Tôi ở tu tại chùa Ramotché đã được nhiều tháng và có tiến bộ về huyền thuật. Mấy ông thầy tôi đều vừa lòng. Tuy tôi được vinh hạnh tu trì tại một ngôi chùa lớn của vua, nhưng mấy vị trưởng thượng trong đền Potala vẫn còn để tâm nghi ngờ, dò xét tôi mãi.
Một hôm, có lịnh đòi tôi vào đền để trình diện với Hội đồng mật nghị của nhà vua, gồm mười hai vị sư trưởng thượng, chưởng giáo phái Không môn. Khi viên tùy phái đem lịnh ấy đến, tôi hối hả mặc lễ phục Lagoi và theo chân viên tùy phái của hoàng thượng. Chúng tôi đi theo một trong hai con đường có trồng cây dẫn vào đền. Khi qua khỏi trường Y học, chúng tôi đi giữa hai bờ lan can của một cái thang to lớn và lần lên cảnh đền chói đỏ rực dưới ánh mặt trời. Đền này sáng lập bởi đức Phật sống thứ năm, mới trông qua thì hùng vĩ lắm. Tuy gọi là đền vua, nhưng thực sự bên trong có đủ cả các công trình xây dựng như chùa, điện thờ, doanh trại, chỗ vua ngự, trường học v.v... Trong đền, im lặng vô cùng, ấy là sự im lặng đặc biệt trong các ngôi chùa ở Á Đông. Không nghe thấy âm thanh gì cả, ngoài ra tiếng động của mấy cái cối quay cầu nguyện có dán những câu linh chú, có mấy vị sư ngồi canh chừng gần nơi bực thang. Mấy vị này cứ lầm thầm niệm kinh mãi.
Có lắm vị sư phương xa đến thành Lhassa chỉ để vào đền Potala nhặt vài ba mảnh đá xưa, gạch cũ và đem về xứ mà làm thánh tích.
Chúng tôi thấy mấy ông sư đi đi lại lại, chân bước rất đều, dáng vẻ nghiêm nghị, mặt cúi xuống, các ngài vừa đi vừa lần chuỗi mà niệm Phật.
Chúng tôi bước vào một cánh cửa nhỏ và thấp, cách chánh điện một quãng xa. Khi đi qua khỏi tòa nhà giống như một trại lính với những đồn canh tuần, những hang nhỏ hẹp, chúng tôi đến một cảnh xán lạn, rực rỡ vô cùng. Nơi đây chạm trổ đủ những thứ vàng, bạc và xà cừ. Nhiều dãy hành lang, nhiều phòng ốc chỉ thuần có một màu mà thôi: hoặc xám, hoặc vàng, hoặc xanh biếc. Nhất là màu xanh biếc trong đèn Potala thì đẹp vô song. Tôi nói với viên tùy phái xin dừng chân một chút để tôi xem cho rõ mọi thứ. Thật tưởng chừng như đang lạc bước lên cung điện bằng ngọc bích của đức Ngọc đế vậy!
Sau rốt chúng tôi cũng đến nơi. Một vị sư vào báo tin. Chúng tôi ngồi chờ phía trước tòa mật nghị. Vị sư trở lại và mời tôi vào. Khi tôi đi ngang mặt, ông dặn nhỏ vào tai tôi rằng: “Nhớ giữ lễ giáo Tây Tạng.”
Tôi dâng bức lụa chúc mừng và những lễ vật ra mắt chư vị trưởng thượng. Kế tôi quỳ lạy theo triều nghi ở đền Potala. Ban đầu vì cúi xuống, nhắm mắt và thốt lời cầu chúc nên tôi chẳng thấy gì. Song tôi nhận ra không khí thật là êm dịu lạ thường và tiếng nói của tôi dội ra, vang lại nghe rõ vô cùng. Sau cùng, tôi ngồi yên giữa tòa. Nhìn quanh, tôi thấy giống như đang ở giữa một giáo đường tròn trịa và không có cửa sổ. Vách tường sơn vàng, chói rực dưới những ánh đèn màu. Trên trần có vẽ đủ thập giới. Còn dưới gạch thì có họa những linh phù, những vòng phép rất phức tạp, có nhiều cái tôi chưa hiểu nổi. Quanh theo phòng, có một cái trường kỷ chất đầy gối. Trên trường kỷ, mười hai vị trưởng thượng đang ngồi kiểu kết già và chăm chú nhìn tôi. Mỗi vị đeo một thứ biểu chương và mặc một sắc phục riêng. Trước mặt mỗi vị có kê một cái ghế đẩu để giấy tờ sổ sách và bút mực. Các vị ngồi vòng theo hình bán nguyệt, vị Nghị trưởng ngồi giữa. Chính ngài khởi sự hỏi chuyện tôi trước:
“... Này con, chúng ta biết rõ đường đi nước bước của con. Song trước khi nhận con vào vòng huyền linh bí ẩn của chúng ta, chúng ta cần phải thấy cho rõ con, biết con và nghe con nói ...”
