Tượng Đa Bảo Quán Âm có 18 cánh tay, và trong mỗi bàn tay có nắm một
viên ngọc quý. Nhìn bức tượng này thì thấy dường như Ngài có vô số bảo
vật. Thật ra, Ngài đã có lần hiển hóa ở vùng Giang Nam để khuyến cáo thế
gian đừng nên tham lam bảo vật của cải.
Ngày xưa, dân chúng ở dải đất Giang Nam quen thói bạc bẽo, trục lợi,
tham lam, lừa bịp, gian dâm, cướp bóc và giết chóc, không biết lễ nghĩa,
chỉ tôn trọng có tiền tài và quyền thế mà thôi. Bồ Tát Quán Âm thấy họ
bất lương như thế nên đau lòng, mới tìm cách hóa độ cho họ.
Ngài bèn hóa thành một thầy tu mập mạp phốp pháp, lưng đeo một cái bị
lớn, tay cầm rất nhiều vàng bạc châu báu, đi nghênh ngang giữa chợ cho
mọi người để ý đến mình. Một ông thầy tu xuất hiện như thế trên các nẻo
đường thành thị, dĩ nhiên lập tức lôi cuốn bọn côn đồ vô lại. Đấy là một
bọn lưu manh gian hiểm, chỉ biết lêu lổng chơi bời, khi thấy trên tay vị
thầy tu có rất nhiều vàng vòng châu báu thì chúng chỉ muốn cướp lấy
ngay. Thế là chúng chận đường ông thầy tìm cách gây hấn. Một tên trong
bọn đầu đội nón lệch sang một bên, nói một cách đe dọa:
– Ông sư hổ mang này, dám cả gan đến đất của ta nghênh ngang lừa bịp!
Ông là người xuất gia, làm sao có những vàng bạc châu báu này? Mau mau
đưa hết cả đây thì ta tha cho mà đi, bằng không thì đừng hòng sống sót!
Bồ Tát Quán Âm hỏi:
– Châu báu à? Châu báu nào đâu? Ta không có châu báu, cũng không biết
thế gian gọi cái gì là châu báu. Chỉ có tu tâm, học thiện mới đáng gọi
là châu báu mà thôi.
Bọn vô lại nghe thế làm sao chịu được, bèn nhao nhao la hét:
– Cái ông sư gian xảo này nói sàm gì vậy? Trên lưng, trên tay ông toàn
là ngọc ngà vàng bạc, đó không phải là châu báu chứ là cái gì? Đừng có
giở trò, mau đưa hết đây!
Bồ Tát Quán Âm nói:
– Các vị muốn mấy cái đồ quỷ này hả? Bần tăng thấy mấy thứ này như phân
như đất, bần tăng đang bực bội vì mấy thứ lôi thôi phiền phức này đây!
Nói xong Ngài bèn bỏ xuống đất tất cả những châu báu mà Ngài đang mang
trên lưng, trên tay rồi nói:
– Đây, toàn bộ cả đây, muốn lấy gì thì lấy đi!
Thế là bọn vô lại ba chân bốn cẳng ùa lại, chí choé tranh đoạt lẫn nhau
những thứ đáng tiền, trong nháy mắt chúng cướp đi hết, chỉ có một xâu
chuỗi tràng bằng hột bà-la là chúng không thèm đếm xỉa tới nên bỏ lại
dưới đất. Ông thầy mập nhặt xâu chuỗi lên, cảm thán mà nói:
– Đáng thương cho thế gian không biết phân biệt thật giả, cái đồ vô dụng
thì lấy đem đi hết, còn xâu chuỗi quý giúp cho mình tu tâm dưỡng tính
thì lại chê bỏ. Thế mới biết dân ở đây không có thiện căn!
Bọn vô lại đâu có nghe những lời của ông thầy mập, thiện căn với chẳng
thiện căn, chúng chỉ nghĩ làm sao đem số châu báu mới cướp được đi bán
lấy tiền cho mau.
Đến giữa trưa, bọn vô lại đi cả rồi, ông thầy mập bèn đến chùa Từ Vân ở
gần đấy xin tá túc, và xin luôn bữa ăn trưa.
Chùa Từ Vân là ngôi chùa nổi danh nhất vùng đất ấy, tăng chúng trong
chùa lên đến đâu khoảng mười người. Các vị ấy hết lòng lo việc hoằng
dương Phật Pháp, nhưng vì dân chúng ở đất này thiếu thiện căn, người quy
y lương thiện không nhiều nên tiền cúng dường chùa cũng rất ít. Ông thầy
mập nói chuyện với chư tăng, mọi người đều than thở buồn rầu, không biết
làm sao hóa độ cho cái dân chợ búa ấy, và làm sao cho họ tin Phật đây?
Lúc ông thầy mập thọ ngọ trai ở chùa Từ Vân vừa xong thì bọn vô lại ban
sáng hùng hùng hổ hổ kéo nhau đến chùa tìm ông. Thì ra khi chúng ra chợ
tính bán các vật trân quý mới cướp được thì phát giác ra mình cái đang
cầm trong tay toàn là bụi đất, bụi đất theo gió mà bay đi hết chứ chẳng
có châu báu nào cả. Chúng hết sức ngạc nhiên, không biết giải thích điều
này làm sao, cuối cùng bèn quyết định đi tìm ông thầy mập hỏi cho ra lẽ,
vì thế mới kéo nhau đến chùa Từ Vân. Ông thầy mập đã biết trước rằng
chúng sẽ đến nên không chờ chúng mở miệng, đã mỉm cười hỏi trước:
– Các vị tới đây có chuyện gì? Bần tăng có gì các vị đã lấy đi hết rồi,
chỉ còn có xâu chuỗi cùng cái bát khất thực này thôi, vậy thì các vị còn
muốn gì nữa mà đến tìm bần tăng?
Bọn vô lại quát:
– Cái ông thầy chùa dễ ghét! Châu báu ban sáng bọn ta lấy xong, chỉ
trong giây lát đã trở thành cát bụi, đúng là mi muốn giỡn mặt với bọn ta
mà, bọn ta đến đây tìm mi hỏi cho ra lẽ, muốn sống thì mau đem châu báu
thật ra đây, nếu không đừng trách bọn ta vô lễ!
Ông thầy mập vẫn thản nhiên đáp:
– Thì ra là vậy! Ủa, mà hồi sáng tôi đã nói trước với các vị rồi, mấy
thứ đó chỉ là phân, là đất, các vị không tin cứ nói đó là trân bảo rồi
tranh nhau đoạt lấy đem đi. Bây giờ rõ ràng lời tôi nói là đúng, tại sao
các vị trách tôi giỡn mặt với các vị? Để tôi nói cho các vị một điều, ở
đời giàu nghèo đều do duyên nghiệp, không thể cưỡng đoạt mà có. Tiền tài
là những thứ ngoài thân, tranh tới đoạt lui có ích gì? Tôi khuyên các vị
nên tỉnh ngộ là hơn.
Bọn vô lại nghe những lời này làm sao lọt vào tai! Đó là một bọn ngu si
khó dạy lại cứng đầu, chúng mắng chửi ông thầy mập hết lời:
– Đồ thầy chùa gian xảo, không cho mi một trận thì mi không đưa châu báu
ra phải không!
Thế là chúng vung tay múa chân ập vào đánh. Ông thầy mập vừa cao vừa to,
nhìn thì thấy lù khù chậm chạp, ai ngờ thầy lại nhanh nhẹn khác thường,
cả bọn xông lại thế mà không đứa nào đến gần ông được. Bọn lưu manh giận
quá điên tiết lên, vừa chửi rủa vừa đánh đấm không ngừng. Ông thầy mập
nghĩ rằng nếu không để cho bọn này đánh trúng mình thì câu chuyện sẽ còn
dằn dai không dứt, thôi thì cho chúng nó đánh khúc gỗ vậy.
Ở giữa chùa Từ Vân có dựng một khúc thân cây lê, các thầy ở chùa đang
chuẩn bị dùng gỗ ấy để khắc tượng Phật.
Bồ Tát Quán Âm tức thời thị hiện chút thần thông, khúc gỗ cây lê liền
biến thành ông thầy mập, bị bọn vô lại vây kín đánh đấm cho đến trầy tay
xướt chân, mệt mỏi rã rời mới chịu ngừng. Khi chúng nghĩ rằng một trận
đánh như thế đã đủ cho chúng trả hận rồi, định thần nhìn lại thì thấy
ông thầy mập mà mình vừa đánh đấm nào có phải là ông thầy mập, mà là một
khúc gỗ đang nằm dưới đất. Bọn lưu manh giật mình kinh hãi, há hốc mồm
nhìn sững khúc gỗ rồi quay lại nhìn nhau. Có đứa biết chữ, nhìn thấy
thân cây lê có khắc sáu chữ “Đa Bảo Bồ Tát Quán Âm”.
Lúc ấy tất cả mọi người có mặt mới biết ông thầy mập ấy chính là hóa
thân Bồ Tát Quán Âm. Đứa nào cũng đấm ngực giậm chân, ăn năn hối hận. Có
đứa im lặng nhớ lại sự việc đã qua cùng những lời khuyên răn của ông
thầy mập, biết rằng đó là Bồ Tát Quán Âm có ý muốn hóa độ mình, cảm thấy
xúc động mạnh, vừa hối hận vừa tri ân, bèn lẳng lặng bỏ đi. Quả nhiên,
sau đó có rất nhiều người bỏ ác hướng thiện, thay đổi hẳn cuộc sống, bỏ
thói tham lam trục lợi lúc trước.
Hóa thân Bồ Tát Quán Âm trị bọn vô lại ra sao, chúng tăng chùa Từ Vân đã
nhìn thấy rõ ràng. Ban đầu họ lo sợ cho ông thầy mập, sợ ông bị bọn vô
lại đánh gục nên tính chạy vô can gián, nào ngờ ông thầy mập lại có công
lực phi phàm! Sau đó, lúc tất cả đều xông vào đánh ông, họ cũng định ra
tay ngăn cản thì thấy chỉ có khúc gỗ cây lê là bị đánh nên ai cũng khâm
phục trí huệ và pháp lực của Bồ Tát Quán Âm. Chúng tăng bèn quỳ trước
thân cây lê khấu đầu lễ bái. Sau đó, họ đem khúc gỗ bị đánh ấy khắc
thành tượng Đa Bảo Quán Âm.