Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Những vấn đề liên quan đến Đại Tạng Kinh »» Sự xuất hiện Kinh điển Đại thừa »»

Những vấn đề liên quan đến Đại Tạng Kinh
»» Sự xuất hiện Kinh điển Đại thừa

Donate

(Lượt xem: 7.850)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Những vấn đề liên quan đến Đại Tạng Kinh - Sự xuất hiện Kinh điển Đại thừa

Font chữ:

Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến hoài nghi cho rằng, kinh điển Đại thừa không do Phật nói, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có hai lý do chính: Thứ nhất, trong các bộ luật của các bộ phái cũng như trong 4 bộ A hàm hoặc trong 5 bộ Nikāya không thấy đề cập đến tên của các kinh điển Đại thừa, nhất là ở các lần kiết tập cũng không thấy đề cập; hơn nữa về mặt lịch sử các kinh điển Đại thừa xuất hiện rất trễ, từ đó cho rằng, kinh Đại thừa phi Phật thuyết. Thứ hai, về mặt tư tưởng, kinh điển Đại thừa thường mô tả đức Phật mang tính thần thoại, có quyền năng thiên biến vạn hóa như là một vị thần, từ đó cho rằng kinh điển Đại thừa phi Phật thuyết.
Nếu chúng ta đứng từ hai góc độ này, đi đến kết luận phủ nhận, kinh điển Đại thừa không do Phật nói, đứng về mặt hình thức tất nhiên là có cơ sở. Tuy nhiên, lập luận này không mấy vững, vấp phải nhiều sự mâu thuẫn từ vấn đề chính mình đặt ra, khi chúng ta nghiêm túc và cụ thể tiến hành nghiên cứu các kinh điển Tiểu thừa và Đại thừa và sự liên hệ của nó. Ví dụ, nếu như hoài nghi thứ nhất là đúng thì vấn đề được nêu ra ở đây là: Ở lần kiết tập thứ nhất và hai chỉ là hình thức “Khẩu tụng”, tức dùng miệng tụng đọc, không phải dùng giấy mực biên tập, mãi đến thời kỳ vua A Dục, tức lần kiết tập thứ 3 vào mới kiết tập bằng chữ viết. Thế thì trong khoảng thời gian hơn 200 năm đó, các Tỷ kheo nhớ lời Phật dạy bao nhiêu và quên bao nhiêu? Bao nhiêu kinh được thêm vào và bao nhiêu kinh được bỏ đi? Chúng ta có thể so sánh hai bộ “Trung A hàm” và “Trung Bộ Kinh” thì sẽ rõ vấn đề này. Thế thì chúng ta chỉ đơn giản dựa vào các lần kiết tập xem xét, có hay không tên của kinh, hoặc dựa vào niên đại, rồi xác quyết “Phật nói” hay “không phải Phật nói”. Cách đánh giá ấy phải chăng vội vã.
Lý do thứ hai, nếu cho rằng kinh điển Đại thừa thường đề cập những vấn đề siêu hình mang tính thần thoại, mô tả đức Phật như là vị thần, từ đó đi đến kết luận kinh điển này không phải do Phật thuyết, không cần xem xét về mặt tư tưởng của nó. Thế thì ở đây tôi xin đặt vấn đề: ‘Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp’ (Acchariya-abbhùtadhamma sutta) số 123, trong “Trung Bộ Kinh” (Majjhima Nikaya), rõ ràng nội dung kinh này mô tả đức Phật mang tính thần thoại[1]. Nội dung kinh này ai nói? Nếu là phi Phật thuyết thì tại sao lại biên tập vào “Kinh Trung Bộ”, là một trong 5 bộ Nikaya? Nếu là Phật thuyết thì tại sao lại cho kinh điển Đại thừa là phi Phật thuyết ? Ngoài ra, ‘Kinh Ða giới’ (Bahudhàtuka sutta) số 115, trong “Kinh Trung Bộ”, trong ấy đề cập quan điểm:
 
"Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi cùng trong một thế giới (lokadhatu), hai A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có thể xuất hiện (một lần) không trước không sau. .... "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một nữ nhân có thể thành A-La-Hán, Chánh Ðẳng Giác. Sự kiện như vậy không có xảy ra".
 
