Con người vốn đã quý tiếc mạng sống, khiếp sợ cái chết, thì theo lý phải hiểu rõ được cái khuynh hướng “tránh nguy tìm an” giống nhau ở muôn loài. Chúng ta với loài vật đều cùng thọ nhận khí tiết của trời đất. Nếu ta biết thương yêu vạn vật do trời đất sinh ra, thì trời đất ắt cũng thương yêu sự sống của ta. Nếu ta mong muốn cho loài vật được sống, thì loài vật cũng sẽ mong cho ta được sống.
Người đời nay từ thiếu thời cho đến trưởng thành, từ trưởng thành cho đến già nua, không có giai đoạn nào là không giết hại loài vật.
Ngay khi con vừa ra khỏi bụng mẹ, cả nhà liền cho đó là việc rất vui mà giết vật để ăn mừng. Không bao lâu vừa đầy tháng tuổi, lại vì ăn mừng nên giết vật. Đến lúc thôi nôi lại cũng giết vật ăn mừng. Lớn lên, mời thầy dạy học cũng giết vật đãi đằng. Đến khi bàn việc hôn nhân, từ lúc thăm nhà cho đến lễ cưới, bao nhiêu nghi lễ cũng đều giết vật đãi đằng. Huống chi đến lúc con sinh ra cháu, rồi cháu cũng đầy tháng, thôi nôi, cũng mời thầy dạy học, cũng lo việc hôn nhân... cứ thế tiếp nối không lúc nào không có duyên cớ để giết hại vật mạng.
Người sinh con gái thì lúc gả chồng cũng không khỏi giết hại vật mạng. Kẻ tin tà thuyết thì cúng tế quỷ thần ắt phải giết hại vật mạng. Người có lòng hiếu khách, chiêu đãi ắt phải giết vật. Người nhiều bệnh [cần tẩm bổ] cũng như kẻ tham ăn, đều vì miếng ngon vào miệng mình mà giết hại vật mạng. Lại thêm những lúc đi đường không khỏi vô ý giẫm đạp côn trùng, hoặc trong khi làm nghề nghiệp kiếm sống cũng có lúc không tránh khỏi làm tổn hại mạng sống muôn loài, cho đến những trường hợp thấy người khác giết hại mà vui mừng theo, hoặc ngợi khen khuyến khích...
Gộp lại trong một đời, những sinh mạng bị ta giết chết ắt phải có đến hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn... Dựa vào những điều ấy mà cầu được trường thọ, liệu có thể được chăng?
Xin rộng khuyên hết thảy người đời, nếu muốn được tăng thêm tuổi thọ, trước hết phải giữ giới không giết hại. Giới sát đã giữ trọn thì tự nhiên chắc chắn sẽ được tăng thêm tuổi thọ.
Cứu kiến được tăng tuổi thọ
Thuở xưa có một vị tỳ-kheo đã chứng đắc lục thần thông, cùng sống với một chú sa-di. Ngài nhập định quán xét thấy chú sa-di ấy chỉ trong bảy ngày nữa ắt phải chết, liền bảo chú về quê thăm cha mẹ, đến ngày thứ tám hãy trở lại chùa, ý muốn cho chú sa-di ấy được chết tại quê nhà.
Không ngờ đúng ngày thứ tám chú sa-di vẫn còn sống trở lại chùa.
Vị tỳ-kheo liền nhập định quán sát nguyên do, mới biết chú sa-di lúc đang trên đường về quê bỗng gặp một tổ kiến sắp bị nước dâng tràn vào, lập tức cởi áo cà-sa đắp chặn xung quanh để cứu, nhờ đó mà cả đàn kiến được thoát chết. Nhờ việc này mà chú sa-di chẳng những không chết yểu, về sau lại sống thọ đến 80 tuổi, chứng quả A-la-hán.
LỜI BÀN
Trong kinh dạy rằng: “Người không giết hại thì được quả báo sống lâu.” Xem như câu chuyện của chú sa-di này thì càng tin sâu lời ấy.
Cứu cá được thoát tội
Vào đời Đường, ở quận Ngụy Châu có người tên Mã Gia Vận. Vào mùa xuân niên hiệu Trinh Quán năm thứ sáu, Mã Gia Vận bỗng nhiên nhìn thấy có hai người cưỡi ngựa đến đón mình, ngay khi đó liền ngã lăn ra chết. Khi ấy, Gia Vận thấy mình được đưa đến gặp chủ nhân của bọn họ, tức là Đông Hải Công. Vị này có ý mời ông giữ chức quan Ký thất. Mã Gia Vận từ chối, viện lẽ mình học vấn kém cỏi. Đông Hải Công cố nài ép, ông liền tiến cử một văn sĩ là Trần Tử Lương thay mình. Mã Gia Vận sau đó liền được sống lại, còn Trần Tử Lương đột nhiên ngã lăn ra chết.
