Quan sát kỹ các loại đồ dùng để chứa đựng, [nếu có chứa nước thì] vào những tháng mùa hạ đều có nhiều loài trùng rất nhỏ sống trong đó. Một khi ngọn gió bấc sang mùa vừa thổi đến thì tất cả đều bỏ mạng, không thể sống qua đến tiết đông lạnh giá. Tuy nhiên, đang khi vẫn còn được sống thì chúng cũng biết tham sống sợ chết chẳng khác chi con người, nên đừng cho rằng việc bảo vệ mạng sống những sinh vật nhỏ nhoi ấy chẳng có công đức gì. Nên biết, tuy thân hình lớn nhỏ có khác nhau, nhưng sự tri giác, cảm nhận của vạn loại sinh linh đều không khác.
- Hết thảy các loại lu, hũ, vò chứa để ngoài sân, nếu không dùng đến đều nên úp xuống để chúng không tích chứa nước bên trong, sinh ra thủy trùng.
- Trong bếp thường có nhiều kiến là do mùi hôi tanh của thức ăn mời gọi chúng đến. Nên dặn dò những người làm bếp phải luôn giữ cho nhà bếp thật sạch sẽ, đó là cách để tránh được việc giết kiến.
- Các loại chén bát, mâm, nồi, chão... từng chứa qua dầu mỡ hoặc thức ăn tanh, không nên để ở những nơi thấp.
- Khi cất rượu, người thợ thường dùng nước sôi tráng rửa vò rượu. Nếu thấy trong vò có tích nước, chắc chắn có thủy trùng, nên nghiêng đổ nước ấy vào sông, hồ trước khi cho nước sôi vào rửa vò. Nếu có những con nhện nhỏ sống trong vò, nên bắt chúng thả ra bên ngoài.
- Loài muỗi rất ưa thích mùi rượu, thường chết chìm trong những nơi chứa rượu. Vì thế, các vò, hũ, bình đựng rượu đều nên đậy kỹ.
- Nước nóng, nước sôi không được đổ bừa lên những chỗ đất có côn trùng sinh sống hoặc bụi cỏ xanh tốt rậm rạp.
- Trước khi pha trà, nên mang những bồn đồng, chậu gỗ... dùng trong việc pha trà rửa trong nước hồ, sau đó hãy cho nước sôi vào pha trà.
- Vào mùa hè, trên mặt than củi thường có nhiều loại trùng nhỏ sinh sống, nên mang ra phơi nắng [để chúng tránh đi] trước khi cho vào lò đốt.
- Múc nước cho vào vò để cất rượu, tốt nhất nên dùng bát sứ màu trắng sạch.
- Lần đầu tiên chứa nước mưa vào lu, vại... nên cho vào một ít than sạch đang cháy đỏ, như vậy sẽ không sinh trùng. Nếu đã lỡ sinh trùng rồi thì nên dùng một khăn lụa mỏng bọc quanh bên ngoài giỏ tre rồi nhẹ nhàng đặt giỏ vào nước, lấy nước bên trong giỏ ấy mà dùng sẽ không có trùng, cứu được lũ trùng không bị mang đi nấu nước pha trà.
- Nước trong lu, vại... nếu có mùi hôi không thể dùng pha trà, gặp nơi sông, suối đều xa, đi lại không tiện, nên dùng giỏ tre bọc vải lụa mỏng chung quanh để lọc nước sẽ giảm thiểu được trùng trong nước, không phải vất vả ra sông ngay. Nếu làm thế vẫn không được, nên cho nước ấy vào một cái vại riêng rồi để mặc cho trùng sinh sống trong đó.
- Các lu, vại chứa nước đã sinh trùng nhiều trong đó, nên đậy kỹ không cho nước mưa từ mái nhà chảy vào, vì sợ khi mưa lớn nước tràn, thủy trùng bị cuốn theo ra ngoài sẽ chết.
- Hộp thiếc, bình sứ... nếu trước đây từng dùng chứa các loại thức ăn, mùi vị chưa thể mất hết, vào mùa nắng nóng ắt phát sinh các loại trùng nhỏ, nên khi dùng không được rót nước sôi vào ngay, [nên rửa qua trước bằng nước lạnh].
- Bình hoa, chén nước... đặt trên bàn, chỉ cần để qua vài hôm trong mùa nắng nóng là đã sinh trùng trong nước, vì thế không được mang đổ bừa ra đất.
- Đèn lửa thắp trong mùa hè thường có rất nhiều loại bướm đêm, thiêu thân bay vào chết, nên làm một cái giá gỗ nhỏ có khung bao quanh đèn, dùng lụa cực mỏng phủ kín lại. Nếu không, có thể dùng một chụp đồng mỏng có lỗ thông khí che kín phía trên đèn.
- Khi chế tạo các vật dụng, đồ chứa bằng tre trúc, cây gỗ, nên dùng các loại xuyên tiêu, lưu hoàng cho vào nước đun lên luộc qua, sẽ tránh không bị mọt ăn vào trong.
- Cán bút dùng vải xanh bọc kín sẽ không bị mọt ăn.
- Các loại áo, mũ bằng lông cừu, lông chồn, chỉ cần treo ở nơi thoáng gió, không gần chỗ có phấn hoa dương liễu, không gần chỗ chứa lúa gạo, thì không bị mọt ăn.
- Áo dạ dùng sinh dụ xát vào sẽ không bị mọt ăn.
- Các loại tre, trúc, cây gỗ, nếu muốn ngâm vào nước sông để tẩy rửa thì trước hết phải quan sát làm sạch những con vật nhỏ đang bám vào chúng. Khi ngâm dưới sông cũng không nên để qua đêm.
- Các vật dụng, đồ chứa sau khi ngâm rửa xong [phải úp xuống cho khô ráo,] không được chứa đầy nước sông bên trong.