(Theo lời tự thuật của bà A. DAVID NEEL)
Năm ấy tình hình chính trị trong xứ có những biến động nghiêm trọng nên đức vua Tây Tạng ngự giá ra khỏi xứ. Ngài đến đóng trại nơi biên thùy trong cõi Thiên Trúc. Thật là cơ hội rất may cho tôi để bệ kiến ngài và cầu ngài giải đáp những điều tôi muốn biết về đạo Phật ở Tây Tạng.
Những người ngoại quốc được phép đến chầu ngài thật ít lắm. Tuy ngài đi tỵ nạn, nhưng cũng không để cho một người đàn bà ngoại quốc nào đến gần long thể. Thật ra, trong hàng phụ nữ ngoại quốc, duy có mình tôi được bệ kiến ngài thôi.
Một buổi sáng mát mẻ mùa xuân, tôi từ giã thành Darjeling để đến thành Kalimpong, chính là nơi đang dừng binh hạ trại của đức vua.
Trong khi ngựa bước gập ghềnh theo sườn non, tôi những tưởng cuộc du hành của mình chắc cũng chẳng lâu lắm, và vẫn nghĩ rằng sẽ đến phỏng vấn đức vua rồi thôi, chẳng ngờ đâu cơ hội ấy hóa ra lại là một dịp may đưa tôi đi khắp các nơi trong nước Tây Tạng. Sau khi gặp vua, lòng tôi bỗng sinh ra vô cùng ngưỡng mộ giáo lý đạo Phật đang lưu hành trong xứ Tây Tạng, thành ra cuộc hành trình của tôi kéo dài ra hơn mười năm.
Khi gặp vua, ngài có nói với tôi một câu rằng: "Bà nên học tiếng Tây Tạng." Câu nói của Ngài càng làm tôi thêm hừng chí. Lúc đầu, khi mới ra đi, tôi nhớ tới lời ấy mãi, và tôi bỗng có ý tưởng ngộ nghĩnh rằng, dường như Ngài là một người trông thấy có kẻ đi vòng ngoài rào toan tính vào nhà mình, bèn chỉ ngõ cho kẻ ấy biết để mà vào cho nhanh.
Quả thật, lời nói ấy cũng như Ngài muốn chỉ cho tôi cách thức để đi vào xứ sở nghiêm cấm của Ngài, để gặp được những cao tăng danh đức, để thọ giáo với những bậc tu hành đắc đạo ở toàn xứ Tây Tạng, và nhất là ở kinh thành Lhassa.
Tại Kalimpong, đức vua ngự trong một cảnh biệt thự rộng lớn của vị đại thần ở triều vua xứ Bhoutan. Từ con đường chính đi vào đến hành cung, hai bên đường đều có dựng những cây phướn có câu chân ngôn "Án ma ni bát di hồng" và một số cây phướn có hình con ngựa bay với những câu linh phù. Theo chầu quanh vua có cả trăm người, hết thảy đều có dáng vẻ ung dung, tự tại. Và lúc nào cũng có quan khách cùng đi với những người hầu cận đến để xin bệ kiến đức vua tại hành cung.
Trước hôm từ giã ngài, tôi có chứng kiến một cuộc thủ hộ do ngài ban phép lành cho cả ngàn người. Sự thủ hộ của vua Dalai-Lama có khác với nghi lễ ban phép lành của đức Giáo hoàng ở thành La Mã. Đức Giáo Hoàng thường ban phép chung cho nhiều người, có khi là cả ngàn người một lượt. Còn ở Tây Tạng, đức vua ban phép lành riêng cho từng người. Đối với những người theo chi phái Lạt-ma giáo của đạo Phật ở Tây Tạng, có ba cách thủ hộ, theo mức độ khác nhau. Cách thứ nhất là lấy hai bàn tay mà sờ lên đầu người thọ phép, tức là cách thủ hộ vinh dự và cao diệu hơn hết. Cách thứ hai là lấy một bàn tay mà sờ đầu, hoặc có khi dùng hai ngón tay, thậm chí một ngón tay mà sờ lên đầu người thọ phép, cũng đều là cách thủ hộ có tánh cách trân trọng. Cách thủ hộ thứ ba là cách thông thường nhất và thường được áp dụng rộng rãi nhất cho mọi người, là dùng cây phất trần có những mảnh lụa khác màu buộc vào nơi cán mà gõ nhẹ lên đầu người thọ phép.
