Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Hầu hết mọi người đều cho rằng sự thông minh tạo nên một nhà khoa học lớn. Nhưng họ đã lầm, chính nhân cách mới làm nên điều đó. (Most people say that it is the intellect which makes a great scientist. They are wrong: it is character.)Albert Einstein
Việc người khác ca ngợi bạn quá hơn sự thật tự nó không gây hại, nhưng thường sẽ khiến cho bạn tự nghĩ về mình quá hơn sự thật, và đó là khi tai họa bắt đầu.Rộng Mở Tâm Hồn
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Bạn có thể lừa dối mọi người trong một lúc nào đó, hoặc có thể lừa dối một số người mãi mãi, nhưng bạn không thể lừa dối tất cả mọi người mãi mãi. (You can fool all the people some of the time, and some of the people all the time, but you cannot fool all the people all the time.)Abraham Lincoln
Chúng ta không làm gì được với quá khứ, và cũng không có khả năng nắm chắc tương lai, nhưng chúng ta có trọn quyền hành động trong hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Cuộc sống không phải là vấn đề bất ổn cần giải quyết, mà là một thực tiễn để trải nghiệm. (Life is not a problem to be solved, but a reality to be experienced.)Soren Kierkegaard
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Bông Hồng Cho Mẹ và Những cảm nhận học Phật »» Với kinh Kim Cang Bát Nhã »»
Khi tiếp cận với Kim Cang, tôi bỡ ngỡ và chưng hửng không ít. Lâu nay cứ nghe người ta đọc câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” như một câu thần chú để quên đi bao nỗi muộn phiền, rồi đọc Lục tổ Huệ Năng cũng thấy ngài kể chuyện một hôm đi bán củi, chỉ nghe lóm nguời ta đọc có câu kinh đó thôi mà đại ngộ, thế mà mình càng nghe càng mơ hồ, mù tịt. Sau khi viết “Nghĩ Từ Trái Tim”, ghi lại những cảm nghĩ của mình về Tâm Kinh Bát Nhã, tôi thấy hình như mình cũng có được đôi chút hiểu biết nhưng vẫn còn lờ mờ nên muốn tiếp tục tìm hiểu thêm các kinh sách khác của Phật may ra sáng tỏ thêm chút gì chăng và nhờ đó mà có niềm tin để thực hành thấu đáo. Bởi biết là một chuyện, hiểu là một chuyện, còn từ biết đến tin đến làm và duy trì hành vi, nhận thức không phải dễ dàng. Cho nên trong Tâm Kinh, khi Bồ tát Quán Tự tại “hành thâm Bát nhã” thấy được “ngũ uẩn giai không”, thoát mọi khổ đau ách nạn mừng rỡ reo lên “Bồ đề, Tat-ba-ha!” thì Phật đã cảnh giác: Phải tiếp tục hành thâm. Hành thâm nữa. Chưa ăn thua gì đâu. Không được tự mãn. Không được lơ là.
Tôi học Kim Cang không ngờ cũng thấy ghiền như khi học Tâm Kinh ngày trước. Đôi khi giật mình, đôi khi sửng sốt, đôi khi bỡ ngỡ, đôi khi chưng hửng. Các kinh sách dù có nhiều truyền bản, nhưng rõ ràng là có một sự nhất quán, xuyên suốt, chỉ khác cách tiếp cận tùy “đối tượng đích” mà cách truyền đạt khác nhau chớ nguyên lý vẫn là một. Nắm đựơc cái cốt lõi có thể bớt hoang mang, thấy đựơc “chỗ vào” chăng?
