Trước cửa chùa Phổ Tế có một hồ sen, hoa sen ở đó đặc biệt tinh khiết,
hương thơm đặc biệt ngào ngạt.
Năm ấy có một viên khâm sai của hoàng thành đến chơi Phổ Đà Sơn, được ăn
một bát chè hạt sen thơm phức, về tới triều đình bèn hết lòng tán dương
khen ngợi.
Nhà vua nghe được, bèn hạ thánh chỉ truyền lệnh mỗi năm Phổ Đà Sơn phải
tiến cống hạt sen. Từ đó trở đi, hạt sen trong hồ bị đưa lên triều cống
cho hoàng đế không chừa một hạt nào còn lại. Chư tăng trong chúng ai
cũng căm phẫn nhưng không ai dám lên tiếng.
Về sau, có một vị hòa thượng đến chùa Phổ Tế cư ngụ, ngài tên là Pháp sư
Lịch Sơn. Vị hoà thượng này râu trắng dài tới ngực, lông mày dài che
mặt, khí phách phi phàm, được mọi người mệnh danh là “lão tăng trăm
tuổi”.
Hoà thượng Lịch Sơn nghe nói mỗi năm Phổ Đà Sơn phải triều cống hạt sen
cho hoàng đế, trong lòng không phục, bèn viết gởi lên triều đình một bản
tấu thư, tâu rằng trong hồ có một con rùa đen đã thành tinh rất ham ăn,
đêm nào cũng về ăn vụng hết hạt sen trong hồ nên hạt sen vô cùng khan
hiếm, thỉnh cầu hoàng đế miễn cho việc triều cống.
Hoàng đế nhận bản tấu thư xong thì giận quá, râu tóc dựng ngược, cặp mắt
muốn lồi ra ngoài! Ông thừa biết hạt sen của Phổ Đà Sơn hằng năm phải
hiến cống triều đình, tất cả đều dành cho ông dùng, “rõ ràng họ muốn
nhục mạ ta là con rùa đen thành tinh đây mà!”
Nghĩ thế xong ông nắm lấy ngự bút, toan viết lời phê phán, song vừa mới
viết xuống bốn chữ “Lịch Sơn hoà thượng” thì ngừng lại. Tại sao vậy? Ban
đầu ông tính viết là “Lịch Sơn hòa thượng nhục mạ hoàng đế, xử tử!”,
nhưng nghĩ kỹ lại thì thấy không được, trong bản tấu thư giấy trắng mực
đen ghi rằng “con rùa đen thành tinh ăn vụng hạt sen”, làm sao có thể
bảo đó là một câu “nhục mạ hoàng đế” được! Kết tội Lịch Sơn hòa thượng
“nhục mạ hoàng đế”, há chẳng phải ngầm công nhận rằng hoàng đế chính là
con rùa đen thành tinh ăn vụng hạt sen hay sao! Làm thế thì tránh sao
khỏi bị thiên hạ chê cười! Phải kiếm một cách khác để trừng trị Lịch Sơn
hòa thượng mới được.
Một tay cầm ngự bút, một tay cầm bản tấu thư, cuối cùng ông cũng tìm ra
một cách. Ông ngoáy bút một lúc rồi đổi lời phê như sau:
“Lịch Sơn hòa thượng có nhiệm vụ phải bắt con rùa đen thành tinh, nếu
không bắt được, xử tử!”
Sau đó ông phái vị khâm sai bữa trước trở lại Phổ Đà Sơn tuyên đọc thánh
chỉ.
Chư tăng của Phổ Đà Sơn nghe xong thánh chỉ, ai cũng sững sờ và kinh
hoàng. Chỉ có Lịch Sơn Hòa thượng là không chút lo âu, tiếp xong thánh
chỉ bèn nói với khâm sai:
– Nếu muốn bắt rùa tinh thì thế nào ngó sen cũng bị hủy hoại, lúc ấy sẽ
không còn hạt sen nào để hiến cống lên cho hoàng thượng. Lão tăng không
dám chịu trách nhiệm ấy, xin đại nhân xét cho!
Vị khâm sai nghe thế thầm nghĩ: “Ông Lịch Sơn Hòa thượng này thật là
không phải tay vừa!” rồi bèn làm bộ xuề xoà, cười nói:
– Nếu bắt được rùa tinh thì về đến kinh đô rồi lão thần nhất định sẽ tâu
lên sự thật, cầu xin hoàng thượng xá miễn cho các vị việc triều cống!
