Căn bệnh thời đại toàn cầu hóa ngày nay là S.A.D. Buồn bã? Không phải đâu. Đó là chữ viết tắt của Stress (căng thẳng), Anxiety (Lo âu, sợ hãi) và Depression (trầm cảm). Ngày càng có nhiều phương thức trị liệu tâm lý được phát triển để đối trị. Nào CBT (Cognitive Behavioral Therapy, liệu pháp nhận thức hành vi), nào ACT (Accetance Commitment Therapy, liệu pháp chấp nhận - cam kết), MBSR, liệu pháp giảm thiểu căng thẳng dựa trên Chánh niệm (Mindfullness-Based Stress Reduction) và MBCT liệu pháp nhận thức hành vi dựa trên Chánh niệm (Mindfullness- Based Cognitive Therapy)... Không phải tự dưng mà ngày nay Tây phương đến với Thiền định như một liệu pháp tâm lý và Y học! Nhưng thực ra nếu chỉ dừng lại ở đó một cách thực dụng thì thật là đáng tiếc. Bởi chưa thể đạt đến Chánh định (Samadhi) để từ đó mà có Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng… của con đường Bát chánh đạo. Thiền Phật giáo không dừng lại ở đó. Cho nên một vị sư đã rất có lý khi có bài giảng: Going beyond Mindfulness! (Vượt qua Chánh niệm!)
Tại các thiền viện, các chùa chiền… thường thấy có Tham vấn đường, các bệnh viện thì có Phòng tham vấn, nơi người ta tìm đến để được giúp đỡ. Người thầy thuốc, người tu sĩ trở thành một tham vấn viên (counsellor) để giúp cho thân chủ (client), thí chủ của mình.
Tham vấn sức khỏe chẳng hạn là một tiến trình đối thoại và tương tác giữa tham vấn viên và thân chủ, giúp xác định một vấn đề, giải quyết một khủng hoảng, quyết định một kế hoạch hành động. Một tiến trình đòi hỏi thời gian và một số điều kiện để thiết lập mối tương giao lành mạnh, truyền thông hiệu quả giữa tham vấn viên và thân chủ, nhằm giúp thân chủ tự khám phá, tự hiểu biết, tự quyết định và có hành động tích cực, làm chủ được cảm xúc, cư xử có trách nhiệm, thích nghi với hoàn cảnh và duy trì các mối quan hệ xã hội…
Tham vấn sức khỏe gồm tham vấn khủng hoảng (crisis counselling), tham vấn quyết định (counselling for decision- making) và tham vấn hành vi (behavioral counselling). Mỗi kiểu có tiến trình, vị trí của thân chủ, vai trò của tham vấn viên và phương pháp khác nhau, nhưng cốt lõi vẫn là mối quan hệ giữa một người có kỹ năng, có kiến thức và có tâm từ là tham vấn viên và một người có nhu cầu, có vấn đề là thân chủ.
Tham vấn đặt trọng tâm vào thân chủ hay còn gọi là “thân chủ trọng tâm” (client-centered) là cốt lõi của cả ba loại tham vấn sức khỏe nêu trên. Thân chủ là trọng tâm của tiến trình tham vấn, vì chính thân chủ chứ không phải ai khác biết rõ vấn đề của họ, cảm xúc thực sự của họ và những giải pháp của họ. Tham vấn viên là người giúp đỡ, hướng dẫn nhưng không quyết định thay họ được. Tham vấn viên giúp cho thân chủ tự khám phá, tự hiểu biết, tự quyết định.
Cảm xúc và suy nghĩ của thân chủ là yếu tố quan trọng. Cuộc đối thoại và tương tác giữa tham vấn viên và thân chủ sẽ tùy thuộc vào bản chất chủ quan của vấn đề do thân chủ đặt ra.
Những yếu tố thiết yếu của vấn đề Tham vấn “thân chủ trọng tâm” này cũng cần được áp dụng trong các tu viện, chùa chiền, tịnh thất...
Để có được mối quan hệ tốt đẹp đó, cần có một số điều kiện, cũng có thể gọi là phẩm chất, và kỹ năng cần thiết của “tham vấn viên”, đó là: sự tôn trọng (respect), chân thành (genuine), thấu cảm (empathy), biết lắng nghe (listening), giữ bí mật...; không phải phán đoán, đánh giá, suy diễn, chụp mũ… hoặc tạo lệ thuộc...
Đức tính quan trọng hàng đầu của tham vấn viên là có khả năng thấu cảm, nghĩa là đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của thân chủ để thấu hiểu một cách sâu sắc suy nghĩ, cảm xúc của họ. Thân chủ thấy có người hiểu mình, thông cảm trọn vẹn với mình thì sự bộc lộ càng dễ dàng, thẳng thắn. Đặt mình trong tình huống của thân chủ, xem xét vấn đề theo quan điểm của thân chủ, đánh giá theo cách nhìn của thân chủ, tham vấn viên mới có thể trải qua các kinh nghiệm của thân chủ và thực sự cảm thông, từ đó giúp thân chủ tự khám phá, tự thay đổi. Các đức tính khác là chân thành và tôn trọng hay chấp nhận (acceptance) là những đức tính đòi hỏi phải có ở một tham vấn viên.