Một hôm, Mã Gia Vận cùng đi với một người bạn, bỗng nhiên nhìn lên không trung dáng vẻ kinh sợ. Người bạn thấy vậy gạn hỏi, ông liền nói: “Tôi nhìn thấy sứ giả của Đông Hải Công đang đến Ích Châu bắt người. Sứ giả bảo tôi rằng Trần Tử Lương đã hết lời tố cáo anh, nên xem ra anh đã gần như không thể thoát tội. Nhưng trước đây khi ở đất Thục, anh có lần nhìn thấy cá trong hồ sắp bị bắt giết liền bỏ ra mười tấm lụa để cứu chúng. Nhờ việc ấy nên vừa rồi anh không bị bắt.”
Về sau, Mã Gia Vận làm thầy dạy học trong trường Quốc tử giám cho đến cuối đời.
LỜI BÀN
Khi vua Đường Thái Tông ngự tại cung Cửu Thành có nghe biết việc này, liền sai quan Thị lang Sầm Văn Bản đến hỏi, nhờ đó mới biết rõ.
Sắp chết được tăng tuổi thọ
Ở Hoa Đình có người tên Triệu Tố, một hôm đến Thanh Phố để thăm bà con, bỗng nhìn thấy người nô bộc đã chết của mình đứng trên thuyền. Ông kinh sợ, đến hỏi, người ấy nói: “Tôi hiện là nha dịch của âm ty, hôm nay đến đây để bắt 3 người. Một người ở Hồ Quảng, một người nữa là người bà con mà ông đi thăm đó.” Hỏi thêm về người thứ ba, ông ta im lặng không đáp, Triệu Tố có ý ngờ người thứ ba là mình.
Tiếp đó vừa đến nhà người bà con thì từ xa đã nghe tiếng than khóc. Họ Triệu kinh hãi, lập tức quay trở về. Trên đường lại gặp người nô bộc cũ, nói: “Ông đừng sợ, nếu đêm nay mà tôi không đến thì ông được thoát rồi.” Triệu Tố gạn hỏi nguyên nhân, người ấy đáp: “Vì trên đường đi tôi có gặp một người vì ông biện giải, nói rằng cả nhà ông đều giữ giới không giết hại.”
Đến tối, quả nhiên vẫn không thấy người ấy đến, Triệu Tố được bình an vô sự.
LỜI BÀN
Đó chính là [nhờ giữ giới không giết hại mà] được thần linh bảo vệ.
Tiết chế ăn uống được tăng tuổi thọ
Có vị quan tự thừa là Tiêu Chấn, thuở nhỏ một hôm nằm mộng thấy có người đến bảo rằng: “Ông chỉ sống đến năm mười tám tuổi.”
Khi cha ông được bổ làm chủ soái đất Thục, ông đi theo đến nhậm chức. Quan địa phương mở đại tiệc mừng chủ soái đến nhậm chức, ông cũng theo cha đến dự, tình cờ đi ngang nhà bếp thấy ở đó đang buộc một con bò sữa, liền gạn hỏi. Người nhà bếp thưa rằng: “Theo lệ ở vùng này thì sau khi chiêu đãi qua ba tuần rượu sẽ dâng món ‘đũa ngọc’. Cách làm món này là dùng đũa sắt đốt nóng đỏ rồi đâm xuyên qua vú bò sữa, sữa bò chảy ra đọng lại trên đôi đũa thành món ăn mùi vị rất ngon.”
Ông nghe qua kinh hãi, gấp rút đến trình với cha. Cha ông yêu cầu nhà bếp mang thực đơn lên xem trước, thấy đúng như vậy liền truyền bãi bỏ và hạ lệnh vĩnh viễn cấm hẳn món ăn tàn khốc này.
Năm ấy, Tiêu Chấn vừa được mười bảy tuổi, lại nằm mộng thấy có vị thần đến bảo: “Ông có âm đức lớn, chẳng những được khỏi chết yểu mà còn có thể được sống lâu.” Về sau, quả nhiên Tiêu Chấn sống đến hơn chín mươi tuổi.
LỜI BÀN
Từ một món ăn mà có thể [khởi tâm từ bi] được tăng tuổi thọ, cũng từ một món ăn ấy [nếu không có tâm từ] ắt phải giảm tuổi thọ!