Tôi theo thọ giáo với vị sư mà Hội đồng đã tuyển ra để dìu dắt tôi. Vị này thuộc phái Không môn, tức là phái Vô vi. Bậc tôn sư tùy căn cơ của đệ tử mà chỉ dạy, có khi là khẩu truyền, có khi là thâu vắn một bài kinh hay nói rộng ra, có lúc mật truyền chỉ một câu chú. Lại có khi thầy trò cùng ra nơi đồng xa rừng vắng mà truyền thọ một vài lý vô vi.
Nhờ tu học, tâm trí tôi biến đổi dần dần. Tôi nhập học với các bạn, chúng tôi học một môn mà thầy tôi thường gọi là Phật bi tâm. Vì ông hay đem cái đề này ra để cho chúng tôi tham thiền. Không tập huyền thuật, không luyện Du-già, chúng tôi tham thiền theo những đề mục trong kinh do tôn sư chỉ dạy. Giả như tham thiền với đề mục như sau:
“Ai nghĩ rằng: ‘Tôi là Phạm Thiên’, thì người đó trở thành Phạm Thiên. Đối với người ấy, các thần linh đều tuân lịnh và chẳng làm hại nổi, vì chư vị thần linh đều có cái bổn tánh, cái chân linh của đức Phạm Thiên... Còn ai thờ phụng thần linh với tâm niệm rằng: ‘Vị thần này cao trổi quá, còn tôi thì thấp hèn.’ Nói như vậy là không thông lẽ đạo. Kẻ thờ phụng thần linh có khác nào con vật được nuôi dưỡng cho mập để nạp thịt. Người thờ vị thần nào tức là nuôi dưỡng vị thần ấy. Thần linh không muốn cho người ta biết điều này: mất đi một người khổ hạnh thờ phụng, ấy cũng như mất hết một con vật trong đoàn để nạp thịt. Thần linh thật không muốn hao mất những kẻ nuôi mình, nạp lễ vật đặng cho mình hưởng.”
Tôn sư dần dần giảng rộng bài ấy ra cho chúng tôi nghe. Ông chỉ ra các hạng thần linh trong thế giới với những công năng và quyền hạn của mỗi vị. Nào là thần núi, thần lửa, thần đất đai, thần mùa màng, thần tinh tú, thần sông rạch, với những thần ưa phá hại người, nào là thần bổn mạng theo khuyến khích mấy vị tu hành. Lại cũng có những hung thần độc ác, thô trược, ham ăn thịt, uống huyết, khiến người ta sợ mà dâng nạp lễ cúng để tránh tai họa. Tôi được dạy cho sự rèn luyện để chế ngự thần linh, giữ mình thoát khỏi sự đè ép, trói buộc của họ.
Có khi, sau một ngày trì kinh, thầy tôi gọi tôi ra nơi vắng lặng mà đàm đạo. Chúng tôi lần bước xuống hòn núi nơi có cảnh đền Potala xây cất bên trên. Thầy tôi đem sự mầu nhiệm ngàn xưa mà giảng lại với tôi, nhất là những cuộc đời thanh cao của chư vị tổ sư đã thành đạo.
Lấy những gương của chư Phật, các vị hiền thánh, Lạt-ma đã thành đạo, thầy tôi vạch con đường để tôi noi theo: con đường giải thoát và an lạc. Tôi bắt đầu thực hiện những sự học hỏi từ trước tới nay và tôi có dịp mà chiêm nghiệm điều này: được gần bậc giác ngộ, dầu ai thô chướng cũng dần trở nên thanh cao, và vui chân mà bước tới cõi lành. Và gần bậc Lạt-ma thọ chánh truyền, ánh sáng trí tuệ chói lòa, thì kẻ đệ tử tự thấy mình cũng minh mẫn hơn đôi chút. Nương theo ánh sáng của thầy, chúng tôi tham thiền, thấu lý và tiến tới trên đường trí huệ.
