Với hai câu hỏi của Tu Bồ Đề “Làm cách nào để an trụ tâm? Làm cách nào để hàng phục tâm?” thì Phật đã dạy cách hàng phục trước. Hàng phục thì... dễ, dạy trước, an trụ khó, dạy sau. Rõ ràng cái tâm viên ý mã, cái tâm quậy phá, như ngựa chứng, như trâu điên sức mấy mà an trụ được nếu chưa hàng phục! Hàng phục là trị nó, là làm cho nó quy hàng, làm cho nó chịu phép, bấy giờ mới tính chuyện “an trú” nó, cho nó ra đảo hoang hay vào rừng sâu. Cũng như người ta phải bắn thuốc mê để hàng phục mấy con voi điên ở rừng Tánh Linh (Bình Thuận) dạo nọ trước khi đưa chúng lên Dăklăk để tiếp tục thuần hóa chúng, làm cho chúng ngoan ngoãn và trở nên hữu ích?
Hàng phục... không khó, nhưng là bước căn bản, không có không xong! Chỉ cần giới và định là đủ. Giới và định thì hình như những người có mặt trong buổi truyền trao “gươm báu” này ai cũng đã quen thuộc, nhiều người thậm chí còn có “chức danh” này khác! Nhưng sao tâm vẫn chưa an? Vẫn thấy còn nhộn nhạo? Ấy là bởi thuốc chưa đủ mạnh, trị chưa tận gốc, cần phối hợp với một thứ thuốc đặc trị mạnh hơn, đó là Huệ! Có giới, định mà thiếu huệ vẫn chưa xong, bệnh vẫn còn tái phát. Hàng phục mà chưa an trụ cũng vậy!
Muốn an trụ tâm ư? Dễ lắm! Thì đừng có trụ vào đâu cả! “Ưng vô sở trụ” là xong hết! Đừng trụ vào đâu cả thì sẽ được an trụ? Câu nói nghe lạ, nhưng tuyệt diệu! Muốn an tâm ư? Thì hãy vô tâm! Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền (Trần Nhân Tông). Vô tâm ở đây không phải là bỏ mặc, là mặc kệ! Không phải thế. Trần Nhân Tông đã rời bỏ vương triều, đi tu trên núi Yên Tử, vậy mà khi quân Nguyên sang xâm lấn nước ta, nhà sư đâu có mặc kệ, ông tức khắc xuống núi, bày mưu tính kế, góp sức đánh đuổi ngoại xâm. Cái “vô tâm” của ông là ở chỗ đánh đuổi xong giặc thì xoa tay, về núi tu tiếp. Muốn an trụ thì vô trụ, muốn an tâm thì vô tâm. Đơn giản vậy. Lục tổ Huệ Năng chỉ nghe lóm một câu mà đại ngộ, còn ta sao cứ mãi mịt mờ! Ấy là bởi ta còn ham “dính mắc”, ham tích cóp hơn là từ bỏ, buông xả, bố thí!
Phật nói rõ hơn: Vô sở trụ nghĩa là... đừng có trụ vào sắc bố thí, đừng có trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp... Tóm lại, đừng có trụ vào tướng! Bất trụ tướng bố thí. Trụ là dựa, là dính, là mắc. Bố thí mà dính mà mắc, mà dựa vào “tướng”, vào hình thức thì chưa phải là bố thí đúng nghĩa! Bố thí mà còn thấy có kẻ cho người nhận, có quay Truyền hình để lăng xê tên tuổi, để “đầu tư” kiếm danh, kiếm lợi, kiếm phước thì chưa phải bố thí đúng nghĩa. Đúng nghĩa là bố thí... bất vụ lợi, bố thì không thấy có ta có người có vật bố thí; bố thí được như vậy mới... thực là hạnh phúc. Đó là cách bố thí vô tướng, bố thí không dính mắc, không toan tính. Một đời lận đận đo rồi đếm/ Mỏi gối người đi đứng lại ngồi! (Bùi Giáng). Cái bố thí mà Phật dạy để có Huệ chính là cáí bố thí vượt qua, vượt ra, vượt lên, bố thí ở bờ bên kia, bờ của tuệ giác, bố thí Ba-la-mật đó vậy.
Một lần nọ, tôi hỏi vị sư: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” có phải là câu hay nhất trong kinh Kim Cang không thì sư nhẹ nhàng bảo không, trong kinh Kim Cang câu nào cũng hay! Quả thật, dần dần tôi cũng thấy ra kinh Kim Cang chỗ nào cũng hay cả, mà hình như ngày càng hay hơn, nhất là khi... áp dụng vào đời sống hằng ngày, đúng như Edward Conzé nói. Cách viết, cách trình bày từng chữ từng câu chặt chẽ, thuyết phục và nói chung là... hấp dẫn! Tôi bị cuốn hút vào Kim Cang cũng như trước kia với Tâm Kinh. Tâm Kinh - dạy cho Xá Lợi Phất, một đại đệ tử thông tuệ, trí thức nhất của Phật- hình như là để trả lời rốt ráo cho câu hỏi Tại sao, mang tính lý thuyết; còn Kim Cang thì nói cho Tu Bồ Đề, vị đại đệ tử giải không đệ nhất, vô tranh, ưa tĩnh mịch, vốn xưa là người dễ nổi nóng, dễ giận hờn... là để trả lời cho câu hỏi Cách nào?, nhằm hướng dẫn thực hành. Dĩ nhiên, những bài giảng này dành cho các đại đệ tử, hoặc các vị tu sĩ, không phải dành cho ta nên ta có lớ ngớ, bỡ ngỡ, chưng hửng cũng là chuyện bình thường thôi! Có điều, lớ ngớ, bỡ ngỡ, chưng hửng lại có cái hay của nó. Nó giúp ta tự thâm nhập, tự phát hiện, tham gia trong quá trình nghiền ngẫm, thử nghiệm, khi thấy tin được thì đem áp dụng vào đời sống hằng ngày để giải quyết những vướng mắc, phiền não, chẳng cũng khoái ru? Chẳng hạn câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” mà ai cũng biết, ai cũng đọc như thần chú để an ủi... cõi lòng mỗi khi phiền muộn, cũng là câu mà Lục tổ Huệ Năng hơn ngàn năm trước, chỉ nghe lóm mà đại ngộ cũng đáng cho ta nghiền ngẫm miệt mài lắm chứ! Đừng trụ vào đâu cả để mà sanh cái tâm thì sẽ... sướng, sẽ vui, sẽ hạnh phúc, sẽ thoát mọi “khổ đau ách nạn” Thật ư?
Đừng trụ vào đâu cả? Đừng trụ vào đâu cả... ư? Ờ, mà có lý! Khi xem hai đội banh xa lạ đụng độ nhau, tôi xuýt xoa thưởng thức những đường banh hay đẹp, nhưng khi một trong hai đội là... đội của tôi- tôi là “fan” của họ- thì ôi thôi tôi lo lắng, khổ sở, bực dọc đủ thứ với từng đường banh, từng cầu thủ, trọng tài. Tôi... nguyền rủa, la hét, xỉ vả, rồi mừng rỡ khi đội mình thắng hay ngậm ngùi cay đắng khi đội mình thua! Ăn mất ngon, ngủ mất yên vì cái đội banh... quái quỷ mà tôi thương mến!
Hai thiền sinh gặp một cô gái ở khúc sông sâu đang lúng túng không dám lội qua. Một vị tình nguyện cõng cô qua. Trên đường về chùa, vị kia bỗng hỏi:- Làm sao mà một ông sư lại dám cõng trên lưng một cô gái đẹp như vậy chớ? - Ơ hay, tôi đã “buông” cô ta xuống lâu rồi, còn anh sao vẫn cứ “cõng” cô ta đến bây giờ vậy!
Có nhiều cách cõng. Cõng cô gái là một cách, cõng cái ý tưởng về cõng cô gái là một cách khác. Cô gái thì đã đặt xuống rồi nhưng cái ý tưởng kia thì vẫn còn quấn quýt mãi không thôi, có lẽ còn đi vào cả giấc mơ! Người kia thấy cô gái là cô gái, cần giúp thì giúp. Người nọ, thấy cô gái là cô gái... đẹp, băn khoăn tự hỏi có nên giúp hay không, giúp có phạm quy không, thậm chí còn bần thần “trăm năm biết có duyên gì hay không” nữa không chừng! Người cõng càng lâu thì càng mệt, càng sớm còng lưng! Nhưng đâu có dễ mà bỏ xuống chứ! Nghi Lâm tiểu sư muội cõng Lệnh Hồ huynh đệ bị thương (truyện Kim Dung) có một phen mà tâm thần bấn loạn dài dài! Cho nên, Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm thật không dễ!
Phật dạy muốn không trụ vào đâu cả (vô sở trụ) thì phải ly tướng, rời bỏ các hình thức, hiện tượng bày vẻ bên ngoài, vượt qua hiện tượng để thấy được cái thực chất bên trong. Ly được tất cả các tuớng đã xứng danh là Phật; thấy được các tuớng chẳng phải tướng là đã thấy Như Lai! Nhưng làm sao mà ly đây? Thế nên có người lên núi, làm một cái cốc... trong hang động để xa lánh sự đời! Nhưng vẫn chưa ổn chút nào vì cái tâm vẫn cứ còn quậy phá. Rõ ràng ở đây không phải vấn đề trốn chạy, vì chạy đi đâu cho thoát cái tâm chính mình, một khi tâm vẫn chưa an? Khi tâm đã an rồi thì đâu chẳng là... cốc, đâu chẳng là hang động? Cho nên có thể nói chuyển từ “ly tướng” bên ngoài đến... “ly tướng” bên trong là cả một sự chuyển hóa từ lượng sang chất.
Thị cố, Tu Bồ Đề! Chư Bồ-tát Ma- ha- tát ưng như thị sanh thanh tịnh tâm... Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ... Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm!Vậy đó, Tu Bồ Đề! Các vị Đại Bồ tát làm như vậy đó mà có được tâm thanh tịnh! Làm như vậy đó là làm làm sao? Câu trả lời là rời khỏi các tướng, không còn phân biệt ngã nhân, chúng sanh, thọ giả, là tách rời mọi thứ hiện tượng, không để bị mà mắt, bị hút vào những chuyện lăng xăng, ý niệm ngôn từ nọ kia, làm cho người ta vướng mắc, vùng vẫy không ra như mắc vào lưới cá! Những vị Đại Bồ tát đó đã thực hành bố thí kiểu mới, bố thí không dính mắc; trì giới, nhẫn nhục kiểu mới... và dĩ nhiên cũng đã có tuệ giác kiểu mới, vượt lên, vượt qua, vượt ra... Gaté, gaté, paragaté!
Kim Cang viết thật súc tích, chặt chẽ: Vì Đại Bồ tát là những vị đã thật vô sở đắc, thật vô sở hành... Những chữ “thật” đó khiến ta không khỏi giật mình. Họ hiểu lời Phật dạy là chiếc bè giúp qua sông; hiểu ngón tay Phật chỉ là để nhìn thấy trăng chớ không phải trăng... Tóm lại, tâm họ đã hoàn toàn “vô sở trụ”, không trụ vào đâu cả, không dính mắc vào đâu cả!
“Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”, Trần Nhân Tông, sư tổ Trúc Lâm đã nói đến cái vô tâm như vậy từ bảy trăm năm trước, còn Lục tổ Huệ Năng, thì hơn một ngàn ba trăm năm trước cũng đã nói đến vô niệm. Dĩ nhiên, vô tâm không phải là không có tâm, không còn tâm, cũng như vô niệm không phải là không có niệm, không còn niệm. Vô niệm, vô tâm thực ra chỉ có nghĩa là cái tâm trong sáng, cái niệm thanh tịnh, đã hoàn toàn không còn phân biệt, không còn dính mắc (chấp trước). Trần Nhân Tông vẫn xuống núi, đánh đuổi quân Nguyên, nhưng khi xong giặc thì trở về núi tu tiếp, không “dính mắc” chi nữa! Còn Huệ Năng, “ngộ” rồi mà vẫn lẩn trong đám thợ săn hàng chục năm để tu rèn và giúp đỡ người. Cho nên tâm cứ sanh miễn là tâm thiện, tâm có ích cho mình, cho đời. “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” cũng chính là “Ưng sanh kỳ tâm nhi... vô sở trụ” vậy! Đâu có bảo phải dập tắt tâm đi, thui chột tâm đi, tiêu diệt tâm đi để trở thành sỏi đá hay người ngơ ngáo tâm thần sao? Mà “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Trịnh Công Sơn) kia mà!
Tu Bồ Đề hào hứng hỏi: Thưa Thế tôn, vậy xin hỏi kinh này có tên gọi là gì và phụng trì ra sao? Phật nói: Kinh này gọi là Kim Cang Bát nhã Ba la mật. Nói xong hình như Phật giật mình, coi chừng, không khéo họ lại... “trụ” vào nữa thì hỏng bét! Phật bèn nói tiếp: Bát nhã Ba la mật không phải là Bát nhã Ba la mật nên mới gọi là Bát nhã Ba la mật vậy!
(Từ Quang tập 14, tháng 10,2015)