Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» A Tì Đạt Ma Câu Xá Luận [阿毘達磨俱舍論] »» Bản Việt dịch quyển số 21 »»

A Tì Đạt Ma Câu Xá Luận [阿毘達磨俱舍論] »» Bản Việt dịch quyển số 21


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.51 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.6 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luận Câu Xá

Kinh này có 30 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 |
Việt dịch: Đạo Sinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phần 21
Trước đây trong phần nói về tùy miên và triền, Thế tôn chỉ nói đến các loại lậu (āsrava), bộc lưu (ogha), v.v. mà thôi hay còn có các loại khác?
[Do sự khác nhau của kết, v.v.
Nên lại nói có năm loại.]
Luận: Vì các phiền não kết sử (saṃyojana), hệ phược (bandhana), tùy miên (anuśaya), tùy phiền não (upakleśa), và triền (paryavasthāna) khác biệt nhau nên lại nói rằng có đến năm loại.
(Hỏi) Kết sử là gì?
Tụng đáp:
[Chín kết có vật, thủ như nhau
Nên lập thành hai loại là kiến kết và thủ kết
Do tính chất bất thiện
Và tự tại sinh khởi nên
Trong số các triền, chỉ tật và kiên
Được lập thành hai loại kết;
Hoặc vì hai loại này thường hiện hành,
Vì là nhân của sự nghèo hèn,
Vì hoàn toàn hiển lộ ở tùy phiền não,
Vì não loại hai bộ.]
Luận: Có chín loại kết sử là ái (anunaya) khuể (pratigha), mạn (māna), vô minh (avidya), kiến (dṛṣṭi), thủ (parāmarśa), nghi (vicikitsā), tật (īrṣyā), kiên (mātsarya).
Ái kết (anunayasaṃyojana) là tham của cả tam giới (traidhātuka rāga). Tính chất của các loại còn lại được giải thích tùy theo từng trường hợp riêng của chúng; (tỷ dụ như các loại kết sử thứ hai, thứ tám và thứ chín chỉ có riêng ở Dục giới).
Kiến kết (dṛṣṭisaṃyojana) bao gồm ba loại kiến đầu tiên là thân kiến, biên chấp kiến và tà kiến.
Thủ kết (parāmarśasaṃyojana) bao gồm hai loại kiến cuối cùng là kiến thủ và giới cấm thủ.
Có một vấn đề được đặt ra ở đây: Có trường hợp một người bị trói buộc với các pháp tương ưng với kiến (tức các thọ, v.v. tương ưng với thủ) là chỉ do ái kết chứ không phải kiến kết, và trong lúc đó loại kiến tùy miên (dṛṣṭyanuśaya) lại không thể tùy tăng ở nơi các pháp này không? - Vẫn có trường hợp này. Chúng ta hãy xét đến trường hợp một người đã khởi cái biết về “tập” (tập trí, samudayajñāna) nhưng chưa khởi cái biết về “diệt” (diệt trí, nirodhajñāna). Lúc đó người này có khởi ái kết đối với các pháp tương ưng với các kiến (dṛṣṭ) về kiến thủ và giới cấm thủ, tức là các pháp được đoạn trừ bởi Diệt Đế và Đạo Đế. Người này lúc đó sẽ bị ràng buộc với các pháp này do bởi ái kết chứ không phải kiến kết; bởi vì người này đã đoạn trừ loại kiến kết biến hành (sarvatraga) thuộc kiến khổ tập đoạn, và lúc đó không có loại kiến kết phi biến hành duyên các pháp này hoặc tương ưng với chúng. Tuy nhiên kiến tùy miên vẫn tùy tăng đối với các pháp này bởi vì hai loại kiến và thủ (thủ kết) nếu chưa được đoạn thì vẫn tùy tăng.
(Hỏi) Tại sao lập ba loại kiến đầu làm thành một loại kiết sử (kiến kết) và hai loại cuối cùng làm một loại kết sử khác (thủ kết)?
(Đáp) Vì có số lượng các sự vật (dravyas) bằng nhau, vì đều có chung tính chất “thủ” (parāmarśa) nên hai loại kiến cuối cùng được lập riêng thành một kết.
Ba loại kiến đầu tiên tạo thành mười tám sự vật riêng biệt. Tà kiến thuộc Dục giới được đoạn trừ bởi mỗi một trong bốn đế; và hai loại kiến cuối cùng - gồm mười hai kiến thủ và sáu giới cấm thủ - cũng như vậy.
Khác với ba loại kiến đầu tiên, hai loại cuối cùng đều có thể tánh thuộc về thủ. Chúng lấy ba loại kiến đầu tiên làm cảnh nhưng ba loại đầu tiên lại không thể làm như vậy.
(Hỏi) Tại sao tật và kiên được lập thành hai loại kết khác nhau trong khi các loại triền khác lại không thể làm như vậy?
(Đáp) Tật và kiên được lập thành kết vì trong số các triền thì chúng là loại vừa có tánh bất thiện lại vừa sinh khởi tự tại - ở đây khi nói “tự tại” là hàm ý chúng chỉ bị ràng buộc với vô minh - trong khi các loại triền khác lại không có đủ cả hai tính chất này trong cùng một lúc. Có ý kiến cho rằng lý do trên chỉ hợp lý đối với các luận sư chỉ thừa nhận tám loại triền; đối với các luận sư thừa nhận có đến mười loại triền thì lý do trên không giải quyết được khó khăn này bởi vì phẫn (krodha) và phú (mrakṣa) đều có cùng lúc hai tính chất bất thiện và tự tại sinh khởi, và như vậy lẽ ra chúng cũng được xếp vào loại kết sử.
Ở các nơi khác (Madhyama, 56, 12; Majjhima, i. 432; Saṃyukta, 21, 21), Thế tôn nói rằng trong số các kết sử có năm kết sử thuộc “phần dưới” (thuận hạ phần).
[Lại có năm kết thuộc loại thuận hạ phần,
Vì hai kết không vượt được Dục giới,
Và ba kết phải trở lại Dục giới.
Vì bao hàm môn, căn nên chỉ có ba;
Hoặc vì sự không muốn đi,
Sự mê mờ và nghi ngờ chính đạo
Thường chướng ngại sự đi đến giải thoát
Nên chỉ nói đoạn ba.]
Luận: Năm loại này là hữu thân kiến, giới cấm thủ, nghi, dục tham (kāmacchanda) và sân khuể (vyāpādā). Chúng được gọi là thuận hạ phần (avarabhāgīya) bởi vì chúng có liên hệ và thuận hợp với “phần ở phía dưới” (avarabhāga), tức chỉ cho Dục giới (Vibhāṣā, 49, 2).
Như vậy trong số này có hai kiết sử khiến cho người ta không thể vượt qua được Dục giới và ba kết sử khiến cho người ta phải trở lại Dục giới.
Dục tham và sân khuể ngăn chận sự xuất ly Dục giới; thân kiến và hai loại kết sử còn lại làm cho những người đã xuất ly Dục giới phải trở lại ở đó; chúng không giống như viên cai ngục và các ngục tốt.
Các ý kiến khác cho rằng vì ba kết sử trên mà người ta không thể thoát khỏi tình trạng tồn tại một cách thấp hèn (sattvāvaratā), tức chỉ cho tính chất của dị sinh (Pṛthagjana); và vì hai loại kết sử trên mà người ta không thể thoát ra khỏi cảnh giới ở bên dưới, tức chỉ cho Dục giới; đây là lý do tại sao năm loại này có tên là “hạ phần”.