Nội dung cho rằng, trong một thế giới không thể có hai người cùng lúc chứng ngộ quả vị A-la-hán (Arahant), và tuyệt đối không thể có người nữ chứng A-la-hán. Nếu quan điểm này là quan điểm của đức Phật, kinh này là kinh do Phật nói, thì vấn đề được đặt ra là, tại sao trong 4 A hàm và 5 bộ Nikaya ghi, vào thời đại của Ngài lại có rất nhiều Tỷ kheo chứng A la hán, như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp... , và cũng có khá nhiều Tỷ kheo ni chứng quả A la hán? Thế thì hai quan điểm này quan điểm nào là quan điểm của Phật, kinh nào là kinh của Phật nói? Tại sao Ngài lại kỳ thị người nữ đến thế? Vấn đề chứng A la hán quả phải xếp hàng chờ đợi sao? Nếu như đó không phải là quan điểm của Phật thì đó là quan điểm của ai và tại sao lại biên tập vào trong “Kinh Trung Bộ”, kinh được cho là Phật nói? Đây là một trong nhiều vấn đề nan giải tồn tại trong các kinh điển A-hàm và Nikāya đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, tôi thử đề cập để chúng ta cùng suy nghĩ, tìm lời giải đáp, và giải quyết như thế nào khi cho rằng chỉ có 5 bộ Nikāya hay 4 bộ A-hàm mới là kinh Phật nói? Ở đây tôi xin nói rằng, Phật giáo Đại Chúng Bộ dựa vào nội dung tư tưởng của ‘Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp’ này mà thành lập quan điểm tư tưởng của mình[2].
  Trở lại nghi vấn kinh điển Đại thừa có phải kinh do Phật nói hay không, theo tôi, chúng ta không thể chỉ dựa vào hai yếu tố vừa đề cập mà cần phải dựa vào mặt nội dung tư tưởng chính của kinh, có liên hệ gì với giác ngộ và giải thoát hay không. Đây là điểm mà tôi chú ý. Do vậy, dưới đây tôi xin trình bày hai vấn đề: niên đại xuất hiện kinh điển Đại thừa và nguồn gốc tư tưởng Phật giáo Đại thừa
 
2.1 Niên đại xuất hiện Kinh điển Đại thừa
 
Nếu chúng ta đứng từ góc độ lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ mà xét, thì Phật giáo Đại thừa xuất hiện sau thời kỳ Phật giáo Bộ phái. Tư tưởng Phật giáo Đại thừa kế thừa và phát huy tư tưởng Đại chúng bộ (Mah?saºghika), tất nhiên Phật giáo Đại thừa cũng có tính đặc thù của mình. Như vậy, nếu như Phật giáo Bộ phái xuất hiện sau khi Phật nhập diệt 100 cho đến 4~500 sau thì Phật giáo Đại thừa (cũng tức là kinh điển Đại thừa) có lẽ phải xuất hiện vào thời gian cuối thời kỳ Phật giáo Bộ phái, tức trước Công nguyên 100 hay 50 năm. Mốc thời gian này, có thể nói phù hợp sự ghi chép về niên đại trong Kinh điển Đại thừa về những sự kiện xảy ra sau khi Phật nhập diệt sau 500 năm. Ví dụ: “Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật” (小品般若波羅蜜經) Quyển 4. ‘Phẩm Bất Khả Tư Nghì” ghi:
 
Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Sau Phật nhập diệt 500 năm, (Kinh) Bát Nhã Ba La Mật sẽ lưu hành ở phương Bắc? (Thế Tôn trả lời:) Này ông Xá Lợi Phất, sau 500 năm, sẽ lưu hành ở phương Bắc...”[3]
 
Hoặc “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa” (妙法蓮華經) quyển 6 ‘Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự’ ghi:
 
