“Lúc bấy giờ, Đức Phật từ nhục kế phóng ra ánh sáng và phóng ánh sáng nơi tướng lông trắng giữa chặn mày, soi khắp tám trăm muôn ức na-do-tha hằng hà sa các cõi Phật ở phương Đông...” Rất ít khi nào Phật phải phóng hào quang cùng lúc từ hai nơi như vậy, vừa từ nhục kế trên đỉnh đầu vừa từ giữa chặng lông mày. Phải có cái gì lạ lắm ở đây! Thật vậy, ở phần đầu của Pháp hoa, ta chỉ thấy Phật phóng hào quang từ nơi tướng lông trắng giữa chặng mày mà cũng đã đủ chiếu khắp cả một muôn tám nghìn cõi ở phương Đông, suốt từ địa ngục A-tỳ cho đến trời Sắc Cứu Cánh, để mọi người có mặt ai cũng thấy rõ cả sáu loại chúng sanh nheo nhóc khắp các cõi kia, lại thấy nơi nào cũng có các vị Phật đang nói kinh, cùng các vị Phật đang nhập Niết bàn, nơi nào cũng có các đại Bồ tát đang tu lục độ vạn hạnh... Vậy mà lần này, ngoài hào quang từ giữa chặng lông mày nhướng lên cho thấy khắp tám trăm muôn ức na-do-tha hằng hà sa các cõi Phật ở phương Đông còn vượt qua đến tận thế giới của Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai.
Lần này hào quang “quét” xa hơn và “focus” như để tìm kiếm một cái gì đó. Cùng lúc, Phật còn phóng hào quang nơi nhục kế ở trên đỉnh đầu rõ ràng không phải chỉ để thấy (kiến) mà còn để biết (tri), để tìm gặp một “người quen” nào đó nữa. Thì ra là Bồ tát Diệu Âm. Bồ tát Diệu Âm đang ở bên cạnh Tịnh Hoa Vương Trí Như Lai lập tức bị rúng động. Rúng động cũng phải thôi. Thần giao cách cảm mà! Phải có cùng một tần số mới rúng động được, nếu không, chỉ trơ như đá! Diệu Âm rúng động toàn thân, rúng động sáu cách. Ánh sáng đến từ đỉnh đầu không phải là ánh sáng trí tuệ, đây là ánh sáng của cảm xúc, nó làm cho người ta run rẩy, bứt rứt, lâng lâng. Diệu Âm rùng mình, vội vả xin đi gặp Thích Ca đang ở cõi Ta bà xa lắc xa lơ kia. Không chỉ Thích Ca mà còn thăm cả Văn Thù, người bạn cũ. Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai không làm sao giữ lại được, bèn dặn dò đôi câu rằng đừng có coi khinh cõi Ta bà , ở đó không chỉ có Văn Thù mà còn có Dược Vương, Dược Thượng, các vị Bồ tát đang “dạo chơi”... để cứu độ chúng sanh.
Diệu Âm lập tức hoá thành ngàn cánh sen xanh mướt bay vù vù đến Ta bà , nơi Phật đang nói kinh Pháp hoa. Không phải tự dưng mà Phật mời cho được Diệu Âm. Bởi Diệu Âm là vị Bồ tát từ lâu đã trồng các cội công đức... đặng trọn trí huệ rất sâu, đạt tất cả các tam muội từ “Diệu tràng tướng tam muội” đến “Pháp Hoa tam muội”... trong đó có lẽ đặc biệt nhất là tam muội “Hiện nhất thiết sắc thân”. Nếu Thường Bất Khinh là vị Bồ tát có hạnh luôn “tôn trọng” (respect) mọi người và Dược Vương có hạnh “chân thành” (congruence), khiến mọi người ai thấy cũng vui thì giờ đây, Diệu Âm mới là vị bồ tát có hạnh “thấu cảm” (emphathy) rất chuyên biệt, sâu sắc. Có khả năng hiện nhất thiết sắc thân nghĩa là muốn biến thành ai cũng được dù là Phật, là Bồ tát, vua quan hay yêu ma quỷ quái gì cũng được, lại còn có khả năng nghe hiểu và nói mọi thứ tiếng “giải nhất thiết ngữ ngôn chúng sanh” nữa, nên thâm nhập vào mọi cảnh ngộ, mọi tình huống đều rất dễ dàng. Thấu cảm là khả năng đặt mình vào địa vị của người khác mà hiểu cho thấu suốt nguồn cơn, có vậy mới có lòng từ bi thật sự.
