Phật Thiên chân chẳng từ bên ngoài đến, hết thảy chúng sanh
đều sẵn có đầy đủ, chỉ vì vọng niệm hư dối trôi lăn, hai
điều chướng ngại che lấp nên không thể rõ biết.
Cho nên, Bồ Tát tu Sáu ba-la-mật và muôn công hạnh, chứng
được sự giác ngộ sáng suốt tròn đầy, với trí huệ không phân
biệt, soi tỏ lý chân như; ở trong đạo kim cang dứt sạch hai
điều chướng ngại phiền não và sở tri; ở trong đạo giải thoát
hiển bày pháp thân trong sạch, như dùng thuốc mà lau kính.
Thiền sư Vĩnh Minh Thọ nói rằng: “Tâm là nguồn cội của pháp
giới; đối với các pháp, tâm là quan trọng nhất. Nếu rõ biết
được tâm ắt có thể rõ biết tất cả các pháp.”
Kinh Đại quán đỉnh nói: “Tỳ-kheo Thiền Tư không tưởng niệm
điều chi khác, chỉ giữ lấy một pháp, rồi sau thấy được tâm.”
Pháp sư Anh ở Đồng Giang nói: “Này tâm, này tâm! Vốn là tự
nhiên, sừng sững đứng riêng, vắng lặng thanh tịnh vững chắc,
mầu nhiệm nhất trong các sự mầu nhiệm, huyền diệu hơn cả
trong các sự huyền diệu; không đến không đi, không đổi không
dời, do thể minh giác mà sanh ra các duyên, như gương soi
hàm chứa muôn hình tượng, như biển lớn dung nạp trăm dòng
sông. Thâu tóm lại, thần khí ẩn trong gang tấc; trải rộng
ra, soi chiếu khắp thế giới Đại thiên; tự do biến hóa, tác
dụng vô cùng; là chúng sanh, mà cũng là Phật; là chân thật,
mà cũng là quyền biến; khi mê trôi lăn mãi trong chốn mông
mênh; lúc ngộ thường rõ biết trong từng giây phút.”
Đạo Phật dạy: “Chỉ một pháp là chính yếu, các pháp không
nương vào; duyên bên ngoài tự dứt, tánh mầu nhiệm hiển bày;
tâm ý quay về một mối thì trí tuệ nào lại không sáng rõ?
Theo dòng tìm được nguồn cội thì chỗ nghi nào lại không thấu
suốt? Về ý nghĩa cốt yếu, không còn gì hơn điểm này.”
Kinh Thư nói: “Chỉ một chỗ tinh chuyên, không có hai. Tinh
chuyên là quan trọng nhất. Trước phải sửa trị thân tâm, sau
mới sửa trị được việc nhà, việc nước.”
Kinh Phật dạy rằng: “Thường giữ tâm chân chánh, chẳng học
điều gì khác.”
Mạnh tử nói: “Cái đạo của sự học hỏi không phải gì khác, chỉ
tìm lại được cái tâm lạc lối của mình là xong.”
Người xưa nói: “Biết được tâm mình đang lạc lối, đó chính là
chỗ công phu. Không sợ niệm tưởng sanh khởi, chỉ sợ chậm rõ
biết. Rõ biết sớm thì dừng lại sớm, hai việc ấy tương quan
khéo léo với nhau; biết sai liền sửa lỗi, có thể học theo
Cừ, Nhan.”
Kinh Lăng-già dạy rằng: “Phật dạy tâm là chính yếu. Hàng
phục được tâm là thành đạo, muôn hạnh đều thành tựu. Lý duy
tâm ấy không thể quên được. Mới biết rằng, từ nơi đất mà
muôn vật đều sanh sôi; từ nơi lý mà muôn hạnh đều thành
tựu.”
Bùi Tướng quốc nói: “Cái tâm bao gồm hết thảy muôn vật, phân
chia ra thành giới, định, huệ; mở thông thành sáu ba-la-mật;
chia nhỏ ra thành muôn công hạnh. Muôn hạnh chưa từng lìa
khỏi tâm chuyên nhất; tâm chuyên nhất chưa từng trái với
muôn hạnh. Cho nên nói rằng muôn hạnh hiển bày tông chỉ chân
thật.”
Sách Tông kính lục nói rằng: “Lý thuyết và thực hành hỗ trợ
cho nhau, không thể thiếu đi một. Pháp hữu vi tuy là hư dối,
nhưng nếu bỏ đi thì đạo Phật khó thành; pháp vô vi tuy là
chân thật, nhưng nếu vướng chấp vào đó thì tánh trí huệ
không thể sáng.
“Cho nên đức Văn-thù y theo lý mà thực hành các hạnh, nhờ đó
đạo sai biệt không thiếu; đức Phổ Hiền y theo hạnh mà hiểu
được lý, nhờ đó pháp môn căn bản chẳng mất.
“Nếu trái với sự mà suy ra lý, ắt rơi vào chỗ thiếu trí của
hàng Thanh văn. Nếu lìa khỏi lý mà thực hành sự việc, tức
đồng với sự vướng chấp của phàm phu. Việc làm có đủ cả lý và
sự, chính là hàng Bồ Tát Đại thừa.”
Lại nói rằng: “Nếu muốn thành bậc Đại giác, ắt phải làm theo
Trung đạo. Trung đạo nghĩa là không thiên lệch, không dựa
vào. Không thiên lệch về chỗ không, không dựa vào chỗ có;
đối với chỗ có không vướng mắc; đối với chỗ không cũng không
cho là không. Như thế gọi là Trung đạo.”
Trong bài Tâm phú có câu:
Có ai muốn viếng ao trong mát,
Mắt nhìn, chân bước mới đến nơi.
“Ao trong mát, đó là chỉ biển tánh Nhất thừa tức thời trọn
đủ. Mắt nhìn mà chân không bước thì không đến được ao trong
mát ấy. Mắt là gì? Là sự thấu hiểu được lý. Lý ấy là gì? Là
tâm chuyên nhất. Chân là gì? Là thực hành sự việc. Sự việc
đó là gì? Là muôn công hạnh.”
Quả thật là: “Đạt thấu lý chân thật thì dù một mảy bụi trần
cũng không nhận lấy, nhưng trong các pháp môn Phật sự thì dù
một pháp cũng không buông bỏ.”
Vì sao vậy? Phải biết rằng tâm chuyên nhất là gốc của muôn
pháp; trong tâm chuyên nhất có đủ cả muôn pháp. Pháp là pháp
của cái tâm trọn vẹn; tâm là tâm của tất cả các pháp. Tâm là
pháp; pháp là tâm. Đó chính là thể với dụng chẳng phải hai;
lý với sự đều sáng rõ. Tu tập trọn vẹn ba phép quán liền
thẳng vào cảnh giới Như Lai.