“Sau khi Như Lai diệt độ 500 năm, nếu có người nữ nghe kinh điển này, như nói về việc tu tập. Khi người ấy lâm chung sẽ sinh vào cõi an lạc (Sukhāvatī ) của đức Phật A Di Đà (Amitāyus, Amitābha).”[4]
 
Ngoài hai kinh này, còn khá nhiều kinh khác cũng đề cập đến niên đại sau khi dức Phật nhập diệt 500 năm. Có thể nói đây là một trong những chứng cứ cụ thể, để chứng minh kinh điển Đại thừa xuất hiện sau khi Phật nhập diệt sau 500 năm, tức vào khoảng trước Công Nguyên 50 năm, vì đức Phật nhập diệt vào năm 486 TCN, cộng thêm tuổi thọ của Ngài là 80 tuổi, do vậy năm sinh của Ngài là 565 TCN. Nếu như chúng ta căn cứ vào niên đại này, để dẫn đến kết luận kinh điển Đại thừa không do Phật nói, thì điều đó không ai phủ nhận. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ đơn thuần dựa vào mặt lịch sử để xác định vấn đề do Phật thuyết hay phi Phật thuyết, thì không những chỉ có kinh điển Đại thừa là phi Phật thuyết mà ngay cả các kinh điển A hàm, Nikaya, luật cũng đều phi Phật thuyết, vì chúng được kết tập sau khi Phật nhập diệt cho đến hơn 200 năm. Chúng ta không thể lý luận rằng, kinh điển được kiết tập sau Phật diệt 200 năm là do Phật thuyết mà sau 500 năm không phải do Phật thuyết. Vấn đề quan trọng là ý nghĩa của kinh đó có lợi ích gì cho sự giác ngộ giải thoát là quan trọng, không thể chỉ dựa vào vấn đề niên đại trước sau hoặc các lần kiết tập có tên kinh hay không có tên kinh, từ đó đưa đến kết luận Phật thuyết hay không phải Phật thuyết.
 
