đế ở trong một căn phòng, chỗ gần cửa ra vào, xiềng
xích vây quanh đến ba lớp. Võ đế gọi tôi nói rằng: ‘Ông về
nhà nhớ đến nói với Tùy Hoàng đế rằng: Các tội của ta đều xử
xong rồi, chỉ còn tội diệt Phật pháp rất nặng nên chưa dứt
được. Xin vua hãy vì ta tạo nhiều công đức, giúp ta được ra
khỏi địa ngục.’
“Khi tôi ra ngoài cửa thành, thấy một hầm phẩn lớn, từ bên
dưới thấy có một cái đầu tóc nhô lên, liền hỏi người dẫn
đường: ‘Ai đó vậy?’ Người ấy đáp rằng: ‘Đó là tướng nước Tần
tên Bạch Khởi, chịu tội đến nay chưa dứt.’”
Triệu Văn Xương được sống lại trở về rồi, liền đem chuyện ấy
tâu lên Tùy Văn đế. Vua liền sắc chư tăng ni trong thiên hạ
vì Chu Võ đế mà trì tụng kinh Kim cang, lập trai đàn cúng
thí rất lớn. Nhân đó sai chép chuyện này vào sử nhà Tùy.
Trong Cảm ứng phú có chép việc Sưu Tín đọa xuống địa ngục
làm con rùa chín đầu. Là vì Sưu Tín khi sống thường dùng lời
phù phiếm, láo xược mà bài xích đạo Phật, nên phải chịu báo
ứng như vậy. Đến khi hối lỗi thì đã muộn rồi!
Sách Danh thần ngôn hạnh lục có chép việc Vương Kinh Công có
đứa con tên Bàng, làm nhiều việc chẳng lành. Phàm những việc
xấu trái với đạo lý mà ông Kinh Công phạm vào, phần lớn đều
do nơi Bàng. Sau khi Bàng chết, Vương Kinh Công mơ hồ nhìn
thấy con mang gông sắt đứng bên cửa. Do đó mới sửa sang căn
nhà đang ở thành một ngôi chùa, vì con mà cầu phước đức
hướng về cõi âm, mong cho con thoát khỏi khổ nạn.
Lấy đó làm bằng chứng thì thấy trong sách của nhà Nho vốn đã
có nói về địa ngục rồi. Vậy mà lại nói thuyết địa ngục của
đạo Phật là không có, vì sao không chịu suy xét?
Nam sử có chép việc Lương Võ đế nằm mộng thấy vị tăng chột
mắt cầm cái lư hương nhỏ đi vào trong nội cung, dường như có
ý thác sanh vào cung vua. Sau khi vua tỉnh giấc thì trong
hậu cung vừa sanh được một hoàng tử. Hoàng tử ấy từ nhỏ đã
đau mắt, chữa trị không dứt được, cuối cùng cũng mù một mắt,
sau là Nguyên đế.
Sách Danh thần ngôn hạnh lục lại có chép việc ông Phạm Tổ Vũ
khi sắp sanh ra thì người mẹ nằm mộng thấy một người đàn ông
cao lớn đứng bên cạnh nói rằng: “Tôi là tướng nhà Hán, tên
Đặng Vũ.” Sau khi bà tỉnh giấc liền sanh ra đứa con trai,
mới đặt tên là Tổ Vũ. Vì trước kia ông Đặng Vũ là người có
đủ các nết tốt, nên sau đó bà mới đặt tên tự cho con là
Thuần Phu.
Lại như trong các sách sưu tập truyện tích, tạp sự, còn ghi
chép những chuyện như Bào Tịnh nhớ cái giếng đời trước,
Dương Hỗ biết được chiếc vòng đời trước, đứa con gái của
Hướng Tĩnh chết rồi tái sanh, hỏi cha mẹ tìm lại con dao, và
Văn Đạm thác rồi sống lại, nói chuyện bao hương để chứng
minh cho cha biết.
Lấy đó làm bằng chứng, trong sách sử của Nho gia vốn đã có
nói đến việc luân hồi. Vậy mà lại nói thuyết luân hồi của
đạo Phật là sai trái, vì sao không chịu suy xét?
Các thuyết về địa ngục, luân hồi đã nói qua như vậy, còn như
việc chết rồi mà hóa thành súc sanh cũng được ghi chép không
ít trong các sách của Nho gia.
Trong Tùy thư, Lý Sĩ Khiêm có ghi lại những việc ông Cỗn hóa
làm con năng, Đỗ Vũ hóa làm con đề quyết, Bao Quần hóa rồng,
Ngưu Ai làm cọp, Bành Sanh hóa thành heo, Như Ý làm chó,
Hoàng mẫu làm trạnh, mẹ ông Tuyên Võ làm con ba ba, Đặng
Ngãi làm bò, Từ Bá làm cá, Linh Hạ làm chim, Thư Sanh làm
rắn...
Ôi! Những chuyện ấy vốn chép ở sách Nho, chẳng phải do đạo
Phật nói ra.
Ông Hồng Mại có nói: “Chính tôi từng thấy những kẻ giết heo,
dê, tới lúc lâm chung nằm lăn dưới đất cất tiếng kêu la
giống như heo, dê...”
Người xưa nói: “Những kẻ hung bạo hết sức thì hóa làm cọp.”
Trình tử nói: “Chính tôi từng thấy một người dân làng hóa
làm cọp, lại dẫn con cọp khác về nhà bắt lợn ăn.”
Những chuyện như vậy, xưa nay từng có rất nhiều, sao người
đời chẳng chịu tin?
Trang Châu nói: “Vạn vật sanh ra do lẽ trời, cũng trở về
theo lẽ trời.” Cổ Nghi nói: “Người hóa thành loài khác cũng
không đáng lo.” Khổng tử dạy rằng: “Xét từ chỗ cội nguồn cho
đến tận cùng, nên biết được thuyết sanh tử.” Tin được lời ấy
thì biết rằng người ta không thể giữ mãi cái thân này. Nếu
ngược với điều lành, thuận theo điều ác thì không thể tránh
khỏi phải làm súc sanh!
Sách Huyền tông trực chỉ nói: “Người có lòng dạ như thú vật,
khi chết ắt phải làm thú vật. Kẻ sống có tình người, thuận
đạo trời, khi chết ắt sanh trong hai cõi trời, người.” Đó là
lẽ thật không thay đổi, sao nói rằng chẳng có luân hồi?
Tĩnh Trai học sĩ nói: “Dù thông minh cũng không thể chống
lại nghiệp lực, dù giàu sang cũng không thể thoát khỏi luân
hồi.”
Theo như trên mà suy ra thì Tam giáo đều có nói về việc này,
lẽ nào chỉ vì chưa thấy tận mắt mà không tin hay sao?
Cho nên, đức Phật mở lòng từ bi rộng lớn, chỉ bày giáo pháp
năm thừa. Nhân thừa dạy người giữ theo Năm giới, nhờ đó
thường được sanh làm người, không phải đọa làm thân súc
sanh. Thiên thừa dạy người tu tập Mười điều lành, nhờ đó
được sanh lên các cõi trời, không ở mãi trong cõi người. Ba
thừa sau nữa là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa cho đến Phật
thừa, nhờ tu tập theo đó mà dứt trừ vĩnh viễn sanh tử luân
hồi, sanh về Tịnh độ, được thường còn không diệt mất, chứng
đắc trí huệ Vô thượng, trở lại cứu độ chúng sanh.
Ôi! Chân lý cao xa của đạo lớn trong thiên hạ cũng không
ngoài những điều này!