Bà Nguyễn Thị Chín sinh năm 1913, nguyên quán tại rạch Xẻo Cuông, ấp Thạnh Lợi I, xã Trung An, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ.
Khi đến tuổi trưởng thành, bà lập gia đình, sinh được năm người con thì chồng mất, lúc đó bà 31 tuổi. Ít lâu sau, bà tái giá với ông Nguyễn Văn Lạt, người cùng xứ sở, sinh thêm một gái và một trai. Nghề nghiệp chính là làm ruộng.
Tính tình của cụ rất hiền hậu, chân thật, hòa nhã với mọi người.
Vào khoảng tháng 4 năm 1969, lúc đó bà 56 tuổi, bèn phát tâm trường chay. Mặc dù thất học nhưng ký ức của bà rất tốt, kệ sám nghe qua vài lần liền thuộc lòng.
Kể từ lúc ông chồng mất, kinh tế gia đình lần lần sa sút, rồi rơi vào hoàn cảnh cơ hàn nghèo khó, thiếu thốn mọi mặt, nhà thì quá chật hẹp, cơm gạo không đủ ăn cho nên bà đã cảm nhận sâu sắc về lẽ vô thường và nỗi khổ của kiếp nhân sinh. Đúng như lời cảnh tỉnh của chư Cổ Đức:
"Cõi Ta Bà thế giới,
Hữu hình thì tất hoại.
Vạn vật chung số phần,
Chẳng phải riêng nhân loại.
Ai cũng lo giàu nghèo,
Ai cũng lo thắng bại.
Giàu nghèo rồi cũng thôi,
Thắng bại rồi cũng bãi.
Người đời không trường sanh,
Sự vật chẳng tồn tại.
Vật nối nhau tiêu tàn,
Người nối nhau chết mãi.
Cách sống có nhiều phương,
Cách chết có nhiều loại.
Sống đều sống không lâu,
Chết đều thân tan hoại."
Bạn đạo thân thiết với bà là bà Ba Vàng, bà Nguyễn Thị Xinh, Trương Thị Hần,... thỉnh thoảng, thường rủ nhau đi cầu an cầu siêu hoặc cùng nhau niệm Phật.
Trong hàng thân quyến có vị thông hiểu giáo lý nên mỗi khi đến thăm, đều khuyên bà ráng tu để mà giải thoát. Giảng giải tận tường về lý nhân quả, diễn tả cảnh thù thắng của thế giới Cực Lạc, nơi mà không còn một mảy may khổ đau nhơ nhiễm, với 48 lời đại thệ độ sanh của Đức Từ Phụ A Di Đà, cuối cùng, hướng dẫn bà phát nguyện vãng sanh và chí thành niệm Hồng Danh của Ngài, trong mọi oai nghi, mọi thời, mọi lúc, không phân ngày đêm, không chia sớm tối. Thế là, bà vui vẻ thực hành vì nhận thấy cảnh khổ của chính mình, của gia đình mình và của tất cả chúng sanh, lòng tin của bà ngày càng sâu chắc, công phu ngày một chuyên cần, xâu chuỗi không lúc nào rời tay. Những mong:
“Lòng luôn cho đời là vật hoại,
Nên chán không nên quảy vào tâm.
Mượn giả thân mở đạo huyền thâm,
Lấy kiếp giả để làm kiếp thật.
Sống thác vẫn một lòng theo Phật,”
Năm 1985 mắt bà bị cườm, dần dần không thấy đường nhưng vẫn tự chăm sóc, sinh hoạt cá nhân bình thường. Trong nhà chỉ có cô con gái thứ Bảy, hằng ngày bán bánh bò và tương chao nuôi bà, vì cô này sống độc thân, trường chay, tu hạnh xuất gia, còn người con trai thì đi làm ở xa. Lúc này bà niệm Phật tinh chuyên hơn, thường ngồi niệm Phật mãi, có khi suốt cả đêm.
Vào khoảng tháng 4 năm 1994 bà nhiễm bệnh rất nặng, song dần dần thuyên giảm, ba tháng sau bỗng nhiên tái phát, mỗi lúc một nghiêm trọng.
Đến ngày 27 tháng 7 năm 1994 cụ ngưng ăn, chỉ uống nước trắng mà thôi. Tình trạng này kéo dài suốt 50 ngày, mặc dù đau nặng nhưng cụ rất tỉnh táo, tay vẫn luôn lần chuỗi. Thấy thể trạng của bà rất nguy kịch, có người bàn với cô con gái của bà nên đi coi thầy. Cụ nghe được, ngăn lại và nói:
- "Bỏ dị đoan mới thấy đạo mầu."
Vào ngày 15 tháng 9 năm 1994, cụ nói với con:
- "Mẹ thấy cảnh hoa sen và hoa cúc nở rộ đẹp lắm!"
Và còn nói:
- "Má thấy có người tướng mạo đẹp lắm, cho má biết bảy ngày nữa, má sẽ về Phật!"
Từ lúc ấy về sau, thần sắc của bà luôn vui vẻ khác thường.
Ngày 17 tháng 9, cụ bảo con gái đi gọi hết các con lại để bà gặp mặt lần cuối. Cũng ngày này, bà ngưng luôn uống nước, liên tiếp ba ngày.
Khoảng 1 giờ sáng ngày 21 tháng 9 năm 1994, có một luồng ánh sáng thật sáng, rọi xuống mùng, con trai thứ Năm đang hộ niệm cho bà, cứ ngỡ là đèn của người đi soi cá, vì lúc này, vào mùa nước nổi.
Đến 6 giờ 30 có bà con lại thăm, trong đó có liên hữu Lầm, anh hỏi bà:
- "Bà còn nhớ niệm Phật không, bác Chín ?"
Cụ gật đầu.
Liên hữu đề nghị:
- "Đâu bác niệm lớn thử coi!"
Cụ liền cất tiếng niệm lớn, âm thanh rõ ràng, mọi người đều nghe. Hộ niệm đến 7 giờ 30, tay cụ đang lần chuỗi, bỗng lặng yên mà qua đời. Cụ hưởng thọ 81 tuổi.
Bốn tiếng đồng hồ sau, rất nhiều đồng đạo khám nghiệm tử thi thì thấy các nơi đều lạnh, duy đỉnh đầu hãy còn nóng ấm.
Một liên hữu thường đi đây đó quảng bá Phật Pháp, đã kính cẩn dâng lên bà mấy dòng thi như sau:
"Xẻo Tràm cô Chín xã Trung An,
Tám mươi mốt tuổi chết thanh nhàn.
Chay lạt hăm lăm, năm tháng lẻ,
Quyết lòng niệm Phật đến Tây Phang.
Ấm lạnh tình đời không vướng bận,
Khen chê được mất cũng chẳng màng.
Biết được bảy ngày nương Phật cảnh,
Mới hay Tịnh Độ diệu muôn ngàn!"
(Thuật theo lời cô Nguyễn Thị Long, con gái thứ Bảy của bà)