  2.2 Nguồn gốc tư tưởng Phật giáo Đại thừa
 
Thật ra, nếu nghiêm túc nghiên cứu các kinh trong A hàm hay Nikaya chúng ta sẽ thấy có khá nhiều kinh đức Phật đã từng phản bác thái độ cố chấp, Ngài nói: “Này các Tỷ kheo, Ta sẽ giảng pháp cho các Ông, ví như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy”[5]. Nghĩa là, lời Phật dạy (tức kinh điển) giống như chiếc bè dùng để qua sông, mục đích của nó là để đưa người qua sông, qua sông rồi phải tự do đi theo ý mình muốn, không phải vì cảm ơn chiếc bè đưa mình qua sông, rồi cứ ôm mãi chiếc bè, hoặc có lối nhìn theo quán tính, chỉ có chiếc bè màu vàng này mới là chiếc bè, còn chiếc bè màu xanh kia không phải là chiếc bè. Dù là màu vàng hay xanh, hay bất cứ màu gì đi nữa, miễn nó đưa được người qua sông đều gọi là chiếc bè. Cũng thế, giá trị của Phật pháp là đoạn trừ phiền não, đưa người đến giác ngộ và giải thoát nên bất cứ kinh gì, sách gì hàm chứa ý nghĩa này đều được gọi là Phật pháp. Phật pháp không có sự phân chia giữa Tiểu thừa và Đại thừa, cũng không phân chia giữa phái này với phái khác, nếu có đi chăng nữa chỉ là những phương tiện giáo dục, mang tính “Ứng cơ thuyết giáo”, tùy theo căn cơ trình độ không đồng của mọi người mà thiết lập giáo pháp khác nhau, nhưng đều có mục đích chung là giúp cho người đó giác ngộ và giải thoát, giống như chức năng của mọi loại thuốc là chữa bịnh, nhưng có nhiều chứng bịnh khác nhau, cho nên chức năng của mỗi loại thuốc cũng khác nhau, tùy bịnh mà cho thuốc. Phật pháp cũng thế, trong đạo Phật có quá nhiều kinh điển và pháp môn tu tập vì kiến thức trình độ mỗi người khác nhau, tín ngưỡng khác nhau, tập quán cũng khác nhau. Đó chính là lý do tại sao cùng một vấn đề mà đức Phật giải thích khác nhau. Ví dụ, khi đức Phật trình bày vấn đề nghiệp báo cho cư sĩ Subha Todeyyaputta[6] thì Ngài vay mượn những hình thức đẹp xấu, giàu nghèo, có địa vị hay không có địa vị...để giải thích mối quan hệ nhân quả nghiệp báo. Thế nhưng, khi giải thích vấn đề nghiệp cho các Tỷ kheo thì đức Phật lại nhấn mạnh vai trò trí tuệ[7]. Tại sao? Vì trình độ hiểu biết của thanh niên Subha Todeyyaputta có giới hạn nên đức Phật phải vay mượn những hình ảnh tốt và xấu trong xã hội để khuyến khích thanh niên ấy làm điều thiện bỏ việc ác; còn đối với các Tỷ kheo là người đã biết Phật pháp cho nên đức Phật nhấn mạnh vai trò chánh tri chánh kiến hay không chánh tri chánh kiến của ý thức, chính nó là chủ nhân quyết định cuộc sống hạnh phúc hay khổ đau của con người.
Hai ví dụ trên cho thấy mối quan hệ giữa kinh điển và ý nghĩa Phật pháp trong kinh điển ấy. Mỗi bản kinh chuyển tải một ý nghĩa, một đạo lý nào đó của Phật, nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể cho một đối tượng cụ thể, ắt hẳn có giá trị với đối tượng đó trong vấn đề đó, nhưng không đồng nghĩa, phương pháp đó giải quyết cho mọi vấn đề và cho mọi người. Khi thời gian không gian và con người thay đổi phương pháp giải quyết cũng phải thay đổi. Đây chính là lý do tại sao trong kinh điển Phật giáo Đại thừa hình thành pháp “Tứ y” (四依) và xem đó như là phương pháp vận dụng lời Phật dạy vào cuộc sống thực tế, thể hiện quan điểm và lập trường không cố chấp vào hình thức. Như “Kinh Đại Bát Niết Bàn” quyển 6 “Phẩm Tứ Y” đưa ra quan điểm “Tứ y” là:
“Y pháp bất y nhân; y nghĩa bất y ngữ; y trí bất y thức; y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh” [8]
 (Dịch: Nương tựa vào pháp không nương tựa người; nương tựa vào ý nghĩa không nương tựa vào từ ngữ; nương tựa vào trí tuệ không nương tựa vào thức; nương tựa vào kinh kiển có ý nghĩa rốt ráo, không nương tựa vào kinh điển không mang ý nghĩa không rốt ráo)
Nội dung đoạn kinh vừa dẫn khẳng định quan điểm và lập trường của Phật giáo Đại thừa, đặc biệt chú trọng tinh thần giảng dạy của đức Phật, và bằng mọi cách vận dụng tinh thần đó vào đời sống cụ thể từng nhóm người và từng xã hội, không câu nệ hoặc cố chấp bất cứ hình thức nào, cho dù có đi ngược lại hình thức của ‘giới luật’, miễn sao việc làm đó mang đến sự giác ngộ và giải thoát cho mình và cho mọi người. Thế nên Phật giáo Đại thừa khẳng định: 1. Phật giáo Đại thừa chỉ biết nghe theo và làm theo những gì Phật đã dạy, tất nhiên không nghe theo làm theo bất cứ ai, dù người đó là ai, mệnh danh là gì, chứng quả gì; 2. Phật giáo Đại thừa làm theo tinh thần ý nghĩa mà đức Phật muốn dạy, và tất nhiên không làm kiểu rập khuôn, theo chữ nghĩa khi ý nghĩa của nó đã thay đổi theo thời gian và không gian... Từ hai điểm này, gợi ý cho chúng ta nhận thức một vấn đề cơ bản là, Phật giáo Đại thừa không cố chấp dựa vào bất cứ hình thức nào, lấy ý nghĩa này làm tiêu chuẩn chung cho mọi người, cho mọi thời đại. Nói cách khác, Phật giáo Đại thừa chỉ dựa vào tinh thần của Phật pháp, tùy theo từng thời đại, tùy theo căn cơ trình độ của đối tượng, mà hình thành hình thức giáo dục khác nhau để mang sự lợi ích của Phật pháp đến cho họ.
