Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes
Sự thành công thật đơn giản. Hãy thực hiện những điều đúng đắn theo phương cách đúng đắn và vào đúng thời điểm thích hợp. (Success is simple. Do what's right, the right way, at the right time.)Arnold H. Glasow
Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là đáng sống. (Only a life lived for others is a life worthwhile. )Albert Einstein
Mỗi ngày, hãy mang đến niềm vui cho ít nhất một người. Nếu không thể làm một điều tốt đẹp, hãy nói một lời tử tế. Nếu không nói được một lời tử tế, hãy nghĩ đến một việc tốt lành. (Try to make at least one person happy every day. If you cannot do a kind deed, speak a kind word. If you cannot speak a kind word, think a kind thought.)Lawrence G. Lovasik
Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Những vấn đề liên quan đến Đại Tạng Kinh »» Lịch sử Kết tập Kinh điển và truyền giáo »»

Những vấn đề liên quan đến Đại Tạng Kinh
»» Lịch sử Kết tập Kinh điển và truyền giáo

Donate

(Lượt xem: 4.301)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Những vấn đề liên quan đến Đại Tạng Kinh - Lịch sử Kết tập Kinh điển và truyền giáo

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

1. SÁU ÐẠI HỘI KẾT TẬP KINH ÐIỂN

Tất cả con người và vạn vật trong Tam giới đều phải chịu sự chi phối của định lý vô thường. Ðại Ðức Sarìputta và Moggallana là hai vị đại đệ tử của Ðức Phật đúng thời điểm cũng phải xin đức Phật nhập diệt. Rồi lần lượt không bao lâu, khi Ðức Phật đúng 80 tuổi đời, 45 tuổi đạo, Ngài cũng giã từ Tứ chúng để an hưởng quả vị Vô Dư Niết-bàn. Sự viên tịch của Ðức Phật và hai vị đại đệ tử là một mất mát to lớn cho hàng Tứ chúng. Kể từ khi vắng đức Phật và các đại đệ tử, Phật giáo thường phải đối đầu với những tình trạng đen tối với những diễn dịch sai lạc, bên cạnh đó chưa kể đến những thành phần bất hảo trong Tăng đoàn. Tuy nhiên may mắn có những vị Trưởng lão Thánh Tăng từng thời kỳ đã mang trách nhiệm và quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy nền đạo pháp. Do đó, những thời kỳ kết tập kinh điển ra đời để bảo tồn các lời dạy của Đức Phật.
1.1 Ðại Hội Kết Tập Ðiển Kinh Lần Thứ Nhất
a) Nguyên nhân:
Ngài Mahakassapa nhận thấy Ðức Thế Tôn nhập Niết-bàn mới có một tuần lễ mà lại có chuyện không hay xảy ra trong Tăng đoàn. Chuyện là lúc ngài Mahakassapa và năm trăm Tỳ khưu đang chu du truyền đạo ở Pàvà và nghe tin loan truyền từ người này sang người nọ, là Ðức Thế Tôn viên tịch. Trước tin chẳng lành đó một số Chư Thánh Tăng điềm nhiên trong oai nghi tế hạnh, còn một số phàm Tăng thì buồn bã tiếc nuối bậc đạo sư rằng: "Sao Thế Tôn vội Niết-bàn sớm, ánh sáng chân lý và pháp nhãn biến mất ở đời!" Rồi Chư Thánh Tăng an ủi và khuyến khích Chư Phàm Tăng bằng thuyết vô thường. Tuy nhiên lúc đó có một vị Tỳ khưu lớn tuổi và mới xuất gia tên là Subhada chưa có niềm tịnh tín nơi bậc Đạo sư nên có những thái độ và những lời nói bất kính với Ðức Phật như sau:
- "Này các bạn! Tại sao các vị thương tiếc nhiều đến Ðức Phật làm chi, Ngài đã viên tịch rồi thì chúng ta về sau sống thoải mái hơn lúc trước nhiều, không còn nghe những lời khuyên răn trách cứ nữa: 'Hãy như thế này, hãy như thế kia ...'. Kể từ hôm nay chúng ta muốn làm gì thì làm, không còn bị ràng buộc bởi các giới luật, vì Ðức Phật đã viên tịch rồi".
Câu nói của vị Tỳ khưu già đó tỏ ra xem thường giáo pháp và chưa gì thì muốn tách rời pháp luật của bậc đạo sư. Ngài Mahakassapa nghe như vậy cảm thấy xót xa và lo ngại cho tiền đồ của Phật giáo, nhưng Ngài làm ngơ để lo chu toàn việc an táng Ðức Thế Tôn. Sau khi an táng Thế Tôn xong, Ngài đem câu chuyện ấy trình bày lên Tăng chúng và nói lên sự lo ngại cho nền đạo pháp về sau:
- Nếu vậy thì từ nay phi pháp, phi luật sẽ phát huy, pháp và luật sẽ suy đồi; chủ trương phi pháp, phi luật sẽ nhiều, còn những chủ trương pháp luật sẽ bị giảm thiểu.
Cho nên với tư cách là một vị tăng được Ðức Thế Tôn ban cho là đệ tử nhứt về "Hạnh đầu đà", ngài Mahakassapa không muốn đạo pháp mai một về sau, và liền đứng ra triệu tập 500 vị Thánh Tăng để kết tập. Tuy nhiên Ngài chỉ tuyển chọn được 499 vị nghĩa là còn thiếu một vị nữa. Ngài thấy không vị nào ngoài Ðại Ðức Ananda được, vì Ðại Ðức là một vị làu thông Phật ngôn do Ðức Thế Tôn thuyết giảng trong suốt 45 năm. Tuy nhiên, Ðại Ðức chưa phải là bậc Thánh A La Hán vô lậu nên ngài Mahakassapa động viên Đại Đức, và chờ Đại Đức khi nào đạo quả viên mãn thì cuộc kết tập mới khai mạc.
b) Niên đại, địa điểm, vị chủ tọa và người bảo trợ
Niên đại chính xác của đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất là sau ba tháng Ðức Thế Tôn viên tịch.
Ngài Mahakassapa triệu tập đầy đủ 500 vị A La Hán với nhau tại thạch động Sattapanna trên núi Vebhàra ở thành Ràjagaha để kết tập Phật ngôn.
Sau khi tuyển chọn thành phần kết tập và đã có địa điểm sẳn, Ngài Mahakassapa bắt đầu Tụng tuyên ngôn và đề nghị với Chư Thánh Tăng ba điều:
- Số lượng tham dự kết tập kỳ này chỉ chọn 500 vị mà thôi, trong thời gian kết tập không được thêm hoặc bớt.
- Chọn thạch động Sattapanna trên núi Vebhàra trong thành Rajagaha là địa điểm kết tập.
- Cấm tuyệt đối những vị Tỳ khưu nào không phải là thành viên kết tập kinh điển đến an cư kiết hạ mùa mưa tại thành Rajagaha. Lý do như vậy là đề phòng hai điều xảy ra: a) chư vị kết tập sẽ gặp khó khăn trong vấn đề đi khất thực; b) phòng ngừa sẽ có những vị ác tâm đến phá cuộc kết tập kinh điển.
Chư Thánh hiền Tăng đã thỏa thuận với nhau ba điều trên, rồi cùng nhau kéo đến thành Rajagaha yêu cầu nhà vua A Xà Thế (Ajaratthu) giúp đỡ bằng cách cho nới rộng 18 Tăng đường cho chư vị kết tập có chổ nghĩ ngơi. Ðức vua hoan hỷ nhận lời và đứng ra bảo trợ toàn bộ chi phí cuộc kết tập kinh điển.
Lúc này Ðại Ðức Ananda cũng vừa đắc quả vị A La Hán nên đại hội bắt đầu khai mạc. Người chủ tọa kết tập Tam tạng lần thứ nhất là Trưởng lão Mahakassapa, đồng thời Ngài cũng là vị Vấn đạo sư về pháp luật. Trưởng lão Upàli đã từng được Ðức Phật tuyên dương trước đại chúng là đệ nhất về trí luật và đã thông thạo những điều giới luật Ðức Phật đã đặt ra, về thời gian, địa điểm và đối tượng phạm giới lúc Ngài còn sinh tiền, cho nên Ngài được chọn là vị đáp những câu hỏi của ngài Mahakassapa. Còn Trưởng lão Ananda vốn đệ tử nhứt của Ðức Phật về hạnh đa văn, am tường những bài thuyết của Ðức Thế Tôn trong suốt 45 năm, do đó Chư Thánh Tăng chọn Ðại Ðức làm vị đáp về Kinh tạng lẫn Vi Diệu tạng.
c) Phương pháp kết tập
Trước tam vị tuyên ngôn xác định vai trò và vị trí của mình trong cuộc kết tập mà được Chư Thánh hiền tăng đã chọn lựa, ngài Mahakassapa lần lượt nêu từng điều luật tỉ mỉ và chi tiết như sau: "Này hiền giả Upàli! Nguyên nhân thế nào Thế Tôn cấm chế điều luật này? Ai phạm? Ðiều phụ chế của điều luật ấy thế nào? Thế nào là sự phạm tội trong những điều luật này?". Ngài Upàli căn cứ trên những câu hỏi ấy mà đáp một cách rành mạch, theo thứ lớp. Mỗi câu trả lời của Ngài Upàli, Chư Thánh Tăng cùng tụng lại điều luật ấy. Nếu không thấy sự lầm lẫn gì trong câu đáp, các Ngài nhất trí nhau tuyên bố rằng đây là điều luật Thế Tôn cấm chế và ban hành. Áp dụng cách thức kết tập như vậy cho đến hết phần Luật tạng, và trong đại hội kết tập lần thứ nhất này phân Luật tạng ra làm năm phần lớn: Àdikamma, Pàcittiya, Mahàvagga, Cullavagga, Parivàra.
Khi kết tập phần Kinh tạng, các Ngài nhất trí là bắt đầu bằng bài kinh Phạm Võng (Brahmajàlla sutta). Ngài Mahakassapa vấn như sau: "Này hiền giả Ananda! Nguyên nhân nào mà Thế Tôn thuyết bài kinh này? Ðịa điểm ở đâu? Ðối tượng thuyết giảng là ai? Nội dung của từng bài kinh là gì?" Ðại Ðức Ananda trả lời xong, rồi Chư Tăng bắt đầu cùng nhau tụng lại và xác nhận đây là lời của Thế Tôn. Cách thức như vậy cho đến phần Kinh tạng, đồng thời trong kỳ kết tập này các Ngài cũng phân ra năm bộ Nikàya. Cuộc kết tập này kéo dài bảy tháng mới hoàn thành.
Sau cuộc kết tập, Ðại Ðức Ananda có bạch với Chư Thánh Tăng rằng lúc Như Lai sắp sửa viên tịch, Ngài có dạy: "Khi ta viên tịch các vị có thể bỏ bớt những giới học nào không quan trọng". Ngài Mahakassapa hỏi Ðại Ðức Ananda học giới nào là không quan trọng, ngài Ananda trả lời vì lúc Ðạo sư Niết-bàn, Ðại Ðức quá bận rộn nên không hỏi điều đó. Ngài Mahakassapa với tư cách là chủ tọa liền tụng tuyên trước Chư Thánh Tăng như vầy: "Kính bạch Chư Tăng, vấn đề giới luật rất quan trọng, nó liên quan đến đời sống của sa môn, nhưng Thế Tôn trước khi viên tịch không nói rõ điều nào không quan trọng. Vì vậy cho nên kính xin Chư Thánh hiền Tăng từ nay về sau Chư vị đừng thêm mà cũng đừng bớt học giới nào mà Thế Tôn đã chế định, cứ vậy mà thực hành".
1.2. Ðại Hội Kết Tập Kinh Ðiển Lần Thứ Hai

