中 阿 含 經 KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm, Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ
|
10. PHẨM LÂM
110. KINH TỰ QUÁN TÂM (II)[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu có Tỳ-kheo không thiện xảo quán tâm người khác, hãy thiện xảo tự quán sát tâm của chính mình. Nên học như vậy.
“Thế nào gọi là Tỳ-kheo thiện xảo quán tự tâm? Tỳ-kheo nếu có quán này, chắc chắn được nhiều lợi ích.‘Ta thường hành tham lam hay thường hành không tham lam[02]? Ta thường hành tâm sân nhuế hay thường hành tâm không sân nhuế? Ta thường hành thùy miên triền hay thường hành không thùy miên triền? Ta thường hành trạo hối, cống cao hay thường hành không trạo hối, cống cao? Ta thường hành nghi hoặc hay thường hành không nghi hoặc? Ta thường hành thân tránh[03] hay thường hành không thân tránh? Ta thường hành tâm ô uế hay thường hành tâm không ô uế? Ta thường hành tín hay thường hành bất tín? Ta thường hành tinh tấn hay thường hành giải đãi? Ta thường hành suy niệm hay thường hành
không suy niệm? Ta thường hành tâm định hay thường hành tâm không định? Ta thường hành ác tuệ hay thường hành không ác tuệ?’
“Nếu Tỳ-kheo khi quán liền biết, ‘Ta thường hành tham lam, tâm sân nhuế, thùy miên triền, trạo hối, cống cao, nghi hoặc, thân tránh, tâm ô uế, bất tín, giải đãi, không suy niệm, không tâm định, thường hành ác tuệ’. Tỳ-kheo ấy muốn diệt trừ pháp ác bất thiện này phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập, tinh cần, chánh niệm, chánh trí, kham nhẫn, đừng để bị thoái chuyển.
“Ví như bị lửa đốt cháy đầu, cháy áo, nhanh chóng tìm cầu phương tiện cứu đầu, cứu áo. Cũng vậy, Tỳ-kheo muốn diệt trừ pháp ác bất thiện này phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập, tinh cần, chánh niệm, chánh trí, kham nhẫn, đừng để bị thoái chuyển.
“Nếu Tỳ-kheo khi quán liền biết, ‘Ta thường hành không tham lam, tâm không sân nhuế, không thùy miên triền, không trạo hối cống cao, không nghi hoặc, không thân tránh, tâm không ô uế, tín, tinh tấn, suy niệm, định, thường hành không ác tuệ’. Tỳ-kheo ấy trụ nơi pháp thiện này rồi, hãy nên mong cầu tự thân chứng ngộ lậu tận trí thông.
“Vì sao vậy? Ta nói, không được cất chứa tất cả y nhưng cũng nói được quyền cất chứa tất cả y áo. Loại y nào Ta nói không được cất chứa? Nếu cất chứa y áo mà tâm tăng trưởng pháp ác bất thiện, suy thoái pháp thiện, y áo như vậy Ta nói không được cất chứa. Loại y nào Ta nói được quyền cất chứa? Nếu cất chứa y áo mà tăng trưởng pháp thiện, suy thoái pháp ác bất thiện, y áo như vậy Ta nói được quyền cất chứa”. Cũng như y áo, về uống ăn, giường chõng, thôn ấp cũng giống như vậy.
“Ta nói không được quen thân tất cả mọi người, nhưng cũng nói được quen thân tất cả mọi người. Người thế nào mà Ta nói không được quen thân? Nếu quen thân người mà tăng trưởng pháp ác bất thiện, suy thoái pháp thiện, người như vậy Ta nói không được quen thân. Người thế nào mà Ta nói được quyền quen thân? Nếu quen thân người, liền tăng trưởng pháp thiện, suy thoái pháp ác bất thiện, người như vậy Ta nói được quyền quen thân.
“Vị ấy biết đúng như thật pháp nên tập hành, cũng biết đúng như thật pháp không nên tập hành. Vị ấy biết đúng như thật pháp nên tập hành và pháp không nên tập hành rồi, pháp không nên tập hành thì không tập hành, pháp nên tập hành liền tập hành. Vị ấy không tập hành pháp không nên tập hành, tập hành pháp nên tập hành rồi, liền tăng trưởng pháp thiện, suy thoái pháp ác bất thiện.
“Như vậy gọi là Tỳ-kheo khéo tự quán tâm, khéo tự biết tâm, khéo thủ, khéo xả”.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Tương đương Pāli, A. 10. 51 Sacitta.
- [02] Đa hành tăng tứ 多 行 增 伺. Pāli: abhijjahlū bahulaṃ viharāmi, ta sống nhiều tham lam chăng?
- [03]
Thân tránh 身 諍. Pāli: sāraddhakāyo, cử chỉ thô bạo, nóng nảy