(Hỏi) Thế tôn có nói đắc được quả Dự lưu (Srotāpanna) là nhờ đoạn trừ toàn bộ ba kết sử được nói đến ở trên (paryādāya trisaṃyojanaprahāṇāt); nhưng nếu là Dự lưu thì cũng phải đoạn trừ thêm ba loại kiến là biên chấp kiến, tà kiến và kiến thủ. Như vậy đối với trường hợp của dị sinh, lẽ ra Thế tôn phải gọi các kiến này là kết sử?
(Đáp) Lẽ ra phải như vậy nhưng vì ba loại đầu có bao hàm cả “cửa” và căn (nhiếp môn căn). Có ba nhóm phiền não (kleśa): (1) Nhóm đơn (duy nhất thông, ekaprakāra) được đoạn trừ bởi kiến Khổ Đế, tức thân kiến và biên chấp kiến; (2) nhóm đôi (nhị thông) được đoạn trừ bởi kiến Khổ Đế và Kiến đạo Đế, tức giới cấm thủ; (3) nhóm bộ tứ (tứ bộ) được đoạn trừ bởi kiến Tứ Đế, tức nghi, tà kiến và kiến thủ. Vì thế khi nói đến ba loại kết sử đầu tiên, Thế tôn có ý chỉ cho “cánh cửa” của các phiền não khác, tức là nơi bắt đầu của mỗi một nhóm phiền não. Ngài cũng có ý chỉ cho căn bởi vì biên chấp kiến vận hành được (pravartita) là nhờ thân kiến; kiến thủ vận hành được là nhờ giới cấm thủ, và tà kiến vận hành được là nhờ nghi.
Có thuyết cho rằng sở dĩ ba kết này được nói đến là vì có ba sự việc ngăn ngại giải thoát là sự không muốn đi (bất dục phát), sự mê mờ chánh đạo, và sự nghi ngờ chánh đạo. Cũng giống như trên thế gian ba sự việc này có thể ngăn cản sự đi đến một nơi khác thì đối với Thánh đạo chúng cũng có thể có sự ngăn ngại như vậy: (1) Thân kiến gây ra sự sợ hãi đối với giải thoát và khiến người ta không muốn đạt đến đó; (2) giới cấm thủ thì vì nương vào một con đường tu tập khác nên làm cho người ta bị mê mờ chánh đạo; (3) và nghi chính là sự nghi ngờ đối với chánh đạo. Thế tôn vì muốn dạy rằng hàng Dự lưu đã đoạn trừ được ba loại chướng ngại này cho nên mới nói là họ đã đoạn trừ ba kết sử.
Giống như trường hợp của năm kết sư “thuận hạ phần”, Thế tôn cũng đã dạy về năm loại kiết sử “thuận thượng phần”.
[Thuận thượng phần cũng có năm kết
Là hai loại tham thuộc sắc và Vô sắc giới,
Trạo cử, mạn, và vô minh
Vì cản trở sự vượt qua thượng giới.]
Luận: Năm kiết sử này được gọi là “thượng phần”. Điều này hàm ý người ta không thể vượt qua các giới ở trên (thượng giới) nếu chưa đoạn được các kiết sử này. Đến đây đã kết thúc phần nói về kiết sử.
(Hỏi) Có bao nhiêu loại phược?
Tụng đáp:
[Có ba loại phược vì có ba thọ]
Luận: Phược có ba loại là tất cả các tham (rāga), tất cả các sân (dveṣa), và tất cả các si (moha).
(Hỏi) tại sao chỉ có ba loại này được gọi là phược?
(Đáp) Là vì có ba thọ. Tham tùy tăng theo lạc thọ, lấy lạc thọ làm sở duyên và tương ưng với nó; đối với khổ thọ thì có sân; đối với xả thọ thì có si; và cũng có cả tham lẫn sân nhưng không bằng si. Hoặc khi nói “có ba phược vì có ba thọ” là nhằm chỉ cho loại cảm thọ cá nhân (tự tương tục).
(Hỏi) Đã giải thích về phược, vậy tùy miên là gì?
Tụng đáp:
[Tùy miên đã được nói ở trên.]
Luận: [Tùy miên có sáu loại, bảy loại, mười loại, hoặc chín mươi tám loại như đã nói ở trên.]
(Hỏi) Tùy phiền não là gì?
Tụng đáp:
[Ngoài số này ra tùy phiền não
Còn là các nhiễm tâm sở thuộc hành uẩn.]
Luận: Các phiền não còn được gọi là tùy phiền não (upakleśa) vì chúng làm cho tâm nhiễm ô (cittopakleśanāt = cittakleśakaraṇāt).
Ngoài phiền não ra, các tâm sở nhiễm ô thuộc về hành uẩn (saṃskāraskandha) cũng được gọi là tùy phiền não; có nghĩa là các tâm sở này được tìm thấy ở cạnh phiền não hoặc các phiền não được tìm thấy ở cạnh chúng. Chúng không phải là phiền não bởi vì chúng không phải là căn; và đã được nói đến ở kinh Tạp sự (Kṣudravastuka).
Tiếp theo đây sẽ là phần trình bày sự liên hệ giữa phiền não với các triền và phiền não cấu (kleśamalas).
[Tám triền là vô tàm, vô quý,
Tật, kiên, hối, miên,
Trạo cử và hôn trầm;
Hoặc mười triền nếu kể thêm phẫn và phú.
Vô tàm, kiên, trạo cử,
Đều sinh khởi từ tham;
Vô quý, miên, hôn trầm,
Do vô minh sinh khởi;
Tật và phẫn sinh khởi từ sân;
Hối từ nghi; phú từ tránh.]
Luận: Phiền não còn được gọi là triền như trong khế kinh có nói: “Người ta trải quả một nỗi khổ xuất phát từ triền; triền này chính là tham.”
Phẩm loại Túc luận dạy rằng có tám loại triền; Tỳ-bà-sa lại nói đến mười loại, tức thêm vào phẫn (krodha) và phú (mrakṣa): (1) - (2) vô tàm (āhrīkya) và vô quý (anapatrāpya) giống như đã được giải thích trước đây; (3) tật (īrṣyā) là tâm đố kỵ trước sự hưng thịnh của người khác; (4) kiên (mātsarya) là tâm keo kiệt, đi ngược lại sự bố thí về pháp (dharma) và tài vật (āmiṣa); (5) trạo cử (auddhatya) giống như đã trình bày ở trước; (6) hối (kaukṛtya) có hai loại thiện và bất thiện nhưng chỉ có loại nhiễm ô mới gọi là triền; (7) hôn trầm (styāna), giống như đã được trình bày ở trước; (8) miên (middha) là sự bạc nhược, sự dằn nén (abhisaṃkṣepa) của tâm khiến cho tâm không còn khả năng điều khiển thân (kāyasaṃdhāraṇa); miên có ba loại là thiện, nhiễm và vô ký nhưng chỉ có loại nhiễm ô được gọi là triền; (9) phẫn là tâm giận dữ đối với chúng sinh (sattva, tình) cũng như với các sự vật (asattva, phi tình); nhưng không giống như sân (vyāpāda) và hại (vihiṃsā); (10) phú là sự che dấu lỗi lầm của mình.
(Hỏi) Nguồn gốc của các triền là gì?