Người đạo Phật ở Tây Tạng tin rằng việc làm phép thủ hộ tức là truyền sự thanh tịnh, trong sạch của chư Phật xuống đến người ban phép thủ hộ, và cũng truyền sức huyền diệu của phép thủ hộ qua cho người thọ phép, cho nên các vị mới cần phải lấy tay mà sờ vào đầu người thọ phép.
Những người có thiện tâm hành cước đến thành Kalimpong để thọ lễ thủ hộ của vua thật là đông đảo vô cùng. Điều ấy cho thấy rằng dân chúng vẫn sùng bái Ngài nhiều lắm. Người ta lần lượt kéo nhau đi ngang dưới ngai rồng giờ này qua giờ kia không dứt. Chẳng những người đạo Phật gốc xứ Tây Tạng thọ phép thủ hộ mà thôi, mà người các đạo khác ở xứ Bengale cũng đến để chờ được sự ban phép lành của đức vua. Chính mắt tôi thấy có nhiều người, ban đầu chỉ định đến xem cho biết, nhưng rồi sau cùng như chịu một sức hấp dẫn huyền vi nào đó, thúc giục họ đến nhập bọn mà thọ phép thủ hộ.
Trong khi nhìn quang cảnh ấy, tôi để ý thấy từ xa có một người ngồi dưới đất, tóc rối, quấn tròn theo kiểu những vị tu khổ hạnh bên Thiên Trúc. Nhưng người ấy dáng vẻ không phải là người Thiên Trúc. Người che thân bằng một cái áo của hàng sa-môn Lạt-ma giáo, vẻ như đã rách nát tự lâu đời, và có để một cái túi vải bên mình. Ông thầy tu ấy ngồi nhìn mọi người với một vẻ rất khinh miệt. Thấy vậy, tôi mới gọi Dawasandup là vị sư đang làm thông ngôn cho tôi và chỉ cho thầy xem. Thầy Dawasandup đáp rằng: "Chắc là một vị sư huyền bí Naldjorpa đi lữ hành." Thấy tôi tò mò muốn biết thêm, thầy liền đến hỏi chuyện với vị sư ấy. Khi trở lại, thầy có vẻ nghiêm nghị mà nói rằng: "Ngài là một vị sư Lạt-ma gốc ở xứ Bhoutan, thường đi khắp đó đây. Khi thì ngài ở chỗ này, khi thì ở chỗ khác, có khi ở trong động đá, có lúc ở trong mấy cảnh nhà bỏ hoang, hay ở dưới cội cây trong rừng. Ngài ghé lại đây ít hôm và ngụ trong một ngôi chùa nhỏ gần đây.
Tôi chú ý ngay đến vị sư này và định bụng sẽ đến cảnh chùa ấy mà viếng ngài. Tôi lấy làm lạ khi thấy ngài có vẻ như khinh thường đối với nhà vua và những người có thiện tâm đến để thọ phép thủ hộ. Tôi nghĩ, chắc là có lý do gì đây.
Tôi mang ý kiến ấy mà bàn với thầy Dawasandup. Thầy cũng thuận tình đi theo tôi. Chúng tôi lên ngựa cùng đi. Chẳng bao lâu thì đến một ngôi chùa, trông giống như một tòa nhà rộng lớn ở miền quê. Vị sư đang ở trong chánh điện, ngồi trên một chiếc gối đặt trước một cái bàn thấp. Ngài đang thọ trai có vẻ như vừa xong. Thấy chúng tôi vào, vị sư trụ trì đem gối đến lót mời chúng tôi ngồi và bưng nước trà đến tiếp đãi. Tôi chưa tiện nói chuyện với vị sư lữ hành, vì thấy ngài vẫn còn đang nhai cơm trong miệng. Chúng tôi chào ngài một cách có lễ phép, song ngài chỉ đáp lại bằng một tiếng "hự" trong cổ họng mà thôi. Tôi đang tìm lời để mở đầu câu chuyện thì ngài bỗng cười lên mà thốt ra ít lời. Thầy thông ngôn cho tôi có vẻ lấy làm khó chịu. Tôi liền hỏi:
-Ngài dạy điều chi vậy?
Thầy đáp:
– Xin lỗi bà. Mấy vị sư này thường hay dùng những lời không mấy thanh nhã. Không biết tôi có nên dịch ra cho bà nghe hay chăng...
Tôi đáp ngay:
– Thầy nên cứ tự nhiên. Tôi đi đây là để ghi nhận những điều tai nghe mắt thấy, lại càng muốn nghe những điều có tính cách đặc biệt.
– Xin lỗi bà vậy ... Ngài nói rằng: "Con mẹ ngu ấy đến đây mà làm gì?"