Cái điều bỡ ngỡ và chưng hửng đầu tiên khi học Kim Cang là hy vọng được đọc, được nghe những lời hay ý đẹp, những khuôn vàng thước ngọc, những bài giảng uyên áo. Thế mà, trời ạ! Kim Cang lại đi kể ngay một chuyện rất đỗi bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường nữa, chẳng ăn nhập vào đâu, đó là chuyện Phật tới giờ ăn, đói bụng, bèn mặc áo, ôm bình bát đi... khất thực, chẳng thèm nói lấy một tiếng, chẳng thèm ra oai tằng hắng lấy một tiếng! Nghĩ mà coi, giữa lúc có hàng ngàn người, cả các vị Đại Bồ tát, A la hán, các vị “chức sắc” và các đại đệ tử thân tín ngồi hồi hộp chờ nghe những lời giáo huấn sâu xa thì Phật chẳng nói chẳng rằng, mặc áo, cầm bình bát, vào thành khất thực. Đến khi khất thực thấy vừa đủ rồi mới ung dung trở lại “hội trường”, bày ra ăn, ăn xong, thu dọn y bát đâu đó đàng hoàng rồi rửa chân sạch sẽ, ngồi xếp bằng... thở, nghĩa là... nhập định! Chẳng thèm nói lấy một tiếng. Chẳng thèm ban cho một chút huấn từ! Tôi tưởng tượng lúc đó nếu mình cũng đang ngồi xớ rớ đâu đó, bên ngoài hành lang, dự thính, chờ nghe những lời thuyết giảng mà phát tức anh ách, cảm thấy hẫng, thất vọng. Bỗng dưng, Tu Bồ Đề xuất hiện. Ngồi giữa đám đông như mọi người bỗng ông đứng phắt dậy, cung kính cúi chào đúng nghi lễ với bậc Thế Tôn rồi cất lời ca ngợi: Thật là tuyệt vời! Thật là tuyệt diệu! Thật xưa nay chưa từng có! Thế Tôn đã khéo léo dạy dỗ, khéo léo trao truyền, khéo léo gởi gắm cho các vị đang có mặt tại đây hôm nay! Lúc đó thì quả thực mới bùng nổ bài học vừa được truyền trao mà chẳng ai ngờ! Lúc đó thì sự chưng hửng đã trở thành nỗi áy náy. Chết rồi, nãy giờ không để ý, không theo dõi kỹ bài giảng không lời kia của đức Phật! May mà có Tu Bồ Đề phát hiện! Những người không để ý quan sát kỹ sẽ mất đi một cơ hội đáng tiếc!
Phật có cách dạy riêng của Ngài: không nói một lời mà chỉ làm cho coi. Đó là một phương pháp giáo dục rất mới mà bây giờ người ta gọi là “demonstration”, tức biểu diễn, làm gương, làm cho bắt chước, một lối dạy kỹ năng sống (life skills) rất hiện đại. Một lần nữa cho thấy học Phật, tu Phật là làm chớ không phải nói. Làm trước, nói sau. Hoặc cũng chẳng cần nói. Ta hiểu vì sao các vị thiền sư thường bắt học trò chẻ củi, nấu cơm, gánh nước, trồng rau, giã gạo... mà chẳng thèm dạy lấy một lời. Cho đến lúc nào học trò tự phát hiện ra một điều gì đó bức xúc trong tâm thì mới dạy, cũng bằng một cách kỳ cục nào đó: có khi lật thuyền, có khi gõ đầu, có khi trả lời trớt quớt, có khi hỏi ấm ớ kiểu ông đưa tâm đây tôi an cho, làm cho học trò ngớ ra rồi... sực tỉnh cơn mê! Cuối khóa học, trò cũng không nhận được một bằng cấp nào của thầy để khoe, thầy cũng chả có gì để trao cho trò. Bởi “Cái đó” sẵn có trong trò, thầy chỉ giúp trò tự phát hiện, tự chứng nghiệm, tự “giải quyết” lấy vấn đề của mình. Đó gọi là tham vấn (counselling), một phương cách trị liệu tâm lý học và y học ngày nay. Người làm tham vấn ví như cô mụ đỡ đẻ, giúp bà mẹ có được cuộc đẻ mẹ tròn con vuông chớ không thể đẻ thay bà mẹ. Đứa con có sẵn trong bụng mẹ rồi.