(Đáp) Vô tàm (āhrīkya), trạo cử (auddhatya), và kiên (mātsarya) xuất phát từ tham (rāga); hôn trầm (styāna), miên (middha), và vô quý (anapatrāpya) xuất phát từ vô minh (avidyā); hối (kautṛtya) xuất phát từ nghi (vicikitsā); tật (īrṣyā) và phẫn (krodha) xuất phát từ sân (pratigha). Ở đây khi nói “xuất phát” là hàm ý “tuôn chảy” (niṣyanda, đẳng lưu). Về phú (mrakṣa) đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Có người cho rằng phú xuất phát từ ái (tṛṣṇā); có người cho rằng xuất phát từ vô minh; có người cho rằng có thể xuất phát từ ái hoặc vô minh tùy theo trường hợp liễu tri hay không liễu tri.
Như vậy mười tùy phiền não trên đây chính là đẳng lưu của các phiền não.
[Các phiền não cấu tiết ra từ các phiền não, cũng giống như các chất cấu bẩn tiết ra từ thân thể.] Như vậy các phiền não cấu là gì?
[Sáu phiền não cấu là não,
Hại, hận, siễm, cuống, kiêu.
Cuống, kiêu, khởi từ tham
Hại, hận khởi từ sân;
Não khởi từ kiến thủ;
Siễm khởi từ các kiến.]
Luận: Cuống (māya) lừa phỉnh người khác (paravañcanā); siễm (śāṭhya) là sự không thẳng thắn của tâm khiến cho người ta không nói đúng sự thật hoặc là không chịu bác bỏ những lúc cần phải bác bỏ, hoặc là giải thích theo một cách mơ hồ; kiêu (mada), giống như đã được trình bày ở trước; não (pradāśa) là sự cố chấp việc ác (sāvadyavastuparāmarśa, chấp chư hữu tội sự) khiến cho người ta không chịu nghe theo các lời khuyên can; hận (upanāha) là sự thù hận; hại (vihiṃsā) là sự oán ghét được biểu hiện qua các việc làm và lời nói có hại cho người khác.
Cuống và kiêu xuất phát từ tham; hận và hại xuất phát từ sân; não xuất phát từ kiến thủ (dṛṣṭiparāmarśa); siễm xuất phát từ kiến.
Siễm là đẳng lưu của kiến (dṛṣṭi) bởi vì có bài tụng nói: “Sự khuất khúc (kauṭilya) là gì? - Đó là ác kiến”.
Triền và cấu sinh khởi từ phiền não; vì thế chúng được gọi là tùy phiền não.
(Hỏi) Tùy phiền não được đoạn trừ như thế nào?
Tụng đáp:
[Các triền vô tàm, vô quý, miên,
Trôn trầm, trạo cử thuộc kiến tu sở đoạn;
Các triền còn lại và phiền não cấu
Vốn tự tại nên chỉ thuộc Tu đoạn.]
Luận: Trong số mười triền nói trên thì năm loại đầu tiên - bắt đầu từ vô tàm (āhrikya) - vì tương ưng với hai phiền não nên được đoạn trừ bởi Kiến đạo và Tu đạo. Chúng được đoạn trừ bởi Kiến đạo khi loại phiền não mà chúng tương ưng cũng thuộc về Kiến đoạn. Số còn lại (tật, v.v.) chỉ được đoạn trừ bởi Tu đạo vì chúng thuộc loại “tự tại” (svatantra) và chỉ tương ưng với vô minh. Các phiền não cấu cũng được đoạn trừ giống như vậy.
(Hỏi) Có phải tất cả tùy phiền não đều thuộc tánh bất thiện?
Tụng đáp:
[Ba tùy phiền não ở Dục giới
Thuộc hai tánh; số còn lại là ác;
(tùy phiền não) ở thượng giới đều thuộc tánh vô ký]
Luận: Hôn trầm, trạo cử và miên thuộc tánh bất thiện và vô ký. Bên trên Dục giới, ở nơi nào có các tùy phiền não thì ở nơi đó chỉ có loại vô ký (avyākṛta).
(Hỏi) Có bao nhiêu tùy phiền não ở các giới khác nhau?
Tụng đáp:
[Siễm, cuống ở Dục giới và sơ định;
Ba loại ở cả ba giới; số còn lại thuộc Dục giới.]
Luận: Siễm và cuống chỉ có ở hai giới là Dục giới và Sắc giới. Không thể nghi ngờ về điều này bởi vì Đại phạm vương (Mahābrahman) đã có ý lừa phỉnh Bí-sô Mã thắng (Āyuṣman Aśvajit) khi tự đưa ra một định nghĩa không chính xác. Điều này đã được nói đến trước đây nhưng vì có liên quan đến tùy phiền não nên được nhắc lại ở đây. Ba loại hôn trầm, trạo cử, và kiêu có ở cả ba giới. Trong số mười sáu tùy phiền não - mười triền và sáu cấu - thì mười một loại chỉ tồn tại ở Dục giới; tức loại trừ siễm, cuống, hôn, trầm, trạo cử và kiêu.
(Hỏi) Trong số các phiền não và tùy phiền não, có bao nhiêu loại chỉ có ở giới địa của ý căn (manas), và có bao nhiêu loại ở giới địa của sáu thức (ṣaḍvijñānabhūmika)?
Tụng đáp:
[Loại thuộc Kiến đoạn, mạn, miên,
Và các tùy phiền não tự tại,
Đều khởi từ ý địa;
Số còn lại nương vào sáu thức.]
Luận: Các phiền não và tùy phiền não thuộc Kiến đoạn chỉ nương vào ý thức (manovijñāna); mạn và miên, vốn thuộc Tu đoạn, cũng có sở y là ý thức bởi vì cả hai loại này đều là giới địa của ý ở cả ba giới. Các tùy phiền não “tự tại” thuộc tu sở đoạn cũng thế.
Các phiền não và tùy phiền não khác đều nương vào sáu thức. Đó là tham thuộc Tu đoạn, sân, vô minh; các tùy phiền não tương ưng với chúng là vô tàm, vô quý, hôn trầm, trạo cử, và các phiền não thuộc nhóm đại phiền não địa pháp.
(Hỏi) Phiền não và tùy phiền não tương ưng (saṃprayukta) với những loại căn nào của thọ?
(Đáp) Trước hết hãy kể đến các phiền não thuộc Dục giới:
[Các phiền não Dục giới
Có tham tương ưng với hỷ và lạc;
Sân tương ưng với ưu và khổ;
Si tương ưng với tất cả;
Tà kiến tương ưng với ưu và hỷ;
Nghi tương ưng với ưu; năm phiền não còn lại tương ưng với hỷ
Tất cả đều tương ưng với xả.
Ở thượng địa thì tương ưng
Với các thọ phù hợp với loại thức riêng của chúng.]
Luận: Tham tương ưng với lạc căn (sukhendriya) và hỷ căn (saumanasyendriya), sân (pratigha = dveṣa) tương ưng với khổ căn (duḥkhendriya) và ưu căn (daurmanasyendriya); bởi vì tham và sân có hành tướng là sự hoan hỷ hoặc sự âu lo (harṣa, dainyākāravartin), và vì cả hai đều thuộc về sáu thức.
Vô minh tương ưng với tất cả năm thọ vì tương ưng với tất cả các phiền não.
Tà kiến tương ưng với ưu trong trường hợp của người có tạo tác thiện nghiệp nhưng đã âu lo vì các nghiệp này không sinh quả; trong trường hợp của người tạo nghiệp ác thì tương ưng với hỷ.
Nghi tương ưng với ưu bởi vì khi đã nghi ngờ tức mong muốn biết được thật chính xác (cầu quyết định tri).
Các phiền não khác, tức các kiến ngoại trừ tà kiến và mạn, đều tương ưng với hỷ vì chúng có hành tướng là sự hoan hỷ.
(Hỏi) Những tùy miên nào đã được bàn đến từ trước đến nay?
(Đáp) Đó là các tùy miên thuộc Dục giới. Sau khi trình bày sự khác nhau của các tùy miên này, luận chủ đã đưa ra một tính chất chung là tất cả các tùy miên này đều tương ưng với xả căn (upekṣendriya) bởi vì vào lúc chuỗi tương tục các phiền não bị suy kiệt thì nhất định phải có xả (upekṣā saṃtiṣṭhate).
(Hỏi) Đối với các phiền não ở thượng địa thì như thế nào?
(Đáp) Chúng sẽ tương ưng với loại thọ phù hợp với chúng bất cứ khi nào có loại thọ này hiện hữu.
Ở tầng thiền thứ nhất - nơi có bốn loại thức (vijñāna) nhãn, nhĩm thân và ý - các tùy miên sinh khởi cùng với mỗi một trong số các thức này sẽ tương ưng với loại thọ phù hợp với loại thức này: Như vậy sẽ có (1) lạc thọ tương ưng với nhãn thức, nhĩ thức và thân thức; (2) hỷ thọ tương ưng với ý thức; (3) xả thọ tương ưng với cả bốn thức.
Ở tầng thiền thứ hai, v.v. - nơi chỉ có ý thức - thì các tùy miên sinh khởi cùng với loại thức này đều tương ưng với các thọ phù hợp với thức này ở tầng thiền riêng của mình: Như vậy ở tầng thiền thứ hai sẽ có hỷ và xả; ở tầng thiền thứ ba có lạc và xả; tầng thiền thứ tư và các tầng thuộc Vô sắc giới chỉ có xả.
Về các tùy phiền não:
[Trong các tùy phiền não,
Tật, hối, phẫn, não,
Hại, hận đều cùng khởi với ưu;
Kiên tương ưng với hỷ thọ;
Siễm, cuống, miên, phú
Cùng khởi với ưu và hỷ;
Kiêu tương ưng với hỷ lạc;
Tất cả đều tương ưng với xả;
Bốn loại còn lại tương ưng với tất cả các thọ.]
Luận: Sáu tùy phiền não tật, hối, phẫn, não, hại và hận đều tương ưng với ưu vì chúng đều có hành tướng là sự lo âu và đều thuộc về giới địa của ý.
Kiên tương ưng với hỷ và có hành tướng là sự hoan hỷ vì kiên xuất phát từ sự ham muốn (lobhānvayatvena).
Siễm, cuống, miên, phú, ưu tương ưng với hỷ trong trường hợp lừa phỉnh người khác với tâm hoan hỷ nhưng nếu lừa phỉnh với tâm lo âu thì lại tương ưng với ưu.
Kiêu tương ưng với hỷ và lạc. Ở tầng thiền thứ ba, kiêu tương ưng với lạc thọ; ở các địa phía dưới thì tương ưng với hỷ; ở các địa trên thì tương ưng với xả.
Như vậy, tất cả đều tương ưng với xả; cũng giống như trường hợp tất cả các phiền não và tùy phiền não đều tương ưng với vô minh và không có trường hợp ngoại lệ.
Bốn triền là vô tàm, vô quý, hôn trầm và trạo cử đều tương ưng với năm thọ bởi vì hai loại triền đầu thuộc nhóm đại bất thiện địa pháp (akuśalamahābhūmika), hai loại sau thuộc nhóm đại phiền não địa pháp (kleśamahābhūmika).
Khi phân tích từ một quan điểm khác (y dị môn) thì khế kinh (Saṃyukta, 26, 28; Ekottara, 24, 2) lại tuyên bố rằng có năm loại chướng ngại (nīravaṇas) trong số các phiền não và tùy phiền não được nói ở trên:
[Cái chỉ có ở Dục giới
Vì cùng có thực, trị, và dụng giống nhau.
Tuy hai loại lập thành một cái
Nhưng vì chướng ngại các uẩn nên chỉ có năm cái.]
Luận: Năm cái là dục tham (kāmacchanda), sân khuể (vyāpāda), hôn miên (styānamiddha), trạo hối (auddhatyakaukṛtya) và nghi (vicikitsā).
(Hỏi) Ba loại hôn, trạo và nghi được nói đến ở đây chỉ có ở Dục giới hay ở cả ba giới?
(Đáp) Khế kinh (Saṃyutta, v. 145) nói rằng tất cả các cái đều thuộc tánh bất thiện vì thế chỉ có ở Dục giới.
(Hỏi) Tại sao hôn trầm và miên cũng như trạo cử và hối lại được lập thành hai loại cái riêng?
(Đáp) Được lập thành một cái là chúng có cùng thức ăn, sự đối trị và tác dụng như nhau.
Ở đây khi nói “đối trị” (vipakṣa) là có ý chỉ cho sự “ngược lại” (pratipakṣa), tức những gì chống lại thức ăn.
Kinh dạy rằng hôn trầm và miên có cùng một loại thức ăn, một loại chống lại thức ăn (anāhāra).
(Hỏi) Thức ăn của hôn trầm và miên là gì?
(Đáp) Đó là năm pháp đặng mông (tandrī), bất lạc (arati), tần thân (vijṛmbhikā), thực bất bình (bhakte śamatā), tâm muội liệt (cetaso līnatva).
(Hỏi) Loại chống lại thức ăn của hôn trầm và miên là gì?
(Đáp) Đó là quang minh tưởng (ālokasaṃjñā).
Hôn trầm và miên đều có chung tác dụng (kṛtya kriyā) là làm cho tâm mê muội (līna).
Giống như hôn trầm và miên, trạo cử và hối cũng có chung một loại thức ăn, loại chống lại thức ăn, và có chung tác dụng. Loại thức ăn là bốn pháp thân lý tầm (jñātivitarka), quốc độ tầm (janapadavitarka), bất tử tầm (amaravitarka), sự nhớ lại những việc vui thích đã làm trong quá khứ (pūrva ... saṃsargacaryānusmṛti); loại chống lại thức ăn là sự tịch tĩnh (śamatha); tác dụng là làm cho tâm không được tịch tĩnh.
(Hỏi) Tất cả các phiền não đều là cái (nivaraṇa); tại sao kinh chỉ nói đến năm loại trên?
(Đáp) Vì chúng hủy hoại các uẩn và vì nghi. Dục tham (kāmacchanda) và khuể (vyāpāda) hủy hoại giới uẩn (śīlaskandha); hôn miên hủy hoại tuệ uẩn (prajñāskandha); trạo hối hủy hoại định uẩn (samādhiskandha). Vì không có tuệ và định nên khởi nghi đối với Tứ Đế.
