中 阿 含 經 KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá &
Trúc Phật Niệm, Việt Dịch & Hiệu Chú:
Thích Tuệ Sỹ
|
10. PHẨM LÂM
111. KINH ĐẠT PHẠM HẠNH[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại Câu-lâu-sấu, ở Kiếm-ma-sắt-đàm, một đô ấp
của Câu-lâu[02].
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Ta sẽ thuyết pháp cho các ngươi nghe, vi diệu ở khởi đầu, vi diệu ở
khoảng giữa và vi diệu ở đoạn cuối, có văn, có nghĩa, cụ túc thanh tịnh,
hiển hiện phạm hạnh; đó là ‘Đạt phạm hạnh[03]’,
có thể diệt tận các lậu. Các thầy hãy lắng nghe, hãy khéo suy niệm.
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời dạy, chờ nghe.
Đức Thế Tôn nói:
“Các ngươi hãy biết lậu, nhân sinh của lậu, biết sự hữu báo của lậu, biết
sự thắng liệt của lậu[04], biết
sự diệt tận của lậu, biết lậu diệt đạo.
“Các ngươi hãy biết thọ[05],
biết nhân sanh của thọ, biết sự hữu báo của thọ, biết sự thắng liệt của thọ,
biết sự diệt tận của thọ, biết thọ diệt đạo.
“Các ngươi hãy biết tưởng, biết nhân sanh của tưởng, biết sự hữu báo của
tưởng, biết sự thắng liệt của tưởng, biết sự diệt tận của tưởng, biết tưởng
diệt đạo.
“Các ngươi hãy biết dục, biết nhân sanh của dục, biết hữu báo của dục,
biết sự thắng liệt của dục, biết sự diệt tận của dục, biết dục diệt đạo.
“Các ngươi hãy biết nghiệp, biết nhân sanh của nghiệp từ đâu sanh, biết
hữu báo của nghiệp, biết sự thắng liệt của nghiệp, biết sự diệt tận của
nghiệp, biết nghiệp diệt đạo.
“Các ngươi hãy biết khổ, biết nhân sanh của khổ, biết sự hữu báo của khổ,
biết sự thắng liệt của khổ, biết sự diệt tận của khổ, biết khổ diệt đạo.
“Thế nào là biết lậu? Biết có ba lậu: dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Đó
là biết lậu? Thế nào biết nhân sanh của lậu? Biết từ vô minh, nhân vô minh,
do đó có lậu. Đó là biết nhân sanh của lậu. Thế nào là biết hữu báo của lậu?
Biết bị vô minh trói buộc, bị các lậu rỉ thấm, do nhân duyên đó lãnh thọ quả
báo hoặc đến chỗ lành hay đến chỗ ác. Đó là biết lậu có quả báo. Thế nào là
biết sự thắng liệt của lậu? Biết có lậu sanh vào địa ngục, có lậu sanh vào
súc sanh, có lậu sanh vào ngạ quỷ, có lậu sanh vào cõi trời, hoặc có lậu
sanh vào cõi người. Đó là sự thắng liệt của lậu. Thế nào là biết sự diệt tận
của lậu? Biết vô minh diệt, lậu liền diệt. Đó là biết lậu diệt tận. Thế nào
là biết lậu diệt đạo? Biết Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến đến chánh định.
Đó là biết lậu diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo biết lậu, biết nhân sanh của lậu, biết
hữu báo của lậu, biết sự thắng liệt của lậu, biết sự diệt tận của lậu, biết
lậu diệt đạo như vậy, đó gọi là đạt phạm hạnh, có thể diệt tận tất cả lậu.
“Thế nào là biết thọ? Biết có ba cảm thọ: cảm thọ lạc, cảm thọ khổ và cảm
thọ không khổ không lạc. Đó là biết thọ. Thế nào là biết nhân sanh của thọ?
Biết từ xúc, do xúc nên có thọ. Đó là biết nhân sanh của thọ. Thế nào là
biết hữu báo của thọ? Biết ái, ái là hữu báo của thọ. Đó là biết hữu báo của
thọ. Thế nào là biết sự thắng liệt của thọ? Tỳ-kheo khi thọ nhận cảm thọ
lạc, liền biết đang thọ nhận cảm thọ lạc; khi thọ nhận cảm thọ khổ liền biết
đang thọ nhận cảm thọ khổ; khi thọ nhận cảm thọ không khổ không lạc, liền
biết đang thọ nhận cảm thọ không khổ không lạc. Khi thân thọ nhận cảm thọ
lạc, thân thọ nhận cảm thọ khổ, thân thọ nhận cảm thọ không khổ không lạc;
khi tâm thọ nhận cảm thọ lạc, tâm thọ nhận cảm thọ khổ, tâm thọ nhận cảm thọ
không khổ không lạc. Cảm thọ lạc khi ăn, cảm thọ khổ khi ăn, cảm thọ không
khổ không lạc khi ăn. Cảm thọ lạc khi không ăn, cảm thọ khổ khi không ăn,
cảm thọ không khổ không lạc khi không ăn. Cảm thọ lạc khi có dục, cảm thọ
khổ khi có dục, cảm thọ không khổ không lạc khi có dục. Cảm thọ lạc khi
không có dục, cảm thọ khổ khi không có dục, cảm thọ không khổ không lạc khi
không có dục, thì biết có cảm thọ không khổ không lạc khi không có dục. Đó
là biết sự thắng liệt của thọ. Thế nào là biết sự diệt tận của thọ? Biết xúc
diệt, thọ liền diệt. Đó là biết sự diệt tận của thọ. Thế nào là biết thọ
diệt đạo? Biết Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó là
biết thọ diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo biết thọ, biết nhân sanh của thọ, biết hữu
báo của thọ, biết sự thắng liệt của thọ, biết sự diệt tận của thọ, biết thọ
diệt đạo như vậy, đó gọi là đạt phạm hạnh, có thể diệt tận tất cả thọ.