a) Nguyên nhân:
Do sự bất đồng 10 điều giới luật giữa nhóm Tỳ khưu Vajjputta và Ngài Yassakàkandaputta. Nhóm Tỳ khưu ở Vesàli không hành trì 10 điều học quá lâu nên dân làng xứ Vajji cũng đã quen với nếp sống của chư vị ở đây. Thường xuyên họ đem vàng bạc châu báu cúng dường cho chư vị và họ suy nghĩ đây là sự cúng dường đúng pháp và giới luật. Không may, một hôm nọ Ngài Yassa, một vị Thánh Tăng, từ Kosambì đi đến Vesàli, tình cờ chứng kiến cảnh chư Tỳ khưu nhóm Vajjiputta tự do nhận vàng bạc từ sự cúng dường của chư thiện nam tín nữ. Ngài khiển trách thiện tín và khuyên chư tăng không nên thọ dụng vàng bạc như vậy, điều đó sẽ không đúng với luật pháp của Ðức Phật, nhưng họ không nghe lời dạy của Ngài Yassa. Sau khi thọ dụng vàng bạc xong, họ phân chia với nhau theo hạ lạp, và lẽ cố nhiên họ cũng đem đến cúng dường Ngài Yassa một phần, nhưng Ngài không nhận mà còn khiển trách việc làm của các vị một lần nữa.
Nhóm Tỳ khưu Vajjiputta thấy thái độ của Ngài Yassa làm như vậy quá đáng nên họp chư tăng lại tuyên ngôn xử phạt Ngài Yassa theo Patisàranìyakamma, nghĩa là bắt Ngài Yassa phải đi xin lỗi việc làm của Ngài xúc phạm đến niềm tin của cư sĩ; và lúc Ngài đi xin lỗi phải có Tỳ khưu đại diện của phái họ đi theo để làm chứng. Trước áp lực đa số hơn thiểu số, nên Ngài đành phải đi xin lỗi từng nhà. Tuy nhiên Ngài vừa xin lỗi vừa giải thích giới luật của Chư Tăng cho các cư sĩ hiểu. Ngài xác định với họ rằng việc làm của nhóm Tỳ khưu Vajjiputta là hoàn toàn không đúng với tinh thần giới luật của Ðức Phật. Ngài lập lại câu Phật ngôn cho các cư sĩ nghe:
"Này các quí vị! Mặt trăng, mặt trời không tỏ sáng được là do mây che, mù sương, vi trần và thần Rahu che khuất. Vị Tỳ khưu trong giáo pháp của Ðức Phật không sáng chói được là do những nguyên nhân: uống rượu, hành dâm, thọ lãnh và cất giữ vàng bạc, sống tà mạng làm thầy này thầy nọ".
Nhóm cư sĩ hoan hỷ với lời giảng dạy của Ngài Yassa, họ xin lỗi việc làm của mình, và nhận ngài Yassa làm thầy để học hỏi và lễ bái cúng dường. Tuy nhiên, vị Tỳ kheo tháp tùng đi theo Ngài Yassa đem chuyện đó nói lại cho nhóm Tỳ khưu Vajjiputta. Các vị nghe thế quyết định lấy số đông tuyên ngôn xử phạt Ngài Yassa một lần nữa theo cách Ukkhepanìyakamma, nghĩa là cô lập mọi sinh hoạt của Ngài. Sau đó, tất cả các vị đó cùng nhau kéo đến nơi cư ngụ của Ngài. Nhưng qua thần thông của một vị A La Hán nên Ngài đã đi tự thuở nào rồi.
Trên đường đi Ngài suy tư, nếu như ta làm ngơ chuyện này thì giáo pháp của bậc đạo sư sẽ bị mai một và số vị ác Tỳ khưu sẽ gia tăng. Cho nên, Ngài không màng gian lao đi vào thành Pàthà, Avantì, và Dakkhinàpatha để thông báo cho Chư Tăng biết những chuyện phi pháp luật của nhóm Tỳ khưu ở thành Vesàli với ý dụng là để giải quyết. Sau đó nữa, Ngài vân du lên núi Adhogangà để bạch chuyện đó cho Trưởng lão Sànasambhuta, ngài Trưởng lão này hoàn toàn nhất trí với Ngài Yassa là hành vi của nhóm Tỳ khưu ở Vesàli làm như vậy là sai pháp luật.
Sau đó, 60 vị A La Hán ở thành Pàthà và 80 vị ở thành Avantì và Dakkhinàpatha cùng nhau họp ở núi Adhogangà, với Ngài Yassa và Trưởng lão Sànasambhùta. Chư vị đều nhất trí với nhau rằng việc này nên thỉnh Ngài Revata, một bậc thánh tứ quả làu thông Phật ngôn để làm chủ tọa giải quyết chuyện lộn xộn ở thành Vesàli. Ban đầu Ngài Revata không đồng ý, nhưng sau đó Ngài đồng ý. Sở dĩ Ngài đồng ý là vì Trưởng lão Sànasambhùta trình bày cho Ngài biết về 10 điều sai trái của các vị Tỳ khưu ở thành Vesàli, yêu cầu Ngài giải quyết chuyện này, và sau hết là kết tập Phật ngôn như các vị tiền bối đã làm.
b) Niên đại, địa điểm, vị chủ tọa và người bảo trợ
Một trăm năm sau khi Ðức Thế Tôn viên tịch, nhóm Tỳ khưu ở thành Vesàli không duy trì 10 điều học do Ðức Phật ban hành, nên các vị Thánh Tăng tuyệt đối cấm các vị Tỳ Khưu không được hành động nữa và đem chuyện này xử trước đại chúng tăng.
Sự việc này xảy ra ở thành Vesàli trong chùa Vàlukàràma, do đó, Chư Thánh hiền Tăng cũng chọn địa điểm này để giải quyết chuyện lộn xộn về giới luật và đồng thời cũng chọn ngôi chùa này để kết tập Tam Tạng lần thứ hai.
Người chủ trương đầu tiên công việc này là Ngài Yassa, tuy nhiên người chủ tọa để giải quyết nhóm Tỳ khưu Vajjiputta thuộc phái Puràna không hành trì 10 điều học là Ngài Revata, và Ngài cũng là vị chủ tọa cuộc kết tập Tam Tạng lần thứ nhì.
Tỳ khưu Vajjiputta có lần đến yêu cầu Ngài Revata che chở việc làm của mình, nhưng bị Ngài khiển trách. Cho nên các vị theo phe Vajjiputta cùng vào hoàng cung yết kiến nhà vua Kàkàsoka và bạch dối với nhà vua rằng khi họ trông coi tịnh xá thì có nhóm Tỳ khưu khách đến có ý định chiếm chùa, Vua không hiểu đầu đuôi câu chuyện nên ra lệnh cấm các vị Thánh Tăng không được vào chùa Valukàràma. Đêm đó, Vua nằm mơ thấy quỷ sứ dưới địa ngục bắt Ngài bỏ vào chảo đồng. Lúc Vua tỉnh dậy thì lo âu và sợ hãi, và sáng hôm sau em gái Vua là vị Thánh Ni Nandà vào gặp Vua và giải thích đâu là đúng, đâu là sai cho Vua nghe. Thánh Ni Nandà đề nghị nhà vua nên ủng hộ Chư Thánh Tăng để chấn hưng Phật giáo, và Vua đồng ý. Vì vậy, người bảo trợ kết tập kinh điển lần thứ hai tại Vesàli là Ðức vua Kàkàsoka.
c) Phương pháp kết tập
Trước khi chính thức kết tập kinh điển, Ngài Revata tuyên ngôn bầu một ban giám luật gồm có:
- Trưởng lão Sabbakàmì, Salha, Khujjasobhita, và Vàsabhagàmì. Bốn vị này đóng vai trò đại diện cho phe bị cáo nhóm Tỳ khưu phạm giới.
- Trưởng lão Sànasambhùta, Sumana, Yassa, và Kàkandaputta đóng vai trò tuyên cáo, các vị này đại diện phần chấp pháp để đối chất và giải quyết những người phạm luật.
Ðiểm chú ý nơi đây, là Ngài Vàsabhagàmì và Sumana là đệ tử của Ngài Anuruddha, còn 6 vị còn lại là đệ tử của Ngài Ananda, mà các ngài Anuruddha và Ananda đều là những vị có tầm cở trong đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất.
Bốn vị đại diện cho phe bị cáo và bốn vị đại diện cho Chư Tăng trong ban giám luật. Thế là Ngài Revata nêu ra từng điều một trong 10 điều chủ trương sai của phái Tỳ khưu Vajji để hỏi Ngài Sabbakàmì:
Ðiều sai trái thứ nhất, Ngài Sabbakàmì trả lời rằng vị Tỳ khưu nào giữ muối riêng để dùng thì phạm tội Ưng đối trị.
Ðiều sai trái thứ hai, Ngài Sabbakàmì trả lời rằng ăn sái giờ là phạm tội, bất luận lúc đó là mặt trời chênh qua bao nhiêu.
Ðiều sai trái thứ ba, Ngài Sabbakàmì trả lời rằng sau bửa ăn chính, vị nào còn dùng thêm một lần nữa thì phạm tội Ưng đối trị.
Ðiều sai trái thứ tư, Ngài Sabbakàmì trả lời rằng khu vực Sìma, Chư Tăng không được chia ra làm nhiều nhóm để làm lễ phát lồ.
Ðiều sai trái thứ năm, Ngài Sabbakàmì trả lời rằng theo Campeyyakhandhaka, các Tăng sư Chư Tỳ khưu phải vào một lượt để cùng hành không được vào xen kẻ.
Ðiều sai trái thứ sáu, Ngài Sabbakàmì trả lời rằng không nên căn cứ theo thầy tế độ và giáo thọ sư mà mọi việc nên y cứ theo kinh luật luận làm tiêu chuẩn để tu tập.
Ðiều sai trái thứ bảy, Ngài Sabbakàmì trả lời rằng nếu vị nào không có bịnh hoạn mà sau giờ ngọ dùng sửa chua đặc thì phạm tội Pàcittiya (Ưng đối trị).
Ðiều sai trái thứ tám, Ngài Sabbakàmì trả lời rằng vị Tỳ khưu tuyệt đối không được dùng rượu, dù rượu ở bất nồng độ nào.
Ðiều sai trái thứ chín, Ngài Sabbakàmì trả lời rằng vị Tỳ khưu không được dùng tọa cụ không có biên, vị nào dùng thì phạm tội.
Ðiều sai trái thứ mười, Ngài Sabbakàmì trả lời rằng vị Tỳ khưu nào cất giữ vàng bạc cho cá nhân thì phạm tội Ưng xả đối trị, nếu phạm thì xã bỏ tất cả rồi sám hối mới hết tội.
Mỗi câu trả lời của Ngài Sabbakàmì, Chư Tăng xác nhận là đúng theo quan niệm của Ðức Phật đồng thời Chư Tăng cũng tuyên bố rằng chủ trương của nhóm Tỳ khưu phá giới hành động theo 10 điều phi pháp đó hoàn toàn sai lầm để cho đại chúng hiểu biết và am tường.
Sau khi Ngài Revata điều chỉnh 10 điều phi pháp luật của nhóm Tỳ khưu Vajjiputta xong, 700 vị Thánh Tăng vô lậu bắt tay vào công việc kết tập Phật ngôn. Phương pháp kết tập kỳ này giống như kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất, tuy nhiên kỳ kết tập kỳ này thời gian kéo dài đến 8 tháng.