Con đường đến trái tim người phải là con đường của cảm xúc, của sự rung động, không thể bằng lý trí, nghĩ suy, toan tính... Âm thanh chính là con đường đó, mau chóng nhất, gẫn gũi nhất. Tiếng hú, tiếng kêu, tiếng rên... chẳng phải là thứ âm thanh của trần thế cần được lắng nghe đó sao? Ai bảo chỉ có con người mới có ngữ ngôn? Diệu Âm, âm thanh vi diệu, có thể đi thẳng vào lòng người bởi khả năng “hiện các thứ thân hình” để “nơi nơi vì hàng chúng sanh nói kinh điển này”. Âm thanh vi diệu, một tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng tụng niệm đủ để chuyển hóa, đủ để làm lửa nóng của địa ngục thành cam lồ của thiên đàng sao không? Không có năng lực này thì không thể tiếp cận, không thể giúp chúng sanh tiếp nhận Diệu pháp. Không chỉ hiểu ngôn ngữ mà còn phải có hình sắc tương đồng, một thứ ngôn ngữ cơ thể mới có thể truyền thông không lời hiệu quả. Một người mặc veston, cà-vạt sao nói chuyện được với một bé bụi đời rách rưới lang thang hay một cô gái giang hồ xác xơ đầy mặc cảm... Cho nên Diệu Âm khi cần thì biến thành Phạm Thiên Đế Thích, khi thành vua thành chúa, thành trưởng giả, doanh nhân, cư sĩ, dạ xoa, Atula, nhơn phi nhơn các thứ.... Khi cần thì hóa Thanh văn, Bồ-tát, Phật không khó. Cần vào địa ngục thì vào, ngạ quỷ súc sanh đều là... bạn thiết, không phân biệt đối xử... Và nhờ thứ tam muội này mà Diệu Âm mới nói kinh Pháp hoa cho chúng sanh ngộ nhập được tri kiến Phật, mà chuyển hóa được tám vạn bốn ngàn phiền não thành tám vạn bốn ngàn cánh sen xanh mướt, đẹp đẽ, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Khi Văn Thù thấy ngàn cánh sen xanh mướt rực rỡ bay vèo đến thì biết ngay đó là Diệu Âm và muốn cho mọi người cũng được thấy biết vị Bồ tát dễ thương này. Phật bảo Văn Thù: “ Đức Đa Bảo Như Lai đã diệt độ từ lâu đây, sẽ vì các ông mà hiện bày thân tướng của Bồ tát đó”. Đa Bảo Như Lai tức thời gọi Diệu Âm : “Thiện nam tử đến đây! Văn Thù muốn thấy thân của ông”. Chuyện lạ! Đức Thích Ca đã mời được Diệu Âm Bồ tát đến mà phải có Đa Bảo Như Lai “diệt độ từ lâu” mới gọi ra cho mọi người thấy mặt được sao ? Thì ra người ta không thể “nhìn” được cảm xúc nếu không có xúc cảm! Không thể lấy lý trí, nhất là lý trí tích cóp mà “thấy” được cảm xúc. Hiểu là một chuyện, cảm là một chuyện khác. Chỉ có Đa Bảo mới “gọi” được Diệu Âm. Hay nói khác đi, những ai hằng sống với Đa Bảo, hằng thân thiết với Đa Bảo mới nhận ra được Diệu Âm. Còn không thì Diệu Âm vẫn là một vị Bồ tát xa lạ. Khi Diệu Âm xuất hiện: “Mắt như cánh hoa sen xanh rộng lớn, diện mạo đẹp hơn nghìn muôn mặt trăng, thân sắc vàng ròng vô lượng công đức trang nghiêm, ánh sáng chói rực”... rõ ràng không thể khiến ta không... rung động sáu cách! Diệu Âm hỏi thăm Thích Ca : “Thế Tôn ít bệnh ít khổ, đi đứng thơ thới, sở hành an vui chăng ? Bốn đại điều hoà chăng? Việc đời nhẫn được chăng? Chúng sanh dễ độ chăng? Không có người nhiều tham dục, giận hờn, ngu si, ganh ghét, bỏn xẻn, kiêu mạn chăng?... Chúng sanh hàng phục được các ma oán chăng?”.
Thì ra vì chịu mang thân tứ đại ngũ uẩn nên Phật cũng phải “khổ”, phải vất vả như ai! Chỉ có Đa Bảo Như Lai thì mới tủm tỉm cười cười chẳng nói. Diệu Âm vãng lai. Đến rồi đi. Đi rồi đến. Nhưng thực ra Diệu Âm vẫn luôn còn đó, vẫn luôn có đó, vẫn với đôi mắt trong xanh vời vợi đó, vẫn với thân hình ngàn cánh sen mướt nhung bay lượn đó cho bất cứ ai, bất cứ đâu, khi biết nghe tiếng sóng, tiếng gió, tiếng lá rơi, tiếng côn trùng... và tiếng chuông chùa rơi lúc đêm khuya… Diệt thọ tưởng định là cõi thiền mà Phật đã sáng tạo trên con đường tu tập để cắt đứt vòng ái, thủ, hữu... Tâm lý học ngày nay cũng tập trung nghiên cứu về “thọ”, nghĩa là về cảm giác, cảm xúc. Kiểm soát “thọ” thì kiểm soát được tâm. Chính là con đường của Diệu Âm Bồ tát (Gadgadasvara).
Gadgada là Diệu, là điêu luyện, là thuần thục, Svara ở đây là Âm, là Tự tại. Nói cách khác, có thể dùng âm thanh để đạt đến Tự tại nhờ một kỹ năng điêu luyện. Nghe một tiếng chuông, ngửi một mùi hương, nhìn một chiếc lá rơi... gợi bao nhiêu cảm xúc, giúp ta thấy vô thường, thấy duyên sinh, không, vô ngã... Chuông đánh lên thì nghe tiếng chuông, chuông không đánh thì nghe cái “không tiếng chuông”. Cái nghe, sự nghe, tánh nghe vẫn đó, không vì tiếng chuông có hay không. Âm thanh vi diệu, Diệu Âm, một khi đến được “nhất tâm bất loạn” thì đã vào chánh định rồi vậy!
(Từ Quang tập 7, tháng 1, 2014)