LỜI NÓI ĐẦU
Cuốn sách
này đề cập đến những hoạt động tâm (Citta) và những yếu tố tâm linh
kèm theo, tức là các sở hữu (Cetasikas). Nghiên cứu chi tiết về nhiều
loại sở hữu sẽ giúp độc giả hiểu biết được những phiền não của chính
bản thân và giúp phát triển những đức tính tốt và kết quả cuối cùng là
tận diệt toàn bộ những phiền não đó. Những phiền não cũng như những
đức tính cao thượng đó lại chính là những sở hữu đó. Trong nghiên cứu
này tôi tham khảo cuốn sách (Abhidhamma in Daily Life), cuốn sách này
đã đề cập đến nhiều điểm cơ bản thuộc lãnh vực Vi Diệu Pháp. Nên đọc
cuốn sách đó trước để dễ dàng hiểu được công trình nghiên cứu tôi đang
thực hiện về các sở hữu.
Độc giả có
thể sẽ rất ngạc nhiên không hiểu tôi có dụng ý gì khi sử dụng rất
nhiều từ Pàli trong tác phẩm này. Trong quá trình nghiên cứu, độc giả
sẽ thấy các từ Pàli giúp ta có được một trí tuệ chính xác. Tôi thường
sử dụng các từ Pàli liền kề ngay với ý nghĩa Anh ngữ tương đương,
nhưng những từ Anh ngữ thường có nghĩa đặc trưng trong văn bản hợp với
tâm lý và triết học phương Tây mà thôi. Chúng ta nên hiểu chính xác ý
nghĩa các từ Pàli đó.
Trong bản nghiên cứu về các sở hữu này, tôi thường trích dẫn từ tác
phẩm đầu tiên viết về Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), đó là Bộ Pháp Tụ
(Dhammasangani) (còn được gọi là Tâm Lý Đạo Đức Học Phật Giáo, tôi
cũng thường sử dụng những bản chú giải kinh Phật do ngài Buddhaghosa
viết về tác phẩm này. Đó là cuốn Atthasàlinì (tựa đề tiếng Anh
là: The Expositor: Chú giải Bộ Pháp Tụ) và tác phẩm Bách Khoa
Phật Giáo của ông, tác phẩm Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga)
bản dịch Anh ngữ là: the Path of Purification. Gồm các bản
Chú giải do ngài Buddhaghosa viết, thuộc niên đại thế kỷ thứ V sau CN.
Ông đã thu thập và biên soạn tại đảo quốc Tích Lan những công trình
chú giải cổ xưa, với một tinh thần hết sức nghiêm túc và rồi chuyển
dịch từ tiếng Singha sang tiếng Pàli. Quí độc giả chắc sẽ ngạc nhiên
do sự hiểu biết hết sức rõ ràng và tinh chế về toàn bộ giáo lý
của Đức Phật và với văn phong hết sức sống động, ông đã làm rõ nhiều
bài giáo lý trên bằng rất nhiều ẩn dụ cụ thể. Ông đã liên tục vạch ra
mục tiêu của mình đó là: Phát triển thiền Quán để có được nhận thức
hiện thực. Tôi cũng đã trích dẫn nhiều bản kinh Phật đề cập đến việc
phát triển đủ loại điều thiện (kusala) bao gồm cả việc phát triển tịnh
tâm và thiền Quán (insight). Những bản kinh Phật đó giúp động viên
chúng ta ghi nhận trong tâm khảm mục tiêu nghiên cứu này. Một số người
cho rằng tác phẩm Vi Diệu Pháp, tức những lời dạy về những hiện thực
tối thượng đó, không phải là giáo lý của Đức Phật. Kinh Phật, tức Tam
Tạng gồm có Tạng Luật (bàn về Giới Luật của chư Tỳ-khưu), Tạng Kinh
(những bài thuyết pháp) và Tạng Vi Diệu Pháp. Tạng Vi Diệu Pháp liệt
kê toàn bộ những thực tại và những điều kiện giúp chúng xuất hiện. Để
chứng minh những chi tiết khác nhau trong kinh Phật chỉ là một và toàn
bộ Tam Tạng đều là những lời dạy của Đức Phật, tôi cũng đã trích dẫn
những bản kinh Phật liên quan đến những hiện thực tối thượng đó. Tạng
Vi Diệu Pháp cũng lồng tóm trong các kinh Phật đó. Trong các bản kinh
chúng ta tụng thường ngày, ta thấy Đức Phật hay đề cập đến những hiện
thực tối thượng xuất hiện qua giác quan và các tuệ môn (Mental door).
Để hiểu được ý nghĩa các bản kinh đó, thiết nghĩ cần phải nắm được một
ít trí tuệ về tạng Vi Diệu Pháp. Một khi chúng ta tìm hiểu tạng Vi
Diệu Pháp, chúng ta sẽ thâm tín hơn, chính tạng Vi Diệu Pháp lại có
liên quan rất nhiều đến cuộc sống đời thường của mỗi chúng ta, những
hiện tượng chúng ta cảm nhận được ngay tại thời điểm hiện tại này. Một
khi chúng ta quyết định tiếp tục nghiên cứu tạng Vi Diệu Pháp, chúng
ta sẽ hiểu được chiều sâu Phật Pháp thật rất ấn tượng, không người
phàm nào có thể nhận thức được việc diễn giảng chi tiết về hết mọi
điều hiện thực trên đời này chỉ trừ ra những ai đã đạt đến giác ngộ
toàn diện.
Độc giả có thể cho đây là một cuốn sách kỹ thuật, nhưng một khi độc
giả khởi sự đọc tác phẩm này, quí vị sẽ nhận ra việc nghiên cứu những
chi tiết hiện thực đó sẽ giúp hiểu được cuộc sống đời thường của mỗi
chúng ta cách dễ dàng hơn.
Tôi muốn bày tỏ lòng tri ân sâu xa nhất
với Bà Sujin Boriharnwannaket đang sống tại Bangkok, là người đã giúp
tôi am tường được Pháp (Dhamma) và ứng dụng Pháp vào cuộc sống đời
thường. Tôi căn cứ việc nghiên cứu Sở Hữu này trên cơ sở những bài
thuyết pháp đã thực hiện tại Saket, một ngôi chùa trong nội ô Bangkok.
Tôi cũng muốn bày tỏ lòng tri ân của tôi đối với chương trình Nghiên
Cứu và Quảng Bá Phật Pháp (Dhamma Study and Propagation Foundation),
đối với các nhà tài trợ để in ấn phẩm này, phải kể đến ngài Asoka và
gia đình, ngài Anura Perera và gia đình và ngài Laksham Perera và gia
đình, đồng thời cả nhà xuất bản Alan Weller. Nhờ có sự giúp đỡ tận
tình của họ mà cuốn sách này được phát hành. Tất cả những bản văn tôi
trích dẫn đã được Hội Văn Bản Pàli (Pàli Text Society[1])
ấn hành.
Tiếp theo
đây tôi xin cống hiến cho quí vị độc giả lời giới thiệu tổng quát để
giúp quí vị hiểu được bản chất Sở hữu, cùng xuất hiện với nhiều loại
tâm rất đa dạng.
Địa chỉ 73 lime Walk, Headington, Oxford OX 37, 7AD