Trở lại bài học, mọi người giật mình, sửng sốt nhớ lại thì mới hay Phật muốn dạy mình bài học đầu tiên: Đói thì ăn, khát thì uống. Tới giờ ăn thì phải lo ăn. Ai nói không cần ăn là người không biết sống, hoặc giả dối. Gần hai ngàn năm sau, Trần Nhân Tông, ông vua nhà Trần ở nước ta, vị thiền sư sáng lập phái Trúc Lâm Yên Tử cũng nói trong bài “Cư trần lạc đạo”: Cơ tắc xan hề khốn tắc miên (Đói thì ăn, mệt thì ngủ). Phật tới giờ ăn mà còn phải lo mặc áo, xách bình bát đi khất thực, huống là ta! Điều đáng để ý ở đây, một bậc Thế Tôn như đức Phật, chỉ cần nói một tiếng, không thiếu món ngon vật lạ cúng dường! Thị giả hẳn đã lo bữa cơm tươm tất cho Phật đâu đó rồi, chờ Phật thuyết giảng xong thì vào ăn. Nhưng không. Phật đã tự đi kiếm ăn lấy một mình. Không nhờ vả đến ai. Không ăn thức ăn dọn sẵn ngon lành, mà tự mình làm đúng những điều mình đã dạy. Cho nên không giật mình, sửng sốt sao được! Nhiều vị “chức sắc” có mặt hẳn... hết hồn nhìn lại mình, nào đệ tử cung phụng, nào bày biện các món ăn tuy là chay mà cũng “sơn hào hải vị” không kém! Ngày nay, ta còn thấy có nhiều thức ăn chay giả giống hình con tôm, con cá, đùi gà... thật là đáng ngại!
Giật mình, sửng sốt còn bởi vì Phật, địa vị cao nhất, bậc Thế Tôn kia, có hàng chục “chức danh” lừng lẫy mà vẫn giản dị làm sao, vẫn đi chân trần từng bước thanh thoát, vẫn bưng bình bát đi khất thực giữa nắng trưa để có cái ăn, có gì ăn nấy. Phật đi khoan thai, tự nhiên, mỗi bước đều chánh niệm, không “dính mắc” gì với chung quanh mọi người đang xì xầm hay bàn tán về mình, kẻ khen người chê mình. Ngài chỉ thở vào thở ra trên từng bước đi, ung dung, nhẹ nhàng, sảng khoái. Phật cũng không chọn các nhà giàu để đến khất thực hoặc chọn nhà nghèo dễ chịu hơn, hoặc những nhà quen biết cho chắc ăn, Phật cứ ung dung lần lượt đi từng nhà, từng nhà, bởi vì đâu có cần phải phân biệt, đâu có cần giúp riêng người giàu hay người nghèo. Ai cũng có vấn đề, ai cũng “khổ” như nhau thôi. Người nghèo khổ nghèo, người giàu khổ giàu! Có điều sau một vài tiếng đồng hồ đi bộ để khất thực như vậy thì món ăn nào cũng trở thành “cao lương mỹ vị”, nếu được ăn trong chánh niệm, được nhai kỹ từng chút một thì thức ăn nào cũng ngon, cũng dễ tiêu hóa. Hình như cái bình bát cũng vừa lớn đủ đựng thức ăn cho một người thôi, để không quá dư, không thừa mứa.