Gần 2.600 năm trước, Đức Phật đã là một bậc Y vương (thầy thuốc vua), một nhà sư phạm lỗi lạc, nhà tâm lý vĩ đại đã “hình tượng hóa” những đức tính, phẩm hạnh cần thiết của một “tham vấn viên” qua hình tượng những vị gọi là Bồ-tát, những người đã giác ngộ nhưng chưa muốn làm Phật, còn ở lại cõi Ta-bà này để giúp đời, giúp người. Bồ-tát Thường Bất Khinh (Sadaparibhuta) làm ta kinh ngạc! Cái tên đủ nói lên phẩm chất của ông: Thường là luôn luôn, Bất là không, và Khinh là coi nhẹ. Thường Bất Khinh là người luôn luôn không bao giờ coi nhẹ người khác, hay nói cách khác, người luôn luôn tôn trọng người khác. Bồ-tát Dược Vương (Bhaisajyaraja) là một Bồ-tát khác, vị Bồ-tát “ai thấy cũng vui, ai gặp cũng mừng” (nhứt thiết chúng sanh hỷ kiến).
“Thuở xa xưa có một vị Bồ-tát tên là Nhứt thiết chúng sanh hỷ kiến được nghe Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức nói kinh Pháp Hoa. Từ đó, vị Bồ tát này tu tập khổ hạnh, một lòng cầu thành Phật, đặng một thứ tam muội gọi là “Nhứt thiết sắc thân tam muội”, nhưng con đường tu khổ hạnh đầy gian nan vẫn không dẫn tới đâu dù thân thể bị tàn tạ mà tâm vẫn không sao giải thoát!
Rồi ngài chợt tỉnh ngộ: “Ta dầu dùng thần lực cúng dường nơi Phật, chẳng bằng dùng thân cúng dường”. Rồi ở trước đức Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức, ngài “dùng y báu cõi trời mà tự quấn thân, rưới các thứ dầu thơm, dùng sức nguyện thần thông mà tự đốt thân”.
“Đốt thân”? Ấy là đường vào Chánh định, vào “Tam ma đề” (Samadhi). Bởi giải thoát không thể bằng con đường khổ hạnh, hủy hoại thân xác mà là hướng về nội tâm, hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật, chiếu kiến ngũ uẩn giai Không, chính là con đường “bố thí thân mạng” (dùng thân cúng dường) để đạt đến “vô ngã”.
Thì ra, không phải Dược Vương có “trăm nghìn muôn ức công phu khổ hạnh khó làm” mà ngài đã chọn con đường “bỏ thân bố thí’’ nên mới trở thành vị Bồ tát “nhứt thiết chúng sanh hỷ kiến”.
Dược Vương Bồ-tát nhờ hạnh chân thành đó mà ai thấy ông cũng vui, ai gặp ông cũng mừng. Vì sao? Vì ông đã không còn chấp ngã. Vì ông đã sống một đời sống chân chính (authentic life), chân thành (genuine being), trung thực (honest)… Nụ cười ông là nụ cười toát ra tự bên trong, không làm bộ làm tịch, vẽ vời, trau chuốc, không mang mặt nạ, không nói một đằng làm một nẽo… Không có cách nào khác hơn là phải loại trừ ngã chấp, phải đốt cháy đến tận cùng cái ngã để đạt đến vô ngã. Chỉ có lửa tam muội – tức ở trong thiền định- mới thấy được “ngã” đang cháy dần, cháy dần ra sao. Không dễ mà “đốt” hết. Phải đến ngàn năm mới đốt hết cái “ngã tướng” chớ chẳng phải cháy bùng lên một cái là xong!
“Bố thí thân mạng” nhiều như cát sông Hằng mới đạt tới nhân vô ngã, vẫn chưa đủ. Cần thêm một bước nữa: pháp vô ngã. Bởi còn chia chẽ, còn phân biệt, không “trực tâm” thì chưa xong, chưa sống trong Bất Nhị, chưa phải là “Chánh đẳng”. Cho nên Dược Vương Bồ-tát bèn “đốt hai cánh tay!”. Phải mất bảy muôn hai nghìn năm mới cháy hết! Khó thay là giải trừ chấp thủ! Khó thay là dẹp bỏ thành kiến!
Dược Vương khi đã đạt nhân vô ngã, pháp vô ngã rồi thì đã có thể thõng tay vào chợ, ung dung, tự tại, vô ngại mà ‘du hí’ trong cõi Ta-bà cứu độ chúng sanh với lòng chân thành chánh trực, nên ai thấy cũng vui, ai gặp cũng mừng là vậy!
Lúc đó thì cõi tam thiên đại thiên thế giới sáu điệu bèn vang động…
(Từ Quang tập 27, tháng 1, 2019)