“Thế nào là biết tưởng? Biết có bốn tưởng[06]:
Tỳ-kheo khi có tưởng nhỏ cũng biết, tưởng lớn cũng biết, tưởng vô lượng cũng
biết, tưởng xứ vô sở hữu cũng biết. Đó là biết tưởng. Thế nào là biết nhân
sanh của tưởng? Biết từ xúc, do xúc nên tưởng. Đó là biết nhân sanh của
tưởng. Thế nào là biết hữu báo của tưởng? Biết tuyên thuyết[07],
tùy tưởng mà tuyên thuyết[08]. Đó
là biết hữu báo của tưởng. Thế nào là biết sự thắng liệt của tưởng? Biết có
tưởng tưởng về sắc[09], có tưởng
tưởng về tiếng, có tưởng tưởng về hương, có tưởng tưởng về vị, hoặc có tưởng
tưởng về xúc. Đó là biết sự thắng liệt của tưởng. Thế nào là biết sự diệt
tận của tưởng? Biết xúc diệt, tưởng liền diệt. Đó là biết sự diệt tận của
tưởng. Thế nào là biết tưởng diệt đạo? Biết Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến
cho đến chánh định. Đó là biết tưởng diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo biết tưởng, biết
nhân sanh của tưởng, biết hữu báo của tưởng, biết sự thắng liệt của tưởng,
biết sự diệt tận của tưởng, biết tưởng diệt đạo như vậy, đó gọi là đạt phạm
hạnh, có thể diệt tận tất cả tưởng.
“Thế nào là biết dục? Biết dục có năm công đức của dục, khả ái, khả hỷ,
mỹ sắc, tương ưng với dục, rất khả lạc. Những gì là năm? Sắc được biết bởi
mắt, thanh được biết bởi tai, hương được biết bởi mũi, vị được biết bởi
lưỡi, xúc được biết bởi thân, pháp được biết bởi ý. Thế nào là biết nhân
sanh của dục? Biết từ xúc, do xúc nên có dục. Đó là biết nhân sanh của dục
từ đâu sanh. Thế nào là biết hữu báo của dục? Tùy theo chủng loại dục mà
sanh ái lạc, đắm trước rồi trụ vào đó, do nhân duyên đó lãnh thọ quả báo,
đến chỗ có phước, đến chỗ phi phước hay chỗ bất động. Đó là biết hữu báo của
dục. Thế nào là biết sự thắng liệt của dục? Hoặc có dục ham muốn sắc[10],
hoặc có dục ham muốn tiếng, hoặc có dục ham muốn hương, hoặc có dục ham muốn
vị, hoặc có dục ham muốn xúc. Đó là biết sự thắng liệt của dục. Thế nào là
biết sự diệt tận của dục? Biết xúc diệt, dục liền diệt. Đó là biết sự diệt
tận của dục. Thế nào là biết dục diệt đạo? Biết Thánh đạo tám chi, từ chánh
kiến cho đến chánh định. Đó là biết dục diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo biết dục, biết
nhân sanh của dục, biết hữu báo của dục, biết sự thắng liệt của dục, biết sự
diệt tận của dục, biết dục diệt đạo là như vậy, đó gọi là đạt phạm hạnh, có
thể diệt tận tất cả dục.
“Thế nào là biết nghiệp? Biết có hai nghiệp, nghiệp và nghiệp đã tư[11].