Đề cập đến vấn đề này, hẳn nhiên có người đặt nghi vấn: Phật giáo Đại thừa dựa vào đâu để đưa ra quan điểm táo bạo này? Câu trả lời đơn giản là, quan điểm này căn cứ từ lời Phật dạy trong kinh A hàm hay Nikaya. Ví dụ, trong kinh điển A-hàm thường đề cập 12 phần giáo[9], hoặc trong kinh điển Nikaya đề cập 9 phần giáo: 1. Kinh (Sutta), 2.Ứng tụng (Geyya), 3. Giải thuyết (Veyyākaraöa), 4. Kệ tụng (Gāthā), 5. Cảm hứng ngữ (Udāna), 6. Như thị ngữ (Itivuttaka), 7. Bổn sanh (Jātaka), 6. Vị tằng hữu pháp (Abbhutadhamma), 9. Phương quảng (Vedalla)[10], tức là 12 hay 9 hình thức hay thể loại mô tả về lời dạy đức Phật. Theo “D´pavamsa” lần kiết tập thứ nhất 500 vị A-la-hán phân biệt lời Phật dạy thành 9 loại này. Trong 9 thể loại đó, thể loại thứ 9 là “Phương Quảng” (Vedalla) hay trong 12 phần giáo thể loại thứ 10 là “Quảng giải” (Vaipulya) đều có nghĩa là rộng giải, tức căn cứ một pháp, một kinh hay một ý nghĩa nào đó, phân biệt diễn giải rộng ra, được gọi là Phương Quảng. Hình thức này chúng ta thấy trong kinh số 43 ‘Đại Kinh Phương Quảng’ (Mahàvedalla sutta) và 44 ‘Tiểu kinh Phương quảng’ (Cùlavedalla sutta) trong “Kinh Trung Bộ” và sau này Phật giáo Đại thừa cũng căn cứ thể loại này biên tập thành kinh điển Đại Thừa, như chúng ta thấy “Kinh Phương Quảng Trang Nghiêm”, “Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm”, “Kinh Phật thuyết Đại Phương Quảng Thiện Xảo Phương Tiện”... Đây là một trong những điểm căn cứ để Phật giáo Đại thừa hình thành kinh điển Đại thừa. Căn cứ từ quan điểm này, chúng ta thấy trong Phật giáo Đại thừa có rất nhiều kinh có nguồn gốc từ các kinh A hàm hay Nikaya. Ví dụ: “Kinh Tương Ưng” IV, ‘IV. Phẩm Channa, Kinh Punna’[11] tương đương “Kinh Tạp A hàm” Kinh số 311[12]. Nội dung 2 kinh này về sau phát triển thành “Phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát” trong “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa” của Phật giáo Đại thừa; cũng như ‘Kinh Đại Thiện Kiến Vương’ trong “Kinh Trung A hàm” hoặc ‘‘Kinh Đại Thiện Kiến Vương’ (Mahàsudassana Sutta) trong “Kinh Trường Bộ”, nội dung 2 kinh này, đức Phật mô tả về thành Kusinàrà (Câu-thi-la)[13] trong quá khứ, về sau nó phát triển thành “Kinh A Di Đà” mô tả về cảnh Cực Lạc; cũng như ‘Phẩm Địa Ngục, Kinh Thế Ký’ trong “Kinh Trường A hàm”, nội dung phẩm này mô tả về cảnh trị tội trong địa ngục, về sau nó phát triển thành nội dung của “Kinh Địa Tạng” của Phật giáo Đại thừa....
Ngoài ra, còn có rất nhiều quan điểm tư tưởng của Phật giáo Đại thừa đều xuất phát từ các kinh điển A hàm hay Nikāya, ví dụ “Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật” đức Thế Tôn dạy:
Này cácTỷ kheo, các ông cần phải hiểu rằng: Lời ta giảng dạy giống như chiếc bè. Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống gì là phi pháp”[14]
Thật ra, nguồn gốc của đoạn kinh này xuất phát từ ‘Kinh Ví dụ Con Rắn’ (Alagaddùpama sutta) trong “Kinh Trung Bộ” như sau:
Chư Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng pháp cho các Ông, ví như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng...
Chư Tỷ-kheo, người đó phải làm thế nào cho đúng sở dụng của chiếc bè? Ở đây, chư Tỷ-kheo, người đó sau khi vượt qua bờ bên kia, có thể suy nghĩ: "Chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta. Nhờ chiếc bè này, ta tinh tấn dùng tay chân đã vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Nay ta hãy kéo chiếc bè này lên trên bờ đất khô, hay nhận chìm xuống nước, và đi đến chỗ nào ta muốn". Chư Tỷ-kheo, làm như vậy, người đó làm đúng sở dụng chiếc bè ấy. Cũng vậy, này chư Tỷ-kheo, Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy. Chư Tỷ-kheo, các Ông cần hiểu ví dụ cái bè. Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp.”[15]
Cũng như câu kệ trong “Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật”
 