Ngày nay, ít thấy cảnh khất thực, nhất là ở các đô thị, thành phố, thế nhưng khi ta có dịp thấy một người mặc áo ca sa, mang bình bát, từng bước ung dung, chánh niệm, đi khất thực từng nhà, từng nhà, ta không khỏi khâm phục vị Thầy từ ngàn xưa, và tự dưng trong lòng thấy cảm động. Ngày nay, dù không còn phải đi khất thực từng bữa nữa, nhưng việc đi bộ hằng ngày vài tiếng đồng hồ cũng luôn rất cần thiết cho sức khỏe; thức ăn đơn giản, nhiều rau, nhiều đậu, ít béo, ít đường, ít mặn, không quá dư cũng đã rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt là ăn trong trạng thái ung dung, thư giãn, một không khí an lành, vơi niềm vui có được bữa ăn vừa đủ, không cầu kỳ, không thừa mứa, thì bữa ăn nào cũng trở nên ngon, lành mạnh, khỏe khoắn. Ăn xong, Phật thu dọn y bát đâu đó gọn gàng, rửa chân sạch sẽ rồi mới vào ngồi tĩnh tọa. Điều đáng để ý ở đây là không phải ăn xong thì đi... ngủ hoặc bắt đầu tranh luận căng thẳng mà là ngồi tĩnh tọa, vào thiền. Có lẽ đó là lúc tốt nhất để nghe cơ thể mình hoạt động, để thấy các thức ăn được bộ máy tiêu hóa, hấp thu, chuyển hóa thành năng lượng ra sao trong từng tế bào. Bài học đã truyền trao. Nếu chịu khó quan sát kỹ tí nữa, lúc Phật bưng bình bát đi khất thực từng nhà, có lẽ ta còn phát hiện ra nhiều điều hay, thú vị khác. Chẳng hạn, cái người đi khất thực kia không phải là người đi xin mà là người đi cho. Ta không thể phân biệt ai là người xin người cho ở đây. Khi người đi khất thực đứng trước cửa nhà nào thì gia chủ mừng húm, cảm thấy như mình có một hạnh phúc lớn, không phải chỉ vì người đi xin kia là đức Phật mà chỉ vì cái hành vi đi xin kia thực ra mang một ý nghĩa khác, ý nghĩa cảnh tỉnh, như một lời nhắn nhủ, nhắc nhở. Gia chủ sẽ có dịp nhìn lại chính mình, nghe ngóng một tiếng nói nào đó ở trong sâu thẳm tâm hồn mình. Có thể rồi sẽ chóng quên, nhưng hôm nào đó lời nhắc nhở sẽ lại vọng lại. Với người quyền quý cao sang, có thể giật mình một chút thấy cái người đi chân đất, để đầu trần, bưng bình bát đứng xin kia là người vì sao đã từ bỏ ngôi vị thái tử, đã từ bỏ gấm vóc lụa là, cung phi mỹ nữ. Cũng có thể sẽ có những người xua đuổi, sỉ vả, để rồi cũng nhận đựơc một ánh mắt biết ơn, một nụ cười trìu mến và những bước đi nhẹ nhàng của người khất thực kia. Để rồi đêm về, người đã xua đuổi sỉ vả nọ nhớ lại, ngạc nhiên nghe một thứ tiếng nói khác trong lòng mình. Có những người nghèo không có cái ăn, không có cái gì để cho thì lúc đó cái ánh mắt, cái nụ cười sẽ chia sẻ cùng nhau. Sự tôn trọng, không phân biệt, đã nói lên nhiều điều quá đỗi.
Thực ra, nếu quan sát kỹ chút nữa, có lẽ từ lúc Phật đứng lên mặc áo, cầm lấy bình bát... mỗi cử chỉ đều đã toát lên một cái gì đó khác với ta. Nếu có ai cắc cớ hỏi chuyện mặc áo, cầm bình bát của Phật đâu thấy khác gì mọi người, thì chắc Ngài sẽ cười nhẹ nhàng nói, có chứ, khác chứ. Bởi Phật khoác áo, cầm bình trong chánh niệm còn ta thì hấp tấp, hổn hển chụp lấy áo, chụp lấy bình bát, tất tả vội vàng...
Diễn tiến của một buổi giảng huấn bằng phương pháp demonstration đó thì mỗi cử chỉ, hành động đều phải được theo dõi, quan sát rất kỹ để có thể thực hành theo. Suốt bài giảng đó, ta đã học được nhiều điều hơn ta tưởng: Bố thí mà không phải bố thí, trì giới, nhẫn nhục, mà không phải trì giới nhẫn nhục, rồi tiết độ, tri túc, tinh cần, chánh niệm... và lúc nào cũng ở trong một trạng thái ung dung, an lạc, thảnh thơi, đầy trí tuệ. Cho nên ta sẽ không còn ngạc nhiên khi nghe Tu Bồ Đề cất tiếng ca ngợi: “Hy hữu Thế Tôn! Như Lai thiện hộ niệm chư Bồ tát, thiện phó chúc chư Bồ tát”.
(Từ Quang tập 12, tháng 4.2015)
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.136.95 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập