Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta nên hối tiếc về những sai lầm và học hỏi từ đó, nhưng đừng bao giờ mang theo chúng vào tương lai. (We should regret our mistakes and learn from them, but never carry them forward into the future with us. )Lucy Maud Montgomery
Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là đáng sống. (Only a life lived for others is a life worthwhile. )Albert Einstein
Người duy nhất mà bạn nên cố gắng vượt qua chính là bản thân bạn của ngày hôm qua. (The only person you should try to be better than is the person you were yesterday.)Khuyết danh
Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Hãy sống như thể bạn chỉ còn một ngày để sống và học hỏi như thể bạn sẽ không bao giờ chết. (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. )Mahatma Gandhi
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Điều quan trọng không phải vị trí ta đang đứng mà là ở hướng ta đang đi.Sưu tầm
Kẻ thất bại chỉ sống trong quá khứ. Người chiến thắng là người học hỏi được từ quá khứ, vui thích với công việc trong hiện tại hướng đến tương lai. (Losers live in the past. Winners learn from the past and enjoy working in the present toward the future. )Denis Waitley

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Tăng đồ nhà Phật (Hán Việt) »» CƯ SĨ TẠI GIA »»

Tăng đồ nhà Phật (Hán Việt)
»» CƯ SĨ TẠI GIA

Donate

(Lượt xem: 13.884)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tăng đồ nhà Phật (Hán Việt) - CƯ SĨ TẠI GIA

Font chữ:

Cư sĩ tại gia, hay chỉ thường gọi là cư sĩ, tức là những thiện nam tín nữ tin theo Phật, đã thọ Tam quy và Ngũ giới. Vào thời đức Phật, ngài vẫn gọi chung hết thảy đệ tử của mình là Bốn chúng. Trong bốn chúng đó, có hai chúng xuất gia là tỳ-kheo và tỳ-kheo ni, và hai chúng tại gia là ưu-bà-tắc và ưu-bà-di. Ưu-bà-tắc tức là hàng cư sĩ nam giới, có khi cũng gọi là cận sự nam, và ưu-bà-di là cư sĩ nữ giới, có khi cũng gọi là cận sự nữ.

Cư sĩ tại gia là những người mộ đạo, nhưng không thọ đại giới nên không kể vào giáo hội Tăng-già. Bởi thế, họ không được đứng ngang hàng với tăng sĩ trong những kỳ Đại hội, khi tuyên đọc Giới bổn, hoặc khi tụng đọc kinh điển. Họ chỉ được dự những ngày lễ cúng, những buổi thuyết pháp, dâng cúng lễ vật, cầu nguyện, lễ Phật, và được nghe chư tăng giảng giải đạo lý.

Cư sĩ tại gia ít nhất cũng đã thọ lễ quy y, nghĩa là được một vị tăng sĩ chứng minh cho trong một buổi lễ chính thức phát nguyện quy y Tam bảo. Đó là quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng. Phát nguyện quy y rồi, các vị này nhận một vị tăng sĩ làm bổn sư của mình, và được vị này truyền cho Năm giới, tức là năm điều răn dạy giúp cho cuộc sống trở nên chân chính, đúng đắn. Cư sĩ giữ được trọn vẹn năm giới thì tự nhiên mọi điều cao quý khác cũng dần dần đạt được. Năm giới ấy là:

1. Không sát sanh
2. Không trộm cắp
3. Không tà dâm
4. Không nói dối
5. Không uống rượu

Ngoài ra, cư sĩ đã thọ năm giới rồi thì cũng được khuyên nên tránh không buôn bán năm thứ này: khí giới, con người, các loại thịt, rượu và thuốc độc.

Đôi khi Năm giới được hiểu là năm giới cấm. Hiểu như vậy, ban đầu không thấy gì là khác biệt. Nhưng với người học Phật lâu năm thì có chỗ trở ngại không hay, vì không hoàn toàn phù hợp với tinh thần Phật giáo.

Giới tức là ngăn ngừa. Ngăn không cho làm điều này hoặc điều khác, nghĩa là giữ cho sự việc đừng xảy ra. Cấm cũng là không cho làm, cũng là giữ cho sự việc không xảy ra. Nhưng ngăn ngừa không phải là cấm. Bởi ngăn ngừa ở đây tức là chỉ ra cho người ta biết phân biệt đúng sai, hay dở, để họ có thể tự mình tránh xa điều xấu mà không làm. Nên Năm giới cần được hiểu là năm điều răn dạy thì mới đúng. Như hiểu là cấm, tất nhiên kẻ phạm vào phải bị trừng phạt. Nhưng theo cách hiểu của Phật giáo thì kẻ làm ác gặp ác, không phải là sự trừng phạt mà chỉ là theo quy luật nhân quả tất yếu. Không có một đấng tối cao nào có quyền lực phán xét, trừng phạt chúng ta, chỉ có chính hành vi của ta sẽ dẫn đến những kết quả tốt hay xấu cho ta mà thôi. Vì thế, đức Phật chưa bao giờ nói cấm các đệ tử của ngài làm điều này, điều khác... mà chỉ khuyên dạy chúng ta không nên làm điều này hoặc điều khác mà thôi.

Có một sự khác biệt khá lớn về mặt tâm lý giữa hai khái niệm này. Khi người cư sĩ hiểu rằng mình đã thọ nhận năm điều cấm làm, họ sẽ có cảm giác nặng nề, căng thẳng hơn là năm điều không nên làm. Bước đầu thọ giới, điều thực tế là trong đời sống trần tục, không sớm thì muộn một cư sĩ cũng sẽ có lúc nào đó phạm giới, như nói dối, uống rượu... chẳng hạn. Với tâm lý của người phạm vào điều cấm, sẽ dễ nảy sinh sự sợ sệt, tự ti, mặc cảm. Ngược lại, khi nghĩ rằng mình đã không làm đúng với một điều răn dạy, người ấy sẽ phát sinh lòng ăn năn hối lỗi, muốn phục thiện và sẽ cầu được sám hối để không tái phạm. Nói như vậy, không phải là tạo sự dễ dãi, khuyến khích người phạm giới, nhưng thật ra đó chính là hiệu quả thiết thực của Năm giới trong việc hoàn thiện con người.

Cư sĩ thọ giới rồi, quá trình giữ giới cũng tự nhiên trải qua nhiều thứ bậc. Ban đầu, phải luôn ghi nhớ trong tâm trí mình những điều đã được truyền dạy. Khi dự một cuộc vui, phải nhớ mình đã thọ giới không uống rượu. Trong việc giao dịch buôn bán, dù muốn được lợi nhiều, cũng phải nhớ mình đã thọ giới không nói dối... Cứ như vậy, nhất cử nhất động hàng ngày đều phải tự ngăn ngừa mình, không cho phạm vào những giới đã thọ trì.

Tại sao phải như vậy? Đó là vì cái thói quen đã huân tập từ rất lâu ngày trước lúc thọ giới, hầu như hết thảy đều là phạm giới. Chỉ cần trong khi tán chuyện với bạn bè, dù chỉ để cho câu chuyện thêm phần vui tai, hấp dẫn, ta cũng không ngại gì mà không thêm thắt, sửa đổi một đôi điều. Mà nay thọ giới rồi thì việc ấy là không nên làm nữa, huống chi là nói dối để lừa gạt người? Lại như trước đây, gặp người vợ của bạn mình nhan sắc xinh đẹp, cợt nhã một đôi câu cũng là chuyện thường, mà lại rất thích ý nữa. Nay thọ giới rồi, chuyện ấy cũng không nên làm nữa. Vì vậy, mỗi mỗi việc làm khi đã thọ giới rồi đều phải suy xét thận trọng, không thể bừa bãi, phóng túng như xưa.

Vậy nên người nghiêm túc giữ giới thì chỉ trong thời gian ngắn có thể thay đổi rất đáng kể những thói hư tật xấu lâu ngày của mình, có thể tạo ngay được không khí an ổn, hòa dịu trong gia đình cũng như trong quan hệ giao tiếp xã hội.

Người kiên trì thọ giới lâu ngày lại có những thay đổi khác nữa. Vì đã thuần thục nên chẳng còn phải suy nghĩ nhiều đến giới. Nhất cử nhất động khi ấy đều tự nhiên phù hợp với Năm giới mà không cần phải suy nghĩ, ngăn ngừa. Mở miệng chỉ nói lời chân thật, không có sự suy nghĩ rằng “Ta đang giữ giới không nói dối.” Thấy rượu tự tránh, không hề phải suy nghĩ rằng “Ta đang giữ giới không uống rượu.” Mọi việc thảy đều như thế, nên dù không nghĩ đến mà không hề phạm giới. Giữ giới được đến mức này thì thân tâm tự nhiên đoan chánh, người chung quanh tự khắc phải nhận ra, biết ngay đây là bậc đức độ, thanh tịnh.

Người thọ trì Tam quy và giữ trọn Năm giới thì vĩnh viễn không bị đọa vào các đường ác. Người ấy dù sống ở đâu cũng được các vị hộ pháp, thiện thần bảo vệ che chở. Đó gọi là sự cảm ứng, không có gì là huyền hoặc cả. Ngày nay, cư sĩ thọ Năm giới về hình thức thì rất nhiều, nhưng người thực sự thọ trì không có là bao. Những kẻ chỉ giữ giới qua loa tùy tiện, nay hủy mai phạm thì làm sao có thể biết được sức vi diệu của Năm giới?

Mặt khác, các vị tăng sĩ truyền giới cho cư sĩ ngày nay phần đông rất dễ dãi, tùy tiện, nên người thọ giới cũng không ý thức hết được tầm quan trọng của việc thọ giới. Có những người cho con cái nhận lễ Quy y, thọ Năm giới từ lúc một hai tuổi, chúng đã biết gì để thọ trì? Đến khi lớn lên lại cứ nghĩ mình đã quy y, đã là Phật tử rồi, nên không để tâm đến việc thọ giới nữa, làm sao có được sự lợi ích của người trì giới? Phần nhiều các lễ quy y truyền giới cũng được tổ chức có phần nghi lễ, mà không chú trọng nhiều đến sự giáo huấn, giảng giải cho cư sĩ có được cách hiểu đúng đắn. Bước khởi đầu như vậy nên kẻ thọ giới rồi tùy tiện hủy phạm cũng là điều dễ hiểu.

Phần đông cư sĩ không hiểu được trọn vẹn những bổn phận của mình. Tuy họ thọ nhận Năm giới nhưng phần lớn vẫn nghĩ rằng đi chùa cúng Phật là để chuộc tội. Họ đem tiền bạc, đồ vật đến dâng cúng nơi Phật đường, nên nghĩ rằng tội lỗi của mình sẽ được ân xá! Để làm cho cư sĩ hiểu đúng ý nghĩa của việc đi chùa, lễ Phật, và biết tự soi rọi lại mình mà bỏ ác làm lành, quả là trách nhiệm rất nặng nề của các vị tăng sĩ thọ nhận cúng dường vậy.

Từ xưa tới nay và có lẽ mãi mãi về sau nữa, hàng cư sĩ luôn tôn trọng các bậc xuất gia. Người cư sĩ bận lo việc mưu sinh, chuyện cơm áo lúc nào cũng thúc bách, lại còn những quan hệ ràng rịt của gia đình, rõ ràng là nghiệp lực còn nặng nề nên chưa thể thảnh thơi chọn con đường xuất gia. Vì vậy, họ rất kính phục đức hiền từ, tâm giải thoát, và sự giáo huấn, chỉ bày của tăng sĩ. Họ vẫn tự biết rằng muốn sống cuộc sống xuất gia không phải dễ, phải đoạn dứt biết bao điều mà kẻ thế tục không sao dứt bỏ. Họ cũng biết thiên chức của tăng sĩ là thanh cao, luôn tâm niệm những điều từ bi hỷ xả. Các ngài đã đủ ý chí quyết tâm rời bỏ đời sống ái dục gia đình, không màng công danh, lợi lộc nơi cõi tục. Họ cũng biết rằng trí huệ và đức độ của những bậc xuất gia là cao cả, có thể cứu vớt, nâng đỡ họ trong cơn nạn khổ, suy sụp về tinh thần. Vì vậy, họ rất chuộng việc cúng dường cho chư tăng và Giáo hội. Với lòng cung kính, họ cúng dường, chu cấp đủ các thứ cần dùng, hoặc riêng cho từng vị tăng, hoặc chung cho cả nhà chùa. Họ chỉ suy nghĩ đơn giản là lập chút công đức để đời sau được hưởng sự sung sướng về vật chất và tinh thần.

Được sinh làm người, có hai điều nên làm. Người đủ điều kiện thì nên cố gắng đạt đến trí huệ bằng cách học đạo tham thiền. Người không làm được như vậy, thì nên đem lòng từ bi bố thí tài vật cho chúng sanh tùy theo khả năng mình. Làm như vậy sẽ dẹp bỏ được tâm tham lam, lại tạo được phước đức để đời sau sinh ra sẽ có đủ điều kiện dễ dàng mà theo đường tu tập.

Người cư sĩ đa số chọn con đường bố thí và cúng dường. Chỉ trừ khi tăng sĩ không giữ được vai trò cao cả của mình, thì cư sĩ mới chê trách mà xa lánh. Chứ như các bậc nghiêm trì giới luật thì hết thảy ai ai cũng đều kính mộ mà tìm đến cúng dường. Dù rằng các vị cao tăng vốn chẳng ham tài vật, của cải, nhưng thiện nam tín nữ tự nhiên cảm đức các ngài mà muốn mang đến dâng cúng rất nhiều. Chính vì vậy mà xưa kia các ngài mới có thể lập nên những cảnh chùa nguy nga đồ sộ mà ngày nay ta vẫn còn thấy ở nhiều nơi trong cõi Ấn Độ, nhất là tại thành Ba-la-nại và xứ Dà-da.

Lại như trong lịch sử còn ghi chuyện vua A-dục hết lòng mộ đạo, cho đến mang vàng bạc, châu báu trong kho mà dâng cúng cho Giáo hội. Vào thế kỷ thứ sáu, lúc đạo Phật bắt đầu hưng thạnh ở Trung Hoa, vua Lương Võ Đế cũng là một vị cư sĩ rất nhiệt thành, từng cất chùa, xây tháp, cúng dường cho Giáo hội, bố thí cho nhân dân và khuyên bá tánh quy y Tam bảo. Vua Võ Đế và vua A-dục là hai vị hộ pháp chân chính của Giáo hội Tăng-già ở Trung Hoa và Ấn độ vậy. Còn như ở nước ta, xem lại lịch sử các đời Lý, Trần, thì thấy các bậc quốc vương đa số đều mộ đạo, cúng dường và hỗ trợ cho chư tăng rất mạnh mẽ.

Bố thí, cúng dường là những việc cư sĩ nên làm và dễ làm, vì có thể tùy theo khả năng của mình. Dù ít dù nhiều đều là những hạt giống lành, sẽ đi theo mình chẳng thể nào mất được. Tuy nhiên, ngoài việc bố thí, cúng dường, người cư sĩ cũng cần phải biết chọn cho mình một pháp môn mà tu tập nữa.

 Việc tham thiền nhập định tuy không phải là không làm được, nhưng quả là rất khó khăn đối với kẻ đang sống cuộc sống gia đình. Vì vậy, ngày xưa đức Phật cũng đã lường trước được những khó khăn của chúng sanh trong thời mạt pháp, tức là khi mà đạo đức nhiễu nhương, chánh tà lẫn lộn. Ngài có dạy rằng, thiện nam tín nữ ai có lòng thành, chí tâm niệm đức Phật A-di-đà thì sẽ được vãng sanh về cõi Cực Lạc của Phật A-di-đà. Những người thấy phù hợp mà chọn tu theo pháp môn niệm Phật đã lập nên một tông phái gọi là Tịnh độ tông.

Con người đời nay mê đắm trong vật chất, suy sụp tinh thần, không còn mấy ai đủ sức trí tuệ mà tham thiền nhập định, vì vậy mà Tịnh độ tông phát triển rất mạnh. Chẳng những cư sĩ, mà tăng sĩ cũng thế, đều dốc lòng niệm Phật, vì thấy rằng pháp môn này quả là rất phù hợp với những điều kiện của thời đại ngày nay.

Khi nói đến việc niệm Phật A-di-đà để cầu được vãng sanh cõi Phật, có nhiều người thấy là rất khó tin. Chính trong kinh A-di-đà, Phật cũng đã nói rõ rằng đây là một pháp môn rất khó tin nhận. Tuy nhiên, nếu ai quyết chí thực hành thì chẳng cần đợi đến khi vãng sanh cõi Phật, mà ngay ở đời này cũng đã tạo được cho mình một niềm tin sâu vững rồi.

Tại sao vậy? Chính trong khi đem hết tâm trí mà chí thành niệm Phật, người tu tự nhiên sẽ lắng đọng được hết thảy mọi vọng niệm, trừ diệt được tất cả mọi thứ phiền não, ô trược. Nhờ vậy mà tự nhiên nảy sanh được lòng tin sâu vững nơi đức Phật A-di-đà và dứt bỏ được lòng tham lam, ái luyến đối với cõi thế tục này. Lúc đó thì tự nhiên cõi tịnh độ liền hiện ở trong tâm, và người niệm Phật có thể chắc quyết mình sẽ vãng sanh về cõi Phật.

Sở dĩ pháp môn niệm Phật được xem là dễ thực hành và phù hợp hơn với người thời nay, là vì pháp môn ấy kết hợp được cả hai mặt tự lực và tha lực.

Tự lực, ấy là sức mạnh của chính mình, lòng quyết tâm tu tập, hành trì không nản chí, chí thành niệm Phật không hề để cho sự biếng nhác, trì trệ ngăn cản, cũng không để cho những tham dục, ái luyến lôi kéo. Tự lực có mạnh thì mới có sự tu tập bền bỉ, mới chống lại được sự cám dỗ của những tham muốn thế tục.

Tha lực, là sức tin vào nguyện lực của Phật A-di-đà. Vì Phật A-di-đà từ khi còn làm Bồ Tát đã có nguyện rằng, khi ngài thành Phật, tất cả những chúng sanh nào chí thành niệm danh hiệu ngài đều sẽ được tiếp dẫn về cõi nước Cực Lạc của ngài.

Nếu đem so pháp môn niệm Phật với việc tu thiền chẳng hạn, thì sẽ thấy khác biệt rất nhiều. Người tu thiền phải hết sức tinh tấn, dựa vào sức mình là chính, vượt qua hết thảy mọi chướng ngại mà đạt đến giải thoát. Ấy là pháp môn rất phù hợp với những bậc thượng căn đại trí. Còn kẻ trí thô đức mỏng, quả thật là sẽ rất khó khăn. Trong khi ấy, người tu niệm Phật có thể tùy sức của mình mà dần dần tu tập, lại được sự gia hộ độ trì của đức Phật, nên có thể tin chắc vào việc được giải thoát.

Thử làm một so sánh nhỏ. Người tu thiền giống như kẻ học bơi để bơi qua con sông rộng. Nếu bền chí và đủ sức lực thì tất sẽ vượt qua được. Còn người tu pháp môn niệm Phật như người nhờ ghe thuyền mà sang sông. Dù không được mạnh mẽ lắm, chỉ cần quyết chí sang sông tất cũng có thể sang được. Ghe thuyền, ấy chính là sức hộ niệm của đức Phật. Nhờ sức ấy mà người tu dễ dàng hơn trong việc đạt đến chỗ giải thoát.

Người cư sĩ sau khi đã quy y Tam bảo, nếu vun đắp được niềm tin ngày càng sâu vững, giữ trọn được Năm giới đã thọ nhận, thì tự nhiên sẽ cảm nhận được sức cảm hóa rất vi diệu của Phật pháp, lại nếu biết chọn pháp môn niệm Phật để hành trì thường xuyên, thì chắc chắn sẽ trừ diệt được hết thảy phiền não, khổ ách. Đạo Phật là đạo giải thoát. Và sự giải thoát ấy là dành cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ dành riêng cho những bậc xuất gia.

Cư sĩ tuy còn nhiều vướng bận trong cuộc sống gia đình, nhưng nếu quyết lòng tu học và thực hành Phật pháp thì cũng sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp, ngày càng hướng đến một cuộc sống cao thượng, thanh thoát hơn.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 41 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Lược sử Phật giáo


Cho là nhận


Phúc trình A/5630


Cẩm nang phóng sinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.148.105.152 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (141 lượt xem) - Hoa Kỳ (6 lượt xem) - ... ...