Đó là biết nghiệp. Thế nào là biết nhân sanh của nghiệp? Biết từ do xúc nên
có nghiệp. Đó là biết nhân sanh của nghiệp. Thế nào là biết hữu báo của
nghiệp? Biết nghiệp đen có quả báo đen, nghiệp trắng có quả báo trắng,
nghiệp đen trắng có quả báo đen trắng, hoặc nghiệp không đen không trắng thì
không có quả báo và nghiệp tận. Đó là biết nghiệp có quả báo. Thế nào là
biết sự thắng liệt của nghiệp? Biết có nghiệp sanh vào địa ngục, có nghiệp
sanh vào súc sanh, có nghiệp sanh vào ngạ quỷ, có nghiệp sanh vào cõi trời,
hoặc có nghiệp sanh vào cõi người. Đó là biết sự thắng liệt của nghiệp. Thế
nào là biết sự diệt tận của nghiệp? Biết xúc diệt, nghiệp liền diệt. Đó là
biết sự diệt tận của nghiệp. Thế nào là biết nghiệp diệt đạo? Biết Thánh đạo
tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó là biết nghiệp diệt đạo. Nếu
Tỳ-kheo biết nghiệp, biết nhân sanh của nghiệp, biết hữu báo của nghiệp,
biết sự thắng liệt của nghiệp, biết sự diệt tận của nghiệp, biết nghiệp diệt
đạo như vậy, đó gọi là đạt phạm hạnh, có thể diệt tận tất cả nghiệp.
“Thế nào là biết khổ? Biết khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, khổ oán
tắng hội, khổ ái biệt ly, khổ cầu bất đắc; nói tóm, năm thủ uẩn là khổ. Đó
là biết khổ. Thế nào là biết nhân sanh của khổ? Biết từ ái, do ái sanh khổ.
Đó là biết nhân sanh của khổ. Thế nào là biết hữu báo của khổ? Biết có khổ
diệt hơi chậm, hoặc có khổ diệt hơi nhanh, hoặc có khổ diệt rất chậm, hoặc
có khổ diệt rất nhanh. Đó là biết hữu báo của khổ. Thế nào là biết sự thắng
liệt của khổ? Đó là biết phàm phu ngu si, không đa văn, không gặp thiện tri
thức, không điều ngự thánh pháp, nên khi thân sanh cảm thọ rất khổ, cùng cực
khổ, mạng sống muốn tuyệt, phải tìm người cứu chữa ở bên ngoài; hoặc có
Sa-môn, Phạm chí thọ trì loại chú một câu, loại chú hai, ba, bốn hay nhiều
câu, hoặc thọ trì loại chú một trăm câu thần chú, ‘Vị ấy trị dứt khổ cho
ta’, như vậy là nhân mong cầu mà sanh khổ, nhân tập khởi mà sanh khổ. Đó là
biết sự thắng liệt của khổ. Thế nào là biết sự diệt tận của khổ? Biết ái
diệt, khổ liền diệt. Đó là biết sự diệt tận của khổ. Thế nào là biết khổ
diệt đạo? Biết Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó là
biết khổ diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo biết khổ, biết nhân sanh của khổ, biết hữu
báo của khổ, biết sự thắng liệt của khổ, biết sự diệt tận của khổ, biết khổ
diệt đạo như vậy, đó gọi là Đạt phạm hạnh, có thể diệt tận tất cả khổ.”
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng
hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Tương đương Pāli
A.6.63 Nibbedhika-sutta. Hán, biệt dịch, No.57.
- [02] Kiếm-ma-sắt-đàm
Câu-lâu. Pāli: Kammāsadhammaṃ nāma kurūnaṃ nigamo, tại thị trấn
Kammāsadhamma của người Kuru. Xem cht.3, kinh số 10.
- [03] Đạt phạm hạnh 達
梵 行. Pāli: nibbedhikapaiyāya, pháp môn quyết trạch.
- [04] Các khía cạnh của vấn
đề: sở nhân sanh 所 因 生, hữu báo 有 報, thắng như 勝 如, Pāli:
nidānasambhava (nguyên nhân sanh khởi), vemattatā (đặc tính sai biệt),
vipāka (báo ứng).
- [05]
Giác 覺. Pāli: vedanā.
- [06] Bản Pāli: sáu tưởng:
rūpasaññā, sắc tưởng, cho đến, dhammasaññā, pháp tưởng.
- [07] Thuyết 說. Pāli:
Katamo saññānaṃ vipāko? vohāraveppako, cái gì là kết quả (dị thục) của các
tưởng? Là kết quả của ngôn ngữ tập quán.
- [08] Tùy kỳ tưởng tiện
thuyết 隨 其 想 便 說. Pāli: yathā yathā naṃ saṃjānāti tathā tathā
voharati evaṃ saññī ahosin ti, nó nhận biết vật ấy như thế nào thì nó nói
như thế, rằng “tôi có tưởng (có ấn tương) như vậy”.
- [09] Pāli: aññā saññā
rūpesu, tưởng trong các sắc thì khác, cho đến, aññā saññā dhammesu, tưởng
trong các pháp thì khác.
- [10] Hữu dục dục sắc 有 欲
欲 色. Pāli: añño kāmo rūpesu, dục nơi các sắc là khác,... cho đến, añño
kāmo phoṭṭhabbesu, dục nơi các xúc là khác.
- [11] Tư nghiệp dĩ tư
nghiệp 思 業 已 思 業. Pāli: cetanaṃ kamamṃ... cetayitvā kamaṃ katori kāyena
vācāya manasā: nghiệp được tư duy, và nghiệp sau khi tư duy rồi hành động
bởi thân, miệng và ý.