1.3 Ðại Hội Kết Tập Kinh Ðiển Lần Thứ Ba

a) Nguyên nhân:
Theo nhiều tài liệu, nhất là tài liệu Mahavamsa (Ðại sử), trong triều đại vua Asoka, Phật giáo được xem là quốc đạo, Chư Tăng được nhiều sự ưu ái, các tu sĩ ngoại đạo cũng thừa lúc này xuất gia theo đạo Phật rất nhiều. Thế nhưng tổ chức tăng đoàn chưa chặt chẽ, nội bộ Chư Tăng không đoàn kết, thường bất hòa, không tin tưởng nhau. Về mặt giới luật có phần lỏng lẻo, có nơi thậm chí trong bảy năm trời Chư Tăng chưa hề họp mặt nhau một lần để làm lễ Bố Tát (Uposattha). Chuyện này thấu đến tai vua, vua cử một vị đại thần đến nhắc nhở Chư Tăng nhưng Chư Tăng vẫn không vâng lệnh Vua. Cho nên vị đại thần rất tức giận, ra lệnh sát hại nhiều tăng sĩ. Ngài Moggalliputta-Tissa thấy vậy liền trực tiếp ngăn cản. Vị đại thần không dám giết Ngài và quay về báo cáo nhà vua. Vua nghe tin, rất lo sợ vì cho rằng mình đã tạo một trọng nghiệp, nhúng tay vào vụ thảm sát Chư Tăng.
Nhà vua rất hoang mang về chuyện xảy ra trong hàng ngũ Tăng già và Ngài đem chuyện này hỏi các vị cao tăng, nhưng mỗi người giải thích theo một cách, tất cả những vị này đều không đáp ứng thỏa mãn của nhà vua. Cuối cùng, đức vua tìm đến Ngài Thánh Tăng Moggalliputta-Tissa. Vị này giải thích cho vua hiểu: - "Này đại vương nếu chuyện đó Ngài không cố ý ra lệnh thì Ngài không có quả báo ác, còn như Ngài cố ý ra lệnh thì Ngài sẽ chịu quả báo ác. Vì Ðức Phật có dạy: Nghiệp là sự cố ý, chỉ có cố ý mới tạo nghiệp". Lời khuyên của Thánh Tăng Tissa có phần làm cho Vua Asoka bớt lo âu về luật nhân quả. Nhân cơ hội này, Ngài giải thích cho vua hiểu thế nào là chánh pháp của Ðức Phật, thế nào là phi pháp luật, đồng thời Trưởng lão cũng giải thích những hoài nghi của nhà vua về chánh pháp. Ðức vua rất hoan hỷ về lời dạy của Trưởng lão, và nhà vua hứa sẽ hỗ trợ Ngài chỉnh đốn hàng hàng ngũ Tăng già. Công việc này rất nhiêu khê, không thể dùng tăng lệnh mà phải dùng cả vương lệnh nữa. Ngoại đạo lúc này tu theo Phật giáo rất nhiều, họ có dụng ý thành lập một bộ phái mới chủ trương giới luật và tri kiến hoàn toàn khác biệt với tinh thần của đạo Phật. Chư Thánh Tăng biết được ý đồ của bọn ngoại đạo trà trộn vào Phật giáo nên chư vị kết hợp với nhà vua Asoka thanh lọc hàng ngũ Tăng già. Qua sự trắc nghiệm của chư vị Thánh Tăng, nếu vị nào không phải là tu sĩ Phật giáo thật sự thì bị trục xuất ra khỏi giáo hội, và được cấp phát quần áo để trở lại đời sống thường dân. Theo tài liệu Mahavamsa và Samantapàsàdikà, trong cuộc thanh lọc này có khoảng 60.000 tu sĩ giả danh bị trục xuất ra khỏi tăng đoàn.
Sau khi thanh lọc giáo hội xong, vua hứa với vị Thánh Tăng rằng nếu sau này có nhu cầu chi liên quan với Phật pháp thì Ngài sẽ ủng hộ hết mình. Nhân lời tác ý của nhà vua, Trưởng lão Moggalliputta-Tissa đề nghị nhà vua yểm trợ Chư Tăng để kết tập Phật ngôn. Nhà vua hoan hỷ nhận lời.
b) Niên đại, địa điểm, vị chủ tọa và người bảo trợ
Niên đại kết tập nếu tính theo Phật lịch thì có nơi nói là năm 218, có nơi nói là 234. Lại có tài liệu khác nói là vào năm 287. Có lẽ tài liệu này nói đúng vì dựa vào thời gian trị quốc của các vị vua.
Chư Thánh Tăng chọn ngôi chùa Asokàràma ở kinh thành Pàtaliputta phía nam hoàng cung của nhà vua làm địa điểm kết tập kinh điển lần thứ ba.
Ngài Thánh Tăng Moggalliputta-Tissa được Chư Tăng thỉnh cử làm vị chủ tọa kết tập Phật ngôn kỳ này.
Ngài Moggalliputta-Tissa chọn 1000 vị kết tập Phật ngôn. Thời gian kéo dài 9 tháng. Các chi phí trong cuộc kết tập được Vua Asoka hoàn toàn tài trợ cho Chư Tăng.
c) Phương pháp kết tập
Theo các vị Thánh Tăng ghi lại thì Trưởng lão Moggalliputta-Tissa xuất thân là một vị Phạm Thiên do hai vị Thánh Tăng Siggava và Candavajji thỉnh cầu xuống cõi nhân loại để chấn hưng Phật giáo. Vì hai vị Thánh Tăng này không có mặt không kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất nên Chư Tăng giao nhiệm vụ trên cho nhị vị. Ngài Tissa giáng sinh xuống cõi được 7 tuổi thì Trưởng lão Giggava tế độ cho xuất gia sa di và dạy Phật pháp căn bản. Lúc hai mươi tuổi, Ngài Candavajji cho thọ cụ túc giới và dạy Tissa những giáo lý cao siêu. Không bao lâu Ngài am tường Tam tạng và đắc quả A La Hán, với tuệ phân tích. Khi ngoại đạo lộng hành trong Phật giáo, Tăng già bất hòa nhau vì những vị chơn chánh không chịu làm lễ Bố Tát với những tu sĩ ngoại đạo, vua Asoka phái nhiều phái đoàn thỉnh cầu Ngài ở núi Adhoganga ra chấn hưng Phật giáo và làm chủ tọa kỳ kết tập kinh điển lần thứ ba.
Cách thức kết tập kinh điển kỳ này cũng giống như hai kỳ trước nhưng có một vài điểm khác nhau. Ngài chủ tọa cuộc kết tập nêu ra những quan điểm và tri kiến sai lầm của các bộ phái qua ba trăm vấn đề về giáo lý. Ngài dựa vào bộ phái gốc Theravàda để bác bỏ các luận cứ sai lạc đó, và cho kết tập vào bộ Kathàvatthu của tạng Vi Diệu Pháp - Abhidhamma.
Ðiều chúng ta nên lưu ý ở đây là trong hai kỳ kết tập Tam tạng đầu, chư vị A La Hán chỉ ghi bằng ký ức và truyền miệng thôi, nhưng có giả thuyết cho rằng trong lần kết tập kỳ này, Tam tạng bắt đầu bắt đầu ghi chép bằng văn tự Pàli [theo W.Rahula, History of Buddhism in Ceylon].Tuy nhiên giả thuyết này chưa được đa số các nhà Phật học chấp nhận.

1.4 Ðại Hội Kết Tập Kinh Ðiển Lần Thứ Tư
a) Nguyên nhân
Phái đoàn truyền giáo của vua Asoka và Thánh Tăng Moggalliputta-Tissa cử Ngài Mahinda đến truyền đạo ở xứ Tích Lan vào khoảng năm 236-287 dưới triều đại vua Devànampiyatissa. Ðược vua hết lòng ủng hộ, việc truyền bá chánh pháp của Ngài Mahinda ở nơi đây thành công rực rỡ. Chẳng bao lâu, từ hoàng gia cho đến thường dân đều quy y theo Phật giáo. Ban đầu, nhà vua ủng hộ xây dựng đại tự Mahàvihàra cho Chư Tăng cư ngụ để hoằng pháp, đồng thời vua khuyến khích mọi người xuất gia theo chánh pháp. Lại nữa, vua cử người sang Ấn Ðộ yêu cầu Vua Asoka cử phái đoàn ni chúng sang Tích Lan để cho phụ nữ Tích Lan được tu theo chánh pháp. Vị công chúa con vua Asoka là Tỳ khưu ni Sanghamittà được đề cử làm trưởng đoàn ni chúng sang Tích Lan để đáp lại lòng mong mỏi của nhà vua Tích Lan. Từ đó nhiều phụ nữ trong hoàng tộc lẫn thường dân xuất gia Tỳ khưu ni dưới sự hướng dẫn của Thánh Ni Sanghamittà. Ngoài ra, Vua Asoka còn cho chiết nhánh cây Bồ Ðề ở Bodhi-gaya, gửi cho Bà Sanghamittà mang tặng nhà vua Tích Lan.
Nhờ đó, Phật giáo lúc bấy giờ rất hùng mạnh, và người xuất gia rất đông đảo và lại thông hiểu giáo pháp. Để củng cố Phật giáo lâu dài tại Tích lan, Ngài Mahinda yêu cầu nhà vua cho tổ chức kết tập Phật ngôn.
b) Niên đại,địa điểm, thời gian vị chủ tọa và người bảo trợ
Về niên đại kết tập kinh điển lần thứ IV, có rất nhiều nguồn tài liệu nói khác nhau, nhưng theo Đại sử và các nhà học giả hiện nay thì đó là vào năm Phật lịch 313 (năm 232 trước CN).
Ngôi chùa tháp Thùpàrama ở thủ đô Anuradhapura được Chư Tăng chọn làm điểm kết tập. Vị chủ tọa kỳ kết tập kinh điển này chính là Ngài Mahinda. Chư Thánh Tăng tham dự đại hội gồm có 68.000 vị. Thời gian kéo dài 9 tháng. Ðức vua Devànampiyatissa là người bảo trợ cho cuộc kết tập kinh điển kỳ này.
c) Phương pháp kết tập
Thánh Tăng Mahinda đến Tích Lan năm Ngài được 32 tuổi. Nơi đây, Ngài không những truyền bá Phật giáo mà còn phát triển nền văn hóa Tích Lan nữa, như nghệ thuật kiến trúc chùa tháp... Ngài còn mang đến Tích Lan cả Tam tạng lẫn Chú giải (Athakathà) [theo W. Rahula, History of Buddhism in Ceylon, p.50- 60]. Ðể bảo tồn Tam tạng và các bản Chú giải quí giá này và để cho Chư Tăng cũng như quần chúng nước Tích Lan thông hiểu tường tận Giáo pháp, Ngài cho tiến hành kỳ kết tập kinh điển lần thứ tư. Thêm vào đó, nhằm cũng cố Phật giáo Theravàda tại Tích, sau kỳ kết tập, chư vị Thánh Tăng lại trước tác thêm các bản Chú giải Tam tạng bằng chữ Pàli Tích Lan [W. Rahula, History of Buddhism in Ceylon, p 50- 60]. Ðược biết về sau, khoảng thế kỷ thứ 5-6 sau Công nguyên, Ngài Buddhaghosa sang Tích Lan dịch Tam tạng chú giải này sang chữ Pàli để duy trì ngôn ngữ Pàli truyền thống của Ðức Phật.
Phương pháp kết tập kinh điển kỳ này không có gì mới lạ, chỉ y cứ trên số Tam tạng trong cuộc kết tập kinh điển kỳ thứ ba ở Ấn Ðộ. Ngài Mahinda và chư vị Thánh Tăng căn cứ trên cơ sở đó trùng tuyên lại lời dạy của Ðức Thế Tôn.
Tuy nhiên, theo truyền thống của Ðại Chúng Bộ, Phật lịch khoảng năm 400, chư Thánh hiền Tăng tổ chức kỳ kết tập kinh điển lần thứ IV tại Kasmira thuộc nước Gandhàra, miền tây bắc Ấn Ðộ [theo báo Giác Ngộ, số 12, trang 9]. Vị chủ tọa cuộc kết tập là Ngài Vasumitra với sự bảo trợ của Hiếp Tôn giả. Người khởi xướng và bảo trợ cuộc kết tập là đức vua Vasumitra được biết như là vị hộ pháp tương đương với A Dục Vương. Lý do kết tập là do Chư Tăng các bộ phái bất đồng về kinh điển nên mới mở đại hội. Mục đích của kỳ kết tập này là để soạn ra các bộ luận: Kinh Sở, Luật Sở và Luận Sở, gồm có 30 vạn bài tụng 9.600.000 lời. Nhà vua định đưa 500 vị đến thạch động ở Vương Xá Thành, nơi mà Ngài Kassapa kết tập pháp luật đầu tiên nhưng các vị từ chối và tâu rằng: "Ðại vương, không nên. Vì ở đó có nhiều ngoại đạo, nhiều luận sư khác phái rất phức tạp ắt sẽ gây nhiều trở ngại cho cuộc kết tập". Chính vì lý do này nên đại hội mới tổ chức tại Kasmira. Nhưng truyền thống của Theravàda thì không công nhận đại hội này [theo "2500 Years of Buddhism", p.42]. Ðại hội này ra đời chính là sự khởi điểm của Phật giáo Ðại thừa (Mahayana) về sau.
Song song niên đại kỳ kết tập kinh điển của Ðại Chúng Bộ này, tại Tích Lan vua Vattagàmani cũng bảo trợ kỳ kết tập kinh điển do Ngài Maharakkhita chủ tọa, số Chư Tăng tham dự là 500 vị Tỳ kheo. Mục đích của đại hội là đọc lại giáo điểm Tam Tạng của Trưởng lão bộ, hiệu đính chú thích của ba tạng, sắp xếp thứ tự của kinh điển, viết một bộ Tam tạng trên lá buông bằng tiếng Pàli, và chú giải bằng văn Tích Lan [theo Chattha Sangàyana CD-ROM, do S.N. Goenka thực hiện].
Tóm lại trong phần này chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:
Theo Đảo Sử, kỳ kết tập kinh-luật-luận do Ngài Mahinda chủ tọa và đức vua Devanampiya Tissa bảo trợ thì hình thức kết tập vẫn còn là khẩu truyền tâm thọ. Nhưng kỳ kết tập do Ngài Maharakkhita chủ tọa và đức vua Vattagàmani bảo trợ thì kinh điển mới viết trên lá buông.
Tuy nhiên theo Hòa thượng W.Rahula, trong quyển "History of Buddhism in Ceylon", và một số nhà học giả thì cho rằng chẳng những kỳ kết tập Tam tạng lần thứ IV do Ngài Mahinda chủ tọa đã được viết thành văn mà còn kỳ kết tập lần thứ III tại Ấn Ðộ cũng đã viết Tam tạng và chú giải bằng ngôn ngữ Pàli rồi. Tài liệu này cũng đáng tin tưởng vì thời kỳ vua A Dục đã có chữ viết, điều đó chúng ta đã thấy trong những sắc lệnh A Dục vương và những bia của vua. Về sau năm 1897 bác sĩ A. Fuhrer có đào được nơi đó một trụ đá của Asoka, nội dung của bia đá: "đây là nơi đánh dấu Ðức Phật ra đời".
Sau khi đại hội kết tạp giáo điển kỳ IV, cả hai bộ phái lớn của Phật giáo đều có Tam tạng viết trên lá buông. Mặc dù kỳ kết tập của bộ phái Đại chúng không được Trưởng lão bộ công nhận, nhưng cả hai đều bảo vệ quan niệm lập trường và giáo lý của tông phái mình. Ở kỳ đại hội này đánh dấu sự phân chia bộ phái cả hình thức lẫn nội dung.