(Hỏi) Nếu giải thích trên là chính xác thì trong số các cái, trạo hối vốn là loại chướng ngại định lẽ ra phải được nói đến trước loại hôn miên. Và nếu theo thứ tự như vậy thì hai loại cái trên sẽ hủy hoại các uẩn thuộc định và tuệ bởi vì tác hại đối với những người tu (prayukta) định chính là hôn miên; và tác hại đối với những người tu tuệ (dharmapravicaya, trạch pháp = prjñā) chính là trạo hối.
Có luận sư lại đưa ra một giải thích khác.
(Hỏi) Họ giải thích như thế nào?
(Đáp) Một người tu vào lúc đi (varāgata, hành vị) thì tri nhận một sự vật khả ái hoặc không khả ái và biết đó là khả ái hoặc không khả ái; nhưng khi người này đình trụ (vihāragata) thì dục tham và sân khuể vốn sinh khởi từ ấn tượng khả ái hoặc không khả ái này trước tiên sẽ gây chướng ngại cho sự nhập định của người này. Sau đó khi đã nhập định, thì vì không thể tu tập chỉ quán nên lại khởi hôn miên, trạo hối lần lượt ngăn ngại định (samādhi = śamatha) và tuệ (prjñā = vipaśyanā, tỳ-bát-xá-na). Cuối cùng vào lúc xuất định, khi tư trạch các pháp (dharmanidhyānakāta) thì nghi (vicikitsā) lại gây ra chướng ngại. Vì thế chỉ lập thành năm loại cái.
Ở đây có một vấn đề cần suy nghĩ là chúng ta hãy xét đến các phiền não biến hành thuộc về một giới địa khác (visabhāgadhātusarvatraga) - tức là các phiền não tạo thành nhóm tà kiến (mithyādṛṣṭi), v.v., thuộc kiến khổ tập đoạn, và có sở duyên là hai giới ở trên. Sở duyên này được tri nhận hoàn toàn (prajñāyate, biến tri) nhờ vào Khổ loại trí và Tập loại trí (anvayajñānas) có sở duyên là các giới địa ở trên. Tuy nhiên không phải các phiền não nói trên được đoạn trừ vào lúc sinh khởi hai loại trí này bởi vì các phiền não này vốn cũng có sở duyên là Dục giới (kāmāvacaratvāt) cho nên đã được đoạn trừ trước đó bởi khổ pháp trí và tập pháp trí vốn sinh khởi trước Loại trí (anvayajñānas).
Ngược lại đối với các phiền não có sở duyên hữu lậu (sāsravālambana) và thuộc kiến diệt đạo đoạn - tức là các phiền não thuộc nhóm kiến thủ (dṛṣṭiparāmarśa) - thì không phải chúng được đoạn trừ vào lúc sở duyên của chúng [tức là nhóm tà kiến thuộc kiến diệt đạo đoạn] được biến tri [nhờ có khổ tập loại trí hoặc khổ tập pháp trí] mà chúng chỉ được đoạn trừ về sau nhờ vào kiến diệt và Kiến đạo.
(Hỏi) Như vậy làm sao có thể nói rằng hai nhóm phiền não này được đoạn trừ bởi cái biết về sở duyên (ālambanaparijñānāt, biến tri sở duyên)?
(Đáp) Không phải tất cả phiền não chỉ được đoạn trừ bởi sở duyên trí mà chúng còn có thể được đoạn trừ theo bốn cách:
[Do biến tri sở duyên,
Đoạn trừ năng duyên, đoạn trừ sở duyên, và đối trị khởi nên đoạn.]
Luận: Các phiền não thuộc Kiến đoạn được đoạn trừ bởi: (1) Biến tri sở duyên: Đây là trường hợp của (a) các phiền não duyên vào giới địa mà chúng hệ thuộc (svabhūmyālambana), được đoạn trừ bởi kiến khổ tập; và (b) các phiền não có sở duyên vô lậu, được đoạn trừ bởi kiến diệt đạo.
(2) Sự đoạn trừ loại phiền não có các phiền não thuộc Kiến đoạn (kiến sở đoạn hoặc) được nói đến ở trên làm sở duyên; loại phiền não này chính là các phiền não biến hành ở một giới địa khác (visabhāgadhātusarvatraga) thuộc kiến khổ tập đoạn. Các “kiến sở đoạn hoặc” là sở duyên của loại phiền não biến hành ở giới địa riêng của chúng (sabhāgadhātu, tự giới): Có nghĩa là nhờ loại phiền não này được đoạn trừ nên các phiền não trên mới được đoạn trừ.
(3) Sự đoạn trừ sở duyên của các “kiến sở đoạn hoặc”; tức là các phiền não có một sở duyên hữu lậu và thuộc loại kiến diệt đạo đoạn. Các phiền não này duyên loại phiền não có sở duyên vô lậu; và khi loại phiền não (có sở duyên vô lậu) này được đoạn trừ thì các phiền não kia cũng được đoạn trừ.
Các phiền não thuộc Tu đoạn được đoạn trừ bởi sự sinh khởi của pháp đối trị (pratipakṣodayātkṣayaḥ). Khi loại Thánh đạo đối nghịch với nhóm phiền não nào đó được sinh khởi thì nó sẽ giúp đoạn trừ nhóm phiền não này.
(Hỏi) Loại Thánh đạo nào đối trị nhóm phiền não nào?
(Đáp) Điều này sẽ được giải thích chi tiết: “Loại Thánh đạo thuộc hạ hạ phẩm đối trị nhóm phiền não thuộc thượng thượng phẩm… loại Thánh đạo thuộc thượng thượng phẩm đối trị nhóm phiền não thuộc hạ hạ phẩm”.
(Hỏi) Có bao nhiêu loại đối trị?
Tụng đáp:
[Đối trị có bốn loại
Là đoạn, trì, viễn, yếm.]
Luận: Pháp đối trị có bốn loại: (1) Đoạn đối trị (prahāṇapratipakṣa) chính là vô gián đạo (ānantaryamārga); (2) trì đối trị (adhārapratipakṣa) là loại Thánh đạo (vimuktimārga) đi liền sau Thánh đạo trên và có công năng trì giữ sự đoạn trừ mà Thánh đạo trên đã đắc được; (3) viễn phần đối trị (dirībhāvapraptipakṣa) là loại Thánh đạo đi liền sau giải thoát đạo và có công năng giúp xa lìa sự hoạch đắc (prāpti) các phiền não đã được đoạn trừ trước đây (sở đoạn hoặc đắc). Có luận sư cho rằng giải thoát đạo cũng thuộc loại viễn phần đối trị bởi vì nó cũng có công năng xa lìa sự hoạch đắc phiền não; (4) yếm đoạn đối trị (vidūṣaṇāpraptipakṣa) là loại Thánh đạo làm cho chán ghét (vidūṣayati) một giới (dhātu) nào đó vì cho rằng giới này có quá nhiều khuyết điểm (doṣato darśanam) [như vô thường, v.v.]. Tuy nhiên sau đây là thứ tự chính xác nhất của các loại đối trị trên: (1) Yếm hoàn đối trị, tức gia hành đạo (prayogamārga); (2) đoạn đối trị, tức toàn bộ các vô gián đạo; (3) trị đối trị, tức giải thoát đạo; (4) viễn phần đối trị, tức thắng tiến đạo (viśeṣamārga).
(Hỏi) Các phiền não được đoạn trừ là nhờ sự tách rời với cái gì?
Tụng đáp:
[Nên biết rằng từ sở duyên
Mà các hoặc được đoạn trừ.]