Nhứt thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như lộ diệc như điển.
Ưng tác như thị quán.
 
Tất cả pháp hữu vi,
Như giấc mơ, bọt nước,
Như sương, như ánh chớp.
Nên như vậy quán sát.[16]
 
Thật ra câu kệ này tóm tắt ý nghĩa của kinh số 265 trong “Kinh Tạp A hàm”, hoặc “Phẩm Hoa. Kinh Bọt Nước’” trong “Kinh Tương Ưng” tập 3, trang 252-257. Nội dung của những kinh này chính là cơ sở để hình thành khái niệm không trong kinh điển Phật giáo Đại thừa.
    Những dẫn chứng vừa được trình bày ở trên đã cụ thể minh chứng nội dung tư tưởng kinh Đại thừa đều có nguồn gốc từ các kinh điển A hàm và Nikāya, tất nhiên có sự phát triển. Sự phát triển của nó mang tính tất yếu, vì phải đáp ứng những nhu cầu thực tế từ con người và xã hội bấy giờ, như trời vào hè phải mặc loại áo mỏng mát mẻ, trời vào đông phải mặt áo ấm. Vì mục đích giữ nhiệt độ trung bình, không quá nóng cũng không quá lạnh, tránh bịnh đau, cho nên theo mùa phải thay đổi áo lạnh nóng bên ngoài. Đó là nguyên tắc cơ bản sinh tồn của con người. Sự tồn tại và phát triển của Phật giáo cũng thế, phải biết tùy thời, tùy nơi, tùy người mà thay đổi hình thức, để Phật giáo được tồn tại và phát triển, tuy nhiên sự tồn tại và sự phát triển của đạo Phật phải gắn liền với mục đích giác ngộ và giải thoát, nếu mục đích đó không còn thì sự tồn tại và phát triển đó cũng trở thành vô nghĩa. Đây là điểm chúng ta cần chú ý.
    Tóm lại, về mặt lịch sử Phật giáo Đại thừa hay kinh điển Phật giáo Đại thừa xuất hiện vào khoảng sau Phật nhập diệt 500 năm, nhưng tư tưởng Phật giáo Đại thừa xuất hiện từ khi đức Phật giác ngộ giải thoát dưới cội cậy Bồ đề.
    Dẫu rằng, các lần kiết tập thứ nhất, hai và ba không đề cập đến tên các kinh điển của Phật giáo Đại thừa, chỉ đề cập đến 5 bộ Nikāya và 4 bộ A-hàm nhưng nội dung tư tưởng trong các kinh điển của Phật giáo Đại thừa đều có nguồn gốc từ các kinh trong A hàm và Nikaya.
    Do vậy, nếu chúng ta cho rằng kinh điển A hàm và Nikaya là kinh Phật nói, thì không có lý do gì cho rằng kinh điển Đại thừa không do Phật nói. Nếu trong kinh điển Đại thừa có một vài ý khó hiểu, mang tính thần thoại, thì trong kinh A hàm và Nikaya cũng không thể tránh khỏi điều này.
 
    Taipei ngày 5 tháng 11 năm 2008
 
 
Kinh sách tham khảo
 
- HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng Bộ” tập 3, 4 Viện NCPHVN ấn hành.
- HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1,2,3, Viện NCPHVN ấn hành.
- HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trường Bộ” tập 1,2 Viện NCPHVN ấn hành.
- Đức Thắng dịch, “Kinh Tạp A hàm”, www.tuechung.com/kinh/TapAHamKinh
- TT. Thích Tuệ Sỹ, “Kinh Trung A hàm, www.tuechung.com/kinh/u-kinh-ahamtrung
- “Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật” (金剛般若波羅蜜經),CBETA, T08, no. 235.
- “Kinh Đại Niết Bàn” (大般涅槃經),CBETA, T12, no. 375.
- “Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật”,CBETA, T08, no. 227.
- “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa”, CBETA, T09, no. 262.
- “Dị Bộ Tông Luân Luận” (異部宗輪論), CBETA, T49, no. 2031.
 
 
 
[1] "Khi Bồ-tát nhập vào mẫu thai, này Ananda, khi ấy một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới ở trên chư Thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên và thế giới ở dưới gồm các vị Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Cho đến các thế giới ở giữa các thế giới, tối tăm, u ám không có nền tảng, những cảnh giới mà mặt trăng mặt trời với đại thần lực, với đại oai lực như vậy cũng không thể chiếu thấu, trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh sống tại những chỗ ấy nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Và mười ngàn thế giới này chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới. Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn".....” (http://www.tuechung.com/kinh/u-kinh-trungbo/trung123.htm)
[2] “Dị Bộ Tông Luân Luận”(異部宗輪論):“Chư Phật Thế Tôn đều là những bậc xuất thế, tất cả các đức Như Lai đều là pháp vô lậu, lời Như Lai nói đều mang tính chuyển pháp, Phật dùng một âm thanh để mô tả tất cả pháp, những lời được Như Lai nói đều là chân lý. Sắc thân Như Lai không có cùng tận, Oai lực Như Lai cũng vô tận, thọ mạng chư Phật cũng vô lượng.... Tất cả Bồ tát khi nhập thai đều không giống như người thường, khi Bồ tát nhập thai, đều mộng thấy voi trắng (mà người mẹ thọ thai), khi Bồ tát đản sinh đều từ hông mẹ mà sinh ra, tất cả Bồ tát không sinh khởi lòng tham lam sân hận và ngu si...” (CBETA, T49, no. 2031, p. 15, b27-c10).
[3] “Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật”,(CBETA, T08, no. 227, p. 555, b2-6).
[4] “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa”, (CBETA, T09, no. 262, p. 54, b29-c2).
[5] HT. Thích Minh Châu,“Kinh Trung Bộ”, “Kinh Ví Dụ Con Rắn” http://www.tuechung.com/kinh/u-kinh-trungbo/trung22.htm
[6] HT. Thích Minh Châu, “Kinh Trung Bộ”,’Tiểu kinh Nghiệp phân biệt’. http://www.tuechung.com/kinh/u-kinh-trungbo/trung135.htm
[7] HT. Thích Minh Châu, “Trung Bộ Kinh”,’Đại kinh Nghiệp phân biệt’ http://www.tuechung.com/kinh/u-kinh-trungbo/trung136.htm
[8] “Kinh Đại Niết Bàn” (大般涅槃經),(CBETA, T12, no. 375, p. 642, a22-23).
[9] 1. Chánh Kinh (正經), 2. Ca Vịnh (歌詠), 3. Ký thuyết (記說), 4. Kệ tha (偈咃), 5. Nhân duyên (因緣), 6. Tuyển Lục (撰錄), 7. Bổn Khởi (本起), 8. Thử Thuyết (此說), 9. Sanh Xứ (生處), 10. Quảng Giải (廣解), 11. Vị Tằng Hữu pháp (未曾有法), 12. Thuyết thị nghĩa (說是義).
[10] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ”, ‘Ví Dụ Con Rắn’, Viện NCPHVN ấn hành, 1992, trang 303.
[11] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng Bộ” tập IV, Viện NCPHVN ấn hành, năm 1993, trang 108~109 (...Nếu người xứ Sunàparanta, bạch Thế Tôn, chửi bới, nhiếc mắng con, ở đây, con sẽ nghĩ: "Thật là hiền thiện, người xứ Sunàparanta này! Thật là khéo hiền thiện, người xứ Sunàparanta này! Vì những người này không lấy tay đánh đập ta"... Nếu người xứ Sunàparanta, này Punna, sẽ đánh đập Ông bằng tay, thời ở đây, này Punna, Ông sẽ nghĩ thế nào? Nếu người xứ Sunàparanta, bạch Thế Tôn, đánh đập con bằng tay, thời ở đây, con sẽ suy nghĩ: "Thật là hiền thiện, những người xứ Sunàparanta này! Thật là khéo hiền thiện, những người xứ Sunàparanta này! Vì những người này không đánh đập ta bằng cục đất"... Nhưng nếu người xứ Sunàparanta, này Punna, đánh đập Ông bằng cục đất, thời ở đây, này Punna, Ông nghĩ thế nào? Nếu những người xứ Sunàparanta, bạch Thế Tôn, đánh đập con bằng cục đất, thời ở đây, con sẽ suy nghĩ: "Thật là hiền thiện, những người xứ Sunàparanta này! Thật là khéo hiền thiện, những người xứ Sunàparanta này! Vì những người này không đánh đập ta bằng gậy". .).
[12] Đức Thắng dịch, “Kinh Tạp A hàm”, Kinh số 311. http://www.tuechung.com/kinh/TapAHamKinh/quyen13.htm#_LM-10
[13] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trường Bộ” ‘‘Kinh Đại Thiện Kiến Vương’ (Mahàsudassana Sutta): A-nan, ở chung quanh bên ngoài Câu-thi vương thành, có bảy lớp hào. Hào ấy được xây bằng gạch bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Đáy hào cũng trải cát bằng bốn loại báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh.“Này A-nan, Câu-thi vương thành có bảy lớp tường thành bao bọc bên ngoài. Những lớp tường thành ấy cũng được xây bằng gạch bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh.“Này A-nan, Câu-thi vương thành có bảy lớp hàng cây Đa-la bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh bao bọc xung quanh. Cây Đa-la bằng vàng thì hoa, lá và trái bằng bạc. Cây Đa-la bằng bạc thì hoa, lá và trái bằng vàng. Cây Đa-la bằng lưu ly thì hoa, lá và trái bằng thủy tinh. Cây Đa-la bằng thủy tinh thì hoa, lá và trái bằng lưu ly. “Này A-nan, ở giữa những cây Đa-la có đào nhiều hồ sen; hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen đỏ và hồ hoa sen trắng. “Này A-nan, bờ hồ hoa ấy được đắp bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Ở đáy hồ thì rải cát bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Trong thành hồ ấy có thềm cấp bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh. Thềm cấp bằng vàng thì bậc chân bằng bạc, thềm cấp bằng bạc thì có bậc chân bằng vàng. Thềm cấp bằng lưu ly thì có bậc chân bằng thủy tinh. Thềm cấp bằng thủy tinh thì có bậc chân bằng lưu ly. http://www.tuechung.com/kinh/u-kinh-ahamtrung/trungaham068.htm
[14] “Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật”,(CBETA, T08, no. 235, p. 749, b10-11).
[15] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập I, Viện NCPHVN ấn hành, 1992, trang 305~307.
[16] “Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật”, (CBETA, T08, no. 235, p. 752, b28-29).

    « Xem chương trước «      « Sách này có 25 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.63.107 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...