1.5 Ðại Hội Kết Tập Kinh Ðiển Lần Thứ Năm
a) Nguyên nhân
Phật lịch 2404 nhà vua Mindon cho xây một tượng Phật đứng to lớn trên đỉnh núi Mandalay, ngón tay của tượng Phật trỏ xuống thành Mandalay và tượng Ðại Ðức Ànanda quỳ chấp tay. Việc làm của vua như vậy chứng minh huyền thoại của người dân Miến Ðiện, vì họ tin rằng ngày xưa Ðức Phật và Ðại Ðức Ànanda có ngự đến núi này và Ðức Phật có một tiên tri rằng ngọn này về sau sẽ trở thành một thành phố hưng thịnh. Xây dựng xong, nhà vua đặt tên tượng Phật là Javeyattau. Sau đó, vào năm Phật lịch 2407, vua cho tạc thêm một tượng Phật nữa trên núi. Vua và Chư Tăng muốn cho kinh điển của Ðức Phật thống nhất và để bảo quản lâu dài. Cho nên kỳ kết tập này ra đời.
b) Niên đại,địa điểm, thời gian vị chủ tọa và người bảo trợ
Niên đại kết tập kỳ này, nếu tính theo Tây lịch là vào năm 1871. Chư Tăng chọn thủ đô Miến Ðiện là Mandalay làm địa điểm kết tập. Thời gian kéo dài 5 tháng. Vị chủ tọa kết tập kinh điển lần thứ 5 này là Trưởng lão Pong Yi Sayadaw và có 2400 Chư Tăng tham dự. Vua Mindon là người bảo trợ cuộc kết tập kinh điển.
c) Phương pháp kết tập
Cách thức kết tập kinh này cũng tương tự như những kỳ kết tập trước. Các vị Thánh Tăng như Ngài Jàgaràbhivamsa, Narindàbhidhaja, Sumangalasàmi cùng 2400 vị Chư Tăng đọc lại Tam tạng kinh điển. Ðặc biệt sau kỳ kết tập này, tất cả Tam tạng được viết trên 729 phiến đá cẩm thạch, mỗi phiến đá cao hơn 1 thước rưỡi và rộng non 1 thước tây, khắc chữ đầy cả hai mặt.
Luật tạng gồm có 101 phiến đá. Kinh tạng khắc trên 520 phiến, và Luận tạng khắc trên 108 phiến đá cẩm thạch. Tổng cộng 3 tạng là 727 phiến. Phần chú giải của Tam tạng thì khắc trên 1774 phiến đá khác. Tất cả được vua và Chư Thánh Tăng đem tôn thờ tại tháp Mahalokamarakhin và tháp Candamunì. Có thể nói đây là một công trình tiến bộ nhất của Phật giáo Trưởng lão bộ.

1.6 Ðại Hội Kết Tập Kinh Ðiển Lần Thứ Sáu
a) Nguyên nhân
Ðại hội kỳ này cũng được tổ chức tại Miến Ðiện, thời gian cách đại hội kỳ V khoảng 83 năm. Phật giáo Miến Ðiện được nhà nước chiếu cố quan tâm giúp đỡ ngay từ buổi đầu khi Phật giáo đặt chân đến xứ sở này. Có lẽ do ảnh hưởng đạo đức của hai vị A La Hán trong phái đoàn thứ 8 của vua Asoka, sự truyền thừa và tổ chức tăng đoàn có nề nếp theo giới luật của Ðức Phật. Được nhà nước Miến Điện hết lòng yểm trợ, kết tập kinh điển kỳ này nhằm ba mục đích:
- Ðoàn kết Phật giáo đồ.
- Chấn hưng Phật giáo Trưởng lão bộ.
- Ðề cao địa vị độc lập của Miến Ðiện.
b) Niên đại, địa điểm, thời gian vị chủ tọa và người bảo trợ
Niên đại bắt đầu từ ngày 17.5.1954 đến ngày lễ Tam Hợp (Phật đản) năm 1956, Phật Lịch 2500, nghĩa là trong 2 năm mới hoàn tất. Nơi tổ chức kỳ kết tập là trong một thạch động vĩ đại tại thủ đô Rangoon (Yangon). Ngài Nyungan Sayadaw được đại hội suy tôn làm vị chủ tọa. Thủ tướng U Nu của chính phủ Miến Ðiện tài trợ chi phí cho cuộc kết tập kinh điển kỳ này.
c) Phương pháp kết tập
Trong kỳ kết tập này, các Ngài căn cứ theo hình thức kỳ kết tập thứ nhất tại Ấn Ðộ. Ngài Mahasi Sayadaw được đại hội bầu là vị vấn những vấn đề Tam tạng chú giải, còn Ngài Bhadanta Vicittasàra Bhivamsa sẽ đáp những câu hỏi của Ngài Mahasi. Trong lúc hỏi đáp Tam tạng chú giải như vậy thì Ngài chủ tọa và 2500 vị Tỳ kheo lắng nghe, nếu không đồng ý thì lên tiếng. Đặc biệt Ngài chủ tọa là vị làu thông Tam tạng. Ngôn ngữ sử dụng trong đại hội gồm có 3 thứ tiếng: Pàli, Miến Ðiện, và Anh ngữ.
Trong kỳ kết tập Tam tạng lần thứ sáu này, đại hội sử dụng 729 phiến đá khắc Tam tạng và 1774 phiến đá cẩm thạch khắc chú giải của kỳ kết tập thứ 5 làm căn cứ. Ðồng thời các bản kinh cổ của Tích Lan, Thái Lan, Cao Miên và Hiệp hội Thánh điển Pàli ở Luân Ðôn được đem ra nghiên cứu, so sánh và hiệu đính. Sau khi đại hội hoàn mãn, Giáo hội Tăng già Miến Ðiện cho in ra để phổ biến, tổng cộng là 45 cuốn chánh tạng và 92 cuốn chú giải. Lần kết tập này có mời đại diện tám quốc gia Phật giáo Nam truyền đến tham dự, trong đó có Việt Nam. Phái đoàn Việt Nam do Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam tổ chức, vị trưởng đoàn là Hòa thượng Bửu Chơn.
-ooOoo-


2. CHÍN PHÁI ÐOÀN TRUYỀN GIÁO CỦA VUA A-DỤC
Sau khi thanh lọc giáo hội Tăng già và đại hội kết tập kinh điển kì III ra đời, vua A Dục muốn cho chánh pháp của Ðức Phật truyền bá sâu rộng vào các quốc gia lân cận và để duy trì tinh hoa của Phật pháp về sau, nhà vua thỉnh ý các vị A La Hán đương thời và bàn kế hoạch hoằng dương chánh pháp, thiếp lập các đoàn truyền giáo gửi đi khắp nơi. Phương án của vua được chư vị A La Hán hoan hỷ tán đồng, đặc biệt là Trưởng lão Moggaliputta Tissa. Chẳng bao lâu, chín phái đoàn được thành lập, bắt đầu lên đường truyền bá chánh pháp của Ðức Phật Gotama.
2.1 Phái đoàn thứ nhất
Theo truyền thuyết, các vị Trưởng lão Mahinda, Ittiya Uttiya, Sambala, Bhaddasàla và Sa-di Sumana nhận trọng trách đi truyền giáo ở đảo Tích Lan (Lankà, Lankàdìpa, Lankàtala).
Như đã ghi chép trong Mahàvamsa (Đại sử) và Chú giải Luật tạng (Samantapàsàdikà), Tích Lan tuy là một nước nhỏ nhưng rất quan trọng trong việc duy trì chánh pháp của Ðức Phật Gotama và đồng thời, quốc gia đó còn có sự gắn bó, liên hệ đến ba vị Phật tổ trong quá khứ [theo "Tự điển nhân danh và địa danh của Phật giáo - Buddhist Dictionary of Proper Names"]. Ðịa danh hòn đảo Tích Lan vào thời ba vị Phật quá khứ có tên gọi, thành phố thủ đô, và vị vua cai trị khác nhau. Vào thời Ðức Phật Kasusandha, hòn đảo được gọi là Ojadìpa, đức vua là Abhaya, thủ đô là Abhayapura và có các địa danh Mahàmeghavana, Mahàtittha. Thời Ðức Phật Konàgamana, hòn đảo được gọi là Varadìpa, thủ đô là Vaddhamàna, đức vua tên là Samiddha và có công viên tên là Mahànoma. Thời Ðức Phật Kassapa, hòn đảo có tên là Mandadìpa, tên đức vua là Jayanta, thủ đô là Visàlà và có công viên tên là Mahàsàgara.
Ngoài ra vùng Mahàmeghavana có nét nổi bật tự nhiên, một nửa của xứ Tích Lan ngày nay là đỉnh núi Sumanakùta, nơi đó Ðức Phật Gotama còn để lại dấu chân của Ngài. Lúc còn sinh tiền Ðức Phật Gotama đã 3 lần đến viếng xứ sở này, trong khi đó 3 vị Phật tổ quá khứ đến một lần. Lần thứ nhất vào tháng thứ 9 sau khi Ngài thành đạo, lý do Ngài đến là nhận thấy xứ Tích Lan sau này là một xứ sở mà giáo lý Ngài sẽ thịnh hành và phát triển. Nhưng hiện tại nơi đây, có rất nhiều loài Dạ xoa (Yakkha) và A tu la (Asura) nên Ngài đến để làm thanh tịnh hóa xứ sở này, để sau này đệ tử của Ngài tiện bề truyền đạo. Lần thứ hai, vào năm thứ năm sau khi Ngài thành đạo. Lý do Ngài đến kỳ này là để giải hòa dòng họ Long Vương. Lần thứ ba là vào năm thứ tám sau khi Ngài thành đạo. Lần này Ngài cùng đi với 500 vị Tỳ kheo. Lý do đi lần này là do Long Vương cung thỉnh Ngài và Chư Tăng đến trú xứ của họ để thọ trai, và trong lần viếng thăm này, Ngài có lưu lại dấu chân trên núi mà ngày nay vẫn còn dấu tích.
Có tài liệu viết rằng phái đoàn do Ngài Mahinda lãnh đạo sang Tích Lan truyền bá đi bằng thuyền, theo các nhà thương buôn, nhưng theo quyển Mahàvamsa thì các Ngài vận chuyển thần thông đi đến xứ sở này vào thời vua Devanampiyatissa cai trị. Vua Tích Lan và vua Àsoka vốn có tình thân nên phái đoàn Ngài Mahinda khi đến Tích Lan được nhà vua đón tiếp rất long trọng, vì vua biết Ngài Mahinda là hoàng tử của vua Asoka. Vua nghĩ rằng Ngài Mahinda là một vị hoàng tử từng sống trong cung hoàng điện ngọc mà dám bỏ tất cả để xuất gia sống cuộc đời khất sĩ. Chắc chắn đây là một con người phi phàm hoặc trong giáo pháp của Phật có nhiều điều nhiệm mầu nên mới thu hút hoàng tử như vậy. Chính vì vua nghĩ như thế, niềm tin đối với phái đoàn Ngài Mahinda lại càng sâu sắc, và vua mong mõi được gần gũi ngài Trưởng lão để được tìm hiểu thêm về đạo Phật.
Sau khi chào hỏi thân thiện, Trưởng lão Mahinda bắt đầu giảng đạo, thuyết pháp cho vua và các vị hoàng gia nghe về bài Tiểu Kinh Tượng Tích Dụ, Trung Bộ (Cùlahatthipàdùpama suttanta). Khi chấm dứt thời pháp, vua và nhiều tùy tùng xin được quy y Tam-Bảo. Vua hứa từ nay về sau sẽ tận lòng ủng hộ công việc phát huy Phật giáo tại xứ Lankà.
2.2 Phái đoàn thứ hai
Ngài Trưởng lão Majjhantika nhận trách nhiệm đi truyền giáo ở xứ Gandhàra và Kasmìra. Ngài là một vị A La Hán. Trong kỳ Kết tập Kinh điển lần thứ ba, Ngài cũng là thành viên ưu tú tham dự.
Vùng Gandhàra dường như bao gồm cả Kasmìra, vì thế, hai quốc gia này luôn luôn được nói đến như là Kasmìra-Gandhàra.
Thời Ðức Phật còn sinh tiền, nước này có thủ đô quen thuộc mà chúng ta thường thấy khi đọc kinh điển. Đó là thủ đô Takkasilà. Nơi đây nổi tiếng là có trung tâm học đường đào tạo nhân tài cho quốc gia. Nhà vua cai trị thời đó là Pukkusàti. Nhà vua và vua Bimbisàra của nước Magadha có liên hệ ngoại giao nhau rất thân thiện. Nhờ sự liên hệ đó, khi Tam Bảo ra đời, vua nước Magadha gởi cho bạn mình một bức thư báo tin rằng có Phật-Pháp-Tăng xuất hiện trên thế gian. Khi hay tin này, nhà vua quyết định xin làm đệ tử của Ðức Phật, và ông từ bỏ ngai vàng, đi đến Sàvatthi để gặp Ðức Phật, xin xuất gia, sống đời phạm hạnh.
Lúc Ngài Ðại Ðức Majjhantika đến hoằng pháp ở xứ này thì dân chúng của nước Gandhàra đang bị nạn thiên tai như bão lụt, hạn hán, thất mùa. Các thiên tai này là do Long vương Aravàla gây ra. Ngài Trưởng lão biết được chuyện này nên dùng thần thông hóa giải, qua một cuộc so tài với vua Rồng. Cuối cùng, vua Rồng biết thần thông của mình không thể nào sánh bằng vị sa môn này, và cơn giận dữ và lòng ngã mạn bắt đầu từ từ lắng dịu, hướng tâm về vị sa môn khả kính. Ngài Trưởng lão bắt đầu thuyết pháp cho vua Rồng và tùy tùng của ông ta, qua bài Kinh Xà Dụ (Alagaddupama suttanta). Khi bài pháp chấm dứt, vua Rồng cùng với tùy tùng của ông, dạ xoa Pandaka và vợ của dạ xoa là Hàrita, xin qui y Tam Bảo và hứa với ngài Trưởng lão là sẽ trọn đời hộ trì Tam Bảo.
Sau khi tế độ được vua Rồng, dân chúngnước Gandhàra được sống an lành. Ngài Majjhantika bắt đầu công việc hoằng pháp độ sanh. Chẳng bao lâu, có rất nhiều thanh niên thiếu nữ xin xuất gia theo Ngài. Theo bộ Mahàvamsa (Đại sử), trong thời gian đó có đến 100.000 người xuất gia. Thế là từ đây, xứ Kasmìra và Gandhàra có một đội ngũ Tăng già đông đảo và vững mạnh để xiển dương Chánh pháp.
2.3 Phái đoàn thứ ba
Phái đoàn thứ ba do Trưởng lão Mahàdeva nhận trách nhiệm đi truyền giáo ở xứ Mahisamandala. Trưởng lão cũng là một thành viên xuất sắc trong kỳ Kết tập Kinh điển lần thứ ba.
Chưa thấy tài liệu nào nói rõ về địa danh Mahisamandala này, nhưng có thể đó là vùng hạ lưu sông Godhàvarì, ngày nay gọi là Mysore. Sông Godhàvarì ở Dakkhinàpatha [theo "Buddhist Dictionary of Proper Names", Vol II, p. 815], tạo nên biên giới miền Nam. Vào thời Ðức Phật, đức vua Alaka và vua Assaka định cư ở bờ sông phía bắc và cai trị dân chúng sống trong vùng hẻo lánh ở Bàvarì. Theo Chú giải Sutta Nipàta, dòng sông Godhàvarì phân chia làm hai nhánh ở gần nơi này. Có một hòn đảo chu vi 3 dặm, và trên đó là một khu rừng dày đặc có tên là Kaptthavana. Nơi hẻo lánh của người dân xứ Bàvarì chiếm một vùng năm dặm. Trong quá khứ, khu vực này đã từng là trú xứ của những nhà hiền triết như ngài Sarabhanga [theo Chuyện Tiền Thân, Jataka, V]. Theo Chú giải Tăng Chi Bộ kinh, nơi hẻo lánh của Bàvarì là eo dòng sông (Godhàvarivamke). Sông Godhàvarà là một trong những dòng sông linh thiêng nhất ở miền nam Ấn Ðộ.
Trong quyển biên niên sử Tích Lan có đề cập đến việc truyền bá Giáo Pháp khá thành công của ngài Ðại Ðức Mahàdeva tại xứ Mahisamandala. Bài pháp đầu tiên mà Ngài thuyết tại xứ này là bài kinh Thiên Xứ (Devadùta suttanta). Sau khi giảng xong bài pháp, hơn 40 ngàn người đã xin qui y Tam-Bảo, và sau đó, hàng người xin xuất gia, sống đời phạm hạnh.
2.4 Phái đoàn thứ tư
Do ngài Trưởng lão Rakkhita nhận trách nhiệm truyền giáo ở xứ Vanavàsa. Ðịa danh Vanavàsa là một quận, có lẽ là miền bắc của Kanara, nam Ấn Ðộ.
Theo "Đại vương thống sử" [Mahavamsa - Tỳ kheo Minh Huệ dịch] thì ngài Trưởng lão đến xứ này bằng thần thông. Khi đến, ngài đứng giữa không trung thuyết pháp cho người dân xứ này nghe về bài kinh Anamatagga Samyutta. Sau bài pháp, có 60 ngàn người qui y Tam-Bảo, ba mươi bảy ngàn người xuất gia từ bỏ gia đình, và sau đó có 500 ngôi chùa được xây dựng cho Tăng chúng cư ngụ. Thế là giáo hội Tăng già được thành lập trên xứ sở này.
2.5 Phái đoàn thứ năm
Do ngài Trưởng lão Yonaka Dhammarakkhita nhận trách nhiệm truyền bá chánh pháp của Ðức Phật tổ Gotama ở xứ Aparantaka. Ngài sinh ra và lớn lên ở Hy Lạp, có duyên lành với chánh pháp và được xuất gia, sau đó tu tập tinh chuyên và cuối cùng đắc chứng quả A La Hán. Ngài cũng là một thành viên được tham dự đại hội Kết tập Kinh điển lần thứ ba do vua Asoka bảo trợ. Sau đó, chư Tăng trong đại hội gởi ngài đi hoằng pháp ở xứ Aparantaka, nay gọi là thành phố Bombay của Ấn Ðộ. Ðịa danh Aparantaka là quốc gia bao gồm cả lãnh thổ miền bắc của nước Gujaràt, Kàthiàwar, Kachch và Sindh, miền tây của nước Ràjaputana, Cutch, Gujarat và một phần nối liền bờ biển trên miền hạ lưu của sông Narmadà.
Vào thời kỳ Ðức Phật, địa danh này được người ta biết đến là Aparànta. Theo truyền thuyết, Mandhàtà đem bốn người thiếu nữ đức hạnh từ ba châu lục khác nhau đến Jambudìpa và sống ở đây. Khi vua băng hà, chính những người này không thể trở về được và xin phép thừa tướng của vua cho phép mình định cư ở Jambudìpa. Thừa tướng đồng ý, và từ đó địa danh Aparànta được đặt ra, có liên hệ đến việc định cư của những người đến từ Aparagoyàna.
Thời pháp đầu tiên mà ngài Trưởng lão thuyết ở xứ này là bài kinh Hỏa ẩn dụ (Aggikkhandhopama Suttanta). Sau thời pháp, có rất nhiều thanh niên thiếu nữ xuất gia tu tập. Theo quyển Mahàvamsa, có khoảng một ngàn người xin xuất gia, trong đó có cả con trai, con gái của những gia đình quí tộc.
2.6 Phái đoàn thứ sáu
Do Trưởng lão Mahàrakkhita nhận trách nhiệm đi hoằng dương chánh pháp tại Trung Á, miền bắc Iran. Ngôn ngữ Pàli gọi xứ này là Yonaka.
Vào thời kỳ vua Milinda, thủ đô của Yonaka là thành phố Sàgala. Người ta nói rằng buổi lễ xây dựng đại bảo tháp (Mahàthùpa) có ba chục ngàn Tỳ khưu đến tham dự, dưới quyền chủ tọa của Trưởng lão Yonamahàdhammarakkhita. Ngài đến từ Alasandà ở nước Yona. Hẳn nhiên Alasandà là trụ sở của Chư Tăng Phật giáo thời đó. Nói chung Alasandà do vua Macedonian (Alexander) đồng hóa ở nước Paropanisadae gần Kàbul. Trong kinh Assalàyana, nước Yona và Kamboja được nói đến như là những địa danh mà trong xã hội chỉ có hai tầng lớp, đó là chủ và tớ, và chủ bỗng nhiên biến thành tớ. Trong Chú giải Trung bộ kinh, Tập II-784, có giải thích điều này như sau: vì giai cấp Bà la môn đi đến đó và chết cho nên trẻ con của họ kết bạn với giai cấp tôi tớ, do đó chủ biến thành tớ.
Quyển Mahàvamsa có đề cập đến sự truyền bá thành công của ngài Trưởng lão Mahàrakkhita tại xứ sở này. Thời pháp đầu tiên Ngài thuyết tại đây mang tựa đề là Kàlakàràma-suttanta. Sau thời pháp, có một trăm bảy chục ngàn người chứng đắc đạo quả và mười ngàn người xin xuất gia, sống đời phạm hạnh.
2.7 Phái đoàn thứ bảy
Do Trưởng lão Majjhima, Kassapagotta, Mùlakadeva, Durabhissara và Trưởng lão Deva Sahadeva nhận trách nhiệm truyền bá chánh pháp ở khu vực Himàlaya.
Ðịa danh Himàlaya có nhiều tên gọi khác nhau: Himavà, Himàcala, Himavanta ... nhưng tên gọi phổ thông là Himàlaya (tức là nơi có nhiều tuyết - Tuyết Sơn). Nó là một trong bảy dãy núi bao quanh Gradhamàdana [theo Chú giải Sutta-nipata, i., 66]. Diện tích khoảng 300 ngàn dặm, có đến 84 ngàn đỉnh núi, đỉnh cao nhất là 500 do tuần (Yojanas) tương đương với 8.000 km. Ở trong vùng Himavà có bảy cái hồ nước lớn, mỗi cái có chiều dài, ngang, sâu khoảng 50 dặm. Tên bảy cái hồ đó là Anotatta, Kannamunda, Rathakàra, Chaddanta, Kunàla, Mandàkinì và Sìhappapàtaka. Tại những hồ này, ánh nắng mặt trời không bao giờ đốt nóng được nước hồ. Nước từ Himavà chảy đổ vào 500 dòng sông. Tuy nhiên, theo Chú giải Suttanipata và Milindapanha thì chỉ có 10 dòng sông nhận nước trực tiếp từ Himavà, còn những dòng sông khác thì nhận nước gián tiếp. Mười con sông đó là Ganga, Yamunà, Aciravatì, Sarabhù, Mahì, Sindhu, Sarrassatì, Vettavatì, Vìtamsà và Candabhàgà.
Trong Túc sanh truyện (Jàtaka), Himavà được đề cập đến như là một nơi trú ngụ của các vị đạo sĩ khi bỏ đời sống thế tục. Ở đây có nhiều rừng già rất thích hợp cho ẩn tu. Trong Chú giải Tiểu bộ kinh Sutta Nipata có đề cập một đỉnh núi tại Himavà được đặt tên là Mahàpapàta, nơi Ðức Phật Độc giác viên tịch. Chú giải Tương Ưng bộ kinh, III-120, ghi rằng loài rồng (Nàgas) đi đến núi Himavà để sanh con. Chú giải Trưởng lão Tăng kệ, II-138, có đề cập đến một lần Trưởng lão Sìvalì từ Savatthi đi đến núi này cùng với 500 người bạn đồng tu. Cuộc hành trình này làm mất thời gian chư vị khoảng 8 ngày.
Quyển Mahàvamsa, XII.41, ghi năm vị Trưởng lão thuộc phái đoàn vua Asoka đi đến nước Himavà hoằng pháp. Thời pháp đầu tiên được thuyết ở xứ sở này là bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavatthanva suttanta). Sau khi bài kinh được thuyết giảng xong, có 80 người phát khởi lòng tịnh tín. Năm vị Trưởng lão này thuyết giảng tại 5 vương quốc chung quang vùng Himavà, và trong mỗi vương quốc có khoảng 100 ngàn người xin xuất giat .
2.8 Phái đoàn thứ tám
Do hai Trưởng lão Sona và Uttara nhận trách nhiệm đi hoằng pháp ở xứ Suvannabhùmi.
Cho đến nay các học giả vẫn chưa nhất quán về nơi chốn của địa danh Suvannabhùmi. Sử liệu Thái Lan, Campuchia, Miến Điện ... cho rằng phái đoàn thứ tám của vua Asoka có truyền giáo đến đất nước họ. Như vậy Suvannabhùmi có lẽ là một quốc gia rộng lớn.
Có thuyết cho rằng Suvannabhùmi là tiền thân của xứ Phù Nam (Funan). Một số học giả trên thế giới phỏng định vị trí của Phù Nam như sau [theo Lê Hương, "Sử liệu Phù Nam"]:
* Ông Mã Ðoàn Lâm người đời nhà Tống (960-1280), ở Lạc Bình, viết trong bộ "Văn Hiến Thông Khảo" rằng Phù Nam ở một hòn đảo lớn về phía nam quận Nhật Nam, trong biển Tây, cách Nhật Nam 7.000 lý (1 lý = 400 thước tây), về phía tây nam cách Lâm-Ấp 3.000 lý, diện tích lãnh thổ rộng 3.000 lý.
* Trong quyển sử ký Tư Mã Thiên có đoạn ghi rằng "... Dưới triều vua Thành Vương nhà Châu, năm Tân Mão (1109 trước dương lịch), có sứ nước Việt thường sang triều cống chim bạch trĩ. Vị sứ giả không biết đường trở về được Châu Công Ðản cho năm xe Chỉ Nam để dò đường. Sứ giả đi qua xứ Phù Nam, Lâm-Ấp, và trở về nước đúng một năm".
* Ðường thư chép: "Bà Lợi (P' O-Li, tên của Phù Nam) ở phía đông nam nước Chiêm Thành, phía nam có nước Chu Nại, đến sau niên hiệu Vĩnh Huy (Ðường Cao Tông 650-655) bị nước Chân Lạp chiếm".
* Ông Klaproth và Paulhier cho rằng Phù Nam ở vùng Pégou nước Miến Ðiện.
* Ông Déguine cho rằng Phù Nam là một hòn đảo ở phía tây nước Thái Lan.
* Ông Abel Résumat cho rằng Phù Nam là một tỉnh của Trung Hoa ở miền bắc Việt Nam.
* Ông Wilford cho rằng Phù Nam là một vương quốc ở Mã Lai.
* Ông Stanisla Julien cho rằng Phù Nam ở Thái Lan.
* Ông Barth cho rằng Phù Nam ở Ấn Ðộ.
* Ông Schelegel cho rằng đất Thái bị một chư hầu của Phù Nam chiếm đóng.
* Ông Bowring và ông Wade cho rằng vương quốc Phù Nam ở Thái Lan, căn cứ theo danh từ Phù Nam do chữ TCHETOU (Xích thổ) là một vùng đất đỏ nhờ phù sa bồi lên.
* Ông Aymonur cho rằng Phù Nam gồm miền nam nước Cao Miên, bây giờ là miền nam nước Việt Nam.
* Ông Blagden cho rằng Phù Nam gồm đất Cao Miên, Thái Lan cho đến vùng Pégou ở Miến Ðiện.
Khi các vị Trưởng lão đến truyền bá đạo Phật ở đây thì trong cung điện vua, các hoàng tử sinh ra thường xuyên đều bị nữ Dạ Xoa biển ăn thịt. Sự hiện diện của các Trưởng lão lúc đó trùng hợp ngày sinh của hoàng tử. Ban đầu dân chúng nghĩ rằng những vị này là bạn của nữ Dạ Xoa và họ định dùng vũ khí giết các Ngài. Các Trưởng lão giải thích cho họ biết các vị là những sa môn chân chánh, và tìm hiểu nguyên nhân tại sao có sự hiểu lầm nầy. Sau khi biết rõ nguyên nhân, nhị vị Trưởng lão liền dùng thần thông cảm hóa nữ Dạ Xoa. Sau khi cảm hóa Da Xoa xong, nhà vua và dân chúng vô cùng hoan hỷ với phái đoàn truyền giáo. Nhân đó, nhị vị Trưởng lão bắt đầu thuyết pháp cho vua và dân chúng nghe, qua bài kinh Phạm Võng (Brahmajàla sutta), Trường bộ kinh. Sau khi giảng xong, có 60.000 người xin qui y Tam-Bảo và 3.500 nam nữ con gia đình quý tộc xin xuất gia. Thêm vào đó, về sau này mỗi khi có hoàng tử nào sanh ra, nhà vua đều đặt tên là Sonuttara - ghép từ hai tên của nhị vị Trưởng lão là Sona và Uttara.
2.9 Phái đoàn thứ chín
Do Trưởng lão Mahàdhammarakkhita lãnh trách nhiệm truyền giáo ở Mahàratthi. Về địa danh này, các học giả nhận định đó là xứ Maràthì, mà có lẽ ngày nay là phía đông bắc của thành phố Bombay, Ấn Ðộ.
Trưởng lão Mahàdhammarakkhita là một vị cao tăng đức hạnh, có thần lực phi phàm. Khi vịTrưởng lão đến xứ sở này, dân chúng vô cùng ái mộ và đều theo ngài học tập giáo lý của Ðức Phật. Thời pháp đầu tiên vị Trưởng lão thuyết ở đây là kinh Bổn Sanh (Jàtaka). Kinh Bổn sanh là tập hợp những câu chuyện tiền thân của Ðức Phật, kể lại tiền kiếp khi Ngài còn là vị Bồ tát đang thực hành pháp thập độ ba-la-mật. Kinh này nằm trong Tiểu bộ kinh (Khuddaka Nikàya), thuộc tập thứ 10 trong 15 tập. Bộ kinh có giá trị luân lý, đạo đức qua các tấm gương giác ngộ sáng ngời của các vị Bồ Tát tiền thân của Ðức Phật Gotama. Sau thời giảng, dân chúng hoan hỷ tín thọ lời dạy của Trưởng lão. Có 84.000 người chứng đắc đạo quả, và 30.000 người xin gia nhập Giáo đoàn.
-ooOoo-

Tỳ kheo Thiện Minh
Tháng 2-2003

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1) Malalasekera, Dictionary of Pàli Proper Names, Pàli Text Society ấn hành
2) Tỳ kheo Minh Huệ dịch, Đại Vương Thống Sử (Mahavamsa)
3) Tỳ kheo Giác Nguyên, Phật Giáo Sử
4) P.V. Bapat, 2500 Years of Buddhism
5) W. Rahula, History of Buddhism in Ceylon
6) Lê Hương, Sử liệu Phù Nam


    « Xem chương trước «      « Sách này có 25 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.51.75 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (228 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...