Tôi nghe xong vẫn không lấy làm lạ, và thật cũng không có lòng hờn giận chi cả. Bên Thiên Trúc tôi cũng biết rằng mấy vị sư khổ hạnh vẫn hay giả vờ chửi mắng những ai đến cầu Đạo với mình.
Tôi nói với thầy thông ngôn rằng:
– Nhờ thầy thưa lại thế này: "Tôi viếng ngài để hỏi xem tại sao ngài ra vẻ khinh miệt những người đến để thọ phép lành của đức vua."
Vị sư ấy liền đáp bằng một giọng ậm ừ trong miệng rằng:
– Toàn là hạng người tự cao. Họ cứ tưởng rằng việc làm của họ là hệ trọng lắm... Ấy chẳng qua là giòi trong cứt đó thôi.
Cuộc đối đáp đến đây thật đã có chiều ngộ nghĩnh. Tôi liền thưa hỏi rằng:
– Thế còn ngài, xin hỏi ngài có ra khỏi đống phẫn uế ấy không?
Ngài cười, tiếng nghe rổn rảng:
– Hễ càng lánh xa thì càng chui đầu sâu vào hơn nữa. Bần tăng đây lăn nhào vào đó như con heo, tiêu hóa nó ra, chuyển cho nó thành cát vàng, thành suối nước trong. Ấy cũng như lấy cứt chó mà làm thành những ngôi sao. Như vậy mới là công phu hành đạo.
Ngài cố ý lấy những từ chỉ vật ô uế mà làm tỷ dụ. Ấy phải chăng cũng là một cách nói chuyện của hạng người thoát tục!
Tôi lại thưa rằng:
– Những người có tín tâm ấy, nhân dịp có đức vua ngự hành đến mà cầu ngài ban cho phép lành, ấy chẳng phải là một điều chính đáng sao? Họ là hạng người chất phát chẳng biết xem kinh đọc sách, chẳng hiểu triết lý thuần lạc, nên đành nương cậy ở sự ban phước của nhà vua.
Ngài ngắt lời tôi mà nói rằng:
– Bà nên biết, muốn cho một cuộc thủ hộ có hiệu quả, thì người ban phép phải có một mãnh lực để truyền ra. Người có mãnh lực ấy thiếu gì cách dùng đến nó. Nếu đức vua hẳn có cái mãnh lực ấy, ngài có cần chi quân lính để chống cự với binh Trung Hoa hoặc những bọn phản nghịch nào khác? Sao ngài không dùng nó mà đuổi giặc ra khỏi xứ Tây Tạng và bao bọc đất nước bằng một hàng rào vô hình mà chẳng ai có thể vượt qua? Đức vua Padmasambhva có được mãnh lực huyền bí ấy. Ngài đã về cảnh Cực Lạc rồi, nhưng hiện nay có ai thật tâm cần đến thì Ngài cũng còn truyền phép thủ hộ cho. Bần tăng tuy là kẻ học đạo tầm thường, song cũng...
Câu nói dứt ngang nửa chừng ấy như tỏ ra rằng ngài có đắc phép huyền bí nào đó. Vị thầy thông ngôn của tôi lấy làm khó chịu. Thầy rất kính mộ đức vua Dalai-Lama, song thầy cũng nể sợ vị sư lang thang này lắm.
Tôi định ra về. Nghe thầy trụ trì cho hay rằng vị sư ấy hôm sau sẽ ra đi, tôi bèn trao vài quan tiền cho thầy thông ngôn, nhờ đến cúng dường để ngài mua thức ăn đem theo đường. Ngài chẳng nhận, nói rằng đồ ăn còn rất nhiều, mang theo không hết. Thầy thông ngôn muốn nài ép, liền bước đến toan để tiền trên cái bàn thấp gần ngài. Bất chợt, thầy bước chưa được ba bước thì liền lảo đảo, thối lui và chạm mạnh lưng vào vách, dường như bị ai đẩy mạnh lắm vậy. Khi ấy, thầy kêu to lên và lấy tay ôm bụng. Vị sư đứng dậy và bước ra khỏi phòng, vừa đi vừa cằn nhằn.
Thầy thông ngôn nói với tôi rằng:
– Tôi bị vị sư ấy dùng phép thần thông mà đánh rất đau. Chắc là ngài giận tôi. Không biết có bề gì không.
Tôi phải an ủi thầy và khuyên giải rằng vì thầy xây xẩm mà tự té đó thôi, chứ vị sư kia đâu có thấy đánh đập gì. Tuy vậy nhưng thầy vẫn chưa an lòng...