Sau giai đoạn tu học của tôi ở thành Lhassa, tôi từ giã tôn sư. Ông ban phép lành cho tôi và đeo vào tay tôi hai chiếc nhẫn dính với nhau, dấu hiệu chứng nhận việc tôi đã được điểm Đạo truyền Pháp. Chắc là ông cũng có cảm động về sự thầy trò chia tay, song tôi thấy gương mặt ông vẫn giữ vẻ an nhiên. Hôm ra đi, tôi thấy hình sắc ông gầy hơn, lưng ông còm hơn, có vẻ như lụng thụng trong bộ áo cà-sa vàng. Tôi biết rằng cuộc phân ly này hẳn là lâu lắm. Trước bữa tôi ra đi, ông truyền dạy tôi rất kỹ và căn dặn đủ điều. Mới biết trên đường học đạo, tình nghĩa thầy trò cũng khắn khít mặn nồng biết bao!
Mặt trời hồng ban mai rọi xuống mấy nóc vàng ngôi đền Potala. Cảnh đô thị thánh địa vừa tỉnh giấc trong đám sương mù hơi xanh xanh. Tôi ngoảnh nhìn nó lần cuối cùng...
Tôi đi về hướng nam để đến ngôi chùa Phuta-Gumpa ẩn trên dãy núi Hy-mã-lạp sơn, miền đất linh diệu nhất. Đoàn lữ hành của chúng tôi khi thì trải qua những cánh đồng xanh dọc theo bờ sông Brahmapoutre, khi thì luồn vào những khoảng rừng rậm không khí nóng như lửa, có khi lại trèo lên những hòn núi tuyết mà chịu những cơn giông tố lạnh lùng. Có khi phải đi qua những động cát, đoàn bò bị lún rất nguy. Dầu vậy, chúng tôi vẫn có được những niềm vinh hạnh hân hoan: đến mỗi danh lam cổ tự, chúng tôi đều ghé lại để lễ Phật và thăm viếng chư vị Lạt-ma. Đó là những dịp để cho tôi thâm nhập, tìm hiểu thêm về phong tục của các nhà tu đang hành trì tại xứ sở bí ẩn này. Hẳn là không dễ có một nhà mạo hiểm nào có điều kiện để tìm đủ các tư liệu về chùa chiền và phong hóa đạo đức ở đây cho bằng tôi. Tôi có nhiều dịp tiếp xúc với lắm vị Lạt-ma tái sanh, các vị được xem như là Phật sống, thánh sống. Cuộc đời của các ngài đầy những sự huyền diệu anh linh! Tôi không quên vị thượng tọa chùa Chekhar-Dzong đã truyền pháp Mật tông cho tôi. Ngài cho tôi uống thứ nước cam lộ đựng trong một loại chén huyền bí của mấy vị sư thọ mật truyền.
Gần đến chùa Puta-Gumpa. Trong khi bầy thú của chúng tôi trơn trợt trèo lên những đường mòn trên tuyết, hai bên đầy những vực thẳm rất ghê rợn, tôi thấy ra một cảnh tượng làm cho tôi ngỡ đâu mình đang trong giấc chiêm bao. Quả thật, tôi chỉ mới tận mắt thấy cảnh này lần đầu. Lúc ấy là về đêm, theo vách đá tôi thấy có ánh sáng lạ thường, tôi thúc ngựa đến gần. Kinh khủng thay! Giữa cảnh tuyết phủ quanh năm, gió lạnh buốt thấu xương, mấy vị tu sĩ đang để mình trần ngồi yên nhập định.
Chỗ này có danh là nơi luyện đạo của Mật tông. Chúng tôi trông thấy cảnh tháp thờ đức thánh Milarespa, là bậc chân tu thành đạo nổi danh ở Tây Tạng. Đã nhiều thế kỷ nay, ảnh hưởng ngài vẫn còn thịnh hành. Ngài vừa tinh thông các giáo điều, kinh luận của Phật tổ, lại vừa ra sức tu trì bằng sự nhập định trên núi tuyết rất dày công...