Luận: Không thể tách rời phiền não với các pháp tương ưng (saṃprayoga) [tức là các pháp tương ưng với tâm như thọ, v.v.] mà chỉ có thể tách rời chúng với sở duyên để chúng không thể sinh khởi trở lại khi duyên sở duyên này.
(Hỏi) Các phiền não vị lai có thể tách rời khỏi sở duyên của chúng như đối với phiền não quá khứ thì sao? [Bởi vì sự vật mà phiền não này lấy làm sở duyên vẫn còn được chấp làm sở duyên].
(Đáp) Có phải các ông cho rằng khi nói “đoạn trừ nhờ tách rời với sở duyên” (ālambanātprahātavyaḥ) là hàm ý “đoạn trừ nhờ sự tri nhận toàn bộ sở duyên” (ālambanaparijñānāt prahātavyaḥ, biến tri sở duyên cố đoạn)? Nếu được hiểu như vậy thì không hợp lý vì không có tính chất phổ quát. Vì thế vấn đề cần phải giải quyết ở đây là: Vì sao các phiền não được gọi là “đoạn” (prahīṇa)? - Loại phiền não của riêng bản thân mình (svāsaṃtānika, tự tương tục) được đoạn trừ là nhờ đoạn trừ được sự hoạch đắc (prāpti) loại phiền não này. Đối với các phiền não của người khác (parasaṃtānakleśa, tha tương tục trung chư phiền não) đối với sắc pháp (rūpa) thuộc nhóm của chúng [như thiện (kuśala), v.v.] và đối với các pháp bất nhiễm thì tất cả đều được đoạn trừ nhờ đoạn trừ được loại phiền não “tự tương tục” vốn lấy các pháp trên làm sở duyên. (Vibhāṣā, 53, 7; 79, 18).
(Hỏi) Có bao nhiêu loại thuộc tánh “viễn phần” (dūratā)?
Tụng đáp:
[Viễn tánh có bốn loại
Là tướng, trị, xứ và thời;
Giống như đại chủng, thi-la,
Dị phương, dị thế.]
Luận: Theo truyền thuyết (Vibhāṣā, 17, 2; Prakaraṇa, 6, 11), có bốn loại viễn tánh.
(1) Tướng viễn tánh, tức là sự viễn ly do sự khác nhau của tướng (vailakṣaṇya); mặc dù các đại chủng (mahābhūta) cùng sinh khởi với nhau (câu tại nhất tụ trung sinh) nhưng chúng vẫn xa rời nhau vì có thể tánh khác nhau.
(2) Trị viễn tánh, tức là sự viễn ly do sự đối nghịch nhau (vipakṣtva = pratipakṣatva); tỷ dụ như sự phạm giới (dauḥśīlya) thì xa rời với các giới hạnh (śīla).
(3) Xứ viễn tánh (deśaviccheda) là sự xa cách về nơi chốn; giống như sự xa cách của biển đông và biển tây.
(4) Thời viễn tánh là sự xa cách về thời gian; như quá khứ và vị lai.
(Hỏi) Quá khứ và vị lai đều xa cách; nhưng chúng xa cách với cái gì?
(Đáp) Xa cách với hiện tại.
(Hỏi) Quá khứ vừa mới diệt và vị lai thì đang sinh như vậy làm sao có thể nói chúng xa cách với hiện tại?
(Đáp) Theo chúng tôi, chính vì sự khác nhau về thời gian (adhavanānātra) nên quá khứ và vị lai được gọi là cách xa chứ không phải vì chúng nằm xa trong quá khứ hoặc trong tương lai (nacirabhūtabhāvitvena).
(Hỏi) Nếu vậy hiện tại cũng được gọi là xa cách bởi vì nó cũng tạo thành một thời điểm khác biệt.
(Đáp) Chúng tôi cho rằng quá khứ và vị lai cách xa là do tác dụng (kāritra).
(Hỏi) Các pháp vô vi vốn không có tác dụng thì làm sao có thể gọi là gần (antike)?
(Đáp) Bởi vì hai loại diệt pháp (nirodha) có thể được hoạch đắc ở khắp nơi.
(Hỏi) Nếu vậy giải thích này cũng đúng với quá khứ và vị lai. (Bởi vì người ta vẫn đắc được các thiện pháp, v.v., quá khứ và vị lai); và làm thế nào hư không (ākāśa) vốn không thể hoạch đắc lại được gọi là gần?
(Đáp) Chúng tôi nói rằng quá khứ và vị lai cách xa nhau vì chúng được tách rời bởi hiện tại; và hiện tại được gọi là gần vì gần với quá khứ và vị lai: Pháp vô vi sở dĩ được gọi là gần vì không bị tách rời, không bị ngăn ngại bởi bất cứ sự vật nào cả.
(Luận chủ) nếu vậy trong cùng một lúc quá khứ và vị lai có thể vừa xa vừa gần: Xa là vì cách xa nhau và gần là vì gần với hiện tại.
Sau đây là lời giải thích hợp lý nhất: Vị lai cách xa tự tướng của các pháp (dharmasvalakṣaṇāt) bởi vì đã không đạt đến tự tướng này; quá khứ cách xa tự tướng của các pháp vì đã thối thất (pracyuta) tự tướng này.
(Hỏi) Trên đây có nói phiền não được đoạn trừ nhờ có sự sinh khởi của pháp đối trị. Như vậy có phải vẫn có sự “tiếp tục đoạn trừ” (viśeṣaprahāṇa) các phiền não nhờ vào thắng tiến đạo?
Tụng đáp:
[Các hoặc không được đoạn lần thứ hai;
Ly hệ có thể đắc được nhiều lần;
Vào sáu thời điểm của trị sinh, đắc quả,
Và luyện căn.]
Luận: Mỗi một phiền não chỉ được đoạn trừ một lần bởi loại Thánh đạo được gọi là “đoạn đạo” (prahāṇamārga) của chính loại phiền não này. Nhưng việc hoạch đắc sự ly hệ đối với các phiền não này lại xảy ra nhiều lần.
(Hỏi) Sự đắc được ly hệ xảy ra ở bao nhiêu thời điểm?
(Đáp) Ở sáu thời điểm. Đó là lúc trị đạo sinh khởi, lúc đắc quả và lúc rèn luyện các căn.
Ở đây khi nói “trị đạo” là nhằm chỉ cho giải thoát đạo (vimuktimārga); nói “quả” là để chỉ cho bốn quả của thánh giả Dự lưu (Srotāpanna), v.v.; nói “rèn luyện căn” có nghĩa là chuyển căn (indriyasaṃcāra).
Vào sáu thời điểm này thì đắc được sự ly hệ các phiền não. Có trường hợp phải đủ cả sáu thời mới đắc được sự ly hệ các phiền não nhưng cũng có trường hợp chỉ cần đến hai thời. Sự ly hệ (visaṃyoga), trong một số trường hợp, còn có tên gọi là biến tri (prajñā) (Vibhāṣā, 79, 1). Người ta phân biệt hai loại biến tri: Trí biến tri (jñānaparijñā), tức vô lậu trí; và Đoạn biến tri (prahāṇaparijñā), tức là sự đoạn trừ bởi vì đây là trường hợp quả được đặt tên theo nhân.
(Hỏi) Có phải tất cả các sự đoạn trừ đều lập thành một loại biến tri?
