Có người nói: “Thuyết về địa ngục không đủ để tin nhận.”
Nhất Nguyên này hỏi: “Thuyết về lao ngục thế gian cũng không
đủ để tin.”
Người kia hỏi: “Lao ngục thế gian hiện có, sao có thể không
tin?”
Đáp: “Lao ngục tuy có, nhưng với tôi là không.”
Người kia nói: “Tuy thầy không phải chịu cái khổ ở lao ngục,
nhưng cũng không nên nói chắc là không có.”
Nhất Nguyên đáp: “Đúng vậy, đúng vậy! Địa ngục cũng là hiện
có, sao ông lại không tin?”
Người kia nói: “Theo lời Chu tử thì người ta sau khi chết
hình hài rữa nát, hồn phách tan rã, cho dù có những việc
chặt, đốt, xay, giã... cũng chẳng nhằm vào đâu! Như vậy,
chuyện Mười điện Diêm-la ở âm phủ thật chẳng đủ để tin! Vậy
là rõ lẽ rồi!”
Nhất Nguyên đáp: “Thuyết ấy của Chu tử thật sai lầm lắm,
chẳng những trái nghịch với lý chính của đức Phu tử, lại còn
trái với những lời của chính Chu tử đã từng nói ra. Tôi hỏi
lại ông, Chu tử đã cho rằng thần hồn tan rã, vậy sao lại có
quỉ thần?
“Đức Khổng tử nói: ‘Nên kính quỉ thần mà tránh xa (vậy có
thể gọi là người có trí)’, hoặc nói: ‘Chẳng phải vong linh
tổ tiên của mình mà cúng tế (là siểm nịnh)...
“Lại nói rằng: ‘Lập ra nhà tông miếu là để vong linh tổ tiên
nhận sự cúng tế, hai mùa xuân thu tế tự là tùy theo mùa mà
tưởng nhớ.’
“Lại nói: ‘Lo việc phụng dưỡng thì cha mẹ được yên ổn; lo
việc tế tự thì vong linh tổ tiên nhận hưởng.’
“Lại nói: ‘Đối với tông miếu hết sức tôn kính thì quỷ thần
ghi nhận; lòng hiếu đễ hết mức thì cảm động thần minh.’
“Lại nói: ‘Đối với vua Vũ, ta chẳng có chỗ nào chê được.
Ngài ăn uống đạm bạc nhưng cúng kính quỉ thần trọng hậu.’
“Trong sách Lễ ký, đức Khổng tử nói: ‘Người thác rồi gọi là
vong linh. Lẽ ấy từ thời Ngũ đại không hề thay đổi.’
“Từ đó suy ra thì chẳng những đức Phu tử nói về quỉ thần,
cho đến các bậc hiền giả, triết gia trong khắp thiên hạ cũng
đều nói đến. Ông chẳng thấy trong các kinh truyện thánh hiền
đều có ghi chép chuyện quỉ thần, lẽ nào lại là không có như
Chu tử nói hay sao?
“Vả lại, chính Chu tử có dẫn lời Phạm Văn Chánh Công nói
rằng: ‘Nếu hưởng sự giàu sang một mình không biết giúp đỡ
người trong tộc họ, thì ngày sau làm sao nhìn mặt tổ tông
dưới suối vàng? Còn mặt mũi nào bước vào nơi thờ phụng ông
bà tiên tổ?’
“Chu tử đã nói là hình hài rữa nát, hồn phách tan rã, không
còn dấu tích gì, vậy người nào ở dưới suối vàng, ở nơi thờ
phụng tổ tiên? Lại người nào đến gặp mặt tổ tông? Như thế
thì việc Chu tử đem lòng dối trá nói ra lời sai trái là có
thể thấy được!
“Ngày xưa, vua Đường Thái tông sớm nghe được việc Võ hậu
muốn phá hoại cơ nghiệp nhà Đường. Vua toan giết bà, Viên
Thiên Cang can gián rằng: ‘Nếu bệ hạ làm việc giết hại, ắt
phải tái sanh trong chốn nhân gian, oán thù càng thêm sâu
nặng.’ Vua Thái tông cho là phải, bèn ép bà xuống tóc làm ni
cô, xây chùa Cảm Nghiệp cho bà ở đó tu hành. Chuyện này có
chép trong Lưu tam ngô tế giám, nhưng sách Thông giám đã
lược bỏ đi.