Lịch Sơn Hòa thượng nghe thế cười ha hả:
– Đại nhân thật là người biết thông cảm cho phận kẻ thấp cổ bé miệng,
lão tăng rất khâm phục. Không phải như kẻ khác, ngoài thì thơn thớt nói
cười mà sau lưng lại giết người không dao bằng những lời sàm tấu, thật
là đáng ghét! Vậy thì chúng ta cùng ra hồ bắt rùa đi!
Lịch Sơn Hòa thượng dẫn đầu chư tăng của toàn chùa, mặc áo cà sa, chắp
tay cúi đầu, miệng đọc kinh Phật, đến hồ sen sai người tát cạn hồ nước,
rồi chọn mười vị tăng mạnh khoẻ cường tráng nhảy xuống hồ bắt rùa. Mò
mẫm như thế liên tiếp ba ngày ba đêm, cuối cùng họ mới mò ra được một
con rùa đen bằng đá nằm ở dưới cầu Vĩnh Thọ. Hòa thượng Lịch Sơn bảo mấy
vị tăng ấy đem dây thừng cột chặt con rùa đá rồi đem nó lên xem xét, ôi,
con rùa này nặng tới ngàn, vạn cân là ít!
Lịch Sơn Hòa thượng chỉ con rùa đen nói với khâm sai rằng:
– Thưa đại nhân! Con rùa đá này tu luyện thành tinh, tạo nghiệp tội trên
đất Phật, may được thánh chỉ của hoàng thượng nên lão tăng mới trừ được
cái hại này!
Khâm sai bước tới rờ đầu rồi gõ lưng con rùa, đảo mắt nhìn quanh rồi
nói:
– Đây là con rùa đá, làm sao có thể ăn vụng hạt sen được? Này, nói dối
là bị tội khi quân chứ không phải chuyện đùa đâu!
Lịch Sơn Hòa thượng mỉm cười đáp:
– Đại nhân không rõ đấy thôi! Con rùa này là do Bát Tiên đánh mất lúc họ
qua sông đó mà! Lúc đầu nó chỉ là một con rùa nhỏ bằng ngọc đen, nhờ tu
luyện lâu năm ở đây nên mới trở nên to lớn như thế. Ngày nó ngủ, đêm mới
thức dậy lén ăn hạt sen trên đất Phật với ý nguyện mau đắc chính quả.
Mặc dầu nó đã thành tinh, nhưng không có phép để thăng thiên hay độn thổ
cho nên một khi bị mặt trời chiếu vào rồi thì bao nhiêu công phu tu hành
đều mất trọn. Đại nhân có thể đem con rùa này về hoàng thành, thỉnh
hoàng thượng xem qua để thấu rõ cho lòng thành của bần tăng đi bắt rùa
trừ yêu cho Phổ Đà Sơn!
Vị khâm sai nọ nghe Lịch Sơn Hòa thượng nói thế thì bán tín bán nghi,
cảm thấy thật là khó xử. Con rùa đá nặng cả ngàn cân, nếu đem về kinh
thành thì phải mất rất nhiều thời gian, rất nhiều công sức. Hơn nữa phải
đi đường biển xa xôi, trên biển gió thuận thì không nói gì, mà nếu gặp
gió mưa bão bùng thì thật là không thể kham nổi lao khổ! Ông bèn làm bộ
thân thiết nói rằng:
– Nay pháp sư đã hàng phục được yêu tinh, trừ hại cho đất Phật, lão thần
sẽ về tâu điều này lên cho Thánh thượng là được rồi. Còn con rùa đá này,
thôi thì cho nó ở lại đây, sau này bắt nó đội bia vậy!
Lịch Sơn Hòa thượng nghe khâm sai nói thì trong bụng mừng thầm, vội cúi
đầu tạ ơn “Tuân mệnh!”.
Khâm sai biết bản lãnh của Lịch Sơn Hòa thượng, không dám nấn ná ở lại
lâu, đành tiu nghĩu trở về kinh báo cáo kết quả nhiệm vụ cho hoàng đế.
Từ đấy, Phổ Đà Sơn không còn phải triều cống hạt sen cho vua nữa.
Về sau, có người nói chính Lịch Sơn Hòa thượng đã ngầm sai người thả rùa
đá đen này xuống hồ trước rồi.
Đúng là: “Sư đi nước cờ cao, khâm sai bị hàng phục!”.