Tụng đáp:
[Có chín đoạn biến tri:
Đoạn trừ hai loại (phiền não) đầu tiên của Dục giới là một biến tri,
Hai loại còn lại mỗi loại là một biến tri; tất cả là ba (biến tri);
Thượng giới cũng có ba (biến tri) như vậy.
Ba biến tri khác là sự đoạn trừ năm kiết sử thuận hạ phần,
Sắc giới (kết sử) toàn bộ (kiết sử).]
Luận: Có tất cả chín biến tri.
Trước tiên, sự đoạn trừ hai loại đầu tiên của Dục tạo thành một biến tri. Đó là sự đoạn trừ hai loại phiền não đầu tiên của Dục giới, tức các phiền não thuộc kiến khổ đoạn và kiến tập đoạn.
Sự đoạn trừ các phiền não Dục giới thuộc kiến diệt đoạn tạo thành một biến tri; sự đoạn trừ các phiền não Dục giới thuộc Kiến đạo đoạn cũng như vậy.
Giống như sự đoạn trừ phiền não Dục giới thuộc Kiến đoạn tạo thành ba biến tri; ở hai giới trên (thượng giới), sự đoạn trừ các phiền não thuộc kiến khổ đoạn và kiến tập đoạn tạo thành một biến tri, sự đoạn trừ các phiền não thuộc kiến diệt đoạn tạo thành biến tri thứ hai, sự đoạn trừ các phiền não thuộc Kiến đạo đoạn tạo thành biến tri thứ ba.
Như vậy sáu biến tri đối với sự đoạn trừ phiền não đều thuộc về tam giới và đều được đoạn trừ bởi kiến đế (satyadarśanageya).
Ngoài ra còn có ba biến tri khác:
Sự đoạn trừ các kiết sử thuận hạ phần (avarabhāgīyas), tức là các kiết sử (āsravas) Dục giới, tạo thành một biến tri.
Sự đoạn trừ các kiết sử Sắc giới - còn được gọi là sắc ái tận biến tri (rūparāgakṣyaparijñā) - tạo thành một biến tri.
Biến tri thứ ba là sự đoạn trừ toàn bộ các kiết sử, và còn có tên là “Nhất thiết kiết viễn tận biến tri” (sarvasaṃyojanaparyādānaparijñā).
Ba loại biến tri này đều là sự đoạn trừ các phiền não thuộc Tu đạo (bhāvanāheya).
Đối với sự đoạn trừ các phiền não thuộc Tu đoạn, người ta đã phân biệt hai trường hợp thuộc Sắc giới và Vô sắc giới; nhưng đối với sự đoạn trừ các phiền não thuộc Kiến đoạn thì không có sự phân biệt này bởi vì chúng cùng có đạo đối trị giống nhau.
(Hỏi) Trong chín loại biến tri này có bao nhiêu đạo quả?
Tụng đáp:
[Trong đó có sáu nhẫn quả,
Ba quả còn lại là trí quả;
Tất cả đều là Vị chí quả,
Năm hoặc tám Căn bổn quả,
Một quả của Vô sắc biên;
Ba định căn bổn cũng như vậy;
Hai quả của thế đạo;
Chín của Thánh đạo;
Ba quả của pháp trí; hai quả của loại trí;
Sáu quả của pháp trí phẩm;
Năm quả của loại trí phẩm.]
Luận: Sáu biến tri đầu tiên, tức sự đoạn trừ các phiền não thuộc kiến đế, đều là quả của nhẫn (kṣāntis).
Ba loại biến tri, mà loại đầu tiên là sự đoạn trừ các kết sử thuộc thuận hạ phần, đều đắc được nhờ vào Tu đạo (bhāvanāmārga) và vì thế chúng đều là quả của trí (jñāna).
(Hỏi) Làm sao biến tri lại có thể là quả của nhẫn (Vibhāṣā, 62, 9)?
(Đáp) Bởi vì các nhẫn đều là quyến thuộc của trí, cũng giống như quyến thuộc của vua nên tạm mượn tên vua; hoặc vì nhẫn và trí có chung quả.
(Hỏi) Ở tầng định này thì đắc được biến tri?
(Đáp) Tất cả đều là quả của Vị chí định (anāgamya); năm hoặc tám biến tri là quả của Căn bổn định (mauladhyānas).
Theo Tỳ-bà-sa (Vaibhāṣikas), có năm biến tri là quả của Căn bổn định - tức là các biến tri bao gồm sự đoạn trừ các phiền não thuộc Sắc giới và Vô sắc giới. Sự đoạn trừ các phiền não thuộc Dục giới chỉ là quả của Vị chí định, tức là của loại định chuẩn bị cho tầng định đầu tiên.
Theo tôn giả Diệu âm (Bhadanta Ghoṣaka), có tám biến tri là quả của Căn bổn định. Nếu một người đã xả ly Dục giới nhờ vào thế tục đạo hoặc hữu lậu đạo (sāsrava, laukikamārga) mà nhập vào kiến đế (satyadarśana) hoặc Kiến đạo (darśanamārga; vô lậu đạo) nhờ nương vào các tầng thiền định thì sự đoạn trừ các phiền não Dục giới thuộc Kiến đạo của người này, tức là sự hoạch đắc ly hệ đối với các phiền não của người này, phải được xem như là quả của Kiến đạo bởi vì sự hoạch đắc này vốn thuộc vô lậu. Chỉ có loại biến tri đối với các kết sử thuận hạ phần là quả của Vị chí định.
Trung gian định (dhyānāntara) cũng giống như Căn bổn định.
Sắc ái tận biến tri là quả của cận phần địa (sāmantaka) của Không vô biên xứ (ākāśānantyāyatana). [Để nhập vào tầng vô sắc đầu tiên, người ta phải xả ly các phiền não thuộc Sắc giới; và đây chính là việc được làm ở Cận phần địa này].
Nhất thiết kết vĩnh tận biến tri là quả của ba tầng vô sắc căn bổn.
Tất cả chín loại biến tri đều đắc được nhờ Thánh đạo vô lậu; tuy nhiên hai loại biến tri thứ bảy và tám cũng có thể đắc được nhờ đạo hữu lậu.
Hai loại biến tri cuối cùng là quả của loại trí (anvayajñāna) (tức là loại trí duyên khổ, v.v., của hai giới ở trên) được bao hàm trong Tu đạo.
Ba loại biến tri cuối cùng là quả của pháp trí (dharmajñāna) (tức là loại trí duyên khổ, v.v., của Dục giới) được bao hàm trong Tu đạo bởi vì loại trí này đối trị các phiền não thuộc Tu đạo (bhāvanāheya) ở cả ba giới.
Có sáu biến tri là quả của nhóm “pháp trí”, tức là các biến tri làm quả của các pháp nhẫn (dharmakṣānti) và của các pháp trí (dharmajñānas).
Có năm biến tri là quả của nhóm “loại trí”, tức là các biến tri làm quả của các loại nhẫn (anvayakṣāntis) và các loại trí (anvayajñānas). Ở đây khi nói “nhóm” (pakṣa, phẩm) là nhằm chỉ cho các loại nhẫn và trí.
(Hỏi) Tại sao không phải tất cả các sự đoạn trừ (prahāṇa) đều được xem là biến tri?
Tụng đáp:
[Vì có sự hoạch đắc ly hệ vô lậu,
Khiếm khuyết Hữu đảnh,
Diệt hai nhân và siêu việt giới
Nên lập thành chín loại biến tri.]