“Viên Thiên Cang nói rằng tái sanh ở nhân gian thì oán thù
thêm sâu nặng, còn Chu tử lại nói rằng hình hài rữa nát, hồn
phách tan rã. Lời nói của hai người ấy cách xa nhau như trời
với đất, vậy ai đúng, ai sai? Xét như ông Thiên Cang là
người đưa ra lý lẽ sáng suốt, đâu phải là lời nói với hạng
dân thường hằng ngày?
“Lại nữa, Tư Mã Ôn Công có hỏi Nguyên Thành Lưu tiên sanh
rằng: ‘Nhà Phật nói thiên đường, địa ngục, quả thật có hay
chăng?’ Ông Nguyên Thành đáp rằng: ‘Phật nói ra như vậy là
có lý, có tích. Xét về lý thì khiến cho người ta bỏ ác làm
lành. Luận về tích thì địa ngục hẳn là thật có. Như Trâu
Diễn có nói về những cảnh ở ngoài trời đất, có đến 8, 9 nơi
như những xứ Thần Châu, Xích Huyện... Trang tử có nói tới
những chỗ ngoài cả sáu phương, khi Thánh nhân còn cũng không
bàn đến, huống chi tai mắt của kẻ phàm phu không thấu tới,
sao biết là không có?’
“Ôn Công nghe rồi thay đổi thái độ mà chịu phục, từ đó cung
kính Phật pháp.”
Nhất Nguyên lại dẫn lời người xưa dạy rằng: “‘Thiên đường
chẳng có thì thôi, nếu có ắt người quân tử phải được lên.
Địa ngục chẳng có thì thôi, nếu có ắt kẻ tiểu nhân phải đọa
vào.’ Lời ấy đúng lắm thay!
“Nay tôi xin đưa ra một thí dụ để phá trừ nhiều chỗ nghi
ngờ. Này các vị, đã có bao giờ nằm mộng hay chăng?”
Đáp: “Có nằm mộng.”
Hỏi: “Khi nằm mộng, các vị có từng thấy vui sướng hay bị
buồn khổ chăng?”
Đáp: “Thật đã có những lúc vui sướng hay buồn khổ.”
Lại hỏi: “Trong lúc vui sướng hay buồn khổ đó, xét thấy là
thân thể mình thọ nhận hay là tinh thần thọ nhận?
Đáp: “Thân thể đang nằm trên giường, làm sao thọ nhận được?”
Nhất Nguyên nói: “Như vậy tức là tinh thần thọ nhận. Sự khổ
ở địa ngục cũng vậy, là do hồn phách tinh thần lãnh chịu,
chẳng phải thân thể này. Trong giấc mộng lúc sống còn có sự
sướng khổ, huống chi sau khi chết lại chẳng có địa ngục hay
sao?
“Nếu nghe theo lời của Chu tử, ắt phải khiến cho người đời
sau vào địa ngục cả. Vì sao vậy? Nếu có hạng người không tin
việc tội phước, ắt sẽ buông thả phóng túng làm các việc ác,
phải đọa vào địa ngục, chẳng phải là bị Chu tử làm hại hay
sao?
“Chu tử cố ý bài bác đạo Phật mà nói càn ra những lời như
vậy để mê hoặc lòng người, nên chẳng đáng tin theo. Lẽ ấy đã
rõ ràng rồi vậy.
“Than ôi! Sao chẳng biết sợ địa ngục, lại ngụy tạo cách biện
luận như nêu cao chánh đạo mà thật ra là phỉ báng bậc Đại
thánh, lừa dối kẻ mê muội, khiến cho cả mình và người đều
phải vào địa ngục? Thật đáng thương thay!
“Ôi! Có chốn lao ngục, kẻ phạm hình pháp phải chịu giam cầm;
có cảnh địa ngục, những kẻ làm ác cũng phải đọa vào đó. Ta
không phạm hình pháp nên không phải chịu vào lao ngục, không
làm các điều ác nên không phải chịu cảnh khổ địa ngục, nhưng
lẽ nào cứ chấp chặt theo ý riêng của mình mà nói quyết rằng
không có địa ngục hay sao?”
Người kia thưa rằng: “Đúng vậy, đúng vậy! Nhưng biết phải tu
sửa, vâng theo những gì để khỏi đọa vào địa ngục?”
Nhất Nguyên nói: “Các ông nên giữ bền sự trai giới, niệm
Phật, tham thiền, ắt sẽ chứng quả Bồ-đề, siêu thăng Cực lạc.
Nếu làm theo như thế, chẳng những khỏi rơi vào địa ngục, mà
cũng không còn phải thọ nghiệp nơi cõi trời nữa!