Vừa đến phía dưới chùa Phuta-Gumpa, tôi đã thấy ngài thượng tọa chờ đón tôi. Ngài biết có tôi đến nên đi xuống đón từ hôm qua. Ngôi chùa của ngài bị phủ dưới tuyết, chẳng có ai bước chân tới, thế mà ngài biết trước ngày giờ tôi đến. Kể cũng lạ thật! Tôi trình lên ngài xem những ấn, nhẫn và mấy xâu chuỗi đạo, những vật chứng cho tâm nguyện tu học của tôi. Và tôi cũng bày tỏ rõ nguyện vọng của mình. Ngài nghiêng mình để nghe, đưa ra cái đầu đội mũ đỏ, vì ngài vốn thuộc phái thầy tu mũ áo đỏ. Kế đó, tôi lấy làm lạ mà nghe ngài hỏi han tôi. Những câu hỏi của ngài cho tôi biết rằng ngài đã biết rất rõ về lai lịch của tôi rồi.
Ngài dắt tôi vào viếng một ngôi tháp. Chúng tôi rẽ những dây leo sắn bìm mà bước vào. Nơi ngạch cửa có những cái cối quay cầu nguyện rất to và rất cổ xưa. Phía trong trang hoàng thật nguy nga, tráng lệ. Nơi chánh điện có tượng cốt của đức thánh Milarespa rất lớn, lớn hơn cả các tượng Phật trên điện.
Ngài thượng tọa vì mắc bận nơi chùa trên, nên giao việc tiếp đón tôi cho một vị sư. Ông này là một vị ẩn tu khổ hạnh đã từng ngồi đại định trên mấy đỉnh núi cheo leo. Hiện giờ, quả thật tôi chưa thể sống nổi như các ngài: chỉ ăn ít hạt cơm trong một tuần lễ. Tôi ngụ trong điện thờ đức Milarespa và vị sư ẩn tu thỉnh thoảng đưa tôi lên đỉnh núi mà nghe kinh với ngài thượng tọa. Trong khi lướt qua những quảng rừng sâu hoặc những cánh đồng cao có tuyết phủ, chúng tôi thường gặp nhiều bầy thú rừng. Song chúng chẳng hề sợ sệt. Dường như chúng rất an tâm đối với tâm từ bi của các vị tu hành.
Có khi ngài thượng tọa thân hành xuống viếng chúng tôi. Vị ẩn tu chào ngài rất kính cẩn và dâng lớ đãi ngài. Hai vị thường cùng tọa thiền nhập định hoặc chuyện vãn, đàm đạo với nhau.
Nơi cảnh núi cao tuyết phủ, lời giảng của bậc tôn sư có sức mạnh rất thâm sâu. Dưới chân ngài, tôi ngồi giờ này qua giờ kia, quên hết thời gian. Ngoài những khi nhập định, ngài thường nhắc cho tôi nghe sự tích của đức đại thánh Milarspa. Gương tu trì khổ hạnh và huyền pháp của đại thánh, tất cả chư tăng Tây Tạng đều nghe biết và ghi nhớ rất rõ ràng.
Ngài thượng tọa thường xưng tụng bài kệ này:
Ở trong biển khổ luân hồi,
Trong miền tam giới cảnh đời xuống lên.
Thân người mộng ảo hay quên,
Tham mê, ưa mến cho nên khổ đời.
Hỡi ai muốn được thảnh thơi,
Chớ ham no ấm, vui chơi tháng ngày.
Thoát ra thế tục phàm phu,
Ngồi thiền cho đạt công phu mới là.
Hoa sen trong trí chẳng xa,
Lửa trời sáng hực tỏa ra độ mình.
Ta nay ngồi tịnh non xanh,
Lấy lòng thanh bạch kính thành chư linh,
Thánh, thần, các vị sư huynh,
Các ngài mau khá bước lên Niết-bàn!