Biến tri có ba tính chất là (1) hoạch đắc ly hệ thuộc tánh vô lậu, (2) đoạn trừ một phần Hữu đảnh (bhavārga) và (3) diệt trừ hai nhân. Chỉ có sự đoạn trừ nào có na tính chất này mới được gọi là biến tri.
Sự đoạn trừ của dị sinh có thể bao hàm sự diệt trừ hai nhân; nhưng dị sinh không bao giờ hoạch đắc ly hệ vô lậu, không bao giờ “làm khuyết” một phần của Hữu đảnh.
Đối với thánh giả, kể từ khi nhập vào Kiến đạo cho đến sát-na thứ ba (duḥkhe ‘nvayajñānakṣānti, khổ loại trí nhẫn) thì sự đoạn trừ của họ có được sự hoạch đắc ly hệ vô lậu, nhưng chưa “làm khuyết” Hữu đảnh, chưa diệt trừ được hai nhân biến hành (sarvatragahetu) thuộc kiến khổ đoạn và kiến tập đoạn. Vào sát-na thứ tư (duḥkhe ‘nvayajñāna, khổ loại trí) thì Hữu đảnh mới bị “làm khuyết”, và vào sát-na thứ năm cũng như vậy (samudaye dharmajñānakṣānti, tập pháp trí nhẫn); tuy nhiên hai nhân vẫn chưa được diệt trừ. Phải ở vào các sát-na thứ sáu, thứ mười và mười bốn (dharmajñāna) và các sát-na thứ tám, thứ mười hai và thứ mười sáu (anvayajñānas, loại trí) thì sự đoạn trừ mới có đủ cả ba tính chất để được gọi là biến tri.
Đối với ba loại biến tri bao hàm sự đoạn trừ là các quả của trí (jñāna), thì chúng được nêu tên như vậy là do có ba tính chất trên cộng thêm tính chất thứ tư là “vượt qua một giới” (việt giới); có nghĩa là hành giả đã hoàn toàn tách khỏi (vairāgya) một giới nào đó (tỷ dụ như tách rời Dục giới ở loại biến tri thứ bảy, v.v.).
Có luận sư cho rằng vẫn còn một nhân thứ năm là sự xả ly hai hệ phược (ubhayasaṃyogaviyoga). Nếu chỉ mới đoạn trừ được một loại phiền não (thuộc Kiến đạo) thì chưa đủ mà cần phải đoạn trừ thêm các phiền não (thuộc kiến và Tu đạo) vốn có loại phiền não trên làm cảnh sở duyên.
Tuy nhiên, loại nhân này đã được bao hàm trong tính chất “diệt trừ hai nhân” và tính chất “việt giới”; vì thế không cần phải lập thành một loại nhân riêng (ato na punar brūmaḥ).
(Hỏi) Có thể thành tựu bao nhiêu loại biến tri?
Tụng đáp:
[Ở giai đoạn kiến đế, chưa thành tựu,
Hoặc thành tựu một đến năm;
Ở Tu đạo, thành tựu sáu, một, hai;
Và ở vô học đạo chỉ thành tựu một.]
Luận: Không có biến tri đối với dị sinh.
Ở Kiến đạo, thánh giả vẫn chưa thành tựu được biến tri cho đến giai đoạn của tập pháp trí nhẫn; thánh giả bắt đầu thành tựu được một biến tri ở giai đoạn của tập pháp trí và tập loại trí nhẫn; thành tựu hai biến tri ở giai đoạn của tập loại trí và Diệt pháp trí nhẫn (nirodhedharmajñānakṣānti); thành tựu ba biến tri ở giai đoạn của diệt pháp trí và Diệt loại trí nhẫn; thành tựu bốn biến tri ở giai đoạn của diệt loại trí và Đạo pháp trí nhẫn (mārgedharmajñānakṣānti); thành tựu năm biến tri ở giai đoạn của đạo pháp trí và đạo loại trí nhẫn.
Ở Tu đạo, thánh giả thành tựu sáu biến tri kể từ giai đoạn của đạo loại trí cho đến khi chưa đắc được sự xả ly Dục giới - hoặc cho đến khi bị thối thất sau khi đã đắc (ly dục thối). Khi đắc được sự xả ly này - hoặc trước hoặc sau khi kiến đế (abhisamaya = kiến đạo) - thì thánh giả chỉ đắc được loại biến tri thuận hạ phần (avarabhāgīyaprahāṇaparijñā, thuận hạ phần tận biến tri).
Thánh giả đắc quả A-la-hán chỉ thành tựu loại biến tri Nhất thiết kết vĩnh tận (sarvasaṃyojanaparyādānaparijñā).
Thánh giả bị thối thất quả vị A-la-hán do một phiền não thuộc Sắc giới vẫn còn thuộc hàng các thánh giả đã xả ly Dục giới; và vì thế chỉ thành tựu loại biến tri Thuận hạ phần tận. Nếu bị thối thất do bị phiền não của Dục giới thì thuộc hàng các thánh giả chưa xả ly Dục giới; và thành tựu sáu biến tri nếu thối thất do một phiền não của Vô sắc giới thì thuộc hàng các thánh giả đã xả ly Sắc giới; và thành tựu hai loại biến tri Thuận hạ phần tận và Sắc ái tận (rūparāgakṣayaparijñā).
(Hỏi) Tại sao đối với hàng Bất hoàn và A-la-hán chỉ lập một loại biến tri?
Tụng đáp:
[Vì việt giới và đắc quả
Nên hai xứ đều tổng tập biến tri.]
Luận: Tất cả biến tri được tổng hợp (saṃkalana, tổng tập) thành chỉ một loại khi thánh giả xả ly một giới (việt giới) và đắc được một quả. Chỉ có Bất hoàn và A-la-hán có đủ hai điều kiện này nên các biến tri của họ được tổng tập thành chỉ một loại.
(Hỏi) Bao nhiêu biến tri được xả và đắc (Vibhāṣā, 63, 1)?
Tụng đáp:
[Xả một, hai, năm, sáu;
Đắc cũng như vậy, chỉ trừ trường hợp đắc năm]
Luận: Thánh giả bị thối thất quả A-la-hán hoặc thối thất sự xả ly Dục giới bị mất một loại biến tri.
Bất hoàn đã xả ly Sắc giới nếu bị thối thất sự xả ly Dục giới bị mất hai loại biến tri.
Đối với trường hợp các thánh giả đã xả ly Dục giới trước khi nhập vào Kiến đạo thì khi đến được sát-na thứ mười sáu (đạo loại trí) sẽ xả bỏ năm loại biến tri bởi vì lúc đó họ sẽ đắc được loại biến tri Thuận hạ phần tận.
Trong trường hợp chưa xả ly Dục giới trước khi nhập Kiến đạo thì họ đắc được loại biến tri thứ sáu mà họ sẽ xả bỏ cùng với năm biến tri khác khi xả ly được Dục giới.
Trong cả hai Thánh đạo, nếu người nào đắc được một loại biến tri chưa đắc được trước đó thì gọi là đắc một biến tri.
Những người bị thối thất sự xả ly Vô sắc giới thì thành tựu được hai loại biến tri (thứ sáu và thứ bảy).
Những người thối thất quả Bất hoàn thì thành tựu sáu biến tri.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 30 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tự lực và tha lực trong Phật giáo


Đừng bận tâm chuyện vặt


Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa


Kinh Di giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.19.211.134 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập