Chùa Từ Vân nhờ có thờ tượng Đa Bảo Quán Âm nên khách dâng hương lễ bái
kéo đến nườm nượp, tiền cúng dường vô cùng hậu hĩ. Tuy nhiên, người dâng
hương lễ bái không phải bất cứ người nào cũng là hạng người mà Bồ Tát kỳ
vọng, nghĩa là những người có tâm hướng thiện. Có rất nhiều người đến lễ
bái Quán Âm với tâm ích kỷ, với ý đồ riêng tư. Lúc ban đầu, đại đa số
đến chỉ để cầu tiền cầu phúc, muốn bất cứ việc nhỏ việc lớn nào cũng đến
trước tượng Bồ Tát mà cầu khẩn. Về sau nữa thì thậm chí kỹ nữ tú bà cũng
đến thắp hương quỳ lạy, cầu xin Bồ Tát gia hộ cho việc làm ăn của mình
được phát đạt, dân trộm cắp xin cho đường sinh nhai của mình được hanh
thông, kẻ si tình người thất chí thì xin được thành duyên gia thất.
Người đến dâng hương lễ bái hạng nào cũng có, làm cho ngôi chùa Từ Vân
đang trang nghiêm trở thành rối ren đen tối.
Một hôm, có tên cướp tên là Hồ Thất cũng đến chùa Từ Vân dâng hương. Tên
cướp này vốn có tà tâm nên cứ lảng vảng đứng ngắm bức tượng Đa Bảo Quán
Âm. Bảo tượng Quán Âm này được khắc bằng tinh lõi của cây lê lúc Bồ Tát
hiển thân dùng cây lê thế thân chịu đòn cho mình ngày xưa. Bên trên có
che trướng bằng hạt châu, tràng phan bằng đá quý. Tên cướp trở về tụ họp
bọn đồng lõa lại bàn thảo, chuẩn bị ra tay.
Tối hôm ấy, Hồ Thất một mình leo tường đột nhập vào chùa Từ Vân cõng
tượng Quán Âm ra, kéo đến một chỗ hẻo lánh và cùng đồng lõa lột hết các
bảo vật trên 18 cánh tay của tượng chia đều với nhau, xong đem tượng
liệng xuống sông cho tượng theo dòng nước trôi đi chỗ khác.
Khi bọn cướp vứt tượng Đa Bảo Quán Âm xuống sông thì Ngài Quán Âm cũng
vừa qua sông để đến thành Kim Lăng. Đôi mắt từ bi của Bồ Tát nhìn thấy
bọn cướp trộm tượng lột bảo vật nên Ngài không vui lòng chút nào. Thấy
bức tượng đang trôi về phía Kim Lăng, Ngài chợt nghe tâm động, quyết
định chọn một người thiện lành và có duyên với Phật Pháp để nhờ người ấy
ra tay giúp đỡ.
Người này họ Phan tên Hòa, là một người làm nghề bán gạo ở Kim Lăng, có
một cửa hàng bán lương thực nên cảnh nhà cũng khá giả. Đây là một Phật
tử thuần thành, thích bố thí làm việc thiện, xa gần ai cũng khen ông là
người tốt.
Tuy là người chí thành thờ Phật và làm việc thiện nhưng Phan Hòa vẫn có
điểm ưu phiền, đó là tuy đã quá nửa đời người rồi mà trong nhà chỉ có
một cô con gái chứ không có con trai nối dõi. Ông mong muốn con trai tha
thiết mà không được như ý, đành tìm nơi xứng đáng kén rể quý rồi bắt rể
coi như con trai. Nhưng vì ông quá kén chọn, cao không tới thấp không
thông nên cứ dùng dằng mãi cho đến ngày nay, cửa nhà vẫn cứ trống trải.
Bồ Tát Quán Âm biết rằng người này có thiện căn nên mới chọn ông ta. Hôm
ấy, Phan Hòa nằm mộng thấy một người đàn bà đầu đội khăn, toàn thân áo
trắng, nói với ông rằng:
– Ông Phan, ngày mai ông hãy ra cửa sông đứng chờ, khoảng giữa giờ tý và
giờ ngọ sẽ có một bức tượng Quán Âm bốn mặt và 18 cánh tay trôi vào. Ông
hãy cẩn thận vớt tượng lên rồi sau đó đem tượng lên chùa Kê Ô ở trên núi
Thanh Lương tu sửa lại để thờ phụng. Chỗ đó có một tảng đá hình như cái
lá sen, vừa khéo có thể dùng làm đài sen. Ông làm được việc này thì công
đức vô lượng, muốn điều chi cũng có.
Phan Hoà đáp rằng:
– Tôi xin tuân theo lời dạy của bà làm tất cả các điều ấy, hôm nay có
phúc lành xin cho tôi hỏi một chuyện, tuy đã quá nửa đời người rồi mà
nhà vẫn chưa có con trai, mấy năm nay ao ước mong cầu, không biết tôi có
hy vọng nào không?
Người đàn bà áo trắng nói:
– Điều đó dễ thôi, tôi ban cho ông một đứa con trai cũng được!
Nói xong người đàn bà lấy một con cờ vây trắng trao cho Phan Hòa. Ông
tính hỏi thêm một câu nữa thì người đàn bà đã biến mất, bèn giật mình
thức giấc. Hôm sau Phan Hòa chạy ra cửa sông đứng đợi, quả nhiên thấy
một bức tượng Quán Âm bằng gỗ từ từ trôi vào. Ông cẩn thận vớt tượng
lên, lập tức đưa lên chùa Kê Ô và còn bỏ tiền ra mướn thợ tu sửa lại kim
thân Bồ Tát, xong lấy tảng đá hình lá sen tạc thành một đài sen. Khi tên
cướp Hồ Thất trộm tượng cõng lên lưng vượt tường ra khỏi chùa, vô ý đụng
bể phần dưới của tượng nên tượng không đứng được, chỉ có thể nằm nghiêng
nghiêng trên đài sen nên người đời đặt tên cho bức tượng này là “Quán Âm
nằm hoa sen” (Ngọa liên Quán Âm).
Lúc ấy Phan Hòa bỗng nhiên ngộ ra rằng người đàn bà áo trắng đến báo
mộng cho mình không ai khác hơn là Bồ Tát Quán Âm, vừa ngạc nhiên vừa
mừng rỡ, ông bèn mời một người thợ vẽ nổi tiếng ở Kim Lăng vẽ lại hình
dáng người đàn bà áo trắng mà mình đã mộng thấy, và với tâm mong cầu con
trai tha thiết, ông còn nhờ người thợ vẽ thêm một cậu bé trai trong lòng
Ngài Quán Âm, đặt tên hình là “Tống tử Quán Âm” (Quán Âm cho con), thờ
phụng tại nhà, ngày nào cũng chí thành lễ bái. Quả nhiên không lâu sau,
vợ Phan Hòa hoài thai sinh được một quý tử trắng trẻo dễ thương.
Chuyện Phan Hòa thờ tượng Bạch Y Tống tử mà sinh được con trai được
truyền đi khắp nơi, nên toàn vùng Giang Nam, nhà nào không có con trai
cũng thi nhau bắt chước, về sau việc này trở thành một phong tục địa
phương.
Kỳ thật, Ngài Quán Âm mà Phan Hòa mộng thấy chỉ trao cho ông một con cờ
vây trắng, trong lòng không hề ôm đứa bé nào cả, tấm hình ôm con kia
hoàn toàn do trí tưởng tượng của Phan Hòa đặt ra.
Nhắc đến Hồ Thất và đồng lõa, khi chúng chia nhau xong bảo vật cướp được
của Đa Bảo Quán Âm, mỗi người đi một hướng khác nhau mà trốn tránh quan
quân. Hồ Thất một mình chạy đến Nam Kinh, trốn lên núi Tử Kim Sơn ẩn mặt
một thời gian, nghe ngóng thấy sự truy nã đã bớt gắt gao mới dám chường
mặt ra giả làm một địa chủ vào thành bán bảo vật. Hắn tìm đến một tiệm
vàng nói với chủ tiệm rằng muốn bán một vài bảo vật gia truyền. Tên chủ
tiệm cũng là một phường lưu manh xảo trá không kém gì hắn, nên tuy thừa
biết những hạt minh châu của Hồ Thất rất quý giá song vẫn nói rằng đó là
đồ giả. Sau hắn còn muốn bóp chẹt nên bảo rằng hiện tại buôn bán khó
khăn, hắn chỉ có thể mua lại với một giá rẻ mạt.
Hồ Thất thấy chủ tiệm bóp chẹt mình mà vẫn còn tỏ ra vênh váo hợm hĩnh
thì lửa giận phừng phực. Theo thói gian ác của hắn, hắn đã muốn cho tên
chủ tiệm một bài học đích đáng nhưng biết mình hiện còn đang bị truy nã,
không muốn làm kinh động tới quan quân nên mới không ra tay. Hắn ước
lượng những hạt châu mình mang tới ít nhất cũng phải đổi được một ngàn
hai trăm lượng bạc, ai ngờ tên chủ tiệm chỉ bằng lòng đưa có hai trăm
lượng. Hắn không nhẫn nhịn được nữa, bèn lấy tay quơ bảo châu về bảo
không muốn bán nữa, xong hầm hầm quay mình bỏ đi.
Hắn đang giận dữ nên không nhìn thấy ai, không ngờ hắn vừa mới quay
người đi thì đụng phải một người đàn bà mới bước vào cửa tiệm. Bước đi
hùng hổ dữ dằn của hắn rất mạnh bạo nên khi đụng phải người đàn bà,
người này ngã xuống đất một cách nặng nề. Đây là cô tiểu thiếp của vị
quan phủ đương thời, hôm nay đến tiệm vàng tính sắm trân châu làm vật
trang sức cho mái tóc, có thị vệ đi theo. Người thị vệ thấy bà chủ bị
đụng ngã lăn xuống đất la oai oái, bèn xông tới tóm lấy Hồ Thất. Khi Hồ
Thất thấy đó là người của quan phủ thì sợ hãi tính bỏ chạy, nhưng người
thị vệ túm lấy tay áo của hắn nắm cứng. Hồ Thất nóng ruột muốn thoát
thân nên rút dao ra tính đâm người thị vệ, nhưng người này vốn là con
nhà võ, võ công cao cường lại quen bắt giặc cướp, nên chỉ nhích thân
tránh dao và bay lên đá vào tay của Hồ Thất, con dao rơi xuống đất đánh
“keng!” một tiếng. Hồ Thất nào dám đánh tiếp, vừa lăn vừa bò lết tới
cửa, ra tới ngoài rồi thì phi thân chạy thục mạng.
Người thị vệ một mặt đuổi theo một mặt hô hoán lên, một vài người lính
đang đi tuần tiễu ngoài đường nghe thế cũng đuổi theo Hồ Thất sát gót.
Trong cơn hoảng hốt, Hồ Thất chạy bừa không kể đường xá, chạy tới bờ
sông, nhìn thấy bọn lính đã đến ngay sau lưng mình rồi và xung quanh
không có đường nào khác thối lui, quẫn bách quá hắn đành nhảy đại xuống
sông. Nhưng tên cướp này không hề biết bơi, hắn vùng vẫy một lúc trong
nước và trong nháy mắt, bị sóng cuốn vào một con nước xoáy, thế là không
thấy hắn nữa.
Số phận của những tên đồng lõa cũng không khá hơn gì. Chia tay với Hồ
Thất rồi, chúng tìm được một cái miếu hoang ẩn thân. Nhưng trong một đêm
sâu, đột nhiên sấm chớp dậy trời, cuồng phong giận dữ, mưa như thác
nước, bọn cướp sợ quá nép vào góc tường co rúm lại quỳ xuống đất dập đầu
lạy xin tha mạng. Nhưng mưa to gió lớn vẫn không thuyên giảm, trong miếu
mưa tuôn xối xả dội xuống bọn giặc cướp khiến chúng không còn chỗ dung
thân. Đột nhiên trong ánh sáng một lằn chớp, chúng nhìn thấy một vài vị
Kim Cang La Hán mắt trợn trừng giận dữ, tay cầm vũ khí giáng xuống đầu
chúng dồn dập. Bọn cướp sợ quá không còn hồn vía, vãi cả ra quần, liều
mạng chạy ra ngoài tìm đường trốn. Đúng ngay lúc đó, trong một tiếng nổ
long trời lở đất, một lằn sét giáng xuống và toàn bộ những tên giặc cướp
ngã lăn xuống. Những bảo vật chúng đã cướp được vung vãi đầy mặt đất.
Ngày hôm sau trời quang mây đãng, dân chúng làng bên đi ngang miếu
hoang, thấy một vài tử thi nằm la liệt dưới đất, bên cạnh là rất nhiều
bảo vật rải rác. Có một vài thiện nam tín nữ đã từng đi chùa Từ Vân và
đã được thấy tượng Đa Bảo Quán Âm, nay nhìn thấy bảo vật là nhận ra
ngay, bèn lập tức gởi trả về chùa.
Sau việc này, dân chúng ở đây cảm nhận được uy lực vĩ đại của Bồ Tát
Quán Âm, nên lòng tin kính Tam Bảo tăng trưởng rất nhiều, một lòng hướng
về đạo. Những tên trộm vặt bắt gà trộm chó cũng do đó mà sám hối tội
lỗi, bỏ dữ làm lành.