Tôi nhìn gương mặt mười hai vị trưởng thượng. Thảy đều giống với gương mặt của thầy cũ tôi, ông sư chức Umzè tại chùa Chumi-Jadsa. Cũng là sắc mặt thanh cao, tóc râu cạo sạch, sóng mũi ngay và dáng mặt theo dòng quí phái phương Đông. Cũng là một cách ngồi trầm tĩnh y như mấy lúc tọa thiền. Xem các ngài hệt như những cốt Phật bằng đá trong các ngôi đền. Các ngài có oai nghi nghiêm chỉnh, cao cả. Ấy là những bậc chưởng giáo có đủ quyền hành, ảnh hưởng lan ra đến cả muôn người.
Vị Nghị trưởng nhìn tôi và nói tiếp:
“Chúng ta cũng có biết chút ít về những giáo thuyết ở phương Tây. Chúng ta lấy làm lạ mà thấy con đến với chúng ta. Con đến để tìm sự an lạc và quang minh... Đó là điều tốt. Chúng ta tưởng cũng nên hỏi qua cho biết những sở học của con để tiện giúp con tu học thêm...”
Ngài Nghị trưởng nói mà chẳng ngừng nhìn vào tôi. Tôi kinh ngạc thay, vì ngài diễn tả rành mạch trọn cả quãng đời vừa qua của tôi, trưng bày những cuộc tra cứu, học hỏi của tôi! Ngài tả ra một cách rõ rệt, cho đến chính tôi cũng chẳng dám thốt ra với tôi như vậy nữa. Ngài tố trần một cách nghiêm khắc và không tư vị làm cho tôi phải sửng sốt. Ngài tách bạch cả tâm hồn tôi. Ngài biết hết tư tưởng tôi, các thâm ý, các sở vọng và chí nguyện sâu kín của tôi. Ngài đem tường thuật ra hết. Tôi đành chịu phục, chẳng hổ thẹn mà mong chối cãi. Vả lại, chư vị nơi đây thảy đều có bụng dạ thanh cao, từ hòa, thì tôi e ngại gì? Tôi thấy mình mạnh mẽ thêm và thanh thản hơn.
Kế đó, ngài Nghị trưởng thuật qua các sự suy tầm của tôi hồi còn ở Âu Châu. Ngài nêu tên những tác giả mà tôi đã đọc, những bực hiền triết mà tôi đã mộ danh và chịu ảnh hưởng. Ở trong phòng kỳ diệu này, tại thành Lhassa, nơi trung ương cõi Á Châu, mà nghe một nhà sư thốt ra những tên như Kant, Bergson, Freud... tưởng cũng thật lạ thường và khó tin lắm thay! Tôi nhận thấy một cái vực sâu giữa tư tưởng huyền linh và tư tưởng phàm thế, giữa Phật Thánh và loài người. Tôi thấy khác nhau một trời một vực giữa những cuộc tranh cãi của các giáo phái phương Tây với cuộc dung hòa tốt đẹp của phương Đông. Thì ra hai bên chẳng chung cùng nhau được. Những lý lẽ mà phương Tây vừa mới biện minh, phương Đông thẩm xét đã bao thế kỷ rồi! Những lý thuyết mới với những cuộc phát minh, sưu tầm ở Âu Tây, dẫu có tánh cách mạo hiểm đến đâu đi nữa cũng đều chất chứa trong mấy pho bản thảo ở nhà chùa. Chính tôi có thấu rõ nên mới công nhận sự huyền diệu của phương Đông...
Ngài Nghị trưởng đã thuật xong quãng đời đã qua của tôi. Trọn hai giờ đồng hồ cặp mắt ngài không lìa khỏi gương mặt tôi một giây phút nào, tôi bị ngài phân tách hầu như trọn vẹn. Kế đấy, ai nấy đều nín lặng. Mười hai vị trưởng thượng đồng nhắm mắt. Tôi lấy làm khó chịu mà đối diện với Hội đồng yên lặng này. Các ngài sẽ xử trí với tôi cách nào? Tôi rất ái ngại. Từ khi bước chân vào Nghị viện, tôi chỉ mới làm lễ các ngài, chớ chưa thốt ra lời. Thế mà các ngài còn biết tôi nhiều hơn chính tôi! Hẳn các ngài ở trong một cảnh giới mà tôi không có sức theo...
Bấy giờ, tôi nghe tiếng chuông ngân, tiếng chuông có sức ám ảnh lạ thường. Liền đó, tôi không thấy gì chung quanh tôi nữa. Tư tưởng tôi như chạy lạc hết. Tôi cảm thấy mình sợ sệt quá. Tiếng chuông càng trỗi thêm lên. Tôi không còn sức tự chủ, không còn nghe biết gì nữa. Dường như tôi sa vào vực thẳm, vào cõi không trung...
Sáng hôm sau, tôi thức dậy rất trễ và nghe nặng đầu. Tôi không hiểu cuộc thẩm vấn trong buổi mật nghị kết liễu ra thế nào. Ấy là sự bí mật mà không ai tỏ ra với tôi. Tôi chẳng biết gì về cuộc định đoạt của Hội đồng mười hai vị chưởng giáo. Sau rốt, người ta cho tôi hay rằng tôi được phép theo đuổi sự tu tập. Song tôi phải làm lễ tuyên thệ rằng tôi không bước chân ra khỏi xứ Tây Tạng nữa. Một vị trưởng lão Lạt-ma đáng tôn kính đem tin ấy đến tôi. Ông dạy thêm rằng:
“Bây giờ đây, con hãy còn thong thả mà trở về nước. Con có thể từ giã cõi đất linh thiêng này. Vì người ta mới truyền dạy cho con những điều ngụ ý, những lý luận huyền vi mà thôi, ấy là chỗ sơ khởi trên đường tu học. Chớ con chưa biết những sự bí ẩn oai linh, những sự quang minh vô lượng. Và Hội đồng chưởng giáo định rằng sẽ không truyền dạy thêm cho con nếu con chẳng nhập với chúng ta, hoàn toàn như chúng ta. Các ngài tuyển thầy đến dìu dắt con lên đường huyền linh, lên nẻo an lạc của chư Phật. Cho nên thầy đứng làm trung gian giữa ban Mật nghị của đức vua Dalai-Lama với con... Bây gờ con nên suy nghĩ. Và chiều nay, lúc trời chạng vạng, con sẽ cho thầy biết sở định của con...”
Kế đó, trưởng lão mỉm cười và nhẹ nhàng lui gót vào trong bóng tối nơi cảnh hoàng cung linh diệu. Đã lâu rồi, tôi luống đợi cái giờ phút này. Tôi đã từng bị ngờ vực, xa lánh, trong những khi tôi nương mình trong mấy cảnh am mây trên núi tuyết! Song tôi tự nhủ cho là có hân hạnh lắm, có chư Phật phò trì nên bước đường tu học của tôi mới mau lẹ như thế này...
Tôi biết rằng cam đoan rồi thì trọn đời tôi sẽ phải ở lại Tây Tạng, vì là lịnh vua luật nước và còn là một tâm nguyện thiêng liêng nữa.
Vậy thì có nên dành cả cuộc đời cho sự tu học về tinh thần chăng? Nhưng nghĩ đến sự trở về với những thành thị đông đúc, đầy khói, sa mù, trở về với những đám người tranh đấu, những dân tộc hỗn chiến, trở về nơi bùn lầy bẩn chật của thế tục, tôi tự hỏi: để mà làm gì? Thấy lại cuộc hung ác, tàn bạo, cuộc khổ lụy để mà làm gì? Dự vào những cuộc bất công, cuộc chém giết mà mình chẳng có phương cứu chữa, để mà làm gì?
Khi những tia sáng cuối ngày vàng vàng tím tím của cảnh tà dương chói trên mấy nóc đền vàng, cánh cửa bật ra để cho vị trưởng lão bước vào, có lẽ để nhận câu trả lời của tôi. Tôi bèn nhập định theo cách Phật ngồi thiền xả bỏ cuộc đời, vị Lạt-ma hiểu ý. Ông gật đầu và ngồi lặng yên bên tôi một lúc. Bóng hoàng hôn tràn ngập cả căn phòng. Xa xa, các ngôi chùa vọng đến tiếng chuông, dường như kêu gọi hết thảy thế nhân nhập vòng tịnh niệm.